“Từ việc làm con cái của cha mẹ trần gian, các em cũng được trở nên con cái
của Thiên Chúa nơi Người Con của V ị Thiên Chúa hằng sống”.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI – Bài Giảng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Chúa Nhật 7/1/2007 tại Nguyện Đuờng Sistine
Anh Chị Em thân mến,
Cả năm nay nữa, chúng ta gặp nhau để thực hiện một cử hành thực sự là gia đình, đó là việc Rửa Tội cho 13 em nhỏ trong Nguyện Đường Sistine tuyệt vời này, nơi mà nhờ tài sáng tạo của mình, điêu khắc gia Michelangelo và những nghệ sĩ nổi tiếng đã đạt được những tuyệt tác trình bày cho thấy những diệu kỳ của lịch sử cứu độ.
Tôi muốn gửi lời chào ngay tới tất cả mọi anh chị em hiện diện nơi đây: cha mẹ, các bõ đỡ đầu, họ hàng thân thuộc và bạn hữu là tất cả những người hộ tống những bé sơ sinh đây ở giây phút quan trọng cho cuộc đời của các em cũng như cho Giáo Hội. Hết mọi con trẻ được hạ sinh đều mang lại cho chúng ta nụ cười của Thiên Chúa, và mời gọi chúng ta hãy nhìn nhận rằng sự sống là tặng ân của Ngài, một tặng ân cần phải được ưu ái đón nhận và cẩn thận bảo tồn, luôn mãi và từng giây từng phút.
Mùa Giáng Sinh, một mùa chấm dứt vào chính ngày hôm nay đây, đã giúp cho chúng ta chiêm ngưỡng Con Trẻ Giêsu trong hàng đá bần cùng ở Bêlem, được Mẹ Maria và Thánh Giuse âu yếm chăm sóc. Thiên Chúa ủy thác cho các vị phụ huynh hết mọi con trẻ được sinh ra, bởi thế mới thấy rằng quan trọng biết bao cơ cấu gia đình được xây dựng trên nền tảng hôn nhân, cái nôi của sự sống và yêu thương!
Ngôi nhà Nazarét, nơi Thánh Gia đã sống là kiểu mẫu và là học đường của tính chất giản dị, nhẫn nại và hòa hợp cho tất cả mọi gia đình Kitô hữu. Tôi nguyện cầu Chúa cho gia đình của anh chị em cũng trở thành những nơi đón nhận để những em nhỏ này chẳng những được tăng trưởng lành mạnh về sức khỏe mà còn về cả đức tin và tình yêu kính Thiên Chúa, Đấng mà hôm nay, qua Phép Rửa, làm cho họ nên con cái của Ngài.
Nghi Thức làm Phép Rửa cho những em bé này đang được cử hành vào ngày chúng ta cử hành Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, một biến cố như tôi đã nói kết thúc Mùa Giáng Sinh.
Chúng ta đã nghe trình thuật của Thánh Ký Luca, vị trình bày Chúa Giêsu là Đấng vẫn ẩn mình trong đám đông khi Người tiến đến với Gioan Tẩy Giả để lãnh nhận phép rửa. Chúa Giêsu cũng đã lãnh nhận phép rửa và ‘cầu nguyện’ như Thánh Luca nói với chúng ta (3:21). Chúa Giêsu nói với Cha của Người. Và chúng ta tin chắc rằng Người đã chẳng những nói cho Người mà còn nói về chúng ta và nói cho chúng ta nữa; Người cũng nói về tôi, về mỗi một người trong chúng ta và cho mỗi một người trong chúng ta.
Rồi vị Thánh Ký này nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đang nguyện cầu thì Trời mở ra ở trên Người.
Chúa Giêsu đã giao tiếp với Cha thì Trời đã mở ra trên Người. Vào lúc này đây chúng ta có thể nghĩ rằng Trời cũng mở ra cả ở nơi đây nữa, trên những em nhỏ này của chúng ta, những em mà, nhờ Bí Tích Rửa Tội, được giao tiếp với Chúa Giêsu. Trời mở ra trên chúng ta nơi Bí Tích này. Chúng ta càng sống giao tiếp với Chúa Giêsu theo thực tại Phép Rửa của mình, Trời càng mở ra trên chúng ta. Và từ Trời – chúng ta hãy trở lại với bài Phúc Âm – hôm đó vang ra một tiếng nói cùng Chúa Giêsu rằng: ‘Con là Con yêu dấu của Cha’ (Lk 3:22).
