IV)            Toàn Thể Tin Mừng được lấy từ Nguồn của mình

 

 

NỘI DUNG CỦA SỨ ĐIỆP

 

26-       Vì vấn đề giáo lý là một thời điểm trong việc truyền bá phúc âm hay là một phương diện của việc truyền bá phúc âm mà nội dung của giáo lý không là gì khác ngoài nội dung của toàn thể việc truyền bá phúc âm. Sứ điệp duy nhất này – tức Tin Mừng cứu rỗi – một sứ điệp đã từng được nghe nói đến một lần hay trăm lần và đã được chấp nhận bằng tâm hồn, ở phương diện giáo lý không ngừng được đào sâu bằng việc suy tư và học hỏi có phương pháp, bằng việc nhận thức âm hưởng của nó nơi đời sống riêng tư của mình – một nhận thức đòi hỏi phải dấn thân hơn nữa – cũng như bằng việc áp dụng nó vào  một khối cơ cấu hòa hợp, tức vào đời sống Kitô giáo trong xã hội và thế giới.

 

NGUỒN MẠCH CỦA SỨ ĐIỆP

 

27-       Giáo lý sẽ luôn luôn có một nội dung phát xuất từ nguồn mạch sống động Lời Chúa được truyền đạt nơi Thánh Truyền và Thánh Kinh, vì “Thánh Truyền và Thánh Kinh làm nên một kho tàng Lời Chúa thánh hảo duy nhất, một kho tàng được ủy thác cho Giáo Hội”, như Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc lại để mong rằng “thừa tác vụ Lời Chúa, như việc giảng dạy về mục vụ, việc giảng dạy giáo lý và tất cả mọi thể thức hướng dẫn Kitô giáo …, (phải được) lành mạnh nuôi dưỡng và (phải) tiến triển trong thánh thiện nhờ lời Thánh Kinh” (Hiến Chế về Mạc Khải Thần Linh Dei Verbum, số 10 và 24: AAS 58 năm 1966, trang 822 và 828-829; cũng xem Thánh Bộ về Giáo Sĩ, Directorium Catechisticum Generale, 45: AAS 64 năm 1972, trang 124).

 

Nói về Thánh Truyền và Thánh Kinh như nguồn mạch giáo lý là nói đến việc chú ý tới sự kiện vấn đề giáo lý phải được thai nghén và thấm nhiễm tư tưởng, tinh thần và quan điểm của Thánh Kinh cũng như của các Phúc Aâm, qua việc chuyên cần tìm hiểu chính các bản văn; đồng thời cũng nói tới việc nhắc nhở cho nhớ rằng giáo lý càng phong phú hơn và mang lại hiệu qủa hơn nếu đọc các bản văn với trí lòng của Giáo Hội và cảm được những gì Giáo Hội đã suy tư cùng sống động 2000 năm qua.

 

Giáo huấn, phụng vụ và đời sống của Giáo Hội đều phát sinh từ nguồn mạch này và qui về nguồn mạch này, theo sự hướng dẫn của các vị chủ chăn, nhất là, của huấn quyền về giáo điều do Chúa ủy thác cho các vị.

 

KINH TIN KÍNH DIỄN ĐẠT GIÁO HUẤN HỆ TRỌNG NHẤT

28-       Diễn đạt hệ trọng nhất của một gia sản sống động nằm trong tay các vị chủ chăn này ở nơi Kinh Tin Kính, hay thực tế hơn, đức tin của Giáo Hội được tóm gọn nơi các Kinh Tin Kính bằng những tổng hợp xác nghĩa. Trải qua các thế kỷ một yếu tố quan trọng của giáo lý đã được làm nên bởi traditio Symboli (việc truyền đạt tóm lược đức tin) trước khi Kinh Lạy Cha được truyền đạt. Trong thời của chúng ta đây, lễ nghi diễn tả yếu tố này lại được áp dụng vào việc gia nhập của thành phần dự tòng (xem Ordo Initiationis Christianae Adultorum, 25-26; 183-187). Còn việc áp dụng nào hay hơn hình thức thích ứng này để đánh dấu giai đoạn quan trọng nhất mà một người môn đệ mới của Chúa Giêsu Kitô lấy cả ý thức của mình chấp nhận và can đảm đồng ý với những gì từ đó sẽ trở thành đối tượng học hỏi nhiệt tình của họ?

