Khói trắng bốc…

 

Chuông reo vang!

 

“Chúng ta đã có tân Giáo Hoàng”

   

 

Hồng Y Joseph Ratzinger:

Tân Giáo Hoàng 265

Đức Bênêđích XVI

 

 

Thời Điểm Tân Giáo Hoàng 265

 

8 giờ 04 tối Thứ Hai 18/4: Khói đen lần thứ nhất;

11 giờ 52 sáng Thứ Ba 19/4: Khói đen lần thứ hai;

5 giờ 50 chiều: khói trắng bốc lên;

6 giờ 43 chiều: thông báo có tân giáo hoàng;

6 giờ 48 chiều: ĐTC Biển Đức XVI xuất hiện chào và ban Phép Lành Tòa Thánh

 

 Lời Giới Thiệu tân Giáo Hoàng của ĐHY Jorge Arturo Medina Estevez:

 

Annuntio vobis gaudium magnum;

habemus Papam;

Eminentissium ac Reverendissium Dominum,

Dominum Josephum

Sanctae Romanae Ecclesiae Cardinalem Ratzinger

Qui sibi nomen imposuit Benedictum XVI


Tôi rất hân hoan loan báo cùng anh chị em;

Chúng ta đã có Giáo Hoàng;

Đức Hồng Y rất đáng kính Joseph Ratzinger của Hội Thánh Rôma,

Vị đã chọn danh hiệu là Biển Đức XVI.

 

Lời chào đầu tiên của vị tân giáo hoàng:

“Anh Chị em thân mến,
Sau Vị đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các vị Hồng Y đã chọn tôi, một nhân công đơn mọn trong vườn nho của Chúa. Tôi cảm thấy được an ủi ở chỗ Chúa biết phải làm như thế nào cho dù với nhưng thứ dụng cụ bất xứng, nhất là tôi xin cậy nhờ vào lời cầu nguyện của anh chị em. Trong niềm hân hoan Chúa Phục Sinh, tin tưởng vào việc Người hằng ban ơn trợ giúp, xin Chúa giúp chúng ta tiến bước, và xin Mẹ của Người, Đức Maria Rất Thánh, ở bên chúng ta. Cám ơn anh chị em”.

 

Tiểu Sử của Đức Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

ĐHY Joseph Ratzinger, nguyên tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Chủ Tịch Ủy Ban Thánh Kinh của Tòa Thánh và Ủy Ban Thần Học Thế Giới, Trưởng Hồng Y Đoàn, được vào đời ngày 16/4/1927, ở Marktl am Inn, Đức quốc. Ngài được thụ phong linh mục ngày 29/6/1951.

 

Cha của ngài là một nhân viên cảnh sát, xuất thân từ một gia đình truyền thống nông dân ở vùng Hạ Thổ Bavaria. Ngài là út trong một gia đình có 3 chị em. Ngài đã sống những năm thanh thiếu niên ở Traunstein, và được gọi phục vụ phụ giúp cho ngành phòng không vào những tháng cuối cùng của Thế Chiến Thứ II.  

Từ năm 1946 đến 1951, năm ngài được thụ phong linh mục và bắt đầu giảng dạy, ngài đã học triết lý và thần học ở Đại Học Munich và tại trường cao đẳng ở Freising. Vào năm 1953, ngài đậu tiến sĩ thần học với luận án “Dân Chúa và Nhà Chúa nơi giáo huấn của Thánh Âu Quốc Tinh về Giáo Hội”. Bốn năm sau đó, ngài hợp lệ để làm giáo sư dạy đại học. Bấy giờ ngài dạy khoa tín điều và cơ bản thần học tại trường cao đẳng triết lý và thần học Freising, ở Bonn từ năm 1959 đến 1969, ở Munster từ 1963 đến 1966, và ở Tubinga từ 1966 đến 1969. Từ năm 1969, ngài là giáo sư dạy khoa tín lý thần học và khoa tín điều sử ở Đại Học Regensburg và là phó chủ tịch của chính đại học này.

 

 Ngài được nổi tiếng vào năm 1962, lúc ngài tham dự Công Đồng Chung Vaticanô II năm 35 tuổi với tư cách là tham vấn cho Đức Hồng Y Joseph Frings, TGM Cologne. Trong nhiều tác phẩm của mình, những quyển đặc biệt là “Nhập Môn Kitô Giáo”, một tổng hợp các bài dạy ở đại học về việc tuyên xưng đức tin, được xuất bản năm 1968; và cuốn “Tín Điều và Mạc Khải”, một hợp tuyển các bài luận đề, giảng và suy tư giành cho việc thừa tác mục vụ, xuất bản năm 1973. Ngoài ra còn rất nhiều nữa sau này.

