GIẢNG VIÊN GIÁO LÝ

 

 

Điều Kiện làm Giảng Viên Giáo Lý

 

1.      Chỉ sống hiệp thông sâu xa với Người (Chúa Kitô) các giáo lý viên mới có ánh sáng và sức mạnh để thực sự canh tân vấn đề giáo lý theo như lòng mong ước mà thôi. (CT: 9)

 

2.      Phận vụ được ủy thác cho giáo lý viên đòi họ phải có một đời sống bí tích và thiêng liêng sốt sắng, một đời sống cầu nguyện và một cảm thức sâu xa đối với tính cách tuyệt hảo của sứ điệp Kitô Giáo cũng như đối với quyền lực của sứ điệp này trong việc biến đổi cuộc sống con người; (DCG: 114)

 

3.      Phận vụ này cũng đòi họ phải theo đuổi việc thực hành đức bác ái, đức khiêm nhượng và đức khôn ngoan là những nhân đức mở đường cho Chúa Thánh Thần hoàn tất công việc thành qủa của Ngài nơi thành phần giáo lý sinh. (DCG: 114)

 

 

Thái Độ của Giảng Viên Giáo Lý

 

4.      Đảm nhận bất cứ trọng trách gì lớn nhỏ trong Giáo Hội, giáo lý viên nào cũng phải liên lỉ nỗ lực truyền đạt giáo huấn và đời sống của Chúa Giêsu, bằng việc giảng dạy của mình cùng với tác hành của mình. (CT: 6)

 

5.      Họ không được tìm cách lái tâm trí của giáo lý sinh chú ý đến và đồng ý với bản thân của họ cũng như đến các ý kiến và tinh thần của cá nhân họ. (CT: 6)

 

6.      Nhất là họ sẽ không gây ấn tượng nơi các giáo lý sinh về những tư kiến và ý riêng của họ như thể chúng biểu hiệu cho giáo huấn của Chúa Kitô cũng như cho gương sống của Người. (CT: 6)

 

7.      Để có thể nói rằng: “Giáo huấn của tôi không phải là của tôi!”, người giáo lý viên phải chuyên chú học hiểu lời Chúa được huấn quyền Giáo Hội truyền đạt, phải sống thân tình sâu xa với Chúa Kitô và Chúa Cha, phải có một tinh thần cầu nguyện, phải thoát ly bản thân mình. (CT: 6)

 

8.      Thế nên, không một giáo lý viên chân chính nào được quyền tự động chọn lựa điều họ coi là quan trọng trong kho tàng đức tin với cái điều họ cho là không quan trọng để dạy điều này mà bỏ điều kia. (CT: 30)

 

9.      Các giáo lý viên chuyên chính đều biết rằng giáo lý “nhập thể” vào các nền văn hóa và vào các môi trường khác nhau: người ta chỉ cần nghĩ đến các dân tộc rất khác nhau, đến giới trẻ tân tiến, đến các hoàn cảnh rất đa diện mà con người của ngày hôm nay đây gặp phải sẽ thấy. (CT: 53)

 

10.  Thế nhưng, các giáo lý viên chuyên chính ấy vẫn không chịu chấp nhận làm cho giáo lý trở nên nghèo nàn bởi việc chối bỏ hay để lu mờ đi sứ điệp giáo lý, bởi việc thích ứng, cả bằng ngôn ngữ đi nữa, có thể làm nguy hại đến “kho tàng qúi báu” của đức tin (xem 2Timôthêu 1:14), hoặc bởi việc nhượng bộ trong các vấn đề đức tin hay luân lý. (CT: 53)

 

11.  Họ tin tưởng rằng giáo lý đích thực dần dần sẽ thăng hóa các nền văn hóa này, bằng việc giúp cho các nền văn hóa này thoát khỏi tính cách khiếm khuyết hay thậm chí các đặc tính vô nhân bản nơi chúng, và bằng việc truyền đạt cho các giá trị nội tại của chúng tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô (xem Gioan 1:16; Eâphêsô 1:10). (CT: 53)

 

12.  Giáo lý, việc phát triển trong đức tin và trưởng thành của đời sống Kitô hữu hướng về tầm mức viên trọn của nó, là kết qủa của việc Thần Linh làm, một công việc chỉ mình Ngài mới có thể khơi lên và bảo trì trong Giáo Hội… Trước hết, rõ ràng là, khi thực hiện sứ vụ của mình trong việc giảng dạy giáo lý, Giáo Hội – cũng như mỗi một Kitô hữu dấn thân thi hành sứ vụ này trong Giáo Hội và nhân danh Giáo Hội – phải hết sức nhận thức về hoạt động của mình chỉ như là một dụng cụ sống động dễ uốn nắn của Chúa Thánh Thần. Thái độ của một Giáo Hội giảng dạy cũng như của mọi giáo lý viên là liên lỉ kêu cầu vị Thần Linh này, là hiệp thông với Ngài, là nỗ lực nhận biết các soi động đích thực của Ngài. (CT: 72)

