Vị Giáo Hoàng

của Khối Hiệp Nhất Âu Châu

 

 

 

 

T

rong bài viết mang tựa đề “Vị Tân Giáo Hoàng 265 có thể là một hồng y người Pháp gốc Ba Lan Do Thái hay một hồng y thuộc dòng Phanxicô...”, được phổ biến trên mạng điện toán toàn cầu thoidiemmaria.net ngày 19/4/2005, và là bài cũng đã được mạng điện toán toàn cầu dongcong.net lấy phổ biến vào cùng ngày, ngay trước khi có tân giáo hoàng mấy tiếng đồng hồ. Tuy những chi tiết ở đầu đề cho bài viết hoàn toàn sai bét. Thế nhưng, nếu ai đã đọc bài này trước khi có tân giáo hoàng, và đem áp dụng những chi tiết khác trong bài này, sẽ thấy dường như thích hợp với tân giáo hoàng này, như những điều đã nói ngài “sẽ là vị giáo hoàng của Bữa Tiệc Ly (có thể đó là lý do Năm Thánh Thể chưa kết thúc, liên quan đến Hiệp Nhất Kitô giáo)”. Nguyên văn của bài viết trên đây như sau:

“Hôm nay, Thứ Hai, 18/4/2005, 115 vị hồng y bắt đầu cuộc bầu tân giáo hoàng 265 cho Giáo Hội Công giáo. Tại Tòa Thánh Rôma, cả 6 ngàn phóng viên báo chí đang chực chờ để biết tin tức về diễn tiến của cuộc mật bầu và kết quả của cuộc mật bầu là vị tân giáo hoàng này. Kể cả trong thời gian Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhập bệnh viện vào đầu tháng 2/2005, truyền thông đã bắt đầu nói đến việc ngài về hưu, từ đó, bàn đến cả vị kế thừa ngài. Cho đến nay, dư luận vẫn đang hồi hộp chờ đợi con người được Thiên Chúa chọn, như Ngài đã bất ngờ chọn Đức Gioan Phaolô II.

 

“Chính vì vị giáo hoàng 264 vừa quá cố này không phải là người Ý trong vòng 455 năm đã được chọn như thế mà lần này, dư luận cũng hướng về những vị hồng y nổi tiếng ở các châu lục khác ngoài Âu Châu, chẳng hạn như Phi Châu với hồng y Francis Arinze nước Nigeria, và Châu Mỹ Latinh với hồng y Claudio Hummes người Ba Tây. Tuy nhiên, báo chí, hầu hết ở Âu Châu, vẫn quanh quẩn với những vị nổi tiếng ở Âu Châu, cách riêng ở Ý. Chẳng hạn như vị hồng y Dionigi Tettamanzi, ở TGP Milan, nơi đã có mấy đời giáo hoàng. Họ cũng đề cập đến 1 vị ngoài nước Ý là vị hồng y người Pháp Jean-Marie Lustiger, và vị hồng y người Đức hết sức nổi tiếng đang giữ vai trò trưởng hồng y đoàn kiêm tổng trưởng tín lý đức tin là Joseph Ratzinger.

 

“Riêng tôi, để có thể suy đoán về vị tân giáo hoàng, cần căn cứ vào diễn tiến lịch sử của Giáo Hội. Chẳng hạn như trường hợp của Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng đã được Thiên Chúa chọn để đóng vai trò áp dụng Công Đồng Chung Vaticanô II, và đó là lý do ngài đã lấy danh hiệu giáo hoàng là Gioan Phaolô II, vì: Đức Gioan XIII là vị giáo hoàng dẫn dắt Giáo Hội vỏn vẹn có 5 năm trời, vị giáo hoàng 78 tuổi nhưng vẫn được Thiên Chúa chọn để khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II với tinh thần cởi mở và đối thoại, và Đức Phaolô VI là vị giáo hoàng của Giáo Hội (với thông điệp đầu tiên về “Giáo Hội của Người” ban hành ngày 6/8/1964) tiếp tục và kết thúc Công Đồng Chung cho một Giáo Hội trong thế giới tân tiến.

