Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:

Một Dấu Chỉ Thời Đại

 

Hướng về vị đại diện 262 của Chúa Kitô trên trần gian

kỷ niệm 20 năm (1978-1998) Ngài chăn dắt Giáo Hội.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL 

 

   

 

Báo chí và sách vở đã viết rất nhiều về vị đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Chẳng hạn như tờ nguyệt san The Catholic World Report ở San Francisco, tiểu bang California, Hoa Kỳ, đã phát hành số tháng 10-1993 mang phụ đề “Fifteen Years on Peter’s Throne” để kỷ niệm ngài “15 Năm Trên Ngai Tòa Phêrô”; tờ Time, một tuần san quốc tế, ở Nữu Ưùơc, tiểu bang Nữu Ứơc, Hoa Kỳ, số phát hành giao niên 26/12/1994-2/1/1995 mang tựa đề “Man of The Year” để nói về ngài như một “Con Người Nổi Nhất Trong Năm”; tờ 30 Days, một nguyệt san Công Giáo quốc tế viết bằng 6 thứ tiếng, số phát hành thứ 11 năm 1996 mang tựa đề “Wojtyla, a Symbol between Mystics and Politics” để nhìn ngắm ngài như một con người mang tên “Wojtyla, một Biểu Hiệu giữa Thần Bí và Chính Trị”; tờ nguyệt san Crisis ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, chuyên về chính trị, văn hóa và Giáo Hội, số tháng 11-1997 mang tựa đề “John Paul The Great” để mừng kỷ niệm kim khánh 50 năm linh mục của một vị mà họ gọi là “Đại Gioan Phaolô”; và tờ nguyệt san Công Giáo Inside the Vatican ở New Hope, tiểu bang Kentuckey, Hoa Kỳ, nổi tiếng nhất hiện nay trong thành phần độc giả Anh ngữ trên thế giới, số tháng 10-1998 mang tựa đề “Three New Challenges” (1978-1998, John Paul II 20th Anniversary Issue) để kỷ niệm ngài 20 năm làm giáo hoàng phải đương đầu với “Ba Thách Đố Mới”. Thế nhưng,  nguồn gốc của tất cả những gì vĩ đại và trổi vượt, được các báo chí trên đây trình thuật và khen tặng, về con người, tư tưởng cũng như hoạt động, nơi vị đương kim giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo Rôma lãnh đạo cả tỉ tín hữu trong thời điểm “văn hóa chết chóc” này là gì, nếu không phải ở tại “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Một Dấu Chỉ Thời Đại”.

                Đúng thế, căn cứ vào những gì đã xẩy ra trong thời giáo triều 20 năm qua của ngài, người viết có thể nói “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Một Dấu Chỉ Thời Đại” cho việc sụp đổ của Cộng Sản và cho việc xây dựng vương quốc Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại, “Redemptor Hominis”.

 

 

“Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Một Dấu Chỉ Thời Đại”

cho việc sụp đổ của Cộng Sản.

 

 

N

ếu qủa thật “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là Một Dấu Chỉ Thời Đại”, mà đã nói đến “dấu chỉ thời đại” (Mt.16:3) là nói đến những gì liên quan tới thiên mệnh, thì chắc hẳn nguồn gốc của vị giáo hoàng này phải có một cái gì rất “huyền nhiệm”. Đúng thế, theo cuốn “All Saints”, do Robert Ellsberg biên soạn, được The Crossroad Publishing Company ở New York xuất bản năm 1997, trang 415, thì ngay vào năm 1947, sau khi giải tội cho vị linh mục trẻ là Karol Wojtyla, Cha Piô Năm Dấu (1887-1968) đã nói vị linh mục này một mai sẽ làm giáo hoàng. Qủa nhiên, có ai ngờ rằng, 31 năm sau, vị linh mục trẻ ấy đã được bầu lên làm giáo hoàng vào ngày 16-10-1978 và đã chính thức đăng quang giáo hoàng ngày 22-10-1978, một vị giáo hoàng không phải người Ý sau 455 năm, kể từ năm 1523, lại là một vị giáo hoàng đến từ một nước Cộng Sản thuộc khối Đông Aâu. Việc tiên đoán của một vị linh mục thánh thiện và lạ lùng như Cha Piô Năm Dấu này không phải không có thể xẩy ra. Tuy nhiên, ngay từ thời Cộng Sản còn đang lên, Cha Piô Năm Dấu làm sao lại có thể tiên đoán và dám khẳng định như thế, nếu không phải ngài được ơn linh ứng về một con người đặc biệt của Thiên Chúa.

                Nếu lời tiên đoán của Cha Piô Năm Dấu được sách vở ghi lại có thể bị hoài nghi, thì còn có lời tiên đoán xa xa của Thánh Mộng-Phố (Grignion de Montfort: 1673-1716) về lòng sùng kính Thánh Mẫu liên quan đến vận mạng của vị giáo hoàng này sau đây. Trong cuốn “Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria”, đoạn 114, thánh nhân đã tiên đoán trước, chẳng những về số phận của cuốn sách bị dấu kín (126 năm, từ khi thánh nhân qua đời năm 1716 cho đến năm 1842 mới bất ngờ tìm thấy) này, mà còn về số phận của cả những ai đọc rồi thi hành nó nữa: “Tôi rõ ràng thấy trước được rằng những con dã thú hung dữ sẽ xuất hiện để cắn xé tập sách nhỏ này bằng nanh vuốt qủi quyệt của chúng…, hay ít nhất cũng dấu nó đi trong bóng tối kín đáo ở một cái hòm đựng. Chúng cũng tấn công và bách hại cả những ai sẽ đọc nó và mang nó ra thực hành”. 

