"Việc tỉnh thức trông chờ của Mùa Vọng nghĩa là việc sống trước ánh mắt của vị Thẩm Phán ấy

và là việc sửa dọn cho công lý nơi bản mình cũng như trên thế giới".

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 19/12/2007 về Giáng Sinh

 

Anh chị em thân mến!

 

Chúng ta đang tiến gần đến đại lễ Giáng Sinh, phụng vụ khuyến khích chúng ta hãy gia tăng việc sửa soạn của chúng ta, khi trình bày cho chúng ta thấy nhiều bài thánh kinh Cựu Ước lẫn Tân  Ước giúp chúng ta phấn khởi tập trung vào ý nghĩa và giá trị của cuộc cử hành hằng năm này.

 

Một đàng thì Giáng Sinh là một tưởng niệm về phép lạ khôn lường hạ giáng của Người Con Thiên Chúa duy nhất, được Trinh Nữ Maria sinh ra trong một cái hang ở Bêlem. Đàng khác, Giáng Sinh cũng kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức và nguyện cầu,  đón chở Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Đấng sẽ đến “để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

 

Có lẽ chúng ta ngày nay, thậm chí chúng ta là thành phần có tín ngưỡng đi nữa, đều thực sự tin tưởng đời chờ Vị Thẩm Phán này, tất cả chúng ta đều đợi chờ công lý. Chúng ta thấy quá nhiều bất công trên thế giới này, trong một thế giới bé nhỏ của chúng ta, ở nhà, quanh làng xóm, cũng như trong thế giới rộng lớn hơn ở các quốc gia, các xã hội. Và chúng ta đợi chờ công lý được sáng tỏ. Công lý là một tư tưởng trừu tượng: Công lý được thể hiện. Chúng ta đợi chờ v iệc xuất hiện của chính vị có thể làm sáng tỏ công lý. Theo chiều hướng ấy chúng ta nguyện cầu rằng: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin hãy đến làm thẩm phán, xin hãy đến như Chúa cần phải đến”. Vị Chúa này biết làm thế nào đến  thế gian để mang lại công lý.

 

Chúng ta xin vị Chúa ấy, vị Thẩm Phán ấy, hãy đáp ứng, hãy thực sự làm sáng tỏ công lý trên thế giới này. Chúng ta đời chờ công lý, thế nhưng, những đòi hỏi của chúng ta liên quan tới các người khác không thể nào chỉ là việc bày tỏ niềm mong chờ đây. Ý nghĩa đời trông công lý của Kitô Giáo bao hàm việc chúng ta bắt đầu sống trước ánh mắt của vị Thẩm Phán ấy, theo các qui chuẩn của vị Thẩm Phán này; bao hàm việc chúng ta bắt đầu sống trước sự hiện diện của Người bằng cách mang lại công lý trong cuộc đời của chúng ta. Bằng việc tỏ ra công chính khi sống trước nhan vị Thẩm Phán này là chúng ta đang đợi chờ công lý vậy.

 

Đó là ý nghĩa của Mùa Vọng, của việc tỉnh thức trông chờ. Việc tỉnh thức trông chờ của Mùa Vọng nghĩa là việc sống trước ánh mắt của vị Thẩm Phán ấy và là việc sửa dọn cho công lý nơi bản mình cũng như trên thế giới. Bằng việc sống trước ánh mắt của Vị Thiên Chúa Thẩm Phán này, chúng ta có thể hướng thế giới đây về việc Con của Ngài đến, khi sửa soạn tâm can của chúng ta nghênh đón “Vị Chúa Tể sẽ đến”.

 

Con Trẻ, Đấng được thành phần mục đồng ở hang đá Bêlem tôn thờ 2 ngàn năm trước, không bao giờ thôi viếng thăm chúng ta trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, khi chúng ta, như những người hành hương, tiến bước về Vương Quốc của Người. Trong khi đợi chờ, thành phần tín hữu trở thành phát ngôn viên cho các niềm hy vọng của toàn thể nhân loại; nhân loại mong chờ công lý, nên cho dù là vô thức, họ cũng tỏ ra đang đợi chờ Thiên Chúa, đợi chờ ơn cứu độ mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta.

 

Đối với Kitô hữu chúng ta thì việc đợi chờ này được đánh dấu bằng việc thiết tha cầu nguyện, như được thể hiện nơi một loạt lời khẩn nguyện đặc biệt cảm kích gợi ý cho chúng ta trong những ngày tuần chín Giáng Sinh trong Thánh Lễ, trong Phúc Âm và trong các giờ kinh tối, trước ca vịnh Ngợi Khen. Mỗi một việc thiết tha kêu cầu sự xuất hiện của Đấng Khôn Ngoan, của Mặt Trời Công Chính,  và của Vị Thiên Chúa Ở Với Chúng Ta, đều chất chứa một lời nguyện cầu đều được dâng lên cho Vị Được Đợi Trông của chư dân, để xin Người hãy mau đến.

