Bài 28 (Thứ Tư 25/10/2000)

 

THÁNH THỂ, “MỘT NẾM HƯỞNG VĨNH CỬU TRONG THỜI GIAN”

1.         “Nơi phụng vụ trần gian, chúng ta được nếm trước việc thông phần vào phụng vụ thiên quốc” (Hiến Chế Sacrosanctum Concilium, 8; Hiến Chế Gaudium et Spes, 38). Những lời tỏ tường và thiết yếu này của Công Đồng Chung Vaticanô II đã cho chúng ta thấy chiều kích sâu xa của Bí Tích Thánh Thể, ở chỗ Thánh Thể là một “futurae gloriae pignus”, một bảo chứng của vinh quang mai hậu, như đã được truyền thống Kitô giáo tuyệt vời diễn đạt (x Hiến Chế Sacrodanctum Concilium, 47). Thánh Tôma Aquinas nhận định là “Bí tích này không làm cho chúng ta tham dự tức thời vào cuộc hiển vinh, nhưng ban cho chúng ta quyền năng để tiến tới vinh quang, bởi thế mới được gọi là viaticum” (Summa Theol., III, 79, 2, ad 1). Việc chúng ta được hiệp thông với Chúa Kitô hiện nay, trong khi còn là những người hành hương và lữ thữ trên các nẻo đường lịch sử, hướng chúng ta về cuộc gặp gỡ sau cùng vào ngày “chúng ta sẽ nên giống như Người, vì chúng ta sẽ thấy Người như Người là” (1Jn 3:2). Việc Elia, vị tiên tri đã hoàn toàn lả người đi dưới chùm cây trong cuộc hành trình băng qua sa mạc và đã được tăng sức nhờ bánh lạ cho đến khi ông tiến đến chóp đỉnh của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa (x 1Kgs 19:1-8), là một biểu hiệu truyền thống tượng trưng cho cuộc hành trình của Kitô hữu, thành phần tìm thấy sức mạnh nơi bánh Thánh Thể để tiến tới mục tiêu thành thánh sáng ngời.

2.         Đó cũng là ý nghĩa sâu xa về manna được Thiên Chúa ban xuống tại các bình nguyên núi Sinai, một thứ “lương thực của các thiên thần”, ngon lành và hợp với mọi khẩu vị, một biểu lộ ngọt ngào của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài (x Wis 16:20-21). Chính Chúa Kitô sẽ là Đấng làm sáng tỏ ý nghĩa thiêng liêng của biến cố Xuất Hành. Ngài là Đấng làm cho chúng ta nếm hưởng nơi Bí Tích Thánh Thể một mùi lưỡng vị vừa của lương thực cho cuộc hành hương vừa của lương thực viên trọn cứu độ trong cõi vĩnh cửu (x Is 25:6). Dựa theo lời phụng vụ của Ngày Hưu Lễ Do Thái, Thánh Thể là một “nếm hưởng vĩnh cửu trong thời gian” (A. J. Heschel). Như Chúa Kitô đã sống trong xác thịt song vẫn ở trong vinh quang của Con Thiên Chúa thế nào, thì Thánh Thể cũng là việc hiện diện thần linh và siêu việt, một hiệp thông với cõi trường sinh, một dấu hiệu cho thấy “thành đô trần thế và thành đô thiên đình thấu nhập lẫn nhau” (Hiến Chế Gaudium et Spes, 40). Bí Tích Thánh Thể, việc tưởng niệm Vượt Qua của Chúa Kitô, tự bản chất của mình, chứa ẩn cõi trường sinh và bất tận nơi lịch sử loài người.