 

Vào Tháng 3/1977, Đức Phaolô VI đã bổ nhiệm ngài làm TGM Munich và Freising và vào ngày 28/5/1977 ngài được tấn phong, một vị linh mục giáo phận đầu tiên sau 80 năm được nắm trách nhiệm thừa tác mục vụ của giáo phận rộng lớn ở Bavarian này.

 


Ngài được Đức Phaolô VI thăng hồng y vào mật nghị 27/6/1977. Vào ngày 25/11/1981, ngài được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin; và là chủ tịch Ủy Ban Thánh Kinh và Ủy Ban Thần Học Quốc Tế của Tòa Thánh.

 

Ngài là cáo thỉnh viên Thượng Nghị Giám Mục lần thứ V năm 1980. Ngài là chủ tịch Thượng Nghị Giám Mục lần VI năm 1983. Được chọn làm phó Hồng Y Đoàn ngày 6/11/1998, và là trưởng Hồng Y Đoàn ngày 30/11/2002. Là chủ tịch Ủy Ban sửa soạn cho cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 6 năm (1986-1992).


Ngài được trao tặng bằng danh dự về luật khoa của Đại Học Free University of Maria Santissima Assunta ngày 10/11/1999. Ngài trở thành một phần tử danh dự của Giáo Hoàng Học Viện Các Khoa Học ngày 13/11/2000.

 

 


Thánh Lễ Đăng Quang Chúa Nhật 24/4/2005
 

Theo đúng chương trình, vào đúng 10 giờ sáng Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh, 24/4/2005, Thánh Lễ Đăng Quang của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã được bắt đầu tại Quảng Trường Thánh Phêrô.

 

Trước Thánh Lễ, tân Giáo Hoàng Biển Đức đã xuống hầm mộ dưới lòng Đền Thờ Phêrô, tới mộ Thánh Phêrô kính viếng, bằng việc xông hương mộ của ngài.

 

Khi đoàn đồng tế đoàn (gồm 150 vị hồng y, mặc áo lễ bạc) tiến từ Đền Thờ Thánh Phêrô ra ngoài Quảng Trưởng Thánh Phêrô, vị cuối cùng là Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, tất cả vỗ tay trong khi đó ca đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh.

 

 

 

Trong số giám mục, linh mục và tu sĩ hiện diện có cả người anh linh mục của ngài là Đức Ông Georg Ratzinger.

Bài Phúc Âm được công bố bằng cả tiếng Latinh lẫn Hy Lạp bởi hai phó tế. Hai phó tế này cũng đã mang giây tông phẩm và nhẫn giáo hoàng từ bàn thờ tới chỗ ĐTC ngồi chủ lễ và đứng chung với 3 vị hồng y Angelo Sodano, Stephen Kim Sou-hwan và Jorge Arturo Medina Estevez.

 

Trước bài giảng là phần giây choàng giáo tông và tông nhẫn, sau đó có 12 người đại diện lên hôn nhẫn ngài để tỏ ra thần phục quyền bính giáo hoàng. Vị giám mục đã bỏ mũ ra như tỏ lòng tuân phục thượng quyền của ngài.

 

ĐHY Jorge Arturo Medina Estevez đã đeo giây tông phẩm (petrine pallium) cho ĐTC, giây tông phẩm này mầu trắng, được làm bằng cả lông chiên và cừu, với 5 hình thánh giá đỏ được thêu ở giây tông phẩm này. Giây tông phẩm này tượng trưng cho cả Vị Chủ Chiên Nhân Lành vác con chiên lạc trên vai lẫn câu trả lời ‘con mến Thày’ ba lần của Tông Đồ Phêrô là vị tông đồ được Thày trao cho sứ vụ chăn dắt cả chiên lẫn cừu của Người.

 


ĐHY Angelo Sodano, trưởng hồng y đoàn, bấy giờ đặt nhẫn giáo hoàng vào bàn tay phải của ĐTC. Chiếc nhẫn này có hình ảnh để làm dấu niêm ấn của ngài, đó là hình ảnh Thánh Phêrô với chiếc thuyền mang lưới cá, nói lên ý nghĩa đức tin đích thực và nhiệm vụ củng cố đức tin cho anh em mình của Tông Đồ Phêrô. Sở dĩ chiếc nhẫn này được gọi là Nhẫn của Tay Đánh Cá (Ring of the Fishermen) là vì tông đồ Phêrô là Tông Đồ đánh cá, vị đã tin vào lời Chúa Giêsu, thả lưới và đã bắt được mẻ cá lạ.

