Phần Hai

 THỪA TÁC VỤ LỜI CHÚA 

 

 

MẠC KHẢI: TẶNG ÂN CỦA THIÊN CHÚA

 

10-       Trong Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thần Linh, Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhìn mạc khải như là một tác động Thiên Chúa muốn dùng để thông mình ra một cách riêng tư: “Theo sự thiện hảo và đức khôn ngoan của mình, Thiên Chúa đã muốn mạc khải mình ra và đã muốn tỏ cho thấy mục đích sâu xa nơi ý định của Ngài… để Ngài có thể mời gọi và mang con người đến việc hiệp thông với chính mình Ngài” (DV, 2). Như thế, Thiên Chúa cho thấy Ngài như là một Đấng muốn thông mình ra, khi thực hiện dự án xuất phát từ mối tình yêu thương.

 

Bởi thế, giáo lý phải được bắt đầu từ tặng ân yêu thương thần linh này. Đức tin là việc chấp nhận và là việc tiến đến với hoa trái của tặng ân thần linh này nơi chúng ta. Đặc tính này, một đặc tính làm cho đức tin được coi như là một tặng ân, có liên quan trực tiếp với toàn thể vấn đề chủ đề của thứa tác vụ lời Chúa.

 

MẠC KHẢI: CÁC VIỆC LÀM VÀ LỜI NÓI

 

11-       Để con người có thể nhận biết ý định của mình, Thiên Chúa đã làm như thế này, ở chỗ, Ngài đã tỏ ý định ấy ra qua các biến cố của lịch sử cứu độ và qua các lời linh ứng thần linh đi kèm với các biến cố này và làm sáng tỏ các biến cố này: “Dự án mạc khải được thể hiện bằng các việc làm và lời nói có một mối hiệp nhất nội tại với nhau: các việc làm do Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ bày tỏ và xác nhận giáo huấn và các thực tại biểu hiệu cho lời nói; trong khi lời nói loan truyền các việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chất chứa nơi các việc làm này” (DV, 2).

 

Bởi thế, mạc khải bao gồm cả việc làm lẫn lời nói, điều này soi sáng cho điều kia và được sáng soi bởi điều kia. Thừa tác vụ lời Chúa phải loan truyền các việc làm và lời nói này làm sao để những mầu nhiệm cao vời nhất chất chứa trong đó có thể được thừa tác vụ này dẫn giải và truyền đạt rõ ràng hơn. Như thế, thừa tác vụ lời Chúa chẳng những gợi lại mạc khải của những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong thời gian và được hoàn thiện nơi Chúa Kitô, mà còn đồng thời dẫn giải theo ý nghĩa của mạc khải này đời sống con người trong thời đại chúng ta, các dấu chỉ thời đại và các sự vật trong thế giới này, vì ý định của Thiên Chúa thể hiện nơi các sự kiện trên là cho phần rỗi của con người.

 

CHÚA GIÊSU KITÔ: VỊ TRUNG GIAN VÀ LÀ TẤT CẢ MẠC KHẢI

 

12-       “Thế nên, bởi mạc khải này, sự thật sâu xa nhất… đã được sáng tỏ cho chúng ta trong Chúa Kitô, Đấng là Vị Trung Gian và đồng thời là sự viên trọn của tất cả mạc khải” (DV, 2).

Chúa Kitô chẳng những là tiên tri cao cả nhất trong các tiên tri, Đấng nhờ giáo huấn của mình đã làm trọn những gì Thiên Chúa nói và làm trong các thời trước Người. Chính Người là Con hằng sống của Thiên Chúa, đã làm người, nhờ đó, biến cố sau hết mà tất cả mọi biến cố trong lịch sử cứu độ hướng về này, biến cố làm hoàn tất và biểu lộ các ý định cuối cùng của Thiên Chúa. “Vì lý do này mà Người… đã làm hoàn hảo mạc khải khi làm cho mạc khải nên trọn…” (DV, 4; xem LG, 9).