 

“Bởi vậy, theo chiều hướng này, chúng ta cần phải lưu ý tới những gì Đức Gioan Phaolô II đã làm, kể cả và nhất là những gì chưa hoàn tất, để phỏng đoán. Nếu Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng xuất phát từ một nước Cộng Sản đã hiển nhiên được Chúa dùng để làm sụp đổ Cộng Sản ở Âu Châu, và đang cố gắng hết sức để giúp cho Âu Châu thực sự trở thành một Khối Hiệp Nhất Âu Châu theo căn gốc Kitô giáo của mình.

 

“Thế nhưng, cho tới khi ngài qua đời, Khối Hiệp Nhất Âu Châu này, chủ chốt là Pháp, nơi Giáo Hội vẫn được gọi là trưởng nữ của Giáo Hội, vẫn muốn phủ nhận căn gốc Kitô giáo làm nên văn hóa Âu Châu và căn tính Âu Châu của mình, và cũng chính vì không ‘trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa’ (x Mt 22:21), bằng việc nhìn nhận căn tính Kitô giáo của mình như thế, châu lục này đã sống như không có Thiên Chúa, và đang bị khủng hoảng đức tin rất ư là trầm trọng, nơi đã cả hơn ngàn năm làm cho hạt giống Kitô giáo phát triển và truyền bá đi khắp nơi trên thế giới, nhưng đồng thời lại là nơi có những phân rẽ trong nội bộ Kitô giáo từ thế kỷ 16, với hai cuộc ly giáo liền vào tiền bán thế kỷ này là Thệ Phản (1519) và Anh Giáo (1535).

 

“Trong khi đó, theo chiều hướng tự do tôn giáo ở Âu Châu, làn sóng di dân của những người Hồi giáo Ả Rập, trước tình hình càng ngày càng khủng hoảng ở Trung Đông là vùng đất của họ, đã tràn vào Âu Châu và đã phát triển càng ngày càng mạnh, nhất là ở Pháp. Nếu cứ đà này, Kitô giáo ở Âu Châu càng ngày càng xuống dốc, trong khi Hồi giáo càng ngày càng thịnh, mà Hồi giáo, theo lịch sử cho thấy, bao giờ cũng kị Kitô giáo, và đã từng triệt hạ Kitô giáo trước đây, thậm chí cho tới nay ở các quốc gia Hồi giáo của họ, thì Giáo Hội Công giáo là tâm điểm của Âu Châu về quyền lực tôn giáo này cần phải đứng vững hơn bao giờ hết, không phải chỉ vì sợ Hồi giáo lấn át, cho bằng tái phúc âm hóa Khối Hiệp Nhất Âu Châu theo tinh thần Kitô giáo (chứ không phải chỉ bằng và nhờ nguyên kinh tế và chính trị như khối này đang chủ trương).

 

“Khối Hiệp Nhất Âu Châu có thực sự trở về với căn gốc Kitô giáo của mình, cho đến độ tiến đến chỗ Đại Kết Kitô giáo, Kitô giáo mới có thể là chứng nhân truyền bá phúc âm hóa phần thế giới chưa nhận biết Chúa Kitô, nhất là ở Á Châu, mới có thể tái phúc âm hóa cho cả thế giới Kitô giáo ở toàn Mỹ Châu, nhất là Bắc Mỹ, nơi cũng đang quằn quại trong nền văn hóa sự chết, và mới có thể làm cho cả Do Thái giáo đang càng ngày càng gần hơn với Kitô giáo qua Giáo Hội Công giáo từ thời Đức Gioan Phaolô II, qua chứng từ hiệp nhất Kitô giáo như thế, nhận biết Đấng Thiên Sai của họ chính là Đức Giêsu Kitô, giáo tổ Kitô giáo.

