Đối Tượng Tác Vụ Giáo Lý

 

 

Dạy cho Thành Phần Ấu Nhi

 

1.      Vì ấu nhi hấp thụ lấy, như qua một tiến trình “lọc nước”, cách thức tác hành và thái độ của các phần tử trong gia đình mình. Bởi thế, một số lớn những kinh nghiệm của các em thực sự sẽ được cấu kết nơi các em để làm nên một nền tảng cho đời sống đức tin của các em, một đời sống sẽ được từ từ khai triển và tỏ hiện sau đó… (DCG: 78)

 

2.      Chính việc sống như thế đòi các em phải có một sự quân bình giữa tính cách cương quyết và thuận thảo. Thế rồi khả năng tự mình tác hành có thể dần dần phát triển, một khả năng cần thiết nhất cho việc khởi sự đời sống xã hội cũng như cho việc khởi phát và kiên cường phụng sự Thiên Chúa và Giáo Hội. (DCG: 78)

 

3.      Việc dạy cho tuổi ấu nhi sống đời cầu nguyện phải đi kèm với tất cả mọi điều cần phải đạt tới trên đây, để các em có thể biết kêu lên với vị Thiên Chúa yêu thương chúng ta và bảo vệ chúng ta, kêu lên với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và là người anh em của chúng ta, Đấng dẫn chúng ta đến cùng Chúa Cha, cũng như kêu lên với Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong lòng chúng ta; để các em cũng có thể dâng những lời cầu nguyện tin tưởng lên Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và là mẹ của chúng ta. (DCG: 78)

 

4.      Nếu những điều căn bản này bị hụt hẫng thì giáo lý phải xác định xem có phải là do những thiếu sót hay chăng, xem những thiếu sót đó là gì và xem làm sao để có thể bổ khuyết được những thiếu sót đó. Phải giúp đỡ phần vụ xứng hợp của các cha mẹ Kitô hữu bằng việc giúp họ được huấn luyện đầy đủ. (DCG: 78)

 

 

Dạy cho Thành Phần Thiếu Nhi

 

5.      Trí khôn của đứa nhỏ dần dần phát triển. Giáo lý phải thích ứng với việc phát triển về tâm thần này. Đứa nhỏ tìm tòi hiểu biết đời sống đạo nơi người lớn. Bởi thế, đời sống Kitô hữu chân chính của cộng đồng người lớn giúp rất nhiều vào việc đứa nhỏ được huấn luyện vững vàng, và việc này được thực hiện đúng theo kiểu hướng dẫn khi nó cho thấy đời sống đạo của người lớn và các sinh hoạt của Dân Chúa xứng hợp với ý nghĩa của lịch sử cứu độ… (DCG: 79)

 

6.      Kinh nghiệm làm việc đầu tiên của đứa nhỏ không được cho là chẳng có liên hệ gì tới mục đích của giáo lý cả. Niềm vui làm việc này và làm một cách tốt đẹp, việc cộng tác với kẻ khác, kỷ luật trong việc làm cần phải có như một điều gì đó dễ hiểu và hợp lý – tất cả khiến cho đứa nhỏ có nhiều kinh nghiệm hữu ích, chẳng những cho việc thông phần vào đời sống xã hội mà còn cho cả việc tham dự chủ động vào đời sống của Giáo Hội nữa. (DCG: 79)

 

7.      Chú ý tới những điều trên đây, vấn đề sư phạm dạy giáo lý, dù theo phương pháp nào đi nữa, cũng phải làm sao để phấn khích sinh động nơi các em. Nếu không làm như vậy thì giáo lý không thể nào thỏa đáng được nhiệm vụ của mình trong việc chỉ dạy cho tín hữu biết càng ngày càng tự mình đáp ứng lời Chúa và ơn Chúa. (DCG: 79)

 