 

Thừa tác vụ lời Chúa phải chú trọng đến đặc tính lạ lùng chỉ có nơi công cuộc mạc khải này. Con Thiên Chúa tự mình đi vào lịch sử loài người, nhận lấy cho mình sự sống và cái chết như một con người, và làm hoàn tất nơi lịch sử con người này dự án Giao Ước của mình.

 

Như Thánh Ký Luca đã làm, thừa tác vụ lời Chúa trước hết phải nhắc lại biến cố của Chúa Giêsu cho các tín hữu, bằng việc cho họ thấy ý nghĩa của biến cố này và bằng việc đào sâu hơn nữa sự kiện độc đáo và bất vãn hồi này: “Nhiều người đã bắt đầu việc thu góp câu truyện về các biến cố đã được hoàn thành giữa chúng ta… Tôi cũng đã cẩn thận truy cứu tất cả thứ tự ngay từ đầu các sự việc xẩy ra, và đã quyết định viết ra thành văn bản cho anh em” (Lk. 1:1-3).

 

Bởi thế, thừa tác vụ lời Chúa phải được căn cứ vào việc bày tỏ linh ứng thần linh có liên quan đến mầu nhiệm nhập thể cứu chuộc, một việc tỏ bày cho chúng ta thấy bởi chính Chúa Giêsu cũng như bởi các môn đệ đầu tiên, nhất là bởi các vị tông đồ, thành phần là chứng nhân của các biến cố này. “Vẫn được hiểu chung là trong số tất cả (các Sách Thánh)… thì các sách Phúc Aâm giữ một vai trò nổi bật đặc biệt, mà đúng như thế, vì các Sách Phúc Aâm là chứng cớ chính về đời sống và giáo huấn của Lời nhập thể, Đấng Cứu Thế của chúng ta” (DV, 18).

 

Hơn nữa, cần phải nhắc lại là Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai và là Chúa, nhờ Thần Linh của mình, luôn luôn hiện diện nơi Giáo Hội của Người (x. Jn.14: 26; 15:26; 16:13; Rev. 2:7). Thế nên, thừa tác vụ lời Chúa trình bày Chúa Kitô chẳng những như đối tượng của mình, mà còn như Đấng mở tâm hồn người nghe lãnh nhận và hiểu biết việc loan truyền thần linh (x.Acts 16:14).

 

THỪA TÁC VỤ LỜI CHÚA HAY VIỆC RAO GIẢNG LỜI CHÚA:

TÁC ĐỘNG CỦA MỘT TRUYỀN THỐNG SỐNG ĐỘNG

 

13-       “Ngày nay những gì được các vị tông đồ truyền lại bao gồm tất cả mọi sự góp phần vào đời sống thánh thiện và vào việc Dân Chúa tăng tiến trong đức tin; Giáo Hội cũng vậy, trong giáo huấn của mình, trong đời sống và việc thờ phượng của mình, kéo dài và truyền lại cho mọi thế hệ tất cả những gì chính Giáo Hội có, tất cả những gì Giáo Hội tin tưởng” (DV, 8).

Truyền thống này nối kết với những sự đã được nói đến. Tuy nhiên, về cục diện và chiều sâu của mình, nó còn hơn cả những điều được nói đến này nữa. Nó chính là một truyền thống sống động, vì nhờ nó Thiên Chúa tiếp tục cuộc đối thoại của Ngài. “Nhờ đó Thiên Chúa, Đấng đã phán xưa kia, không ngừng đối thoại với Tân Nương của Người Con yêu dấu của Ngài; và Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho tiếng nói sống động của Phúc Aâm được vang vọng trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội vang vọng trong thế giới…” (DV, 8).