 

“Với vai trò và vị thế quan trọng như thế của Âu Châu đối với vận mệnh và sứ mệnh của Giáo Hội Công giáo trước mắt như thế, những gì đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cố thực hiện mà chưa hoàn thành, thì vị giáo hoàng 265 cần phải là vị giáo hoàng vẫn thuộc về Âu Châu. Vị giáo hoàng đó có thể là vị hồng y người Pháp có gốc vừa Balan vừa Do Thái, vị hồng y 79 tuổi đã làm cho hàng giáo phẩm Pháp phải bỡ ngỡ trước sự bổ nhiệm của Đức Gioan Phaolô II để ngài làm TGM Paris ngày 2/2/1981, khi ngài mới làm Giám Mục giáo phận Orléans ngày 10/11/1979 chưa được bao lâu. Đó là ĐHY Jean-Marie Lustiger.

“Cho dù ngài đã 79 tuổi, và cũng chính vì còn 1 tuổi nữa (ngay trước khi không còn hợp lệ để bầu giáo hoàng), đã cho thấy dấu hiệu ngài còn kịp làm giáo hoàng, như trường hợp của Đức Gioan XXIII. Và cho dù thời gian làm giáo hoàng của ngài có ngắn ngủi đi chăng nữa, (như Đức Gioan XXIII chỉ có 5 năm song đã làm được một việc chuyển tiếp quan trọng đó là triệu tập Công Đồng Chung Vaticanô II), chỉ cần ngài hoàn tất sứ vụ của mình, như làm cho nước Pháp, cái then chốt về cả chính trị lẫn tôn giáo ở Âu Châu, bừng lên tinh thần Kitô giáo, là sẽ làm cho cả Khối Hiệp Nhất Âu Châu tái sinh, như đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã làm cho quê hương Balan của ngài ngay vào lần về nước lần đầu tiên năm 1979, để rồi 10 năm sau vị giáo hoàng vừa quá cố này thấy được thành quả rực rỡ của nó ở cả Đông Âu.

 

“Ngoài ra, với dòng máu gốc Do Thái, vị hồng y này còn có thể được Thiên Chúa sử dụng, như Ngài đã sử dụng mối quen biết và thân tình của Đức Gioan Phaolô II với người Do Thái tại quê hương Balan của vị giáo hoàng này, để làm cho Giáo Hội Công giáo với Do Thái giáo càng gắn bó với nhau hơn. Để rồi, sau khi vị giáo hoàng có dòng máu gốc Do Thái này qua đi, vị giáo hoàng sau ngài, có thể là một vị hồng y đến từ Đông phương ngoài Âu Châu, từ Á Châu chẳng hạn, xuất hiện, với danh xưng Phêrô, (vị giáo hoàng cuối cùng theo sấm truyền của tiên tri Nostradamus), được Thiên Chúa chọn để hoàn tất sứ vụ làm cho dân Do Thái trở lại, đúng như những gì đã được Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô khẳng định: ‘Dân Do Thái bị mù tối cho đến khi đủ số Dân Ngoại, rồi tất cả mọi người Do Thái sẽ được cứu độ’ (Rm 11:25-26).

“Ngoài ra, cũng theo chiều hướng diễn tiến lịch sử, chúng ta cũng có thể suy đoán như thế này. Nếu chiều hướng của vị giáo hoàng quá cố là ‘thả lưới ở chỗ nước sâu - duc in altum’, một chiều hướng ngài phác họa cho cả Giáo Hội vào thời điểm trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba Kitô giáo, như Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ ban hành vào Ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2001 để bế mạc Đại Năm Thánh 2000, thì vị giáo hoàng thay ngài phải là vị giáo hoàng nội tâm hơn hoạt động, đau khổ nhiều hơn thành đạt.

