Bài 13 (Thứ Tư 7/6/2000)

 

VINH QUANG BA NGÔI NƠI CON NGƯỜI SỐNG ĐỘNG

 

1-         Trong năm Mừng Kỷ Niệm này, chúng ta đang cố ý suy tư giáo lý về đề tài vinh quang của Chúa Ba Ngôi. Sau khi chiêm ngưỡng vinh quang của Ba Ngôi thần linh nơi việc tạo thành, nơi lịch sử cũng như nơi mầu nhiệm Chúa Kitô, giờ đây chúng ta hướng về con người để khám phá ra nơi họ những tia sáng tỏa ra từ tác động của Thiên Chúa.

 

“Hồn thiêng của mọi sinh vật và hơi thở sự sống của cả nhân loại ở trong tay Ngài” (Job 12:10). Những lời gợi ý của ông Gióp cho thấy mối liên hệ sâu xa gắn bó con người với “Chúa là Đấng yêu thương sinh linh” (Wis 11:26). Mối liên hệ thâm sâu với Đấng Hóa Công, một mối liên hệ căn bản trước hết là do bởi tặng ân sự sống, được ghi dấu nơi loài tạo vật có lý trí. Tặng ân này được chính Chúa Ba Ngôi ban cho và gồm có hai chiều kích chính, như giờ đây chúng ta muốn tìm kiểu theo ánh sáng của Lời Chúa.

2-         Chiều kích căn bản thứ nhất của sự sống chúng ta nhận được đó là chiều kích về thể lý và lịch sử, chiều kích “hồn thiêng” (nefesh) và chiều kích “hơi thở” (ruah) được ông Gióp đề cập tới. Chúa Cha hiện lên như nguồn mạch của tặng ân này ở ngay buổi bình minh của cuộc tạo dựng, khi Ngài long trọng công bố: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh mình, tương tự như mình... Vậy Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh riêng của Ngài, theo hình ảnh Thiên Chúa, Ngài đã dựng nên họ; Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ” (Gn 1:26-27). Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, chúng ta có thể kết luận như thế này: “Hình ảnh thần linh hiện diện nơi hết mọi người. Hình ảnh này chiếu tỏa nơi mối hiệp thông của con người với nhau, tương tự như mối hiệp nhất nên một giữa các Ngôi Vị thần linh vậy” (số 1702). Đấng Hóa Công được phản ánh nơi mối hiệp thông yêu thương này cũng như nơi khả năng truyền sinh của hai người phối ngẫu. Nơi hôn nhân, con người nam nữ tiếp tục công việc tạo dựng của Thiên Chúa, thông phần vào vai trò phụ tử tối cao của Ngài trong một mầu nhiệm mà thánh Phaolô mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng khi ngài than lên “Thiên Chúa và là Cha duy nhất của tất cả chúng ta, Đấng ở trên tất cả, qua tất cả và trong tất cả” (Eph 4:6).

 

Việc hiện diện hiệu năng của Thiên Chúa, Đấng Kitô hữu kêu cầu như Cha của mình, được tỏ hiện ngay từ đầu cuộc sống của mọi người kéo dài suốt cả những ngày sống của họ nữa. Điều này được chứng thực nơi tuyệt khúc của Thánh Vịnh 139, một Thánh Vịnh có thể được coi như ở một thể thức gần gũi nhất với khởi nguyên, ở chỗ: “Ngài đã thực sự hình thành nội thể của con; Ngài thêu dệt nên con trong dạ thân mẫu... Ngài thừa biết thân hình của con khi con được âm thầm tạo dựng, khi con được hình thành trong lòng đất. Mắt Ngài đã thấy được bản chất vô thể của con (golmi); Ngài đã ghi chép tất cả mọi sự trong sổ sách của Ngài; trước khi ngày sống của con bắt đầu thì chúng đã được ấn định cả rồi” (các câu 13, 15-16).     

 

3-         Chúa Con cũng hiện diện cùng với Chúa Cha khi chúng ta bắt đầu hiện hữu, Đấng mặc lấy xác thịt của chúng ta (x Jn 1:14), đến nỗi chúng ta có thể chạm tới Người, có thể nghe được Người, có thể tận mắt trông thấy Người và nhìn xem Người (x 1Jn 1:1). Thật vậy, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng “chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Cha, bởi Ngài mà mọi sự có và cho Ngài chúng ta hiện hữu, và cũng chỉ có một Chúa duy nhất là Đức Giêsu Kitô, bởi Người đã có mọi sự và nhờ Người chúng ta hiện hữu” (1Cor 8:6). Thế nên, mọi tạo vật sống động cũng được ký thác cho hơi thở Thần Linh của Thiên Chúa, như tác giả Thánh Vịnh xướng lên: “Khi Ngài gửi Thần Linh của Ngài đến thì chúng được tạo thành” (Ps 104:30). Theo chiều hướng của Tân Ước, chúng ta có thể đọc những lời này như lời tiên báo về Ngôi Ba trong Ba Ngôi Chí Thánh. Như thế, Chúa Ba Ngôi đã nhúng bàn tay yêu thương và ân phúc của mình vào ngay nguồn mạch cuộc sống của chúng ta.