                Trước hết, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II không phải là người đã đọc và thực hành việc thành thực sùng kính Mẹ Maria như Thánh Mộng-Phố viết là gì, như chính ngài đã tự thú trong cuốn “Gift and Mystery” ngài viết để kỷ niệm 50 năm lãnh nhận Thiên Chức Linh Mục là “Tặng Ân và Huyền Nhiệm” của mình: “Nguồn gốc của khẩu hiệu ‘Totus Tuus’ là thế này. Thành ngữ ấy do Thánh Louis Marie Grignion de Montfort mà có.  Nó là một tóm gọn của cả mẫu kinh dâng mình cho Mẹ Thiên Chúa như thế này: Totus tuus ego sum et omnia mea Tua sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi cor Tuum, Maria. Thế là nhờ Thánh Louis, Tôi bắt đầu khám phá ra sự phong phú trong việc tôn sùng Mẹ Maria theo một nhãn quan mới”.  Sau nữa, vị giáo hoàng mang khẩu hiệu “totus tuus” biệt tôn Mẹ theo tinh thần và đường hướng cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria này đã không bị “tấn công” là gì, tại ngay Công Trường Thánh Phêrô, vào ngày 13-5-1981, nhằm đúng ngày kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra lần đầu tiên tại Fatima trước đó 64 năm.

                Thế nhưng, dù viên đạn được tên thiện sát thủ đứng cách ngài rất gần, (khoảng bằng ba sải tay người lớn, như một nhân chứng tại cuộc bấy giờ cho người viết này biết), bắn vào gần sát tim, (như kết quả giải phẫu cho thấy chỉ cách độ một đốt ngón tay), ngài vẫn không chết, trái lại, chính nhờ viên đạn đụng đến xác thể cá nhân của ngài vào ngày Mẹ Fatima mà sau đó ngài đã thực hiện điều Mẹ yêu cầu ở Fatima ngày 13/7/1917, điều yêu cầu mà sau đó Mẹ cũng đã nhắc nhở chị Lucia ngày 13/6/1929, (thời điểm Stalin hết sức sắt máu bắt đầu chiếm quyền thay thế Lenin ở Nga Sô), về việc: “Đã đến lúc Đức Thánh Cha phải hợp cùng với hàng giáo phẩm thế giới hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Thiên Chúa hứa sẽ làm cho nước Nga trở lại bằng cách này“.

                Chị Lucia đã viết thư đệ trình Đức Thánh Cha Piô XII ngày 24-10-1940 về điều yêu cầu này của Mẹ Maria. Tuy nhiên, các lần hiến dâng của Đức Thánh Cha Piô XII vào ngày 31-10-1942 và 7-7-1952, cũng như lần của Đức Thánh Cha Phaolô VI ngày 21-11-1964 tại Công Đồng Chung Vaticanô II, dịp ban bố Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, trước sự hiện diện của trên hai ngàn vị giám mục, và lần của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 13-5-1982 tại Fatima, dịp ngài sang tạ ơn Mẹ đã cứu sống ngài đúng một năm trước, đều chưa đúng như cách Thiên Chúa muốn. Mãi cho đến khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hiệp với hàng giáo phẩm trên thế giới tái hiến dâng tại nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria tại chính Giáo đô Rôma ngày 25-3-1984, điều yêu cầu của Mẹ Fatima mới hoàn toàn được thỏa đáng. Từ đó, thế giới đã bắt đầu thấy có những biến động không nhỏ xẩy ra nơi thế giới cộng sản Liên Bang Sô Viết và Đông Âu, sau khi Gorbachev xuất hiện năm 1985, với chính sách Glasnot (cởi mở) và Perestroika (cải tổ).

                Tuy nhiên, ngay trước khi khối Cộng Sản Đông Aâu bắt đầu theo nhau sụp đổ một cách bất ngờ và tức tưởi ngoài dự tưởng của chính trị gia hay kinh tế gia lỗi lạc nhất thế giới, khởi đi từ chính quê hương Ba-Lan của vị đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 19-8-1989, thì chị Lucia đã chính thức lên tiếng tuyên bố vào ngày 1-8-1989 như sau: “Chúa chúng ta đã chấp nhận việc hiệp dâng năm 1984”, cũng trong ngày này, chị còn lập lại câu chị trả lời vị Sứ Thần Tòa Thánh ở Lisbon là “Vâng, giờ đây nước Nga đã được hiến dâng… Thiên Chúa sẽ giữ lời của Ngài”. Những lời của chị Lucia khẳng định ngay trước Biến Cố Đông Âu xẩy ra này được tờ Tam Cá Nguyệt San Fatima Family Messenger ở New Hope, tiểu bang Kentuckey, Hoa Kỳ, số tháng 10-12/1989, (trang 7 và 9), ghi nhận và phổ biến, là bằng chứng cho thấy việc tự động giải thể của khối Cộng Sản Đông Aâu hoàn toàn do việc can thiệp lạ lùng của Nữ Vương Toàn Thắng Mân Côi Fatima.

                Về mặt chính trị xã hội, trong nguyệt san The Catholic World Report, 10/1993, trang 45-46, chính Gorbachev, lãnh tụ cuối cùng của đảng Công Sản Liên Sô, và Lech Walesa, chủ tịch Công Đoàn Liên Kết Ba-Lan chống cộng cũng là vị tổng thống đầu tiên thời hậu Cộng Sản, đã phải công nhận vai trò then chốt của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong riêng Biến Cố Đông Aâu và của chung lịch sử Aâu Châu hiện đại này như sau. Gorbachev cảm nhận: “Tôi xin nói rằng mọi sự ở Đông Aâu không thể nào xẩy ra nếu thiếu vị giáo hoàng này, thiếu tư tưởng của ngài – kể cả tư tưởng chính trị – và thiếu việc ngài nắm vững tình hình thế giới. Một cuộc thay đổi tận gốc rễ đã thực hiện nơi lịch sử Châu Âu, và Gioan Phaolô đã đóng một vai trò quyết liệt”. Walesa cũng xác nhận: “Năm 1979, Đức Giáo Hoàng đã nói ở Balan: ‘Không thể nào có một Châu Aâu chân chính mà lại không có một Balan tự do’. Ngày nay đây, Aâu Châu đã trở thành các quốc gia tự do, tôi nghĩ rằng nhiều người tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban Gioan Phaolô II cho thế giới”.

