Bài 7 (Thứ Tư 12/4/2000)

 

VINH QUANG BA NGÔI

NƠI VIỆC CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

 

1-         Bài đọc vừa được công bố đã đưa chúng ta đến bờ sông Dược-Đăng. Hôm nay, tâm linh chúng ta dừng lại ở bên bờ của một con sông chảy qua hai Giao Ước Thánh Kinh để chiêm ngưỡng cuộc thần hiển cao cả của Chúa Ba Ngôi trong ngày Chúa Giêsu được đưa ra ánh sáng lịch sử, thời điểm bắt đầu sứ vụ công khai của Người, nơi chính những giòng nước ấy.

           

Nghệ thuật Kitô giáo nhân cách hóa con sông này như là một ông lão bàng hoàng sửng sốt nhìn thấy những gì đang xẩy ra trong đáy nước của mình. Như phụng vụ Byzantine xướng lên “Đức Kitô Vầng Thái Dương được rửa” trong giòng sông này. Cũng theo phụng vụ này, ở Buổi Kinh Ban Mai của ngày Thần Hiển hay Hiển Linh của Chúa Kitô, đã giả bộ đối thoại với con sông này như sau: “Ôi Dược-Đăng, phải chăng những gì ngươi thấy đã làm ngươi hết sức chấn động? Tôi đã thấy Đấng Vô Hình trần trụi và tôi rung động. Làm sao thấy Người như thế mà người ta lại không rung động và bị dội lại chứ? Thấy Người như thế các thiên thần rung động, các tầng trời nhẩy mừng, trái đất rung chuyển, biển khơi cùng với tất cả mọi vật hữu hình và vô hình bật ngửa. Chúa Kitô xuất hiện ở sông Dược-Dăng để chúc lành cho tất cả mọi giòng nước!”

 

2-         Việc Chúa Ba Ngôi hiện diện ở biến cố này được tất cả các trình thuật Phúc Âm về biến cố ấy xác nhận một cách rõ ràng. Chúng ta vừa nghe một trình thuật đầy đủ nhất, đó là trình thuật của Thánh Mathêu, một trình thuật bao gồm cả cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Vị Tẩy Giả. Ở tâm điểm của cảnh tượng này, chúng ta thấy nhân vật Kitô, Đấng Thiên Sai đến để làm trọn tất cả những gì là công chính (x Mt 3:15). Người là Đấng làm trọn dự án cứu độ thần linh, bằng việc khiêm nhượng cho thấy mình liên kết với tội nhân.

           

Việc Người tự nguyện hạ mình ấy đã làm cho Người được tôn vinh cao cả: tiếng của Chúa Cha từ trời tuyên bố về Người rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta rất hài lòng về Người” (ibid, câu 17). Câu này bao gồm hai phương diện có tính cách thiên sai của Chúa Giêsu, đó là phương diện vương gia Đavít, ở chỗ gợi lại bài thánh ca vương giả (x Ps 2:7), và phương diện ngôn xứ, ở chỗ dẫn trích bài ca thứ nhất về Người Tôi Tớ Giavê (x Is 42:1). Qua hai phương diện này, mối liên hệ yêu thương sâu xa của Chúa Giêsu với Cha trên trời và việc Người được phong làm Đấng Thiên Sai đã được tỏ ra cho toàn thể nhân loại thấy.

 

3-         Chúa Thánh Thần xuất hiện trong trường hợp này dưới hình dạng của một “con chim bồ câu” “xuống... và đậu” trên Chúa Kitô. Có thể trích dẫn một số đối chiếu Thánh Kinh để cắt nghĩa những hình ảnh này, chẳng hạn chim bồ câu cho thấy cơn lụt chấm dứt và mở màn cho một kỷ nguyên mới (x Gn 8:8-12; 1Pt 3:20-21), chim bồ câu trong sách Diễm Tình Ca biểu hiệu cho người nữ tình nhân (x Sg 2:14, 5:2, 6:9), chim bồ câu như là một mã giáp biểu hiệu cho dân Yến Duyên trong một số đoạn ở Cựu Ước (x Hos 7:11; Ps 68:14).

