"Mầu nhiệm của Phép Rửa, ở chỗ Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta
bằng việc đích thân đi xuống tận đáy của vực thẳm này"
ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Chúa Nhật 13/1/2008 tại Nguyện Đường Sistine
Anh Chị Em thân mến,
Việc cử hành hôm nay bao giờ cũng là một nguồn vui đặc biệt đối với tôi. Thật vậy, việc ban Bí Tích Rửa Tội vào ngày Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa là một trong những giây phút biểu lộ tất cả đức tin của chúng ta, một giây phút chúng ta hầu như có thể thấy được mầu nhiệm của sự sống qua những dấu hiệu của phụng vụ. Trước hết là sự sống của con người. Nó được tiêu biểu ở đây đặc biệt qua 13 em nhỏ này, hoa trái của tình yêu của anh chị em, hỡi những phụ huynh yêu dấu, tôi muốn ngỏ lời chào thân ái tới anh chị em cũng như các cha mẹ đỡ đầu cùng với họ hàng thân thuộc và bạn hữu ở nơi đây. Rồi tới mầu nhiệm của sự sống thần linh được Thiên Chúa ban cho những con người nhỏ bé này qua việc tái sinh bởi nước và Thánh Thần. Thiên Chúa là sự sống, như một số hình ảnh trang điểm cho Nguyện Đường Sistine này tuyệt vời gợi lên cho thấy.
Tuy nhiên, cũng không phải là lạc đề nếu chúng ta lập tức đặt ngay bên cảm nghiệm về sự sống bằng một cảm nghiệm đối nghịch, đó là thực tại về sự chết. Không sớm thì muộn hết mọi sự được bắt đầu trên trái đất này sẽ đi đến chỗ cùng tận của mình, như cỏ đồng nội sáng nở tối tàn. Tuy nhiên, nơi Phép Rửa, con người bé bủn này lãnh nhận được một sự sống mới, sự sống ân sủng, sự sống giúp họ có thể dự phần vào mối liên hệ riêng tư với Đấng Hóa Công muôn đời cho đến vô cùng bất tận. Tiếc thay, nhân loại có khả năng để dập tắt đi sự sống mới này bằng tội lỗi của mình, khiến họ ở trong một tình trạng được Thánh Kinh diễn tả là “cái chết lần thứ hai”. Trong khi các tạo vật là những vật khác không được kêu gọi sống trường sinh bất tử, thì chết chỉ là tình trạng chấm dứt việc hiện hữu trên mặt đất này, thì nơi chúng ta, tội lỗi tạo thành một vực thẳm chúng ta liều mình bị muôn đời chìm đắm, trừ phi Cha là Đấng ở Trên Trời giang cánh tay của Ngài ra cho chúng ta. Anh chị em thân mến, đó là mầu nhiệm của Phép Rửa, ở chỗ Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta bằng việc đích thân đi xuống tận đáy của vực thẳm này, nhờ đó hết mọi người, ngay cả những người đã bị sa ngã quá sâu đến độ không còn nhận ra Trời Cao, cũng có thể thấy được bàn tay của Thiên Chúa để bám víu và vươn lên khỏi tối tăm để thấy lại thứ ánh sáng mà họ được dựng nên cho. Tất cả chúng ta đều cảm thấy, tất cả chúng ta đều nhận thức trong lòng rằng việc hiện hữu của chúng ta là một ước vọng có được sự sống mang lại tầm vóc trọn vẹn và cứu độ. Cái tầm vóc viên trọn này đã được ban cho chúng ta nơi Phép Rửa.
Chúng ta vừa nghe trình thuật về việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa ở sông Dược Đăng. Nó là một Phép Rửa khác với phép rửa mà các bé thơ nhi này sắp sửa nhận lãnh nhưng lại liên hệ sâu xa với phép rửa đây. Vấn đề chính yếu ở đây là toàn thể mầu nhiệm của Chúa Kitô trên thế gian này có thể được tóm lại ở chữ: “tẩy rửa”, tiếng Hy Lạp nghĩa là “trầm mình”. Người Con Thiên Chúa đây, Đấng từ đời đời đã cùng với Cha và Thánh Thần có sự sống trọn vẹn này, đã “trầm mình” vào thực tại của chúng ta như thành phần tội nhân để làm cho chúng ta được tham dự vào sự sống của Người: Người nhập thể, Người được hạ sinh như chúng ta, Người đã lớn lên như chúng ta, và khi vươn tới tuổi thành nhân, Người đã tỏ cho thấy sứ vụ của Người thực sự được bắt đầu bằng “phép rửa thống hối” bởi Thánh Gioan Tẩy Giả. Tác động công khai tiên khởi này của Chúa Giêsu, như chúng ta vừa nghe, đó là việc Người đi xuống sông Dược Đăng, lẫn lộn trong số thành phần tội nhân thống hối để lãnh nhận phép rửa này. Thánh Gioan theo tự nhiên đã tỏ ra ngần ngại để làm phép rửa cho Người, nhưng vì đó là ý muốn của Chúa Cha như được Chúa Giêsu nhấn mạnh (cf. Mt 3:13-15).