                Về phương diện cá nhân, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lại qui mọi sự thay đổi phi thường ngoài sức tự nhiên, cả trong lãnh vực quyền lực chính trị, kinh tế và quân sự này về cho Mẹ Fatima, như ngài đã không ngần ngại tỏ ra cảm nhận thần linh của mình trong cuốn “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” của ngài, khi trả lời cho vấn đề “Thiên Chúa có nhúng tay vào việc sụp đổ của Cộng Sản hay không?” thế này: “Chúng ta nói thế nào về ba trẻ ở Fatima là những người, ngay trước cuộc bùng nổ Cách Mạng Tháng Mười, bỗng nhiên nghe thấy rằng: ‘Nước Nga sẽ trở lại’ và ‘Cuối cùng Trái Tim Mẹ sẽ thắng’…? Chúng không thể nào tạo tĩnh ra được những tiên đoán này. Chúng không đủ hiểu biết về lịch sử hay địa dư, lại càng mù tịt về các biến động trong xã hội cũng như các phát triển về ý thức hệ. Thế mà, việc đã xẩy ra đúng như lời chúng nói. Có lẽ đó là lý do tại sao… cần phải có một cuộc ám sát ở Công Trường Thánh Phêrô vào đúng ngày 13-5-1981, ngày kỷ niệm lần hiện ra thứ nhất ở Fatima…”.

                Như thế, qủa thật “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Một Dấu Chỉ Thời Đại” cho việc sụp đổ của Cộng Sản. Hiện nay lịch sử cũng đang chứng kiến những dấu hiệu Glasnot (cởi mở) và Perestroika (cải tổ) rõ ràng đang từ từ diễn ra tại khối Cộng Sản ngoài Đông Aâu và Liên Bang Sô Viết, khởi đầu từ Cuba sau chuyến viếng thăm mục vụ thứ  81 ngoài nước Ý của ngài ngày 21-25/1/1998 đầu năm nay.

 

 

“Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Một Dấu Chỉ Thời Đại”

 cho việc xây dựng vương quốc Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại

 

 

N

ếu “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Một Dấu Chỉ Thời Đại” cho việc sụp đổ của Cộng Sản có liên quan đến lời tiên báo của Cha Piô Năm Dấu, nhất là lời tiên báo xa xa của Thánh Mộng-Phố, thì “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Một Dấu Chỉ Thời Đại” cho việc xây dựng vương quốc Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại lại càng có lời tiên báo rõ ràng hơn nữa. Đó là lời báo trước của chính Chúa Giêsu cho riêng nữ tu M. Faustina Kowalska (1905-1938), một nữ tu người Balan, thuộc tu hội Chị Em Đức Mẹ Thương Xót, được chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 18-4-1993. Trong cuốn “Divine Mercy in My Soul Diary” của chị nữ tu này, bắt đầu viết từ ngày 28-7-1934, được giáo quyền Krakow ở Ba-Lan cho phép in ấn bằng tiếng Balan ngày 18-4-1979, bản Anh ngữ do Marian Helpers Press ở Massachusetts xuất bản năm 1987, số 1732, trang 612, có đoạn nhật ký như sau: “Khi đang cầu nguyện cho Balan thì tôi nghe thấy những lời này: ‘Cha dành cho Balan một tình yêu đặc biệt, nếu Balan tuân theo ý muốn của Cha, Cha sẽ nâng nó lên trong thế lực và thánh đức. Từ nó sẽ vọt lên một tia sáng để sửa dọn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha” - “As I was praying for Poland, I heard the words: I bear a special love for Poland, and if she will be obedient to My will, I will exalt her in might and holiness. From her will come forth the spark that will prepare the world for My final coming”.

                “Một tia sáng” vọt lên từ Ba-Lan đây là gì, nếu không phải là chính vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II? Bởi vì, nếu tia sáng vọt lên từ Balan có mục đích là “để sửa dọn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha”, thì qủa nhiên có sự trùng hợp với lời khai triều giáo hoàng của ngài trong Thánh Lễ Đăng Quang ngày 22-10-1979: “Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”, “Đấng Cứu Tinh Nhân Loại”. Đúng thế, bức thông điệp đầu tiên khai triều của ngài cũng là hoạt trình cho cả giáo triều của ngài mang tựa đề “Redemptor Hominis”, ban hành Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, ngày 4 tháng 3 năm 1979. Ngay trong câu mở đầu, ngài đã tuyên xưng: “Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc của nhân loại, là trung tâm của vũ trụ và của lịch sử”, có nghĩa là tất cả phải hướng đến và qui về Chúa Giêsu Kitô. Cũng ngay trong đoạn mở đầu này, ngài còn đề cập đến việc “chúng ta, một cách nào đó, đang ở vào một Mùa Vọng mới, một mùa đợi trông”.

                “Đợi trông” ai, nếu không phải “Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc của nhân loại”. Thế nhưng, “Đấng Cứu Chuộc của con người” đã đến rồi và đã cứu chuộc con người rồi còn đợi trông gì nữa, nếu không phải đợi trông Người đến lần thứ hai. Vậy bao giờ “Đấng Cứu Chuộc của con người” đến lần thứ hai, không ai biết, kể cả chính vị giáo hoàng có liên hệ đến các lời tiên báo trên đây. Tuy nhiên, tại Lebanon, trong bài giảng cho Thánh Lễ Chúa Nhật ngày 11 tháng 5 năm 1997, vị giáo hoàng này đã tuyên bố: “Tất cả chúng ta đang sống trong Mùa Vọng của những ngày cuối cùng trong lịch sử, và tất cả chúng ta đang nỗ lực sửa dọn cho Chúa Kitô đến, để xây dựng vương quốc Thiên Chúa mà Người đã loan báo” - “We are all living in the Advent of the last days of history, and all trying to prepare for the coming of Christ, to build the kingdom of God which he proclaimed” (trích tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, phát hành ngày 14-5-1997, trang 2).

