Liên Hệ của Vấn Đề Giáo Lý

 

Liên Hệ với Chính Giáo Hội

 

1.        Giáo Hội vẫn luôn luôn coi vấn đề giáo lý là một trong những công việc hàng đầu của mình, bởi vì, trước khi Chúa Kitô về cùng Cha của mình sau cuộc phục sinh, Người đã truyền cho các tông đồ một mệnh lệnh cuối cùng – đó là việc tuyển mộ các môn đồ nơi tất cả mọi dân nước và dạy họ tuân giữ mọi điều Người đã ban bố (xem Mathêu 28:19-20). (CT:1)

2.      Không thể nào không nhắc đến ở đây, dù rất vắn tắt, là vấn đề giáo lý đã hỗ trợ cho việc lan tràn và phát triển Giáo Hội qua các giai đoạn khác nhau trong lịch sử, ở mọi lục địa, và ở những tương quan khác nhau nhất về mặt xã hội cũng như văn hóa. (CT: 11)

 

3.      Thừa tác vụ giáo lý đã từng lấy được sinh lực mới từ các công đồng. Công Đồng Chung Triđentinô là một thí dụ điển hình về sự kiện này. Công Đồng đã lấy vấn đề giáo lý làm ưu tiên nơi các hiến chế và sắc lệnh của mình. Công Đồng đặt nền tảng cho Giáo Lý Rôma, một bộ giáo lý cũng mang tên của Công Đồng, và là một công trình đầu tiên trong lãnh vực giáo lý, tổng kết giáo huấn Kitô giáo và thần học truyền thống để làm tài liệu cho các linh mục sử dụng. (CT:13)

 

4.      Vấn đề giáo lý được liên kết chặt chẽ với toàn thể đời sống Giáo Hội. Chẳng những việc Giáo Hội phát triển về địa dư và tăng nhân số, mà ngay cả việc Giáo Hội phát triển nội tại và sống hợp với ý định của Thiên Chúa, cũng đều lệ thuộc chính yếu vào vấn đề giáo lý. Chính vì thế chúng ta mới cần phải chú ý tới một số kinh nghiệm mà Giáo Hội đã rút được trong giòng lịch sử của mình như chúng ta vừa nhắc lại. (CT:13)

 

5.      Kinh nghiệm mở đầu cho những gì Giáo Hội rút được từ giòng lịch sử của mình, đó là, cần phải hiểu kỹ Giáo Hội luôn luôn coi vấn đề giáo lý như một nhiệm vụ thánh và một quyền lợi không thể coi thường. Hơn nữa, nó phải là một nhiệm vụ phát xuất từ lệnh truyền của Chúa, và là một nhiệm vụ trước tiên dành cho thánh phần lãnh nhận nơi tân ước tiếng gọi thừa tác vụ làm chủ chiên. (CT:14)

 

6.      Giáo Hội càng lấy vấn đề giáo lý làm ưu tiên trên các công việc và trọng trách khác là những gì có thể mang lại thành qủa hấp dẫn hơn, thì Giáo Hội càng thấy nơi giáo lý một mãnh lực cho đời sống nội tại của mình như là một cộng đồng tín hữu, cũng như cho hoạt động đối ngoại của mình là một Giáo Hội truyền giáo. (CT:15)

 

7.      Kinh nghiệm thứ ba cho những gì Giáo Hội rút được từ giòng lịch sử của mình, đó là vấn đề giáo lý luôn luôn là và sẽ luôn luôn là một công việc mà toàn thể Giáo Hội phải cảm thấy có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm. (CT:16)

 

8.      Kinh nghiệm sau hết cho những gì Giáo Hội rút được từ giòng lịch sử của mình, đó là giáo lý cần phải được liên tục cải tiến, ở chỗ, diễn giải rộng hơn ý niệm giáo lý một cách nào đó, đổi mới phương thức truyền đạt giáo lý, tìm cách diễn tả giáo lý bằng ngôn từ thích hợp, và lợi dụng các phương tiện mới để truyền đạt giáo lý. (CT:17)

 

9.      Vì không chính thức đồng hóa với việc mục vụ và truyền giáo của Giáo Hội như thế mà vấn đề giáo lý đã được dựa vào một số những yếu tố trong sứ mệnh mục vụ của Giáo Hội, một sứ mệnh mục vụ có một chiều kích giáo lý, một sứ mệnh mục vụ sửa soạn cho vấn đề giáo lý, cũng là một sứ mệnh mục vụ phát xuất từ vấn đề giáo lý. Những yếu tố đó là: việc bắt đầu công bố Phúc Aâm hay việc giảng dạy truyền giáo bằng lời giảng tiên khởi (kerygma) để khơi dậy đức tin, việc hộ giáo hay việc suy xét những lý do tin tưởng, việc cảm nghiệm đời sống Kitô giáo, việc cử hành các bí tích, việc hội nhập vào cộng đồng hội thánh, cũng như việc làm chứng tá tông đồ và truyền giáo. (CT: 18)