8.      Vấn đề sư phạm chủ động, dù nó có hữu dụng mấy chăng nữa, cũng không được thỏa mãn nơi những gì các em diễn đạt bề ngoài, mà phải nỗ lực làm phát sinh nơi các em một đáp ứng bộc lộ từ cõi lòng và từ cảm thức cầu nguyện của các em. (DCG: 79)

 

Dạy cho Thành Phần Thiếu Niên

 

9.      Cần phải ngưng việc chỉ dạy cho lứa tuổi này những gì đơn sơ giản dị và khách quan chỉ thích hợp với trẻ em; đồng thời cũng phải ý tứ đừng đưa ra những vấn đề hay đề tài chỉ xứng hợp với tuổi thanh niên mà thôi. (DCG: 83)

 

10.  Việc hướng dẫn cụ thể, ở chỗ giải thích đời sống và việc làm của các vị Thánh cũng như của các con người phi thường khác, cùng với các chia sẻ về đời sống thực sự của Hội Thánh, sẽ mang lại cho các học viên giáo lý ở lứa tuổi này một dưỡng chất lành mạnh. (DCG: 83)

 

11.  Mang ra giải quyết những vấn đề căn bản và là những vấn đề đáng quan tâm nhất đối với thời đại này, bằng một  trang bị kỹ càng kiến thức của các khoa thần học và nhân bản, qua việc sử dụng thích hợp phương pháp hội thảo theo nhóm. (DCG: 83)

 

Dạy cho Thành Phần Thanh Niên

 

12.  Công việc chính của giáo lý cho lứa tuổi thanh niên này là làm cho việc hiểu biết Kitô Giáo chân chính về cuộc đời được sâu rộng hơn. Giáo lý phải chiếu sáng sứ điệp Kitô Giáo vào các thực tại có ảnh hưởng hơn nơi thành phần thanh niên này, chẳng hạn như về ý nghĩa của việc hiện hữu thể lý, của tình yêu và gia đình, của những tiêu chuẩn phải theo trong đời sống, trong việc làm và tiêu khiển, trong công chính và hòa bình, v.v. (DCG: 84)

 

13.  Giáo lý phải giúp họ càng ngày càng khám phá ra những giá trị đích thực và đặt những giá trị này vào cấp trật của chúng. (DCG: 85)

 

14. Công việc của giáo lý có phận sự phải mang lại cho thành phần thanh niên này một tầm mức trưởng thành về nhân cách, để họ có thể chế ngự khuynh hướng chủ quan của mình, cùng khám phá thấy một niềm hy vọng mới nơi quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa. (DCG: 86)

 

15. Giáo lý có nhiệm vụ phải làm việc với các nhóm giới trẻ này, một giới có thể giúp cho việc làm môi giới giữa giới trẻ và toàn thể cộng đồng Giáo Hội (x.AA, 12)… để các giá trị nhân bản và Kitô Giáo của cộng đồng Kitô hữu được thành phần thanh niên này thực sự nhận ra và cảm thấu (x.AA, 12). (DCG: 87)

 

16.  Nếu giáo lý có thể làm sống lại cảm nghiệm của đời sống đức tin, thì nó không thể nào bỏ qua việc tạo nên một lối suy nghĩ đạo đức, một lối suy nghĩ sẽ cho thấy mối liên hệ giữa các mầu nhiệm với nhau và với cùng đích của con người (x. Công Đồng Chung Vaticanô I, Hiến Chế Tín Lý Dei Filius, c. IV, Dz.-Sch., 3015-3020). Để làm cho mối gắn bó nội tại về một việc suy nghĩ như vậy được vững chắc thì việc làm chứng mà thôi vẫn chưa đủ. Ngày nay mọi nơi đều cần đến tính cách khoa học thực sự; do đó, giáo lý cũng phải cống hiến cho đức tin những nền tảng hợp lý một cách hết sức thận trọng. (DCG: 88)

 