                Như thế, phải chăng “Mùa Vọng mới” trong Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại, theo lời ngài ngày 11-5-1997 này, cũng chính là “Mùa Vọng của những ngày cuối cùng trong lịch sử”? Đây có phải là lời vị đương kim giáo hoàng lạ lùng này hiển nhiên tiên báo về “lần đến cuối cùng” của Chúa Kitô hay chăng, và “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là Một Dấu Chỉ Thời Đại” báo trước cho “lần đến cuối cùng” của “Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại” hay chăng, lịch sử sẽ trả lời... Tuy nhiên, thực tế cho thấy có một trùng hợp lạ kỳ giữa lời tiên báo của Chúa Giêsu tỏ cho Chân Phước Faustina và ý ngài trong Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại cũng như lời ngài ngày 11-5-1997 tại Lebanon được trích dẫn trên đây, và thực tế cũng còn cho thấy ngài cũng đã và thực sự “đang nỗ lực sửa dọn cho Chúa Kitô đến, để xây dựng vương quốc Thiên Chúa mà Người đã loan báo”, đúng như lời ngài nói ở Lebanon. Thật vậy, để thực hiện mục tiêu “nỗ lực sửa dọn cho Chúa Kitô đến”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, “tia sáng vọt lên từ Ba-Lan” này, đã loan truyền Chúa Kitô bằng lời giảng dạy giáo huấn của ngài cũng như bằng các hoạt động mục vụ của ngài.

 

Giảng Dạy Giáo Huấn

 

Về phương diện giảng dạy, ngài đã thực hiện hai việc, đó là ban hành các văn kiện chính thức và chia sẻ giáo lý vào mỗi ngày thứ tư hằng tuần.

                Ban Hành Văn Kiện

 

                Trước hết là 65 văn kiện chính thức ngài đã ban hành, gồm 13 Thông Điệp (encylical letter), 9 Tông Huấn (apostolic exhortation), 30 Tông Thư (apostolic letter), 5 Tông Hiến (apostolic constitution) và 3 Thư (letter). Trong số các văn kiện chính thức này, không bao gồm 15 Thư gửi riêng cho các vị có chức tư tế vào Ngày Thứ Năm Tuần Thánh hằng năm từ năm 1979, (nếu có thì con số sẽ lên tới 80 văn kiện), được phân loại liệt kê theo thứ tự thời gian như sau.

                13 Thông Điệp: 1- Redemptor Hominis về Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại (4-3-1979); 2- Dives in Misericordia về tình thương của Thiên Chúa (30-11-80); 3- Laborem Exercens về việc làm của con người (14-09-81); 4- Slavorum Apostoli để kỷ niệm 1100 năm việc truyền bá phúc âm của hai Thánh Cyrilô và Mêthôđiô (02-06-85); 5- Dominum et Vivificantem về Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo Hội và thế giới (18-05-86); 6- Redemptoris Mater về Trinh Nữ Maria trong đời sống của Giáo Hội lữ hành (25-03-87); 7- Sollicitudo Rei Socialis kỷ niệm 20 năm Thông điệp Populorum Progressio của Đức Phaolô VI (30-12-1987); 8- Redemptoris Missio về tính cách vĩnh viễn của sứ vụ Giáo Hội dấn thân truyền giáo (07-12-90); 9- Centesimus Annus kỷ niệm 100 năm Thông Điệp Rerum Novarum của Đức Lêô XIII (01-05-90); 10- Veritatis Splendor về một số vấn đề nền tảng liên quan đến giáo huấn về luân lý của Giáo Hội (06-08-93); 11- Evangelium Vitae để tái xác nhận một cách chính xác và mạnh mẽ giá trị sự sống bất khả phạm của con người (25-03-95); 12- Ut Unum Sint về mối hiệp nhất Giáo Hội với việc đại kết (25-05-95); 13- Fides et Ratio về đức tin và lý trí (14-9-1998).

                10 Tông Huấn: 1- Catechesi Tradendae về vấn đề giáo lý trong thời đại chúng ta (16-10-79); 2- Familiaris Consortio về sứ vụ của gia đình Kitô giáo trong thế giới tân tiến (22-11-81); 3- Salvifici Doloris về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo (11-02-84); 4- Redemptionis Donum về đời tận hiến theo ánh sáng của mầu nhiệm cứu chuộc (25-03-84); 5- Reconciliatio et Paenitentia về việc hòa giải và thống hối trong sứ vụ của Giáo Hội ngày nay (02-12-84); 6- Christifideles Laici về ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới (30-12-88); 7- Redemptoris Custos về bản thân và sứ vụ của Thánh Giuse trong đời sống của Chúa Kitô và của Giáo Hội (15-08-88); 8- Pastores Dabo Vobis về việc đào luyện các linh mục (25-03-92); 9- Ecclesia in Africa về Giáo Hội tại Phi Châu (14-09-95); 10- Vita Consecrata về đời sống tận hiến tu trì (25-03-96);

                9 Tông Hiến: 1- Sapientia Christiana về các Viện Đại Học Công Giáo và ban giảng huấn (29-4-1979); 2- Magnum Matrimonii Sacramentum (7-10-1982); 3- Sacrae Disciplinae Leges để công bố bộ tân Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo (25-01-83); 4- Divinus Perfectionis Magister (25-1-1983); 5- Pastor Bonus về công việc của Tòa Thánh Rôma (28-06-88); 6- Ex Cor de Ecclesiae về các đại học viện Công Giáo (15-08-90); 7- Fidei Depositum để giới thiệu cuốn Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (11-10-92); 8- Universi Dominici Gregis về việc bầu Giáo Hoàng trong tương lai (22-02-96); 9- Ecclecia in Urbe (1-1-1998).