           

Trong bản Kinh Tin Kính của Dân Chúa, được công bố vào cuối 19 thế kỷ để tưởng niệm hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô tử đạo, Đức Phaolô VI, vị tiền nhiệm của Tôi, đã quyết định kết hợp các yếu tố quan thiết của Đức Tin Công Giáo lại với nhau, nhất là các yếu tố xem ra gặp trục trặc nhiều hơn hay đang có nguy cơ bị coi thường (xem AAS 60 năm 1968, trang 436-445). Bản Kinh Tin Kính Dân Chúa này là một cứ điểm qui chiếu bảo đảm cho nội dung của giáo lý.

 

NHỮNG YẾU TỐ KHÔNG ĐƯỢC COI THƯỜNG

 

29-       Trong chương thứ ba của Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, cũng vị Giáo Hoàng này đã nhắc lại “nội dung chính yếu, bản chất sống động” của việc truyền bá phúc âm (đoạn 25: AAS 68 năm 1976, trang 23). Cả giáo lý nữa cũng phải giữ lấy từng yếu tố này, đồng thời giữ lấy cái tổng hợp hiện tại bao gồm cả những yếu tố ấy (cùng nguồn vừa trích dẫn, nhất là các đoạn 26-39: loc. cit., các tyrang 23-25).

           

Bởi thế, Tôi chỉ muốn nhắc lại ở đây một hai điều (xin đối chiếu với Directorium Catechisticum Generale, số 37-46). Chẳng hạn, ai cũng thấy được tầm quan trọng ra sao trong việc giúp trẻ em, thanh niên nam nữ, người lớn đang tiến triển đức tin được học hiểu “những gì có thể biết về Thiên Chúa” (Rôma 1:19); trong việc có thể dùng cách nói cho họ hay: “Điều qúi vị tôn thờ mà không biết thì tôi xin loan báo cùng qúi vị” (Tông Vụ 17:23); trong việc tỏ bày một cách ngắn gọn (xem Eâphêsô 3:3) mầu nhiệm Lời Chúa đã làm người và hoàn tất công cuộc cứu độ loài người bằng Cuộc Vượt Qua của Người, tức bằng cái chết và phục sinh của Người, bằng cả giáo huấn và các dấu lạ Người làm, bằng các bí tích nói lên việc Người mãi mãi hiện diện giữa chúng ta. Các vị nghị phụ của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn này thực sự đã được ơn soi động khi các vị yêu cầu cần phải cẩn thận đừng kéo Chúa Kitô xuống tầm mức nhân loại, hay hạ sứ điệp của Người xuống lãnh vực trần thế, mà phải nhận biết Người như Con Thiên Chúa, như Đấng Trung Gian làm cho chúng ta có thể dễ dàng tiến đến cùng Chúa Cha trong Thần Linh (xem Eâphêsô 2:18).

           

Cần phải dùng ánh sáng đức tin tỏ cho lý trí và cõi lòng thấy bí tích về việc Chúa Kitô hiện diện đã cấu tạo nên mầu nhiệm Giáo Hội, một cộng đồng con người, thành phần vừa là tội nhân vừa được thánh hóa, cũng là thành phần làm nên gia đình Thiên Chúa, được Chúa qui tụ lại với nhau dưới sự dẫn dắt của những ai “Thánh Linh làm nên… các vị bảo hộ để chăn dắt Giáo Hội Chúa” (Tông Vụ 20:28).

 

Cần phải giải thích cho biết lịch sử loài người, thực sự ghi dấu vết ân sủng và tội lỗi, cao cả và cùng khốn, được Thiên Chúa nâng lên trong Chúa Giêsu Con Ngài, “bao trùm một cách nào đó thế hệ hậu lai” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới tân tiến Gaudium et Spes, đoạn 39: AAS 58 năm 1966, trang 1056-1057).