           

Việc dẫn giải của người Do Thái về đoạn trong sách Khởi Nguyên (1:2) cũng có một tầm vóc quan trọng, một dẫn giải cho thấy Thần Linh di động trên các giòng nước nguyên sơ với một tính cách dịu dàng từ mẫu: “Thần Linh Thiên Chúa di động trên mặt các giòng nước như một con chim bồ câu phủ cánh ấp ủ các đứa con nhỏ của mình mà không động chạm gì đến chúng” (Talmud, Hagigah 15a). Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu như quyền lực của tình yêu siêu mãn. Nói đến chính Việc Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: “Thần Linh mà Chúa Giêsu có tròn đầy từ khi đầu thai đã đến ‘đậu trên Người’. Chúa Giêsu sẽ là nguồn Thần Linh cho toàn thể nhân loại” (số 536).

 

4-         Bởi thế, tất cả Ba Ngôi hiện diện ở sông Dược-Đăng để mạc khải mầu nhiệm này, để chứng thực và hỗ trợ cho sứ vụ của Chúa Kitô, cũng như để cho thấy rằng nơi Người lịch sử cứu độ đã đến giai đoạn trọng yếu và cuối cùng. Mầu nhiệm này bao gồm cả thời gian và không gian, sự sống con người và lãnh vực thiên nhiên, nhưng trước hết liên quan đến tất cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngôi Cha ký thác cho Ngôi Con sứ vụ mang lại “đức công chính”, tức là làm hoàn tất ơn cứu độ thần linh. Giám mục Chromatius cai quản giáo phận Aquileia ở thế kỷ thứ bốn trong một bài giảng về Phép Rửa và Thánh Linh đã nói như sau: “Như việc tạo dựng đầu tiên của chúng ta là công việc của Ba Ngôi thế nào thì việc tạo dựng lần thứ hai của chúng ta cũng là công việc của Ba Ngôi như vậy. Ngôi Cha không làm gì mà không có Ngôi Con và Thánh Linh, vì việc làm của Cha cũng là việc làm của Con và của Thánh Linh. Chỉ có cùng một ân sủng duy nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi thế chúng ta được Ba Ngôi cứu độ vì từ ban đầu chúng ta đã được Ba Ngôi duy nhất dựng nên” (Bài Giảng 18A).

 

5-         Sau khi Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa thì sông Dược-Đăng trở thành con sông của Phép Rửa Kitô Giáo, ở chỗ, theo truyền thống rất yêu chuộng của các Giáo Hội Đông Phương, nước của bể rửa tội là giòng sông Dược-Đăng thu nhỏ. Lời nguyện phụng vụ sau đây cho thấy điều ấy: “Ôi Chúa, chúng con nguyện cầu tác động thanh tẩy của Ba Ngôi, bằng quyền năng, tác động và hiện diện của Chúa Thánh Thần, thực hiện trên nước rửa tội và ban cho nước ơn cứu chuộc cùng phúc lành của sông Dược-Đăng” (Kinh Tối Trọng Thể kính Cuộc Hiển Linh Thánh của Chúa Giêsu Kitô, Chúa Chúng Ta, Chúc Lành cho Nước).

 

Thánh Pauline Nôla dường như cũng có cùng một tư tưởng như thế, qua một số câu ngài đặt ra để ghi vào nơi rửa tội: “Từ bể rửa tội này, bể rửa tội ban sự sống cho các linh hồn cần đến ơn cứu độ, chảy một con sông ánh sáng thần linh sự sống. Chúa Thánh Thần từ trời xuống trên con sông này để liên kết nước thánh với nguồn mạch trên trời; một mạch suối đầy Thiên Chúa làm phát sinh ra giòng dõi thánh thiện nhờ thứ nước hiệu năng của mình bởi hạt giống trường sinh bất diệt” (Bức Thư 32, 5). Nổi lên từ thứ nước tái sinh của bể rửa tội, Kitô hữu bắt đầu hành trình sự sống và chứng nhân của mình.

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 19/4/2000)