Vậy thì tại sao Chúa Cha lại muốn điều ấy xẩy ra? Phải chăng vì Ngài đã sai Người Con Duy Nhất của mình vào trần gian như là một Con Chiên gánh tội trần gian (cf. Jn 1:29)? Vị Thánh Ký trình thuật rằng khi Chúa Giêsu lên khỏi mặt nước thì Thánh Linh xuống trên Người dưới hình chim câu, trong khi đó tiếng Chúa Cha vang ra từ Trời công nhận Người là “Con yêu dấu của Ta, Người Ta rất hài lòng” (Mt 3:17). Bởi thế, từ ngay lúc ấy, Chúa Giêsu xuất hiện như Đấng đến để rửa nhân loại trong Thánh Thần: ở chỗ, Người đến để ban cho con người nam nữ sự sống viên mãn dồi dào (cf Jn 10:10), sự sống trường sinh, sự sống tái sinh con người và hoàn toàn chữa lành họ, cả nơi thân xác lẫn trong tinh thần, phục hồi họ về với dự án nguyên thủy như họ đã được tạo dựng nên. Mục đích hiện hữu của Chúa Kitô chính là để ban cho loài người sự sống của Thiên Chúa và Thần Linh yêu thương của Người, nhờ đó hết mọi người có thể kín múc từ nguồn mạch cứu độ vô tận này. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô đã viết cho những người Rôma rằng chúng ta được lãnh nhận phép rửa của Chúa Kitô để có cùng một sự sống như Đấng Phục Sinh (cf. Rm 6:3-4). Vì lý do này mà cha mẹ Kitô giáo, như anh chị em hôm nay đây, mang con cái của mình đến bể rửa tội sớm bao nhiêu có thể, vì biết rằng sự sống mà họ truyền thông cần được viên trọn, cần ơn cứu độ chí có một mình Thiên Chúa mới có thể ban tặng. Bởi thế cha mẹ trở thành cộng tác viên của Thiên Chúa, trong việc thông truyền cho con cái mình chẳng những sự sống về thể lý mà còn về thiêng liêng nữa.
Anh chị em phụ huynh thân mến, tôi tạ ơn Chúa với anh chị em về tặng ân các em bé này và tôi xin Chúa hỗ trợ để Người có thể giúp anh cị em trong việc nuôi dưỡng chúng và tháp nhập chúng vào Thân Mình thiêng liêng Giáo Hội. Như anh chị em cống hiến cho chúng những gì chúng cần để tăng trưởng và được cứu độ, chớ gì anh chị em luôn biết dấn thân, nhờ cha mẹ đỡ đầu của chúng hỗ trợ, phát triển nơi chúng đức tin, đức cậy và đức mến, các thần đức xứng với sự sống mới chúng lãnh nhận nơi Bí Tích Rửa Tội. Anh chị em bảo đảm sự sống này bằng việc hiện diện và lòng ưu ái của anh chị em; anh chị em bảo toàn nó trước hết và trên hết bằng lời cầu nguyện, hằng ngày hiến dâng chúng cho Chúa và ký thác chúng cho Ngài qua mọi đoạn đời của chúng. Để chúng lớn lên khỏe mạnh, những bé ấu nhi này dĩ nhiên cần đến cả việc chăm sóc về vật chất cùng với nhiếu thứ chú trọng khác nữa; tuy nhiên, cái cần thiết nhất cho chúng, thật sự là cái bất khả thiếu, sẽ là việc chúng nhận biết, mến yêu và phục sự Chúa cách trung thành để được sự sống đời đời. Anh chị em phụ huynh thân mến, chớ gì, đối với chúng, anh chị em là những chứng nhân tiên khởi của một niềm tin đích thực nơi Thiên Chúa!
Nơi Lễ Nghi Rửa Tội, có một dấu hiệu hùng hồn cho thấy thực sự việc truyền đạt đức tin. Đó là việc trao cho một một người lãnh nhận phép rửa một cây nến được thắp sáng từ ngọn lửa của cây nến Phục Sinh: nó là ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh, một ánh sáng anh chị em cố gắng đề trao truyền cho con cái của anh chị em. Như thế, từ đời nọ tới đời kia, Kitô hữu chúng ta truyền đạt ánh sáng của Chúa Kitô cho nhau ở chỗ khi Người trở lại Người thấy được nơi chúng ta ngọn lửa này đang cháy sáng trong tay của chúng ta. Nơi Nghi Thức này, tôi sẽ nói cùng anh chị em rằng: “Hỡi những người làm cha mẹ ruột thịt và cha mẹ đỡ đầu, ánh sáng này được trao cho anh chị em để giữ cho luôn được cháy sáng”. Anh chị em thân mến, hãy luôn luôn chăm sóc cho ngọn lửa đức tin này bằng việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa và chuyên chăm hiệp thông với Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Chớ gì anh chị em được trợ giúp trong việc thực hiện vai trò tuyệt diệu song không dễ dàng gì đây bởi những Vị Bảo Hộ thánh thiện mà 13 em bé này sẽ được nhận tên thánh. Chớ gì những Vị Thánh này đặc biệt giúp cho những ai được lãnh nhận phép rửa biết đền đáp việc chăm sóc yêu thương của anh chị em là những người phụ huynh Kitô giáo. Chớ gì Trinh Nữ Maria đặc biệt đồng hành với cả chúng lẫn anh chị em, anh cị em phụ huynh thân mến, giờ đây và cho tới muôn đời. Amen!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2008/documents/hf_ben-xvi_hom_20080113_battesimo_en.html
(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)