           

Sau hết, cần phải thẳng thắn cho thấy những đòi hỏi – những đòi hỏi gồm cả việc bỏ mình lẫn sướng vui – bởi những gì Thánh Tông Đồ Phaolô thích nói là “sự sống mới” (Rôma 6:4), “tạo vật mới” (2Cor.5:17), sống trong Chúa Kitô (như vừa trích), và “sự sống đời đời trong Chúa Giêsu Kitô” (Rôma 6:23), một sự sống cũng giống như sự sống trên trần gian, song được sống theo các mối phúc đức và được kêu gọi để kéo dài và biến đổi sau đó.

 

Bởi thế, tầm quan trọng trong vấn đề giáo lý đối với các việc dấn thân cá nhân về mặt luân lý cho cuộc đời và cho thế giới hợp với Phúc Aâm và tinh thần Kitô giáo, dù ở vào trình độ anh hùng hay rất đơn thường – chúng ta gọi đó là các nhân đức Kitô giáo hay các nhân đức phúc âm. Cũng bởi thế, trong nỗ lực giáo huấn đức tin, mối quan tâm của vấn đề giáo lý không phải là đem dấu giếm đi nhưng là làm sáng tỏ những thực tại thích hợp, như hoạt động của con người đối với việc giải phóng toàn diện của họ (xem Đức Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 30-38: AAS 68 năm 1976, trang 25-30), như việc tìm giải pháp cho một xã hội kết đoàn và huynh đệ hơn, như việc tranh đấu cho công lý và xây dựng hòa bình.

 

Ngoài ra, không được nghĩ rằng chiều kích này của giáo lý là một chiều kích hoàn toàn mới mẻ. Ngay từ thời giáo phụ, Thánh Ambrôsiô và Thánh Gioan Chrysôtômô – chỉ cần nhắc lại hai vị này – đã đề cao các thành qủa của những đòi hỏi về xã hội do Phúc Aâm tạo được. Gần thời chúng ta đây, cuốn giáo lý của Đức Piô X minh nhiên đã liệt kê việc đàn áp người nghèo và bóc lột lương lậu của công nhân vào số những tội đòi Thiên Chúa báo oán (xem Catechismo Maggiore, phần năm, chương 6, số 965-966). Nhất là từ Thông Điệp Rerum Novarum, vấn đề quan tâm xã hội đã thực sự hiện diện trong việc giảng dạy giáo lý của các vị Giáo Hoàng và Giám Mục. Nhiều nghị phụ của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn đã có lý nhấn mạnh rằng gia sản phong phú của Giáo Hội về học thuyết xã hội, bằng các hình thức thích hợp, phải chiếm một chỗ trong việc giảng dạy giáo lý chung cho tín hữu.

 

TÍNH CHẤT TRỌN VẸN CỦA NỘI DUNG GIÁO LÝ

 

30-       Đối với nội dung của giáo lý, có ba vấn đề đáng phải chú trọng đến ở đây.

 