 

“Có thể nói, nếu giáo triều Gioan Phaolô II là giáo triều huy hoàng nhất lịch sử Giáo Hội Công giáo, chẳng khác nào như Chúa Kitô tiến vào thành thánh Giêrusalem, thì vị giáo hoàng sau ngài sẽ là vị giáo hoàng của Bữa Tiệc Ly (có thể đó là lý do Năm Thánh Thể chưa kết thúc, liên quan đến Hiệp Nhất Kitô giáo, theo lời nguyện kết thúc Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô), vị giáo hoàng của Vườn Nhiệt (với những nhức nhối nội bộ) và của Khổ Nạn (gây ra bởi cả dân Chúa lẫn thế giới). Vị tân giáo hoàng có thể là vị hồng y trong mật nghị hồng y ngày 21/10/2003, một mật nghị chọn tuyển các tân hồng y sau khi ngài trả lời một vị giám mục Á Căn Đình ngày 12/2/2002 rằng người kế vị ngài chưa làm hồng y.

 

“Chính vì vị tân giáo hoàng có thể là vị giáo hoàng nội tâm, vị giáo hoàng hiệp nhất, vị giáo hoàng khổ đau, mà Sứ Điệp Lễ Chúa Tình Thương ngày 3/4/2005, sứ điệp cuối cùng của giáo triều dài 9664 ngay này chính là di chúc hay ước nguyện cuối cùng ĐTC GPII thực sự muốn để lại cho cả Giáo Hội lẫn toàn thể nhân loại, ‘một nhân loại’, như ngài nói trong sứ điệp, ‘có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, cái tôi và sợ hãi’, đó là, như ngài cũng cảm nhận trong sứ điệp, ‘thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa biết bao!’ Thế nhưng, để được như vậy, để nhân loại có thể ‘chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa’, Giáo Hội nói chung và vị tân giáo hoàng nói riêng, phải trở thành Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa, nhờ ‘việc’ được ngài khẳng định là ‘chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu nhân hậu xuất phát từ thánh tâm Chúa Giêsu này bằng ánh mắt của Mẹ Maria’.

“Nếu thực sự vị tân giáo hoàng là vị giáo hoàng của nội tâm, của hiệp nhất và khổ đau, thì vị ấy có thể là một vị hồng y thuộc một dòng tu, như dòng Phanxicô, con cái của Thánh Phanxicô khó khăn, vị thánh nội tâm sâu xa, vị thánh của hòa bình và hiệp nhất, vị thánh đã được đức cố Gioan Phaolô II hết sức ngưỡng mộ, đến nỗi vừa lên đăng quang giáo hoàng (22/10/1978) ngài đã đến thăm Assisi (5/11/1978) và tổ chức những Cuộc Liên Tôn Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Thế Giời ở đây vào những ngày 27/10/1986, 9-10/1/1993, và 24/1/2004.

 

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho cuộc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng và cầu nguyện cho vị được Thiên Chúa tuyển chọn từ muôn thuở để thay Người dẫn dắt đàn chiên của Người cho đến khi Người lại đến”.


Ở đây, nếu phân tích kỹ, chúng ta thấy có 3 điểm chính yếu được nhấn mạnh là, thứ nhất, vị tân giáo hoàng vẫn còn ở Âu Châu, thứ hai, Âu Châu cần phải thực sự trở thành một Khối Hiệp Nhất Âu Châu về tôn giáo, và vị tân giáo hoàng sẽ là vị đi sâu vào chiều hướng ‘duc in altum’ nội tâm của một dòng khổ tu.

 