 

 

Liên Hệ với Việc Truyền Giáo

 

10.  Trước hết, chúng ta cần phải nhắc lại là không có vấn đề phân lìa hay phản ngược nhau giữa giáo lý và việc truyền bá phúc âm. Cả hai cũng không vì thế đồng hóa với nhau. Hai việc thật ra có liên hệ chặt chẽ với nhau, nhờ đó, hòa hợp với nhau và bổ túc cho nhau. (CT: 18)

 

11.  Theo hoàn cảnh, việc truyền bá phúc âm có thể đi trước hay đi cùng với công việc được gọi là giáo lý ấy. Dầu vậy, ở vào trường hợp nào đi nữa, người ta cũng phải nhớ rằng, yếu tố ăn năn trở lại luôn luôn có mặt trong cơ cấu đức tin, và vì lý do đó, bất cứ hình thức giáo lý nào cũng phải thực thi vai trò của việc truyền bá phúc âm. (DCG:18)

 

Liên Hệ với Việc Mục Vụ

 

12.  Việc canh tân nơi thừa tác vụ lời Chúa, nhất là nơi vấn đề giáo lý, không thể nào bị tách lìa khỏi việc canh tân mục vụ nói chung. (DGC: 9)

 

13.  Vì mọi tác động quan trọng trong Giáo Hội đều tham dự vào thừa tác vụ lời Chúa, và vì vấn đề giáo lý luôn luôn liên hệ với đời sống phổ quát của Giáo Hội, mà hoạt động giáo lý cần phải hòa hợp với toàn thể hoạt động mục vụ. Chủ đích của việc cộng tác này là để làm cho cộng đồng Kitô Giáo lớn lên và phát triển một cách hòa hợp đâu vào đó… (DCG:129)

 

14.  Bởi thế, giáo lý cần phải liên kết với các hoạt động mục vụ khác (x. Motu Proprio, Ecclesiae Santae, n.17), tức là, với các phong trào về thánh kinh, về phụng vụ, về đại kết, với hoạt động tông đồ giáo dân và xã hội, vân vân. Ngoài ra, cũng phải nhớ rằng việc hợp tác này cần có ngay từ đầu, tức là, từ lúc việc học hỏi và hoạch định cho chương trình tổ chức hoạt động mục vụ bắt đầu. (DCG:129)

 

 

Liên Hệ với Việc Đại Kết

 

15.  Giáo lý không thể nào tách rời khỏi chiều kích đại kết này, vì tất cả mọi tín hữu đều được kêu gọi, theo khả năng và vị trí của mình trong Giáo Hội, để thông phần vào biến chuyển hướng về hiệp nhất ấy (Cùng nguồn vừa dẫn, đoạn 96; cũng xem Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 15: AAS 58 năm 1966, trang 963-965; Thánh Bộ Về Giáo Sĩ, Directorium Catechisticum Generale đoạn 27: AAS 64 năm 1972, trang 15). (CT:32)

 

16.  Giáo lý sẽ mang một chiều kích đại kết nếu, trong khi không ngừng giảng dạy rằng tất cả các chân lý được mạc khải cùng với các phương tiện cứu rỗi được Chúa Kitô thiết lập đều ở nơi Giáo Hội Công Giáo (xem Sắc Lệnh về Vấn Đề Đại Kết Unitatis Redintegratio, đoạn 3-4: AAS 57 năm 1965, trang 92-96), Giáo Lý vẫn chân thành tôn trọng, trong lời nói cũng như việc làm, đối với các cộng đồng giáo hội không hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo. (CT:32)

 

17.  Trong mối tương quan này, phải hết sức thận trọng trong việc trình bày đúng đắn và công bình về các Giáo Hội và các cộng đồng giáo hội khác cũng được Thần Linh của Chúa Kitô cho phép sử dụng các phương tiện cứu rỗi… (CT:32)

 

18.  Ngoài ra, giáo lý cũng sẽ có một chiều kích đại kết nếu giáo lý tạo nên được một ước muốn thực sự đối với việc hiệp nhất và bồi dưỡng ước muốn này. (CT:32)

 

19.  Sau hết giáo lý sẽ có một chiều kích đại kết nếu nó ra sức sửa soạn cho trẻ em Công Giáo, giới trẻ cũng như người lớn để làm sao sống được với các người không Công Giáo, ở chỗ, nắm vững căn tính Công Giáo của mình song cũng vẫn tôn trọng đức tin của người khác. (CT:32)