 

Mô Phạm cho Giảng Viên Giáo Lý

 

13.  Mọi giáo lý viên phải làm sao để có thể áp dụng vào mình những lời nói nhiệm mầu của Chúa Giêsu: “Giáo huấn của Tôi không phải là của Tôi mà là bởi Đấng đã sai Tôi” (Gioan 7:16). (CT: 6)

 

14.  Là Vị đã ngồi trên gối của Mẹ và sau đó đã nghe lời Mẹ trong suốt cuộc đời ẩn dật ở Nazarét, Người Con này, Đấng là “Con duy nhất đến từ Cha”, “đầy ân sủng và chân lý”, được Mẹ, theo kiến thức loài người, dạy cho biết về Sách Thánh và về lịch sử của những gì Thiên Chúa dự định thực hiện cho dân Ngài, cùng dạy cho Người biết tôn thờ Chúa Cha (xem Gioan 1:14; Do Thái 10:5; Thánh Tôma III, Q. 12, a. 2; a. 3; ad 3)… Cũng có nhiều ý nghĩa hay hay cho câu nói bên lề của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn rằng Mẹ Maria là “giáo lý sống” và là “mẹ và mô phạm của giáo lý viên”. (CT: 73)

 

15.  Thánh Phaolô đã thực hiện điều này (nguyên tắc được nhắc đến ở câu 74 trên đây) khi ngài giải quyết vấn đề quan trọng căn bản làTôi đã lãnh nhận từ Chúa điều tôi loan truyền cho anh em” (1Cor.11:23). (CT: 6)

 

16.  Giáo lý luôn luôn là một mối quan tâm chính yếu trong tác vụ linh mục cũng như Giám Mục của Tôi (Biệt chú riêng của người biên soạn: đây là lời chia sẻ của Đức Gioan Phaolô II trong Tông Huấn CT của ngài ở đoạn 4. Thật vậy, trước khi ban hành Tông Huấn về Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta ngày 16-10-1979, ngài đã bắt đầu giảng dạy giáo lý vào các ngày thứ tư hằng tuần tại Đại Thính Đường Phaolô VI từ ngày 5-9-1979 cho tới đầu tháng 9 năm 1999 là chẵn 20 năm này, tổng cộng được gần 650 bài/buổi, giáo lý, về đủ mọi chủ đề thiết yếu trong đạo trực tiếp liên quan đến lãnh vực đức tin, được khai triển theo thứ tự Kinh Tin Kính).

 

Vai Trò của Giảng Viên Giáo Lý

 

17.  Không có một phương pháp nào, dù là một phương pháp đã được cải tiến nhiều trong việc áp dụng thực hành, châm chước cho người giáo lý viên khỏi việc họ tự mình suy nghĩ và xét đến các hoàn cảnh cụ thể, cũng như khỏi việc họ thích ứng với các hoàn cảnh cụ thể này. Vì những phẩm chất về nhân bản và Kitô giáo trổi vượt nơi thành phần giáo lý viên sẽ có thể mang lại kết qủa nhiều hơn là chính các phương pháp được chọn dùng. (DCG: 71)

18.  Công việc của người giáo lý viên phải được coi trọng hơn là việc lựa chọn các sách giáo khoa cũng như các phương tiện khác (x.AG, 17). (DCG: 71)

 

19.  Tầm mức quan trọng và lớn lao của công việc mà người giáo lý viên phải thực hiện cũng không ngăn trở việc cần phải thiết lập những giới hạn liên quan đến vai trò của các giáo lý viên. Họ có trách nhiệm chọn lựa và tạo những điều kiện xứng hợp cần thiết để sứ điệp Kitô Giáo được tìm hiểu, chấp nhận và đào sâu hơn nữa. Đây là điểm mà hoạt động của các giáo lý viên phải vươn tới – và ngừng lại ở đó. (DCG: 71)

 

20.  Vì việc liên kết nơi phần của người học giáo lý là hoa trái của ân sủng và tự do, không tuyệt đối lệ thuộc vào người giáo lý viên; thế nên, công việc giáo lý phải được kèm theo bằng lời cầu nguyện nữa. (DCG: 71)

 

