TRỌNG TÂM GIÁO LÝ 

 

 

Tất cả những gì Kitô hữu chúng ta tin tưởng (về tín lý) và tuân giữ (về luân lý) liên hệ mật thiết đến phần rỗi đời đời (là sự sống trường sinh) của chúng ta đều xuất phát từ Mạc Khải Thần Linh, một mạc khải được Thánh Kinh ghi nhận, Thánh Truyền chứng nhận và Huấn Quyền tuyên nhận.

 

Tuy nhiên, nếu nhân vật mang danh Giêsu thành Nazarét  không sống lại từ trong kẻ chết, Người tuyệt đối không phải là Con Thiên Chúa, không phải là “Lời đã hóa thành nhục thể” (Jn.1:14).

 

Và nếu nhân vật Giêsu lịch sử biệt hiệu Kitô này thật sự không phải là Con Thiên Chúa, thì tất cả những gì Người nói (giáo thuyết), làm (gương mẫu) và vượt qua (tử nạn và phục sinh), mà Kitô Giáo nói chung và Công Giáo nói riêng công nhận là Mạc Khải Thần Linh, không phải “bởi thượng giới” (Jn.8:23), chỉ hoàn toàn là những gì “bởi hạ giới” (Jn.8:23), chẳng khác gì đạo lý của các vị giáo tổ thuần nhân trước Người truyền lại.

Chính vì thế, trước hết, Kitô hữu Công Giáo chúng ta nói chung và thành phần giảng viên giáo lý nói riêng mới cần phải đi thẳng vào trung tâm điểm của toàn bộ giáo lý Kitô Giáo của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, Đấng tự xưng mình “là đạo lộ, là sự thật và là sự sống” (Jn.14:6).

 

Chúa Kitô là trung tâm điểm của toàn bộ Giáo Lý, trước hết, vì Người “là đạo lộ”, ở chỗ “đến để làm hoàn tất lề luật và lời các tiên tri” (Mt.5:17), tức để hoàn tất dự án cứu độ của Thiên Chúa Cha, Đấng “trước kia đã nói với chúng ta qua các tiên tri, nhưng nay qua Người Con” (Heb.1:2), dùng Người Con như “đường lối” tuyệt vời để hoàn toàn tỏ mình ra và thông mình ra cho loài người.

 

Chúa Kitô là trung tâm điểm của toàn bộ Giáo Lý, sau nữa, vì Người “là sự thật”, là “tất cả sự thật” (Jn.16:13), tức là tất cả mạc khải của Thiên Chúa, hay là chính mạc khải của Thiên Chúa, ở chỗ “đến để làm chứng cho sự thật” (Jn.18:37), hầu chứng tỏ mình “thực sự là Đấng phải đến”, “Đấng được Cha sai”, là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian” (Jn.11:27; x.Mt.16:16).

 

Chúa Kitô là trung tâm điểm của toàn bộ Giáo Lý, sau hết, vì Người “là sự sống”, một “sự sống đã tỏ hiện cho chúng ta” (1Jn.1:2), ở chỗ Người đã “đến cho chiên được sự sống và được sự sống viên trọn” (Jn.10:10), bằng việc Người đã “tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý” (Jn.17:19), được tràn đầy Thần Linh Người sai đến từ Cha, Đấng cũng nhân danh Người sai Thần Linh đến như “một mạch nước vọt lên sự sống đời đời” (Jn.4:14).