Vấn đề thứ nhất liên quan đến sự toàn vẹn của nội dung giáo lý. Để việc hy sinh trao hiến đức tin của mình (xem Philiphê 2:17) được trọn vẹn, con người trở nên môn đệ của Chúa Kitô được quyền lãnh nhận “lời đức tin” (Rôma 10:8), không phải dưới một hình thức lạc loài, lầm lẫn hay giảm thiểu mà là trọn vẹn và hoàn toàn, với tất cả tính cách chặt chẽ và vững bền của nó. Nếu không theo sát với một điều nào đó đúng như sứ điệp nguyên tuyền là làm cho giáo lý yếu kém đi cách nguy hiểm, có thể tác hại đến các thành qủa mà Chúa Kitô và cộng đoàn giáo hội có quyền mong đợi ở nó. Chắc chắn không phải tình cờ lệnh truyền cuối cùng của Chúa Giêsu trong Phúc Aâm theo Thánh Mathêu đã mang dấu vết của một tính cách trọn vẹn: “Tất cả mọi quyền bính… đã được ban cho Thày… các con hãy thâu nạp môn đồ nơi tất cả mọi dân nước… dạy dỗ họ tuân giữ tất cả mọi sự… Thày luôn ở cùng các con”. Đó là lý do tại sao, khi người ta mới nhận ra “giá trị trổi vượt của việc nhận biết Chúa Giêsu” (Philiphê 3:8), Đấng họ đã gặp gỡ bằng đức tin, và có lẽ âm thầm muốn biết Người nhiều hơn và khá hơn, “khi nghe về Người và được dạy cho biết Người hợp với sự thật nơi Chúa Giêsu” (xem Eâphêsô 4:20-21), thì không còn lẽ nào để chối từ Người ở bất cứ một phần nào trong kiến thức này. Có thể nào là giáo lý khi không nói đến vai trò trọn vẹn của việc tạo dựng và tội lỗi của con người; đến dự án cứu chuộc của Thiên Chúa cũng như việc sửa soạn lâu dài ưu ái và hiện thực của dự án cứu chuộc này; đến việc nhập thể của Con Thiên Chúa; đến Mẹ Maria, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, là Mẹ Thiên Chúa, trọn đời Đồng Trinh, được đưa cả xác lẫn hồn lên trời vinh hiển, cũng như vai trò của Mẹ trong mầu nhiệm cứu độ; đến mầu nhiệm băng hoại đang hoạt động nơi đời sống của chúng ta, cũng như đến quyền năng của Thiên Chúa giải cứu chúng ta khỏi tình trạng băng hoại này; đến nhu cầu cần thống hối và khổ chế; đến các tác động bí tích và phụng vụ; đến thực tại của việc Thánh Thể Hiện Diện; đến việc tham dự vào sự sống thần linh trên đời này và sau này, vân vân? Thế nên, không một giáo lý viên chân chính nào được quyền tự động chọn lựa điều họ coi là quan trọng trong kho tàng đức tin với cái điều họ cho là không quan trọng để dạy điều này mà bỏ điều kia.

 

NHỜ NHỮNG PHƯƠNG PHÁP KHOA HỌC XỨNG HỢP

 

31-       Vấn đề thứ hai phát sinh từ vấn đề toàn vẹn của nội dung giáo lý trên đây. Trong tình trạng giáo lý hiện tại, các lý do để chọn phương thức hay kỹ thuật cho thấy rằng việc truyền đạt nội dung phong phú của giáo lý phải được sắp xếp theo đường lối này hơn đường lối kia. Ngoài ra, tính chất toàn vẹn của nội dung giáo lý không chước chuẩn cho mức độ cân bằng, cũng như cho đặc tính cấp trật trên dưới, được dùng để giảng dạy các chân lý, để truyền đạt các tiêu chuẩn, và để xác định các đường lối sống Kitô hữu, sẽ giữ một vai trò quan trọng hợp với mình. Cũng có thể xẩy ra trường hợp là loại ngôn từ đặc biệt này lại thích hợp trong việc truyền đạt nội dung giáo lý cho một cá nhân hay nhóm hội nào đó. Việc chọn lựa được coi là có lợi ở chỗ, thay vì bị các lý thuyết mang nhiều ít chủ quan hay thiên kiến theo một ý hệ nào đó độc bá, nó phải được đánh động bởi một mối quan tâm muốn gần hơn với nội dung giáo lý nguyên tuyền. Phương pháp và ngôn từ được sử dụng phải thực sự là một phương tiện truyền đạt toàn thể, chứ không phải một phần, “các lời sự sống đời đời” (Gioan 6:69; xem Tông Vụ 5:20; 7:38) cùng “những đường lối của sự sống” (Tông Vụ 2:28; trích Thánh Vịnh 16:11).