 

Đó là lý do tại sao thừa tác vụ lời Chúa có thể được coi như một tác vụ phát âm cho truyền thống sống động này, theo tính cách nguyên vẹn của truyền thống. “Truyền thống phát xuất từ các vị tông đồ này nhờ Chúa Thánh Thần trợ giúp phát triển trong Giáo Hội. Vì đã thấy có một mức phát triển trong việc hiểu biết về các thực tại cũng như về các lời nói được truyền lại. Sự kiện này xẩy ra là nhờ việc chiêm niệm và học hỏi nơi các tín hữu, thành phần ôm ấp những sự ấy trong lòng mình, bởi hiểu biết sâu xa những sự thiêng liêng họ cảm nghiệm thấy, và bởi những vị lãnh nhận tặng ân chân lý vững chắc qua việc thừa kế trong hàng ngũ giáo phẩm giảng dạy.

 

Đàng khác, mạc khải thần linh, một mạc khải làm nên đối tượng của đức tin Công Giáo và là một mạc khải được hoàn tất vào thời của các vị tông đồ, phải được rõ ràng phân biệt với ơn Thánh Linh là Đấng không có tác động và soi động của Ngài không ai có thể tin được. Lại nữa, Thiên Chúa, Đấng xưa kia đã phán dạy con người bắng việc tỏ mình qua những việc làm thần linh cùng với sứ điệp của các vị tiên tri, của Chúa Kitô và của các vị tông đồ, ngay cả cho tới ngày nay vẫn còn âm thầm hướng dẫn Giáo Hội, hiền thê của Chúa Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần, theo thánh truyền, bằng ánh sáng và cảm quan đức tin, và Ngài nói với Giáo Hội, để Dân Chúa, được Huấn Quyền dẫn dắt, có thể đạt tới mức độ hiểu biết trọn vẹn hơn mạc khải của Ngài.

 

Các vị mục tử của Giáo Hội chẳng những công bố và trực tiếp cắt nghĩa cho Dân Chúa kho tàng đức tin đã được ủy thác cho các vị, mà còn hơn thế nữa làm cho các phán đoán chân chính liên quan đến các việc diễn đạt kho tàng đức tin này cũng như liên quan đến các cắt nghĩa mà tín hữu tìm kiếm và vấn nạn. Các vị làm việc này để làm sao “việc gắn bó với, việc thực hành và việc tuyên xưng gia sản đức tin thành một nỗ lực chung đáng kể thuộc về phần vụ của các giám mục cũng như tín hữu” (DV, 10).

 

Thế nên, thừa tác vụ lời Chúa cần phải làm sáng tỏ mạc khải thần linh như được Huấn Quyền của Giáo Hội truyền dạy cũng như được chính mạc khải thần linh nói lên, trong quyền coi sóc của Huấn Quyền, theo nhận thức và đức tin sống động của Dân Chúa. Như thế, thừa tác vụ lời Chúa không phải chỉ là việc lập lại tín lý cổ truyền, mà hơn thế nữa, thừa tác vụ này còn là việc tái bản đúng tín lý cổ truyền ấy cho thích ứng với các vấn đề mới cũng như cho việc hiểu biết hơn tín lý cổ truyền này. 

THÁNH KINH

 

14-       Theo ơn linh ứng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, mạc khải thần linh đã được diễn đạt ra bằng các văn bản, tức là, nơi các sách thánh Cựu Ước lẫn Tân Ước, những cuốn sách chứa đựng và trình bày chân lý mạc khải thần linh (x. DV, 11).

 

Giáo Hội, bảo hộ viên và là nhà gẫn giải Sách Thánh, học hỏi từ các Sách Thánh này, bằng việc liên lỉ suy niệm và đào sâu hơn vào giáo huấn của các sách thánh này. Trung thành với truyền thống, thừa tác vụ lời Chúa tìm được dưỡng chất và tiêu chuẩn của mình nơi Sách Thánh (x. DV, 21, 24, 25). Vì trong các sách thánh Chúa Cha ở trên trời rất ưu ái muốn gặp gỡ con cái của mình và nói với chúng (x. DV, 21).

 

Một khi đã lấy Sách Thánh làm tiêu chuẩn để suy tư  như thế, Giáo Hội, được Thần Linh tác động, cũng làm việc dẫn giải ngay chính Sách Thánh nữa: “và chính các văn bản thánh đã được hiểu biết sâu xa hơn và đã không ngừng trở nên chủ động nơi Giáo Hội” (DV, 8).