                30 Tông Thư: 1- Rutilans Agmen (8-5-1979); 2- Patres Ecclesia (2-1-1980); 3- Amantissima Providentia kỷ niệm 600 năm Thánh Nữ Tiến Sĩ Catarina Sienna qua đời (29-4-1980);  4- Sanctorum Maltrix (11-7-1980); 5- Egregae Virtutis để công bố hai Thánh Cyrilô và Mêthôđiô là Quan Thày của Aâu Châu cùng với Thánh Biển-Đức (31-12-80); 6- A Concilio Constantinopolitano I để kỷ niệm 1600 năm Công Đồng Chung Contantinôpôli và 1550 năm Công Đồng Chung Eâphêsô (25-3-1981); 7- Les Grands Mystres (1-5-1984); 8- gửi Giới Trẻ trong Năm Quốc Tế Giới Trẻ do Liên Hiệp Quốc phát động (31-03-85); 9- Augustinum Hipponensem dịp Thánh Augustinô trở lại 16 thế kỷ (28-08-86); 10- Sescentesima Anniversaria (5-6-1987); 11- Euntes in Mundum Universum (25-1-1988); 12- Ecclesia Dei về Tổng Giám Mục Lefebvre (02-07-88); 13- Mulieris Dignitatem về phẩm vị và ơn gọi của phụ nữ (15-08-88); 14- Vicessimus Quintus Annus để kỷ niệm 25 năm ban hành Hiến Chế Sacrosanctum Concilium về Phụng Vụ Thánh (04-12-88); 15- Tông Thư tưởng nhớ 50 năm bùng nổ Thế Chiến Thứ Hai (27-08-88); 16- Tông Thư về tình hình Lebanon (1-9-1989); 17- Tông Thư kỷ niệm bách chu niên “Opera di San Pietro Apostolo” (1-10-1989); 18- Tông Thư kỷ niệm 500 năm truyền giáo ở Tân Thế Giới (29-6-1990); 19- Tông Thư kỷ niệm 400 năm Thánh Gioan Thánh Giá qua đời (14-12-90); 20- Ordinatio Sacerdotalis về việc truyền chức linh mục chỉ dành cho nam giới (22-05-94); 21- Tertio Millennio Adveniente về việc Giáo Hội sửa soạn mừng đón Đại Năm Thánh 2000 (10-11-94); 22- Orientale Lumen dịp kỷ niệm 100 năm Tông Thư Orientalium Dignitas của Đức Thánh Cha Lêô XIII (02-05-95); 23- Tông Thư kỷ niệm 400 năm Giáo Hội Chính Thống Brest tái hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo (12-11-1995); 24- Tông Thư kỷ niệm 350 năm Giáo Hội Chính Thống ở Uzhorod tái hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo (18-4-1996); 25- Operosam Diem (1-12-1996); 26- Tông Thư về việc tông đồ cho người làm biển và đi biển (31-01-97); 27- Divini Amoris Scientia để phong Tiến Sĩ Hội Thánh cho chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (01-10-97); 28- Ad Tuendam Fidem về việc thêm một số tiêu chuẩn vào Bộ Giáo Luật liên quan đến vấn đề tuyên xưng đức tin (28-05-98); 29- Deis Domini về Ngày Chúa Nhật (31-5-1998); 30- Spiritus Domini.

                3 Thư: 1- gửi Các Gia Đình trong Năm Quốc Tế Gia Đình do Liên Hiệp Quốc phát động (02-02-94); 2- gửi Trẻ Nhỏ dịp kết thúc Năm Quốc Tế Gia Đình của Liên Hiệp Quốc (13-12-94); 3- gửi phụ nữ dịp Hội Nghị Thế Giới về Phụ Nữ tại Bắc Kinh ở Trung Hoa (29-06-95);

                Ngoài những văn kiện chính thức trên đây, “tia sáng vọt lên từ Ba-Lan” này còn chia sẻ những xác tín của mình về mọi vấn đề chung riêng khác với con cái Giáo Hội cũng như với nhân loại, qua hai cuốn sách thời danh của ngài, đó là cuốn “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” phát hành năm 1994, và cuốn “Tặng Aân và Huyền Nhiệm” năm 1996 ngài viết để kỷ niệm Kim Khánh 50 năm linh mục của ngài.

 

                Chia Sẻ Giáo Lý

 

                Song song với việc ban hành các văn kiện chính thức, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn thực hiện việc giảng dạy của ngài qua loạt bài Giáo Lý vào các ngày thứ tư hằng tuần kể từ ngày 5/9/1979, tức sau một năm lên làm giáo hoàng, đến nay (19 năm), nhất là loạt bài về Kinh Tin Kính, là những gì ngài muốn ôn lại cho đàn chiên mình toàn diện Đức Tin Kitô Giáo theo Thánh Kinh, Thánh Truyền, Huấn Quyền và nhờ Thần Học Kitô Giáo, để giúp cho họ có thể giữ vững niềm tin của mình ở một thế giới tối tân tiến song cũng đầy những lầm lạc phát hiện trong thời giáo triều của ngài. Để khai triển loạt bài giáo lý chủ đề rất sâu xa bao rộng này, Đức Thánh Cha đã đi từ lãnh vực nhân loại học siêu nhiên, sang lãnh vực thần học đức tin, đến lãnh vực vũ trụ học siêu việt.