Phải chăng hai điểm chính yếu được đề cập đến trong bài viết trên đây đã không được thể hiện ngay danh hiệu Biển Đức của vị tân giáo hoàng. Giáo Hoàng Biển Đức XV, một vị giáo hoàng đã dẫn dắt Giáo Hội 8 năm (1914-1922), vào thời Thế Chiến Thứ I, và theo lịch sử nhận định thì ngài có công gầy dựng hai vị giáo hoàng kế vị ngài là Giáo Hoàng Piô XI (1922-1939) và Giáo Hoàng Piô XII (1939-1958): Đức Ông Ratti (sau làm Giáo Hoàng Piô XI) được ngài sai sang Balan làm việc 3 năm, và Đức Eugenio Pacelli (sau làm Giáo Hoàng Piô XII) được ngài sai sang Đức làm khâm sứ tòa thánh ở Munich. Không biết vị tân giáo hoàng thứ 265 của chúng ta có ý chọn danh hiệu giáo hoàng Biển Đức XVI là để tưởng nhớ đến vị giáo hoàng Biển Đức XV đã có cônng gay dựng hai vị giáo hoàng thay ngài, một liên quan tới Balan là quê hương của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng như tới Balan là quê hương của chính vị tân giáo hoàng 265 này hay chăng?

 

Riêng tên Biển Đức là tên của vị Thánh Lập Dòng Khổ Tu Biển Đức từ thế kỷ thứ sáu. Sauk hi thánh nhân qua đời năm (480-547), thì vào năm 574 đã có vị giáo hoàng lấy tên ngài làm danh hiệu giáo hoàng, đó là Giáo Hoàng Biển Đức I (574-578/579). Theo lịch sử Giáo Hội nói riêng và lịch sử Âu Châu nói chung (cũng là lịch sử thế giới), thì Dòng của vị thánh được phong làm quan thày của cả Âu Châu này đã góp công rất nhiều vào việc hình thành và phát triển văn hóa Âu Châu ngay từ đầu. Có một điều trùng hợp nữa là, có một vị nữ tu dòng Kín Carmêlô người Đức gốc Do Thái là Teresa Benedicta Thánh Giá, một nữ tu bị Đức Quốc Xã sát hại và đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong thánh ngày 11/10/1998 và được tuyên phong làm quan thày Âu Châu cùng với hai v ị Thánh Nữ khác là Thánh Nữ Brigita Thụy Điển và Catarina Sienna Ý quốc ngày 1/10/1999.

 

Thật vậy, về điểm thứ nhất, vị giáo hoàng vẫn ở Âu Châu, đó là vị tân giáo hoàng người Đức, nguyên hồng y Joseph Ratzinger, tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Về điểm thứ hai, sở dĩ vị tân giáo hoàng vẫn còn là người Âu Châu vì vị tân giáo hoàng có liên hệ tới vận mệnh Âu Châu, điểm này đã được tỏ hiện ngay nơi danh hiệu giáo hoàng của ngài, một danh hiệu đã làm cho mọi người ngỡ ngàng, một danh hiệu quả thực có liên hệ đến Âu Châu, như được chính ngài minh định trong buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư 27/4/2005 cách đây hai hôm như sau. Ngài nói:

 

“Danh hiệu Biển Đức ngoài ra còn gợi lên cho thấy một hình ảnh nổi bật về vị đại ‘tổ phụ đan viện tu tây phương’, đó là Thánh Biển Đức ở Nursia, vị đồng quan thày Âu Châu với thánh Cyrilô và Methôđiô. Việc mau chóng phát triển Dòng Biển Đức được ngài sáng lập đã gây tác dụng lớn lao cho việc truyền bá Kitô giáo khắp lục địa Âu Châu. Đó là lý do Thánh Biển Đức đã được tôn kính rất nhiều ở Đức quốc, nhất là ở Bavaria, miền đất nguyên quán của tôi; ngài thiết lập một cứ điểm nồng cốt cho việc hiệp nhất Âu Châu và mãnh liệt kêu gọi trở về với những cội nguồn Kitô giáo của văn hóa và văn minh Âu Châu”.

