LỆNH TRUYỀN PHỤC SINH

 

 

Các con hãy đi tuyển mộ môn đồ nơi mọi dân nước và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt.28:18-19).

 

Căn cứ vào thứ tự của lệnh truyền phục sinh của Chúa Kitô trên đây, việc truyền bá Phúc Aâm được chia ra làm ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là việc “đi tuyển mộ môn đồ”; giai đoạn thứ hai là việc “rửa tội cho họ”; giai đoạn thứ ba là việc “dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền”.

 

Bình thường, như thực tế cho thấy, giai đoạn thứ ba của việc truyền bá phúc âm là giai đoạn dạy giáo lý ở các giáo xứ cho thành phần Kitô hữu đã lãnh nhận bí tích rửa tội; giai đoạn thứ hai là giai đoạn phụng vụ bí tích gia nhập Kitô giáo cho thành phần dự tòng; và giai đoạn thứ nhất là giai đoạn làm chứng nhân cho Chúa Kitô. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, trong giai đoạn làm chứng còn được chia làm hai thời kỳ, thời kỳ thực sự làm chứng và thời kỳ rao giảng tiên khởi (việc dạy giáo lý dự tòng).

 

Thời kỳ thực sự làm chứng cho Chúa Kitô ở giai đoạn truyền bá phúc âm thứ nhất là để cho con người thuộc “mọi dân nước” có thể nhận biết Chúa Kitô mà tự động trở lại với Người. Thời kỳ rao giảng tiên khởi ở giai đoạn truyền bá phúc âm thứ nhất là để giúp con người muốn trở lại với Chúa Kitô thực sự hiểu Đấng mà họ nhận biết qua các Kitô hữu môn đệ của Người, trước khi họ chính thức “lãnh nhận phép rửa nhân danh Chúa Giêsu”. Giai đoạn này gọi là giai đoạn dạy giáo lý cho người dự tòng.

 

Tuy nhiên, theo cuốn Tông Vụ, tức theo Truyền Thống của Giáo Hội, thì giai đoạn truyền bá phúc âm thứ nhất, kể cả thời kỳ thực sự làm chứng cho Chúa Kitô và thời kỳ dạy giáo lý cho người dự tòng, đều nhắm đến một đối tượng đức tin duy nhất đó là Chúa Kitô Phục Sinh.

 

Đúng thế, Chúa Kitô Phục Sinh chính là Tin Mừng cần phải “rao giảng cho mọi tạo vật” (Mc.16:15) và phải “làm chứng cho đến tận cùng trái đất” (Acts.1:8).

 

Thánh Phêrô đã cùng với 11 tông đồ đã chẳng “rao giảng” Tin Mừng Phục Sinh ngay sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống hay sao? Lời rao giảng của các ngài lúc ấy gọi là Lời Rao Giảng Tiên Khởi, một lời rao giảng đã làm cho nhiều người trở lại và chịu phép rửa (xem Acts 2:41, 47).

 

Thánh Phaolô cũng đã không làm chứng cho đến tận cùng trái đất là thành phần Dân Ngoại hay sao, khi ngài tuyên bố với dân Do Thái của mình vào cuối cuộc hành trình truyền giáo rằng: “Giờ đây anh em phải biết rằng ơn cứu độ này của Thiên Chúa đã được truyền đạt cho các dân ngoại” (Acts 28:28)?