21.  Nhận định này tự nó đã rõ, thế nhưng, cũng cần phải nhắc lại nhận định này trong các điều kiện sống hiện nay, vì ngày nay cần rất nhiều tài năng và tinh thần Kitô Giáo đích thực của người giáo lý viên, đồng thời họ cũng được khuyên phải hết sức để ý đến tự do và “tính cách sáng tạo” nơi thành phần học giáo lý. (DCG: 71)

 

22. Giáo lý viên, một cách nào đó, là người dẫn giải của Giáo Hội giữa những ai được hướng dẫn. Họ đọc được các dấu hiệu đức tin và chỉ dạy cho người khác cách đọc được các dấu hiệu đức tin ấy. Dấu hiệu chính trong các dấu hiệu đức tin này là chính Giáo Hội (x. Công Đồng Chung Vaticanô I, Hiến Chế Tín Lý Dei Filius, Dz.-Sch. 3014). (DCG: 35)

 

Tư Cách của Giảng Viên Giáo Lý

 

23.  Trong những nhóm thanh thiếu niên hay người lớn… giáo lý viên phải tham dự vào việc học hỏi chung này, thế nhưng, phải làm sao vẫn giữ được vị thế đặc biệt của mình trong nhóm. Vì nhân danh Giáo Hội họ tác hành như một chứng nhân của sứ điệp Kitô Giáo, tức là một người phục vụ các người khác, chia sẻ với họ hoa trái của đức tin chín chắn của mình, và khôn ngoan sắp đặt việc học hỏi chung hướng tới việc đạt thành mục đích của nó. Phận sự làm chứng cho sứ điệp như thế không nhất thiết là giáo lý viên phải đặt mình lên trên nhóm giáo lý như là một vị giám đốc. (DCG: 76)

 

Phận Sự của Giảng Viên Giáo Lý

 

24.  Thừa tác viên lời Chúa phải chân thành nhận thức được sứ vụ được ủy thác cho mình. Tức là phải làm dậy lên một đức tin sống động hướng tâm trí về Thiên Chúa, bắt phải sống am hợp với tác động của Ngài, dẫn tới một kiến thức sống động về các cách diễn đạt của truyền thống, và nói lên cùng biểu lộ tầm mức quan trọng thực sự của thế giới cũng như của đời sống loài người. (DCG:16)

 

25.  Tất cả những điều ấy (xem số 49) đều là nguồn mạch của giáo lý. Những nguồn mạch này có thể là chính hay phụ thuộc, và vì thế tất cả những điều này không thể nào được coi như nguồn mạch theo cùng một ý nghĩa. Khi sử dụng những điều này, giáo lý viên trước hết và bao giờ cũng phải để ý đến tầm mức quan trọng vĩnh viễn của mạc khải, trong thánh kinh cũng như thánh truyền, và đến cả thẩm quyền Giáo Huấn của Giáo Hội trong những vấn đề liên hệ đến đức tin. (DCG: 45)

 

26.  Hơn nữa, đối với bất cứ một phần nào thuộc nội dung của đức tin cần phải được cắt nghĩa, thì giáo lý viên phải cẩn thận để làm sao cho thấy được mầu nhiệm Chúa Kitô là trọng tâm của phần trình bày đó; thấy được việc Giáo Hội giải thích và xác định phần trình bày này, cũng như Giáo Hội cử hành phần đó cùng thực hành phần đó, bằng việc trình bày phần đó theo phụng vụ của Giáo Hội cũng như theo việc sống đạo của Kitô Giáo. (DCG: 45)

 

27.  Sau hết, giáo lý viên, nhờ Thánh Thần trợ giúp, còn phải cho thấy dự án của Thiên Chúa được hoàn thành ra sao nơi phần được trình bày này. (DCG: 45)

 

28. Cần phải có sự hợp tác với nhau giữa giáo lý viên và cha mẹ (ở chỗ chia sẻ với nhau ý kiến về chương trình học, về phương pháp dạy, và về những khó khăn xẩy ra), nếu muốn tiến hành một cách thích thuận và điều hòa việc giáo huấn trẻ em. Loại hợp tác này có ích cho cả giáo lý viên lẫn cha mẹ, và giúp cho họ thực thi nhiệm vụ riêng của mình. (DCG: 79)

 

29.  Việc xây dựng về kiến thức của đức tin nơi thành phần thanh niên không được coi như chỉ là một việc thêm thắt vào, mà phải được coi như là một nhu cầu chính yếu cho đời sống đức tin. Cách thức chỉ dạy có một tầm mức quan trọng đặc biệt. Trong việc đối thoại với giới thanh niên, người giáo lý viên phải khơi động trí khôn của họ lên. (DCG: 88)