 

Về điểm thứ ba trong bài viết được đề cập đến trên đây, tôi còn nói vị tân giáo hoàng thiên về đời sống nội tâm và nhấn mạnh đến việc sống nội tâm, nguyên văn những lời tôi viết như sau:

 “Ngoài ra, cũng theo chiều hướng diễn tiến lịch sử, chúng ta cũng có thể suy đoán như thế này. Nếu chiều hướng của vị giáo hoàng quá cố là ‘thả lưới ở chỗ nước sâu - duc in altum’, một chiều hướng ngài phác họa cho cả Giáo Hội vào thời điểm trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba Kitô giáo, như Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ ban hành vào Ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2001 để bế mạc Đại Năm Thánh 2000, thì vị giáo hoàng thay ngài phải là vị giáo hoàng nội tâm hơn hoạt động, đau khổ nhiều hơn thành đạt”.

 

Đúng thế, danh hiệu Giáo Hoàng Biển Đức XVI của vị tân giáo hoàng 265 của Giáo Hội đã cho thấy ngài hướng về vị thánh tổ phụ của đan viện khổ tu, và kêu gọi sống nội tâm, như chính ngài đã kêu gọi cũng trong bài huấn dụ cho buổi triều kiến chung hôm Thứ Tư trên đây:

 

“Chúng ta biết lời huấn dụ được Vị Tổ Phụ của đan viện tu Tây Phương này để lại cho thành phần đan sĩ của mình đó là ‘Tuyêt đối không coi gì hơn Chúa Kitô’ (Luật Dòng 72:11; 4:21). Vào lúc mở đầu cho việc tôi phục vụ như vị Thừa Kế Thánh Phêrô, tôi xin Thánh Biển Đức hãy giúp chúng ta biết cương quyết lấy Chúa Kitô làm tâm điểm của đời sống chúng ta. Chớ gì Người bao giờ cũng là những gì trên hết trong tâm tưởng cũng như trong tất cả mọi hoạt động của chúng ta!”

 

Ngoài ra, cũng theo chiều hướng nội tâm này, vị tân giáo hoàng đã minh định là ngài sẽ tiếp tục đường lối 'duc in altum' (thả lưới ở chỗ nước sâu) của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của mình, như ngài đã nói trong cùng bài huấn từ cho buổi triều kiến chung trên đây thế này:

 

"Tôi cảm mến nghĩ lại vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của mình, vị chúng ta đã mắc nợ một di sản thiêng liêng đặc biệt. Ngài đã viết trong tông thứ 'Vào Lúc Mở Màn Cho Một Thiên Niên Kỷ' rằng 'Các cộng đồng Kitô hữu chúng ta cần phải trở thành một học đường cầu nguyện, nơi cuộc gặp gỡ Chúa Kitô được thể hiện chẳng những ở chỗ nài xin ơn giúp đỡ mà còn ở chỗ tạ ơn, chúc tụng, tôn thờ, chiêm ngưỡng, lắng nghe và sùng mộ, cho đến khi tâm hồn thực sự say yêu’ (số 33).

 

"Chính ngài đã tìm cách thực hiện những ý định đó này bằng cách cống hiến các buổi giáo lý Thứ Tư vào thời gian cuối cùng để dẫn giải về các bài Thánh Vịnh cho giờ kinh phụng vụ ban mai và chiều tối. Như ngài đã làm khi mở màn cho giáo triều của ngài, lúc ngài muốn tiếp tục những bài chia sẻ được khởi xướng bởi vị Tiền Nhiệm của ngài về các nhân đức Kitô giáo (x 'Insegnamenti di Giovanni Paolo II', I [1978], tr. 60-63), tôi cũng có ý thực hiện vào các buổi triều kiến hằng tuần tới đây việc dẫn giải đã được Đức Gioan Phaolô II dọn cho phần thứ hai của các Bài Thánh Vịnh và Ca Vịnh thuộc Giờ Kinh Phụng Vụ Chiều Tối. Từ Thứ Tư tuần tới, tôi sẽ bắt đầu vào chính bài giáo lý của ngài đã bị gián đoạn sau buổi triều kiến chung 26/1/2005".

 

Đối với tôi, sau khi thấy được 3 ba điểm suy đoán này đã xẩy ra đúng với vị tân giáo hoàng, tôi thấy ngài quả thực là một “dấu chỉ thời đại”, với những sự kiện sau đây liên quan đến nước Đức của ngài nói riêng và đến biến cố sắp đến của Giáo Hội diễn ra tại quê hương của ngài nói chung.