CHIỀU KÍCH ĐẠI KẾT CỦA GIÁO LÝ

 

32-       Một biến chuyển lớn, một biến chuyển chắc chắn đã được soi động bởi Thần Linh của Chúa Giêsu, một biến chuyển qua một số năm đang khiến cho Giáo Hội Công Giáo cùng với các Giáo Hội Kitô giáo khác hay các giáo phái Kitô giáo khác tìm cách phục hồi tình trạng hoàn toàn hiệp nhất như Chúa muốn, gợi lên cho Tôi vấn đề liên quan đến đặc tính đại kết của giáo lý. Biến chuyển này đã đạt tới mức hoàn toàn được đề cao trong Công Đồng Chung Vaticanô II (xem Sắc Lệnh về Vấn Đề Đại Kết Unitatis Redintegratio: AAS 57 năm 1965, trang 90-112), rồi từ đó nó đã có một bộ mặt mới trong Giáo Hội, như được chứng tỏ cụ thể qua những loạt biến cố và phát động đáng kể mà mọi người nay đã quen thuộc.

 

Giáo lý không thể nào tách rời khỏi chiều kích đại kết này, vì tất cả mọi tín hữu đều được kêu gọi, theo khả năng và vị trí của mình trong Giáo Hội, để thông phần vào biến chuyển hướng về hiệp nhất ấy (Cùng nguồn vừa dẫn, đoạn 96; cũng xem Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 15: AAS 58 năm 1966, trang 963-965; Thánh Bộ Về Giáo Sĩ, Directorium Catechisticum Generale đoạn 27: AAS 64 năm 1972, trang 15).

 

Giáo lý sẽ mang một chiều kích đại kết nếu, trong khi không ngừng giảng dạy rằng tất cả các chân lý được mạc khải cùng với các phương tiện cứu rỗi được Chúa Kitô thiết lập đều ở nơi Giáo Hội Công Giáo (xem Sắc Lệnh về Vấn Đề Đại Kết Unitatis Redintegratio, đoạn 3-4: AAS 57 năm 1965, trang 92-96), Giáo Lý vẫn chân thành tôn trọng, trong lời nói cũng như việc làm, đối với các cộng đồng giáo hội không hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo.

 

Trong mối tương quan này, phải hết sức thận trọng trong việc trình bày đúng đắn và công bình về các Giáo Hội và các cộng đồng giáo hội khác cũng được Thần Linh của Chúa Kitô cho phép sử dụng các phương tiện cứu rỗi; “có một số, thậm chí rất nhiều là đàng khác, những yếu tố và gia sản đặc biệt có thể giúp vào việc xây dựng và làm cho chính Giáo Hội sống động có thể hiện hữu ở ngoài biên giới hữu hình của Giáo Hội Công Giáo” (Cùng nguồn vừa trích, đoạn 3). Việc bày tỏ này, cùng với những điều khác, sẽ giúp cho người Công Giáo vừa hiểu được đức tin của mình sâu xa hơn vừa quen thuộc hơn và coi trọng anh em Kitô hữu khác của mình hơn, nhờ đó làm dễ dàng hơn cho việc tìm kiếm chung đường lối tiến đến tình trạng hoàn toàn hiệp nhất trong tất cả sự thật. Nó đồng thời cũng giúp cho các người không Công Giáo hiểu biết và cảm nhận hơn Giáo Hội Công Giáo cùng với niềm xác tín của Giáo Hội này về vai trò là “sự trợ giúp phổ quát hướng về ơn cứu độ”.

 

Ngoài ra, giáo lý cũng sẽ có một chiều kích đại kết nếu giáo lý tạo nên được một ước muốn thực sự đối với việc hiệp nhất và bồi dưỡng ước muốn này. Ước muốn ấy sẽ tỏ ra hoàn toàn thực sự hơn nếu nó tác động được một số nỗ lực thực sự – bao gồm cả nỗ lực thanh tẩy bản thân mình trong khiêm tốn và hồng ân của Thần Linh để khai đường mở lối – theo chiều hướng không phải là làm sao cho việc hiệp nhất được dễ dàng hơn, ở tại bỏ qua hay nhường nhau ở lãnh vực giáo huấn, mà là tới một tình trạng hiệp nhất như Chúa muốn.

 

Sau hết giáo lý sẽ có một chiều kích đại kết nếu nó ra sức sửa soạn cho trẻ em Công Giáo, giới trẻ cũng như người lớn để làm sao sống được với các người không Công Giáo, ở chỗ, nắm vững căn tính Công Giáo của mình song cũng vẫn tôn trọng đức tin của người khác.