17.  Việc xây dựng về kiến thức của đức tin nơi thành phần thanh niên không được coi như chỉ là một việc thêm thắt vào, mà phải được coi như là một nhu cầu chính yếu cho đời sống đức tin. Cách thức chỉ dạy có một tầm mức quan trọng đặc biệt. Trong việc đối thoại với giới thanh niên, người giáo lý viên phải khơi động trí khôn của họ lên. (DCG: 88)

18.  Giáo lý, một thứ giáo lý phải phấn khích tư nghiệm về đức tin và đồng thời khơi nguồn suy nghĩ đúng đắn các vấn đề về đạo giáo, phải được đạt đến mức độ trọn hảo, khi nó đưa con người tới việc hoàn trọn các nhiệm vụ đạo đức. Giáo lý Kitô Giáo phải dạy cho giới thanh niên biết lãnh nhận các trách nhiệm của đức tin và dần dần làm cho họ có khả năng xác quyết niềm tin Kitô Giáo của mình trước mặt tất cả mọi người. (DCG: 89)

 

Dạy cho Thành Phần Người Lớn và Người Già

 

19.  Giáo lý phải chứng tỏ cho thấy rằng Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, thực sự là tác giả của cộng đồng đức tin, tức là Giáo Hội, đồng thời giáo lý cũng phải khêu lên ước muốn kết thân với mọi người. (DCG: 93)

 

20.  Giáo lý nhắc nhở cho thành phần vợ chồng rằng mối hiệp nhất thâm sâu của họ, bởi bí tích hôn phối, là một dấu hiệu của mầu nhiệm hiệp nhất cũng như của tình yêu viên mãn giữa Chúa Kitô với Giáo Hội, và mối hiệp nhất của họ được tham dự vào mầu nhiệm này (x.Eph. 5:32). (DCG: 93)

 

21.  Trong phạm vi của các nhóm nhỏ tín hữu, giáo lý sẽ giúp cho thành phần người lớn sống trọn vẹn đức ái Kitô Giáo. Thật vậy, đức ái này, như dấu hiệu của một cảm nghiệm chung, sẽ làm cho họ thành nguồn trợ giúp của nhau trong đức tin. (DCG: 93)

 

22.  Giáo lý phải cố gắng hướng dẫn con người trong việc tuân giữ cái thứ tự ưu tiên nơi các mục đích, tức là, hướng dẫn họ tới việc nhận thức được hoàn toàn đầy đủ hơn ý nghĩa của sự sống và sự chết, trong ánh sáng của sự chết và phục sinh của Chúa Kitô. (DCG: 94)

 

23.  Cần phải có nhiệm vụ giúp cho tuổi già về giáo lý liên quan đến sự chết, một sự chết về phương diện thể lý thì đã gần kề, và về phương diện xã hội thì đã tới ở một mức độ nào rồi, vì hầu như không còn trông mong họ hoạt động được gì nữạ. (DCG: 95)

 

24. Giáo lý phải dạy cho tuổi già có được một niềm hy vọng siêu nhiên, vì cái chết được coi như một cuộc vượt qua để đạt tới sự sống thực sự và như một cuộc gặp gỡ Đấng Cứu Thế thần linh. Như thế, tuổi gìa có thể trở nên một dấu hiệu hiện diện của Thiên Chúa, của sự sống bất tử và của cuộc phúc sinh mai hậu. (DCG: 95)

 

25.  Các Hình Thức Giáo Lý dành cho Người Lớn: Có hình thức giáo lý cho việc gia nhập Kitô Giáo hay giáo lý tân tòng cho người lớn. (DCG: 96)

 

26.  Có hình thức giáo lý cho những người tham gia vào việc làm tông đồ giáo dân cách đặc biệt. Chắc chắn trong trường hợp này giáo lý phải cung cấp cho họ một kiến thức sâu xa hơn về sứ điệp Kitô Giáo. (DCG: 96)

 