                Về lãnh vực nhân loại học siêu nhiên, Đức Thánh Cha đã dùng 4 năm trời (1980-1984) để khai triển đề tài “tình yêu con người theo ý định của Thiên Chúa”. Đề tài này có thể được chia ra làm ba phần, phần nhất được bắt đầu bằng một loạt 23 bài giáo lý về sự hiệp nhất nguyên thủy giữa người nam và người nữ theo sách Khởi Nguyên, vào các ngày thứ tư hằng tuần trong khoảng thời gian từ ngày 5-9-1979 đến 2-4-1980. Sau đó chuyển sang phần hai với 41 bài giáo lý về phúc cho ai có lòng trong sạch theo bài giảng trên núi và thư thánh Phaolô, thời khoảng từ ngày 16-4-1980 đến 6-5-1981. Trước khi sang phần ba, loạt bài giáo lý bị gián đoạn vì sức khỏe của Đức Thánh Cha sau khi ngài bị ám sát hụt từ ngày 13-5-1981, và đã được xen kẽ bằng 3 bài chia sẻ của ngài, thời khoảng từ ngày 14-10-1981 đến 28-10-1981, liên quan đến việc ngài bị ám sát và lòng thứ tha. Cuối cùng phần ba đã được bắt đầu với 50 bài về thần học hôn nhân và độc thân theo ý nghĩa phục sinh của thân xác, thời khoảng từ ngày 11-11-1981 đến 4-7-1984. Loạt bài giáo lý về tài “tình yêu con người theo ý định của Thiên Chúa” cuối cùng được kết thúc bằng 12 bài, thời khoảng từ ngày 11-7 đến 21-11-1984, về việc ôn lại Thông Điệp “Sự Sống Con Người” của Đức Thánh Phaolô VI.

                Về lãnh vực thần học đức tin, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã diễn giải toàn bộ giáo lý Kinh Tin Kính, trong đó có phần về Thiên Chúa Ba Ngôi, về Giáo Hội, về Đức Maria và về con người. Riêng phần về Thiên Chúa Ba Ngôi là đối tượng cho 3 năm cuối cùng của riêng thế kỷ 20 và của chung thiên niên thứ hai, Đức Thánh Cha đã hướng dẫn 44 bài giáo lý về Chúa Cha, vào các ngày thứ tư hằng tuần trong thời khoảng từ ngày 24-7-1985 đến 20-8-1986, 99 bài về Chúa Con, thời khoảng từ ngày 27-8-1986 tới 19-4-1989, và 80 bài về Chúa Thánh Thần, thời khoảng từ ngày 26-4-1989 đến 3-7-1991. Tuy nhiên, trước khi đi thẳng vào chủ đề Chúa Ba Ngôi, Đức Thánh Cha đã dẫn nhập bộ Giáo Lý Kinh Tin Kính này bằng 24 bài về những chân lý đức tin và luân lý Kitô giáo trong toàn bộ giáo lý, thời khoảng từ ngày 5-12-1984 đến 17-7-1985.

                Về lãnh vực vũ trụ học siêu việt, theo Đức Thánh Cha, vấn đề thật ra đã nằm ngay ở phần kết của kinh Tin Kính, liên quan đến việc phục sinh của thân xác cũng như đến sự sống đời đời. Căn cứ vào đó, cũng có thể nói phần về nhân loại học siêu nhiên đã được nằm ngay ở đầu kinh Tin Kính, liên quan đến việc Thiên Chúa tạo dựng, trong đó có con người, một con người cần phải được tân tạo trong Giáo Hội mà mô phạm tuyệt hảo là Mẹ Maria. Bởi thế, sau loạt bài Giáo Lý về Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Thánh Cha đã bắt đầu bằng loạt bài Giáo Lý về Giáo Hội và về Mẹ Maria. Về Giáo Hội, có 137 bài giáo lý, kéo dài trong thời khoảng từ ngày 10-7-1991 đến 3û0-8-1995, và về Mẹ Maria, có 70 bài giáo lý kéo dài trong thời khoảng từ ngày 6-9-1995 tới 12-11-1997. Vừa chấm dứt loạt bài về Mẹ Maria, Đức Thánh Cha đã khéo rẽ ngang sang loạt bài Giáo Lý Năm Thánh 2000, bắt đầu từ ngày thứ tư 19-11-1997 đến giữa tháng 10/1998 này đã được 35 bài.

 

Hoạt Động Mục Vụ 

 

                “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Một Dấu Chỉ Thời Đại” chẳng những “đang nỗ lực sửa dọn cho Chúa Kitô đến” bằng việc giảng dạy Giáo Huấn của Giáo Hội một cách toàn vẹn, tông truyền và hiện đại, mà còn bằng việc hoạt động nhiệt liệt, vừa bao rộng và vừa phân sâu của ngài nữa. Nỗ lực hoạt động của ngài nổi bật nhất là các cuộc tông du mục vụ, nhóm họp mục vụ, liên hệ mục vụ và đặc biệt là việc sửa dọn mừng Năm 2000.

 

Tông Du Mục Vụ

 

                Tính cho tới cuộc viếng thăm mới nhất ngày 2-4/10/1998 tại Croatia lần thứ 2 thì tổng cộng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thực hiện tất cả là 84 chuyến tông du ngoài nước Ý, (tất nhiên chưa kể đến các cuộc viếng thăm các địa phận ở nước Ý, thậm chí các giáo xứ ở riêng giáo phận Rôma), 7 lần ngài về Balan, 6 lần đến Pháp, 4 lần đến Tây Ban Nha và Ba Tây, 3 lần đến Hoa Kỳ (không kể 2 lần ghé Alaska), Mễ Tây Cơ, Bồ đào Nha, Áo, Cộng Hòa Đỗ Minh Cung (Dominican), Ivory Coast và Kenya, và 21 nước khác được ngài đến 2 lần. Đến với 123 quốc gia, ngài đều “nỗ lực” gặp gỡ đủ mọi thành phần, kể cả các vị đại diện các tôn giáo và các vị lãnh đạo quốc gia. Chủ đề ngài nói, đối với đàn chiên địa phương của mình, là nhắm đến việc giữ vững đức tin cho họ, và đối ngoại, ngài kêu gọi thi hành công lý và bảo vệ nhân quyền, như ngài đã làm tại Hoa Kỳ trong chuyến tông du 68, ngày 4-8/10/1995, hay tại Sarajevo, Bosnia-Herzegovina trong chuyến tông du 75, ngày 12-13/4/1997, nhất là tại Cuba trong chuyến tông du 81, ngày 21-25/1/1998. Nói gì thì nói, nói với thành phần (nội hay ngoại) nào cũng vậy, tất cả ý hướng của ngài chỉ lập lại lời ngài kêu gọi trong Thánh Lễ Đăng Quang của ngài ngày 22-10-1978: “Đừng sợ. Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô” là “Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại”, Đấng “là trung tâm của vũ trụ và của lịch sử”, Đấng mà loài người, làm gì thì làm, ở đâu thì ở, cũng phải hướng về Người và theo chân Người mới có thể đạt thành ơn gọi và thân phận làm người cao qúi của mình, như niềm xác tín về nhân loại học siêu nhiên sau đây của Công Đồng Chung Vaticanô II, một Công Đồng Mục Vụ mà ngài đã góp phần trong việc soạn thảo Hiến Chế Gaudium et Spes về Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến, vẫn thường được ngài dựa vào để rao giảng và huấn dụ: “Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Lời nhập thể… Chúa Kitô, Adong mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và về tình yêu của Ngài, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ” (Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội “Gaudium et Spes”, đoạn 22); “Như vậy, Chúa Giêsu đã nói lên một sự tương tự nào đó giữa sự kết hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hợp của các con cái Chúa trong chân lý và đức ái. Sự tương tự này cho thấy con người là tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính mình họ chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thực hiến thân” (cùng nguồn đoạn 24).