 

VIỆC HỢP TÁC ĐẠI KẾT TRONG LÃNH VỰC GIÁO LÝ

 

33-       Gặp trường hợp có nhiều niềm tin, các vị Giám Mục có thể coi đó là một dịp tốt hay thậm chí là một dịp cần thử nghiệm việc hợp tác trong lãnh vực giáo lý giữa người Công Giáo với các anh em Kitô giáo khác, để hoàn thành một cuốn giáo lý bình thường cũng để cho cả các người Công Giáo nữa. Các cuộc thử nghiệm như vậy phải có một nền tảng thần học nơi các yếu tố được công nhận bởi tất cả mọi Kitô hữu (Cùng nguồn vừa dẫn; cũng xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 15: AAS 57 năm 1965, trang 19). Thế nhưng, việc hiệp thông đức tin giữa người Công Giáo và các ánh em Kitô giáo khác chưa hoàn toàn và trọn vẹn; ở một vài trường hợp, thậm chí còn có những quan niệm bất đồng sâu xa. Do đó, việc hợp tác đại kết này tự bản chất của nó có giới hạn: nó không hề có ý định “giảm sút” tới mức tối thiểu chung. Trái lại, giáo lý không chỉ ở tại việc giảng dạy giáo điều: nó cũng còn là việc dẫn nhập vào toàn thể đời sống Kitô hữu nữa, đưa người Kitô hữu tới việc hoàn toàn tham dự vào các bí tích của Giáo Hội. Bởi thế, nơi nào thử nghiệm việc hợp tác đại kết trong lãnh vực giáo lý thì phải thận trọng để bảo đảm các vấn đề giáo điều cũng như vấn đề đời sống Kitô giáo cho người Công Giáo qua việc giáo huấn họ theo Giáo Hội Công Giáo.

 

Trong cuộc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn này, có một số vị Giám Mục chú trọng đến điều các vị có ý nói đến là những trường hợp càng ngày càng hay xẩy ra khi chính quyền dân sự hay các hoàn cảnh khác áp đặt lên các học đường ở một số quốc gia việc hướng dẫn chung trong vấn đề Kitô giáo, bằng những sách giáo khoa chung, những giờ học chung, v.v. cho cả người Công Giáo lẫn không Công Giáo. Không cần nói cũng biết đây không phải là giáo lý. Thế nhưng việc giảng dạy này cũng có một tầm mức quan trọng về đại kết, nếu nó trình bày học thuyết Kitô giáo cách công bình và chân thành. Trong những trường hợp bị hoàn cảnh áp đặt như thế, cần phải hết sức bảo đảm để có thêm một cuốn giáo lý Công Giáo riêng biệt.

 

VẤN ĐỀ SÁCH GIÁO KHOA VỚI CÁC TÔN GIÁO KHÁC NHAU

 

34-       Tới đây, cần trình bày một nhận định khác, cùng một chiều hướng trên đây song theo một quan điểm khác. Các trường học của chính phủ đôi khi, vì lý do văn hóa (lịch sử, luân lý hay văn chương), cung cấp cho học sinh những cuốn sách trình bày các tôn giáo khác nhau, trong đó có cả Công giáo. Việc trình bày khách quan các biến cố lịch sử, các tôn giáo khác nhau và các giáo phái Kitô giáo khác nhau ở đây cũng có thể đóng góp vào việc hiểu biết nhau hơn. Vậy cần phải hết sức bảo đảm được việc trình bày này thực sự khách quan và không bị ảnh hưởng méo mó bởi ý hệ hoặc bởi chế độ chính trị hay bởi các thiên kiến nại vào khoa học. Các cuốn sách giáo khoa như thế dầu sao cũng không thể được coi là các sách giáo lý: chúng thiếu cả việc tín hữu nói lên chứng từ đức tin của mình đối với các tín đồ khác, và thiếu cả việc hiểu biết các mầu nhiệm Kitô giáo cùng những gì chuyên biệt về Công Giáo đúng như nhận thức của đức tin.