27.  Có hình thức giáo lý được chia sẻ vào những dịp đặc biệt trong đời sống, như dịp cưới hỏi, dịp rửa tội cho trẻ em, dịp xưng tội rước lễ lần đầu, những giai đoạn khó khăn trong việc giáo dục trẻ em, dịp đau yếu bệnh nạn v.v. (DCG: 96)

 

28.  Có hình thức giáo lý được chia sẻ vào dịp đổi đời nào đó, như dịp bắt đầu đi làm việc, dịp gia nhập quân ngũ, dịp di dân hay dịp thay nghề chuyển cấp. (DCG: 96)

 

29.  Có hình thức giáo lý liên quan đến việc Kitô hữu tiêu khiển, và hình thức giáo lý được chia sẻ vào dịp du ngoạn (x. Directorium Generale pro ministerio pastorali quoad “turismum”, đoạn 19, 25). (DCG: 96)

 

30.  Có hình thức giáo lý được chia sẻ vào dịp xẩy ra những biến cố đặc biệt đụng chạm đến đời sống của Giáo Hội hay của xã hội. (DCG: 96)

 

31.  Những hình thức giáo lý đặc biệt này không có nghĩa là làm giảm sút đi nhu cầu cần phải hình thành các tiến trình giáo lý được cung cấp cho chương trình học hỏi toàn bộ sứ điệp Kitô Giáo. (DCG: 96)

 

32.  Việc huấn luyện được soạn thảo theo chương trình này chắc chắn không thể nào bị rút gọn lại thành một loạt bài hội thảo hay bài giảng giản lược. (DCG: 96)

 

33.  Để luôn luôn có thể đáp ứng với các đòi hỏi khẩn trương hơn của thời đại chúng ta, vấn đề giáo lý cho người lớn phải: Dạy cho họ biết thẩm định một cách đúng đắn theo ánh sáng đức tin những thay đổi về xã hội cũng như văn hóa trong xã hội hiện đại. (DCG: 97)

 

34.  Giải thích những vấn nạn hiện đại theo phương diện tôn giáo và luân lý. Giáo lý phải lấy những vấn đề mới này như là vấn đề của mình, những vấn đề làm cho con người ngày nay đang tự hỏi mình. (DCG: 97)

 

35.  Chiếu sáng trên các liên hệ giữa hoạt động trần thế và hoạt động hội thánh. Giáo Lý phải dạy cho các Kitô hữu nhận ra các mối tương hệ giữa các nhiệm vụ trần thế và nhiệm vụ hội thánh. Giáo lý phải làm sáng tỏ việc thi hành các nhiệm vụ trần thế có thể gây ảnh hưởng phúc lợi cho chính cộng đồng giáo hội, khi cộng đồng giáo hội nhận thức rõ hơn mục đích siêu việt của mình cũng như sứ mệnh của mình trong thế giới, đồng thời giáo lý phải cho thấy rằng việc thực thi các nhiệm vụ của hội thánh cũng mang lại phúc lợi cho xã hội loài người (x.GS, 40-45). (DCG: 97)

 

36.  Phát triển những nền tảng sáng suốt của đức tin. Giáo Hội bao giờ cũng canh chừng các nền tảng sáng suốt của đức tin khỏi duy tín thuyết. Giáo lý phải phát triển kiến thức về đức tin mỗi ngày một hơn, để nhờ đó cho thấy rằng tác động của đức tin và các chân lý cần phải được tin tưởng am hợp với những đòi hỏi của lý trí con người. Giáo lý phải cho thấy rằng Phúc Aâm bao giờ cũng hiện đại và bao giờ cũng hợp thời. Vì lý do này mà cần phải phát động việc mục vụ trong lãnh vực tín lý Kitô Giáo cũng như trong lãnh vực văn hóa Kitô Giáo. (DCG: 97)

 

Dạy cho Dự Tòng và Thiếu Nhi Rước Lễ Lần Đầu

 