 

                Nhóm Họp Mục Vụ

 

                Ngài cũng đã “nỗ lực sửa dọn cho Chúa Kitô đến” bằng việc phát động tổ chức năm Cuộc Họp Giám Mục Đại Lục tại chính giáo đô Rôma. Ngoại trừ Cuộc Họp Các Giám Mục Châu Aâu trong thời khoảng 28/11-14/12/1991 để bàn về một tương lai cho Châu Aâu sau Biến Cố Đông Aâu, thì mở màn cho chuỗi họp mục vụ này, theo Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 38, thứ nhất là Cuộc Họp Giám Mục Châu Phi trong thời khoảng 10/4-8/5/1994, về “Giáo Hội ở Phi Châu với sứ mệnh truyền bá Phúc âm hướng về Năm 2000: ‘Các con sẽ là chứng nhân của Thày’”; thứ hai là Cuộc Họp Giám Mục Châu Mỹ trong thời khoảng 16/11-12/12/1997, về “Gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô hằng sống là đường dẫn đến Hối Cải, Hiệp Thông và Đoàn Kết”; thứ ba là Cuộc Họp Giám Mục Châu Á trong thời khoảng 19/4-14/5/1998, “Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế với Sứ Mệnh Yêu Thương và Phục Vụ của Người ở Á Châu”; thứ bốn là Cuộc Họp Giám Mục Đại Dương Châu vào cuối năm 1998 về “Chúa Giêsu Kitô và nhân dân Đại Dương Châu – ‘Đi con đường của Người, nói Sự Thật của Người và sống Sự Sống của Người”; và cuối cùng, thứ năm là Cuộc Họp Giám Mục Châu Aâu vào mùa xuân năm 1999, về “Chúa Giêsu Kitô vẫn sống nơi Giáo Hội, là Nguồn Hy Vọng cho Châu Aâu”. Chủ đề cho các Cuộc Họp Giám Mục Đại Lục này, do chính Đức Thánh Cha chọn, đồng loạt hướng về trọng tâm của giáo triều Đức Gioan Phaolô II là “Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc của con người, trung tâm của vũ trụ và của lịch sử”, và hoàn toàn xoay quanh sứ vụ của giáo triều ngài là lời kêu gọi “hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”.

 

                Liên Hệ Mục Vụ

 

                Trong đàn chiên lớn và chiên nhỏ (x.Jn.25:15-17) mà ngài có trách nhiệm chăn dắt 20 năm qua, ba thành phần được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chú trọng và ưu tiên nhất, phải kể đến thành phần linh mục, thành phần gia đình và thành phần giới trẻ. Trong lời chia sẻ về việc sửa soạn cho cuộc mừng Đại Năm Thánh 2000 với các giáo sĩ thuộc giáo phận Roma ngày 26/2/1998, ngài đã rõ ràng tỏ cho thấy mối quan tâm đặc biệt của ngài đối với ba thành phần này như sau: “Tôi đang nghĩ đến Đại Hội  Thánh Thể Quốc Tế, Tôi đang nghĩ đến Ngày Giới Trẻ Thế Giới, đến Cuộc Mừng Kỷ Niệm của Các Gia Đình, đến Cuộc Mừng Kỷ Niệm của Các Linh Mục, cùng với các biến cố khác được hoạch định và chờ mong…” (tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, phát hành ngày 11-3-1998, trang 3).

                Đối với thành phần linh mục, từ năm 1979, tức ngay sau năm lên làm giáo hoàng, ngài đã bắt đầu lệ gửi thư hằng năm vào dịp Thứ Năm Tuần Thánh cho các vị.  Chủ đề do ngài đề ra cho Cuộc Họp Thượng Hội Đồng Thế Giới thường lệ kỳ 8, 30/9-28/10/1990 “về việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh của ngày hôm nay”, một cuộc họp được đúc kết trong Tông Huấn “Pastores Dabo Vobis” ban hành ngày 25-3-1996, cũng nói lên mối quan tâm của ngài đối với thành phần linh mục.