 

Trước hết, về phương diện tôn giáo, nước Đức của ngài, theo lịch sử, là một nước phát xuất ra phong trào Thệ Phản Tin Lành từ tiền bán thế kỷ 16, với linh mục dòng Âu Quốc Tinh tên là Martin Luthêrô năm 1519. Bởi thế, phải chăng vị giáo hoàng 265 người Đức của Giáo Hội Công Giáo này là một “dấu chỉ thời đại”, vì ngài quả thực đã minh nhiên chủ trương đặt ưu tiên hàng đầu cho giáo triều của ngài là Hiệp Nhất Kitô giáo?

 

Sau nữa, về phương diện chính trị, nước Đức của ngài, cũng theo lịch sử, là một nước gây ra hai Thế Chiến I và II trong tiền bán thế kỷ 20, và Bức Tường Bá Linh sau Thế Chiến Thứ Hai ở nước của ngài là biểu tượng cho tinh thần chia rẽ Âu Châu. Như thế, phải chăng vị tân giáo hoàng thay thế Đức Gioan Phaolô II là “một dấu chỉ thời đại”, vì ngài quả thực lấy danh hiệu giáo hoàng hết sức lạ lùng là Biển Đức, vị thánh quan thày của Âu Châu và là vị thánh liên quan đến văn hóa chung của Âu Châu?

 

Sau hết, về biến cố của Giáo Hội liên quan đến chính quốc gia của vị tân giáo hoàng người Đức này là Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XX tại Cologne vào trung tuần tháng 8/2005. Phải chăng Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX tại Đức quốc này cũng là một “dấu chỉ thời đại”? Bởi vì, tại sao Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần XX này không ở một nước nào khác, như ở Á Căn Đình năm 1987, ở Tây Ban Nha năm 1989, ở Balan năm 1991, ở Mỹ năm 1993, ở Phi Luật Tân năm 1995, ở Pháp năm 1997, ở Rôma năm 2000, ở Gia Nã Đại năm 2003, mà cho tới năm 2005 là năm có vị tân giáo hoàng người Đức mới diễn ra, mà diễn ra với chính sự hiện diện của vị giáo hoàng bản quốc này, vì ngài đã hứa sẽ đến với ngày này.

 

Theo tôi, nếu chuyến về Balan đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II vào tháng 6/1979, như lịch sử chứng thực, là một biến cố quyết liệt đã đưa đến Biến Cố Đông Âu sụp đổ đúng 10 năm sau đó, thì biết đâu chuyến về quê hương lần đầu tiên vào tháng 8/2005 này của vị giáo hoàng người Đức cũng có một tác dụng làm cho Âu Châu thực sự trở thành một Khối Hiệp Nhất như vậy. Nếu Công Đoàn Liên Đới ở Balan là một lực lượng bất bạo động đã làm sụp đổ cả Khối Đông Âu thế nào, thì chỉ cần Khối Liên Hiệp Thế Giới Lutherô ở Đức Quốc, một tổ chức đã chính thức ký kết với Giáo Hội Công Giáo Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa ngày 31/10/1999, công khai trở về với Giáo Hội Công Giáo, các cộng đoàn giáo hội Kitô giáo Tây phương khác cũng theo nhau trở về với Giáo Hội Công Giáo.

 

“Gió muốn thổi đâu thì thổi” (Jn 3:8). Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội và cho riêng vị tân giáo hoàng của chúng ta, để chờ đợi thấy được những gì Vị Chủ Tể Lịch Sử làm việc qua người tôi tớ được Ngài tuyển chọn với danh hiệu Biển Đức XVI.

 

 

 

ĐTC Biển Đức XVI gặp gỡ giới truyền thông Thứ Bảy 23/4/2005 tại Sảnh Đường Phaolô VI