 

Bởi thế mà thừa tác vụ lời Chúa đã được phát xuất từ Thánh Linh và từ việc giảng dạy của các vị tông đồ, là các nguồn mạch được Giáo Hội hiểu biết, dẫn giải và áp dụng vào các trường hợp cụ thể.

 

ĐỨC TIN: VIỆC ĐÁP ỨNG LỜI CHÚA

 

15-       Bởi đức tin con người chấp nhận mạc khải, và nhờ đức tin này con người ý thức được mình là một người thông dự vào tặng ân của Thiên Chúa.

 

Việc tuân phục đức tin phải được tỏ ra đối với Thiên Chúa là Đấng mạc khải. Nghĩa là, con người, bằng tất cả lòng khiêm nhượng của tâm trí mình, tỏ ra tự do chấp nhận Phúc Aâm tặng ân của Thiên Chúa (x. Acts, 20, 24). Được đức tin dẫn dắt, con người, nhờ tặng ân Thần Linh, chiêm ngưỡng thấy và cảm nghiệm được vị Thiên Chúa của tình yêu, vị Thiên Chúa đã cho thấy vinh quang chói ngời của Ngài trong Chúa Kitô (x. Col. 1:26). Thật thế, đức tin sống động là khởi điểm sự sống trường sinh nơi chúng ta, một sự sống chứa đựng các mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. 1Cor. 2:10) cuối cùng sẽ được thấy tỏ tường. Biết được dự án cứu độ của Thiên Chúa, đức tin dẫn con người đến việc hoàn toàn nhận ra ý định thần linh đối với chúng ta trên thế gian này, cũng như đến việc cộng tác vớn ân sủng của Ngài. “Vì đức tin chiếu một làn ánh sáng mới trên mọi sự, bày tỏ dự án của Thiên Chúa đối với toàn thể ơn gọi của con người, và nhờ đó hướng dẫn tâm trí con người đến các vấn đề giải quyết hoàn toàn nhân bản” (GS, 11).

 

 

CÔNG VIỆC CỦA THỪA TÁC VỤ LỜI CHÚA

16-       Để tóm lại tất cả vấn đề thì thừa tác viên lời Chúa phải chân thành nhận thức được sứ vụ được ủy thác cho mình. Tức là phải làm dậy lên một đức tin sống động hướng tâm trí về Thiên Chúa, bắt phải sống am hợp với tác động của Ngài, dẫn tới một kiến thức sống động về các cách diễn đạt của truyền thống, và nói lên cùng biểu lộ tầm mức quan trọng thực sự của thế giới cũng như của đời sống loài người.

 

Thừa tác vụ lời Chúa là việc truyền đạt sứ điệp cứu độ: đó là việc mang Phúc Aâm đến cho con người. Mầu nhiệm được loan báo và truyền lại có tác dụng sâu xa đến ý muốn được sự sống, đến ước vọng sâu xa nhất trong việc đạt tới tầm vóc viên trọn, và đến niềm mong đợi hạnh phúc tương lai do Thiên Chúa đã gieo mầm trong cõi lòng mỗi người và là thứ hạnh phúc Ngài nâng lên cấp trật siêu nhiên bằng ân sủng của Ngài.

 

Các chân lý phải được tin tưởng bao gồm tình yêu Thiên Chúa. Ngài đã dựng nên tất cả mọi sự vì Chúa Kitô và phục hồi chúng ta cho sự sống trong Chúa Giêsu Kitô. Các phương diện khác nhau của mầu nhiệm này phải được cắt nghĩa để làm sao tâm điểm của mầu nhiệm là Chúa Giêsu, Người với tư cách là tặng ân cao cả nhất Thiên Chúa ban cho loài người, phải chiếm được chỗ nhất, và cũng để làm sao, từ Người, các chân lý khác của giáo huấn Công Giáo được thành hình theo thứ tự và đẳng cấp của mình, hợp với quan điểm giáo huấn (xem các đoạn 43, 49 của Bản Tổng Dẫn này).