 

4-         Như Tôi đã đề cập tới, còn một chiều kích khác nữa nơi sự sống được ban cho nhân loại. Chúng ta có thể diễn tả nó ở ba loại theo thần học của Tân Ước. Trước hết là loại zoe aionios, tức là loại “sự sống trường sinh” được thánh Gioan đề cao (x 3:15-16; 17:2-3), ở chỗ thông phần vào “sự sống thần linh”. Rồi đến loại kaine ktisis theo thánh Phaolô, tức là loại “tân tạo” (x 2Cor 5:17; Gal 6:15), do Thần Linh phát sinh, Đấng bung tỏa nơi lãnh vực tạo vật của nhân loại, biến đổi nó và ban cho nó một “sự sống mới” (x Rm 6:4; Col 3:9-10; Eph 4:22-24). Đó là loại sự sống vượt qua: “vì như nơi Adong tất cả mọi người đã chết thế nào thì nơi Chúa Kitô tất cả mọi người cũng được làm cho sống động như vậy” (1Cor 15:22). Sau hết là loại sự sống của con cái Thiên Chúa, tức loại sự sống hyiothesia (x Rm 8:15; Gal 4:5), một sự sống cho thấy mối hiệp thông của chúng ta với Chúa Cha, qua Chúa Kitô trong quyền năng của Thánh Thần: “Dấu chứng tỏ anh em là con cái ở chỗ Thiên Chúa đã sai đến lòng chúng ta Thần Linh của Con Ngài, Đấng kêu lên ‘Abba!’ (‘Cha ơi!’). Anh em không còn là nô lệ mà là con cái! Và một khi anh em là con cái thì anh em cũng là kẻ thừa kế theo ý định của Thiên Chúa” (Gal 4:6-7).

 

5-         Nhờ ân sủng, sự sống siêu việt được truyền ban nơi chúng ta này hướng chúng ta về một tương lai vượt ra ngoài những giới hạn mỏng dòn của tạo vật chúng ta. Đó là điều thánh Phaolô, qua Bức Thư gửi Giáo Đoàn Rôma, một lần nữa qui về Chúa Ba Ngôi như nguồn mạch của loại sự sống vượt qua này: “Nếu Thần Linh của Đấng (là Chúa Cha) đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ kẻ chết ngự trong anh em, thì Đấng phục sinh Chúa Kitô từ trong kẻ chết cũng sẽ nhờ Thần Linh là Đấng ngự trong anh em ban sự sống cho thân xác chết chóc của anh em như vậy” (8:11).

 

“Bởi thế, sự sống trường sinh là sự sống của chính Thiên Chúa và đồng thời cũng là sự sống của con cái Thiên Chúa. Khi suy tư về chân lý ngoài lòng mong ước và khôn tả được Thiên Chúa tỏ cho chúng ta nơi Chúa Kitô ấy, người tín hữu không thể nào lại không tràn ngập niềm tri ân cảm tạ lạ lùng khôn xiết kể (x 1Jn 3:1-2)... Giá trị của sự sống này không phải chỉ gắn liền với lúc khởi đầu của nó, ở chỗ nó phát xuất từ Thiên Chúa, mà còn liên quan đến cả cùng đích của nó nữa, đến mục tiêu thông hiệp với Thiên Chúa, qua việc nhận biết và yêu mến Ngài. Theo ý nghĩa của sự thật này, Thánh Irênêô đã có lý nói lên trọn vẹn lời ca tụng con người của mình là ‘vinh quang của Thiên Chúa thực sự là con người, một con người sống động’, thế nhưng, ‘sự sống của con người là ở chỗ thị kiến Thiên Chúa’” (Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, đoạn 38; x Thánh Irênêô, Adversus Hawreses, IV, 20, 7).

 

Chúng ta hãy kết thúc bài suy niệm của chúng ta bằng lời kinh nguyện của một nhà khôn ngoan trong Cựu Ước dâng lên Thiên Chúa là Đấng yêu thương sự sống: “Ngài yêu quí tất cả những gì hiện hữu và không khinh bỉ một điều gì Ngài đã tạo nên, vì Ngài không làm nên bất cứ điều gì Ngài ghét bỏ cả. Nếu Ngài không muốn thì sự gì có thể tồn tại được? Hay bất cứ sự gì không được Ngài truyền khiến lại được bảo trì chăng? Ngài dung thứ cho tất cả mọi sự vì chúng là của Ngài, Ôi Chúa là Đấng yêu thương sinh linh. Thần Linh bất tử của Ngài ở trong tất cả mọi sự” (Wis 11:24-12:1).

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 14/6/2000)