37.  Vấn đề giáo lý dự tòng cho người lớn, một vấn đề cùng một lúc bao gồm cả việc học giáo lý, việc tham dự phụng vụ và việc sống cộng đồng, là một tuyệt mẫu của cơ cấu làm nên bởi việc hợp tác giữa các phận sự mục vụ khác nhau. (DCG:130)

 

38.  Mục đích của vấn đề giáo lý dự tòng là để hướng dẫn cuộc hành trình thiêng liêng của những người đang dọn mình lãnh nhận bí tích rửa tội, cũng như để hướng dẫn các thói suy tưởng của họ cùng với các thay đổi của họ về đời sống luân lý. (DCG:130)

 

39.  Nó là một học đường sửa soạn cho việc sống đời Kitô hữu, là một cụôc dẫn nhập vào đời sống đạo giáo, phụng vụ, bác ái và tông đồ của Dân Chúa (x. AG, 13-14; SC, 65; CD, 14). (DCG:130)

 

40.  Ngoài các vị linh mục và giáo lý viên ra, toàn thể cộng đồng Kitô hữu, qua vai trò của các vị đỡ đầu tác hành nhân danh cộng đồng, đều phải cộng tác vào công việc này. (DCG:130)

 

41.  Chỉ nhờ cách này (sắp đặt các yếu tố giáo dục khác nhau này, đề cao chúng và hoạt động sát cạnh với chúng) giáo lý mới có thể tuần tự hướng đứa nhỏ về Chúa Cha trên trời và mới có thể điều chỉnh lại những gì lệch lạc hay chiều hướng sống sai trái có thể xẩy ra. (DCG: Phần Phụ Trương, đoạn 2)

 

42.  Ở lứa tuổi này, đứa nhỏ chắc chắn phải được bảo ban, một cách đơn giản bao nhiêu có thể, về Thiên Chúa là Chúa và là Cha của chúng ta, về tình Ngài yêu thương chúng ta, về Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã làm người vì chúng ta, và là Đấng đã chết rồi sống lại. (DCG: Phần Phụ Trương, đoạn 2)

 

43.  Bằng việc nghĩ đến tình yêu của Thiên Chúa, đứa nhỏ sẽ dần dần có thể nhận ra cái xấu xa của tội lỗi là những gì bao giờ cũng xúc phạm đến Thiên Chúa là Cha cũng như đến Chúa Giêsu, và còn là những gì phạm đến đức bác ái, nhân đức làm chúng ta yêu thương tha nhân mình và yêu thương bản thân mình. (DCG: Phần Phụ Trương, đoạn 2)

44.  Giáo lý giúp cho em nuôi dưỡng ước mong (được tha thứ) này một cách lành mạnh, gợi lên nơi em một tấm lòng lành thánh chán ghét tội lỗi, một ý thức thấy cần phải cải thiện đời sống, và nhất là cần phải kính mến Thiên Chúa. (DCG: Phần Phụ Trương, đoạn 3)

 

45.  Công việc đặc biệt của vấn đề giáo lý ở đây là cắt nghĩa một cách thích hợp cho thấy rằng Việc Xưng Tội theo bí tích là một phương tiện được cung cấp cho con cái của Giáo Hội để họ lãnh nhận ơn tha thứ tội lỗi, việc này tự mình lại càng cần hơn cho ai sa ngã phạm tội trọng… (DCG: Phần Phụ Trương, đoạn 3)

 

200.Tín lý về bí tích Thống Hối phải được trình bày một cách bao rộng về việc đạt được tình trạng tinh tuyền và tiến triển thiêng liêng theo lòng trông cậy vững vàng vào lòng xót thương và tình yêu của Thiên Chúa. Nhờ đó, các trẻ em chẳng những dần dần đạt được một tinh tường về lương tri mà còn không chán nản thất vọng khi các em sa phạm lỗi lầm tệ hơn nữa. (DCG: Phần Phụ Trương, đoạn 3)