Nơi Phép Rửa, Cha Trên Trời cũng lập lại những lời này với một một em nhỏ này. Ngài nói: ‘Con là con của Cha’. Phép Rửa là việc thừa nhận và gia nhập vào gia đình của Thiên Chúa, vào mối hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, vào mối hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần. Chính vì lý do này mà Phép Rửa cần phải được ban phát nhân Danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Những lời này không phải chỉ thuần túy là một công thức; chúng là một thực tại. Chúng đánh dấu giây phút con cái của anh chị em được tái sinh làm con cái Thiên Chúa. Từ việc làm con cái của cha mẹ trần gian, các em cũng được trở nên con cái của Thiên Chúa nơi Người Con của V ị Thiên Chúa hằng sống.
Tuy nhiên, giờ đây chúng ta cần phải suy niệm về những lời của Bài Đọc Thứ Hai của phụng vụ hôm nay, nơi Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng: ‘Người đã cứu độ chúng ta, không phải vì các công việc công chính chúng ta làm, mà bởi tình thương của Người, bằng việc tẩy rửa tái sinh và canh tân trong Thánh Linh’ (Ti 3:5).
Việc tẩy rửa tái sinh: Phép Rửa không phải chỉ là một lời nói, nó chẳng những là một cái gì đó thiêng liêng mà còn bao hàm cả chất thể nữa. Tất cả mọi thực tại trên trái đất này đều có liên hệ với chất thể. Phép Rửa không phải chỉ liên quan tới linh hồn. Tính chất linh thiêng của con người bao gồm toàn thể con người, cả xác lẫn hồn. Tác động của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô là một tác động có hiệu năng phổ quát. Chúa Kitô mặc lấy xác thịt, và điều này tiếp tục nơi các bí tích, trong đó chất thể được sử dụng và trở thành một yếu của tác động thần linh.
Giờ đây chúng ta có thể hỏi rằng tại sao nước lại là dấu hiệu cho tính cách toàn thể ấy. Nước là yếu tố của sự phì nhiêu phong phú. Không có nước cũng chẳng có sự sống. Bởi vậy, nơi tất cả mọi đại tôn giáo, nước đầu được coi như là biểu hiệu của vai trò làm mẹ, của việc sinh hoa kết trái. Đối với các vị Giáo Phụ của Hội Thánh thì nước trở thành biểu hiệu cho cung lòng từ mẫu của Giáo Hội.
Giáo phụ Tertullian, một văn hào của Giáo Hội thuộc thế kỷ thứ hai và thứ ba, đã nói một điều chưng hửng. Ông nói: ‘Không có nước cũng chẳng bao giờ có Chúa Kitô’. Với những lời ấy, giáo phụ Tertullian muốn nói rằng Chúa Kitô chẳng bao giờ lại không có Giáo Hội. Nơi Phép Rửa, chúng ta được Cha Trên Trời thừa nhận làm dưỡng tử, thế nhưng, trong gia đình này, Ngài cũng ấn định phải có một người mẹ, đó là Mẹ Giáo Hội. Con người không thể có Thiên Chúa là Cha, các văn hào Kitô Giáo xưa đã nói thế, trừ phi họ có Giáo Hội là mẹ.
Chúng ta nhận thấy một cách mới mẻ là Kitô Giáo không phải chỉ là một thực tại thiêng liêng cá nhân, chỉ là một quyết định chủ quan do tôi thực hiện, mà là một cái gì đó thực hữu và cụ thể, đến nỗi chúng ta có thể nói là một cái gì đó chất thể. Việc thừa nhận làm con cái của Thiên Chúa, của Thiên Chúa Ba Ngôi đồng thời cũng là việc được chấp nhận vào gia đình của Giáo Hội, nó là việc chấp nhận làm anh chị em trong đại gia đình Kitô hữu. Và chỉ có thế, có là con cái Thiên Chúa, chúng ta mới được tháp nhập như anh chị em vào thực tại của Giáo Hội để có thể thân thưa ‘Lạy Cha Chúng Con’ với Cha Trên Trời của chúng ta. Lời cầu nguyện này bao giờ cũng chất chứa cái ‘chúng ta’ này của gia đình Thiên Chúa.
Tuy nhiên, giờ đây chúng ta hãy trở lại với bài Phúc Âm, trong đó, Thánh Gioan Tẩy Giả nói rằng: ‘Tôi lấy nước mà rửa cho các người, thế nhưng có Đấng quyền năng hơn tôi đang đến… Người sẽ lấy Thánh Thần và lửa mà rửa cho các người’ (Lk 3:16).