3.         Khía cạnh này, một khía cạnh hướng Thánh Thể về tương lai của Thiên Chúa trong khi vẫn gắn liền Thánh Thể với thực tại hiện thời, được sáng tỏ bởi những lời Chúa Giêsu phán trên chén rượu trong Bữa Tiệc Ly (x Lk 22:20; 1Cor 11:25). Với những lời ấy, Thánh Marcô và Mathêu gợi lên cho thấy giao ước bằng máu của các tế vật trên núi Sinai (x Mk 14:24; Mt 26:28; Ex 24:8). Tuy nhiên, Thánh Luca và Phaolô lại tỏ cho thấy việc nên trọn của một “tân ước” được tiên tri Giêrêmia báo trước: “Này đây, Chúa phán, vào những ngày tới, Ta sẽ thiết lập một giao ước mới với nhà Yến Duyên và nhà Giuđa, không như giao ước Ta đã thiết lập với cha ông họ” (Jer 31:31-32). Đúng thế, Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng: “Chén này là tân ước trong máu của Thày”. Theo ngôn từ kinh thánh “mới” đây thường có nghĩa là tiến bộ, là mức kiện toàn cuối cùng. Thánh Luca và Phaolô cũng nhấn mạnh rằng Thánh Thể là việc ngưỡng vọng về chân trời ánh sáng vinh quang của vương quốc Thiên Chúa. Trước Bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu phán: “Thày mong ăn Lễ Vượt Qua này với các con trước khi Thày chịu khổ nạn, vì Thày cho các con hay, Thày sẽ không ăn lễ ấy nữa cho tới khi nó được hoàn tất trong vương quốc của Thiên Chúa. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn mà nói: ‘Các con hãy cầm lấy chén này mà chia nhau; vì Thày cho các con biết, từ nay trở đi Thày sẽ không uống trái nho nữa cho tới khi vương quốc của Thiên Chúa trị đến’” (Lk 22:15-18). Thánh Phaolô còn rõ ràng nhắc đến bữa tiệc Thánh Thể có tính cách hướng đến việc Chúa đến lần cuối nữa: “Bao lâu anh em ăn bánh này và uống chén ấy là anh em loan báo việc Chúa tử nạn cho tới khi Người lại đến” (1Cor 11:26).

4.         Thánh Gioan, Thánh Ký thứ bốn, đề cao chiều hướng Thánh Thể đối với việc nên trọn của vương quốc Thiên Chúa qua bài diễn từ nổi tiếng Chúa Giêsu nói tại hội đường Caphanaum về “bánh sự sống”. Biểu hiệu Người dùng, như một đối chiếu thánh theo kinh đã được chúng ta nhắc đến, là manna do Thiên Chúa ban cho dân Yến Duyên trong cuộc hành trình qua sa mạc của họ. Chúa Giêsu đã long trọng tuyên bố về Bí Tích Thánh Thể là: “Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời... Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi sẽ được sự sống trường sinh, và Tôi sẽ làm cho họ sống lại trong ngày sau hết... Đây là bánh từ trời xuống, không phải như thứ bánh cha ông quí vị đã ăn và đã chết; ai ăn bánh này sẽ muôn đời được sống” (Jn 6:51, 54, 58). Theo ngôn từ của Phúc Âm thứ bốn, “sự sống trường sinh” là chính sự sống thần linh vượt trên giới hạn của thời gian. Như thế, được hiệp thông với Chúa Kitô, Thánh Thể là việc thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, một sự sống trường sinh và chế ngự sự chết. Thế nên Chúa Giêsu mới nói: “Ý của Đấng đã sai Tôi đó là Tôi không được làm mất đi một sự gì Ngài đã ban cho Tôi, song phải làm cho nó sống lại trong ngày sau hết. Vì ý Cha Tôi muốn là ai thấy Con và tin vào Người thì được sự sống trường sinh; và Tôi sẽ làm cho họ sống lại vào ngày sau hết” (Jn 6:39-40).

5.         Theo ý nghĩa ấy, như nhà thần học người Nga, Sergei Bulgakov, đã nói một cách gợi hình, “phụng vụ là trời cao trên đất”. Vì lý do này, trong Tông Thư Dies Domini, Tôi đã trích lại những lời của Đức Phaolô VI, để thúc giục Kitô hữu đừng xao lãng với “việc gặp gỡ này, với bữa tiệc Chúa Kitô đã ưu ái dọn ra cho chúng ta. Chớ gì việc chúng ta thông phần vào bữa tiệc này phải hết sức xứng đáng và hân hoan! Chính Chúa Kitô tử giá và vinh quang, Đấng đã đến giữa các môn đệ của Người, để dẫn mọi người họ cùng nhau tiến vào Cuộc Phục Sinh mới mẻ của Người. Trên thế gian này, đó là tuyệt đỉnh của giao ước yêu thương giữa Thiên Chúa với dân của Ngài, là dấu chỉ và là nguồn mạch của niềm vui Kitô hữu, là đoạn đường tiến đến lễ hội trường sinh” (số 58; x Gaudete in Domino, đoạn kết). 

 (Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 1/11/2000)