 



12 người lên hôn nhẫn của ngài là 3 vị hồng y, 1 vị giám mục, 1 linh mục, 1 phó tế, 1 nam tu và 1 nữ tu, 1 căp vợ chồng và hai người nam nữ trẻ vừa mới được lãnh nhận bí tích thêm sức.

 

Trong bài giảng, ĐTC đã nhắc lại vị cố giáo hoàng khả kính đáng nhớ của mình, chào tất cả mọi người, xin cầu nguyện cho ngài, nói tới “sa mạc tâm linh” của con người thời đại, tới lời Chúa Giêsu nói “chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên”, và cuối cùng ngài nhắc lại lời của vị tiền nhiệm của ngài đã kêu gọi con người vào ngày 22/10/1978 trong lễ đăng quang 26 năm rưỡi trước đây, là “đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”, và ngài đặt vấn đề tại sao con người sợ Chúa Kitô, vì họ sợ Người lấy đi của họ những gì họ có, trái lại, Người lại ban cho họ tất cả, cho họ tự do.


Trong phần dâng lễ có phái đoàn giáo dân các nước, như Hung Gia Lợi, China, Peru, Ý, Nhật v.v., từng cặp, bưng chén lễ lên cho ĐTC, được ngài chúc lành rồi đưa chén lễ cho những vị giúp lễ.


Theo cảnh sát Rôma cho biết, Thánh Lễ đăng quang của vị tân giáo hoàng, tuy không đông tới 3 triệu người bằng lễ an táng của vị cố giáo hoàng, song cũng tràn ngập Quảng Trường Thánh Phêrô và con đường Via della Concilazione dẫn đến quảng trường này, con số lên tới nửa triệu, trong đó có nhiều người Đức.

 

 


Để giữ an ninh cho lễ đăng quang này, chính quyền Ý đã phải vận dụng tới 7 ngàn nhân viên, bao gồm cả thành phần bảo vệ các vị lãnh đạo hay đại diện các quốc gia. Không phận Rôma trong vòng 5 dặm, từ 8 giờ sáng tới 4 giờ chiều, không có một thứ không vận nào. Vấn đề cấp cứu đã có 100 bác sĩ, 100 y tá, 50 nhóm cấp cứu, 80 xe cứu thương và 8 trạm cứu thương.

 

Có 141 phái đoàn đại biểu đại diện các vị lãnh đạo quốc gia và chính quyền tham dự lễ đăng quang. Có 70 vị đại diện đại kết, bao gồm các Giáo Hội Chính Thống, các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, Các Giáo Hội và cộng đồng Kitô hữu Tây Phương, và các tổ chức Kitô giáo thế giới.

 

Trong số các vị lãnh đạo chính quyền các quốc gia gồm có: Tổng Thống Ý Carlo Ciampi, Tổng Thống Áo Heinz Fischer, Tổng Thống Đức Horst Kohler, Tổng Thống Balan Aleksander Kwasniewski, Tổng Thống Á Căn Đình Nestor Kirchner, Tổng Thống Colombia Álvaro Uribe, Tổng Thống Honduras Ricardo Maduro, Tổng Thống Paraguay Nicanor Duarte, Tổng Thống El Salvador Elias Antonio Saca, Tổng Thống Dominican Leonel Fernández, Quốc Vương Tây Ban Nha Juan Carlos và Nữ Hoàng Sofia, Tổng Thống Lebanon Emile Lahoud, Thống Đốc Florida Jeb Bush, lãnh đạo phái đoàn Hoa Kỳ 5 người, ĐTGM Rowan Williams Giáo Chủ Anh Giáo, ĐTGM Kirill thuộc Tòa Thượng Phụ Moscow, ĐTGM Chrysostomos thuộc Tòa Thượng Phụ Toàn Cầu Constantinople. Riêng tôn sư trưởng Do Thái ở Rôma được tân giáo hoàng mời song không tới được vì Chúa Nhật là ngày đầu tiên của Lễ Vượt Qua. Ngoài ra còn có các đại diện đến từ Á Châu, Phi Châu và Trung Đông.

 

Kết Lễ, trong khu chuông rung, ĐTC đã lên chiếc tông xa (không bọc kính an toàn) để đi vòng Quảng Trường Thánh Phêrô (lần đầu tiên) chào tất cả mọi người đến tham dự Thánh Lễ Đăng Quang của ngài.

 

 

 

Sau đó, các vị lãnh đạo này lần lượt lên chúc mừng ĐTC ngồi trước Bàn Thờ Cáo Giải, đầu tiên là tổng thống và thủ tướng Đức, và lâu nhất và nồng nhiệt nhất là phái đoàn của tổng thống Balan.