Chúng ta đã nhìn thấy nước; thế nhưng giờ đây câu hỏi bất khả tránh được đặt ra là: lửa được Thánh Gioan Tẩy Giả nói tới là ở chỗ nào? Để thấy được thực tại về lửa này, thực tại hiện hữu nơi Phép Rửa bằng nước, chúng ta cần phải nhận định là phép rửa của Thánh Gioan là một cử chỉ nhân loại, một tác động thống hối, một khát vọng Thiên Chúa của con người, trong việc xin thứ tha tội lỗi và là cơ hội để bắt đầu một cuộc sống mới. Nó chỉ là một thứ ước muốn của con người, một tác động hướng về Thiên Chúa bằng nỗ lực của họ.
Giờ đây điều ấy vẫn không đủ. Khoảng cách thì quá lớn. Nơi Chúa Giêsu Kitô, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta. Nơi Phép Rửa Kitô Giáo, được Chúa Kitô thiết lập, chúng ta không chỉ tác hành bằng ước muốn được tẩy sạch nơi lời nguyện cầu xin ơn tha thứ.
Nơi Phép Rửa, chính Thiên Chúa tác hành, Chúa Giêsu tác hành qua Thánh Linh. Ngọn lửa của Thánh Linh hiện hữu nơi Phép Rửa Kitô Giáo. Thiên Chúa tác hành chứ không phải chỉ có chúng ta. Thiên Chúa hiện diện ở đây hôm nay. Ngài nhận lấy con cái của anh chị em và làm cho chúng thành của Ngài.
Thế nhưng, bình thường Thiên Chúa không tác hành một cách ma thuật. Ngài tác hành với tự do của chúng ta. Chúng ta không thể nào loại bỏ tự do của chúng ta. Thiên Chúa thách đố tự do của chúng ta, mời gọi chúng ta hãy cộng tác với ngọn lửa của Thánh Linh. Hai điều này cần phải đi đôi với nhau. Phép Rửa sẽ mãi là một tặng ân của Thiên Chúa suốt cuộc đời, Đấng đã đóng dấu ấn trên tâm hồn của chúng ta. Thế nhưng, bởi vậy mà việc hợp tác của chúng ta, việc tự do của chúng ta sẵn sàng đáp ‘xin vâng’ là những gì làm cho tác động thần linh được hiệu năng.
Những em bé này của anh chị em, những em mà giờ đây chúng ta sẽ làm phép rửa cho, chưa thể hợp tác được, chưa thể bày tỏ niềm tin của mình. Đó là lý do việc hiện diện của anh chị em, anh chị em làm cha làm mẹ thân mến, hỡi anh chị em làm bõ đỡ đầu thân mến, có một giá trị và ý nghĩa đặc biệt. Hãy luôn luôn trông coi những em nhỏ này, nhờ đó chúng có thể nhận biết Thiên Chúa khi chúng lớn lên, biết mến yêu Ngài hết sức chúng và trung thành phụng sự Ngài. Chớ gì anh chị em là những nhà giáo dục đức tin tiên khởi của các em, cống hiến cho chúng kèm theo việc dạy dỗ của anh chị em gương lành của một cuộc đời Kitô hữu thiết tha gắn bó. Hãy dạy cho chúng nguyện cầu và cảm thấy như là phần tử sống động nơi gia đình cụ thể của Thiên Chúa, nơi Cộng Đồng Giáo Hội.
Việc chuyên chăm học hỏi cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo hay cuốn Tổng Lược sách Giáo Lý này là những gì có thể cống hiến cho anh chị em sự trợ giúp quan trọng. Nó chất chứa những yếu tố thiết yếu cho niềm tin của chúng ta và có thể là một phương tiện đặc biệt hữu dụng trực tiếp cho c hính bản thân anh chị em, trong việc gia tăng kiến thức về đức tin Công Giáo cũng như trong việc truyền đạt đức tin này một cách trọn vẹn và trung thành cho con cái của anh chị em. Nhất là đừng quên rằng chính chứng từ của anh chị em, chính gương lành của anh chị em, là những gì tác động nhiều nhất trong việc trưởng thành về nhân bản và tinh thần đối với tự do của con cái anh chị em. Cho dù có đôi khi bị quay cuồng theo những hoạt động thường nhật cũng đừng lơ là việc duy trì việc nguyện cầu riêng tư cũng như trong gia đình, một việc nguyện cầu là bí mật cho việc kiên cường bền đỗ của Kitô hữu.
Chúng ta hãy ký thác những em bé này và gia đình của các em cho Vị Trinh Mẫu của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế của chúng ta, Đấng được cho thấy trong phụng vụ hôm nay là Người Con yêu dấu của Thiên Chúa: xin Mẹ Maria hãy trông coi các em và hỗ trợ các em luôn mãi, để các em có thể trọn vẹn thi hành dự án cứu độ được Thiên Chúa giành cho mỗi người. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2007/documents/hf_ben-xvi_hom_20070107_battesimo_en.html