                Đối với thành phần gia đình, trước hết, ngài đã lợi dụng các ngày thứ tư trong tuần để dạy loạt bài giáo lý về hôn nhân gia đình từ ngày 5/9/1979 đến hết ngày 21/11/1984; rồi sau Cuộc Họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (29/6-25/10/1980) về chủ đề ngài chọn là “vai trò của gia đình Kitô hữu trong thế giới tân tiến”, ngài đã thành lập Học Viện về Gia đình và Hội Đồng Tòa Thánh lo về Gia Đình ngày 13/5/1981, ngày ngài bị ám sát hụt sau khi khánh thành hai cơ sở này 3 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, ngài cũng đích thân đến với Các Cuộc Gặp Gỡ Gia Đình trên Thế Giới, lần thứ nhất tại chính giáo đô Rôma năm 1994, và lần thứ hai tại Rio de Janeiro ở Ba Tây ngày 2-5/10/1997. Riêng Năm Quốc Tế về Gia Đình do Liên Hiệp Quốc Phát Động, ngài đã gửi Thư cho Các Gia Đình ngày 2-2, nhất là ngài đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối mưu đồ của Hội Nghị Cairô trong việc muốn thực hiện đường lối kiểm soát dân số thế giới bằng cách ngừa phá thai nhân tạo và phá thai.

                Đối với thành phần giới trẻ, trong bức Thư gửi họ đề ngày Chúa Nhật Lễ Lá 31-3-1985, ngài đã phát động tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới từ năm 1985 cho tới bây giờ. Sau đó, mỗi năm ngài đều gửi sứ điệp diễn giải về chủ đề ngài nêu lên cho họ hằng năm. Chính ngài chủ lễ Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Rôma vào Chúa Nhật Lễ Lá trong các năm chẵn, và ngài đã đích thân đến với giới trẻ vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới của họ được tổ chức vào các năm lẻ tại quốc gia địa phương nào đó. Như lần 2 tại Buenos Aires ở Á Căn Đình ngày 9-12/4/1987, lần 4 tại Santiago de Compostela ở Tây Ban Nha ngày 19-21/8/1989, lần 6 tại Czestochowa ở Ba-Lan ngày 13-16/1991, lần 8 tại Denver ở Hoa Kỳ ngày 11-15/8/1993, lần 10 tại Manilla ở Phi Luật Tân ngày 12-15/1/1995, lần 12 tại Ba Lê ở Pháp ngày 21-24/8/1997, và lần 15 sẽ về lại chính giáo đô Rôma vào ngày 15-20/8/2000.

                Mối liên hệ mục vụ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đối với từng thành phần còn phải kể đến các chủ đề ngài chọn cho các Cuộc Họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới nữa. Chẳng hạn Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới họp bàn về “ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới” ngày 1-30/10/1987; về “việc đào tạo linh mục trong các hoàn cảnh của ngày hôm nay” ngày 30/9-28/10/1990; về “đời tận hiến và sứ mệnh của nó trong Giáo Hội và trong thế giới” ngày 2-29/10/1994; và về “Giám mục: Người tôi tớ của Phúc âm Chúa Giêsu đối với niềm hy vọng của thế giới” sẽ vào cuối năm 1999.

 

                Dọn Mừng Năm 2000

 

                Một trong những việc hoạt động chính yếu và nổi bật nhất của “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Một Dấu Chỉ Thời Đại” này, một việc mang ý nghĩa sát với “nỗ lực sửa dọn cho Chúa Kitô đến”, đó là việc khởi xướng và phác họa tinh thần cũng như chương trình dọn mừng Đại Năm Thánh 2000 cho chung Giáo Hội Công Giáo. Việc “nỗ lực sửa dọn cho Chúa Kitô đến” này đã được ngài đề cập đến ngay đoạn đầu của bức Thông Điệp “Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại” để khai triều và cho toàn giáo triều của ngài từ đầu năm 1979:

                “Thật vậy, thời điểm này, một thời điểm mà theo ý định kín nhiệm của Thiên Chúa, Ngài đã trao cho Tôi việc phục vụ hoàn vũ liên quan đến Tòa của Thánh Phêrô ở Rôma, thì đã rất gần đến năm 2000 rồi. Trong lúc này đây khó có thể nói được vào năm ấy bộ mặt lịch sử của con người sẽ mang dấu vết ra sao, hay nó sẽ đem lại những gì cho mỗi dân tộc, mỗi đất nước, mỗi xứ sở và mỗi lục địa, cho dù đã có những nỗ lực được thực hiện trong việc tiên đoán trước một số những biến cố. Đối với Giáo Hội là Dân của Thiên Chúa, một dân đã lan rộng, dù không đồng đều, đến những nơi xa nhất trên thế giới, thì năm ấy sẽ là một năm Kỷ Niệm Mừng Đại Thể. Chúng ta đang tiến đến ngày đó rồi đây, một ngày mà, không dính dáng gì đến những sửa chữa theo ngày tháng chính xác của nó, sẽ gợi lại cho chúng ta một nhận thức đặc biệt về một chân lý chính yếu của đức tin được Thánh Gioan diễn tả ở đầu Phúc Âm của ngài: ‘Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta’ (1:14), và ở một chỗ khác: ‘Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến ban Con Một mình, để ai tin vào Con sẽ không phải chết song được sự sống đời đời’ (3:16)… Một cách nào đó, chúng ta cũng đang ở trong một Mùa Vọng mới, một mùa đợi trông…”

                Trong Tông Thư “Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến”, ở câu kết thúc đoạn 26, ngài còn cho thấy một viễn tượng vào năm 2000 này có liên quan đến Năm Thánh Mẫu (1986-1987) như sau: “Năm Thánh Mẫu thực sự là một ngưỡng vọng về cuộc mừng kỷ niệm và đã chất chứa nhiều điều sẽ được tỏ hiện trọn vẹn hơn vào năm 2000” – “The Marian Year was as it were an anticipation of the jubilee and contained much of what will find fuller expression in the year 2000”.

                Không ai biết được “nhiều điều sẽ được tỏ hiện trọn vẹn hơn vào năm 2000” này là gì, nhưng căn cứ vào những trình bày trên, đối với người viết này, qủa thật “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là Một Dấu Chỉ Thời Đại”!

 

Viết tại Tổng Giáo Phận Los Angeles ngày 16/10/1998,

ngày hồng y Karol Wojyala được bầu làm giáo hoàng 20 năm trước, 1978.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.