 

Việc kêu cầu tặng ân giáng sinh của Đấng Cứu Thế được hứa ban cũng có nghĩa là tự dấn thân sửa soạn đường nẻo, sửa soạn một ngôi nhà xứng đáng chẳng những nơi môi trường quanh chúng ta mà nhất là linh hồn của chúng ta. Theo sự hướng dẫn của Thánh Ký Gioan, chúng ta hãy cố gắng hướng tâm tưởng của mình về Lời hằng hữu, về Ngôi Lời, về Lời đ4a hóa thành nhục thể và ban cho chúng ta hết ơn này đến  ơn khác (x 1:14, 16).

 

Niềm tin tưởng nơi Lời Hóa Công này, nơi Lời đã tạo thành thế giới này, nơi Đấng đã đến như một Con Trẻ, niềm tin tưởng này cùng với niềm hy vọng cao cả của nó dường như là những gì xa vời với thực tại chung riêng thường nhật của chúng ta. Sự thật này dường như là những gì quá vĩ đại. Chúng ta cố gắng bao nhiêu có thể, ít là như vậy. Thế nhưng thế giới này đang trở nên xao động hơn và bạo động hơn: chúng ta chứng kiến điều này hằng ngày. Và ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng của Sự Thật, bị loại trừ. Sự sống trở nên tăm tối, mất phương hướng.

 

Bởi thế điều rất quan trọng đó là chúng ta là thành phần tín hữu đích thực, và vì là thành phần tín hữu, chúng ta mạnh mẽ tái khẳng định, bằng đời sống của mình, mầu nhiệm cứu độ một mầu nhiệm diễn tiến với cuộc mừng cuộc hạ sinh của Chúa Kitô! Ở Bêlem, Ánh Sáng soi sáng cuộc đời của chúng ta đượïc trở thành rạng ngời trước thế giới; Con Đường dẫn chúng ta chúng ta tới tầm vóc viên trọn của nhân tính chúng ta đã được tỏ cho chúng ta thấy. Còn có ý nghĩa gì nữa khi c ử hành Giáng Sinh mà chúng ta lại không nhận biết là Thiên Chúa đã hóa thân làm người? Việc mừng cử hành này trở nên rỗng tuyếch.

 

Trước tất cả những gì khác, Kitô hữu chúng ta cần phải tái thẩm định niềm xác tín sâu xa và chân  thành về sự thật giáng sinh của Chúa Kitô để làm chứng trước tất cả mọi người cái  nhận thức về một tặng ân khôn sánh làm thăng hóa chẳng những chúng ta mà còn hết mọi người nữa.

 

Nhiệm vụ của việc truyền bá phúc âm hóa đó là chuyên chở cái “eu-angelion”, cái “tin mừng” này. Điều này được nhắc nhở bởi văn kiện của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin nhan đề “Ghi Nhận về Tín Lý đối với Một Số Khía Cạnh của Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa”,  một văn kiện tôi muốn cống hiến cho anh chị em để suy nghĩ và học hỏi chung riêng.

 

Các bạn thân mến, trong những ngày sửa soạn tiến đến Giáng Sinh này, lời nguyện cầu của Giáo Hội gia tăng, để niềm hy vọng hòa bình, cứu độ và công lý, cũng như tất cả những gì thế giới đang khẩn trương cần đến, được hiện thực. Chúng ta hãy xin cùng Thiên Chúa cho bạo lực bị chế ngự bởi quyền  lực yêu thương, để đối đầu được thay thế bằng hòa giải, để ước vọng thống trị được biến thành ước muốn thứ tha, công lý và hòa bình.

 

Chớ gì những ước ao về từ ái và yêu thương chúng ta trao đổi nhau trong những ngày này vươn tới tất cả mọi lãnh vực của đời sống thường nhật của chúng ta. Chớ gì bình an ở trong tâm can của chúng ta, để chúng ta có thể cởi mở trước tác động của tình thương Thiên Chúa. Chớ gì bình an ngự trị nơi tất cả mọi gia đình và chớ gì các gia đình sống Giáng Sinh qui tụ lại trước máng cỏ và cái cây được trang hoàng bằng ánh sáng. Chớ gì sứ điệp Giáng Sinh về tình đoàn kết và đón nhận góp phần vào việc làm nên một cảm quan sâu xa hơn đối với những thứ nghèo khổ cũ mới, cũng như đối với công ích mà tất cả chúng ta được kêu gọi để chung hưởng.

 

Chớ gì tất cả mọi phần tử của gia đình, trẻ em cũng như lão thành – những con người yếu đuối nhất – được cảm thấy cái ấm áp của ngày lễ này, và chớ gì cái ấm áp này được trải dài hết mọi ngày trong năm. Chớ gì Giáng Sinh được cử hành trong an bình và hân hoan: hân  hoan vì Chúa Cứu Thế hạ sinh, vị Hoàng Tử của hòa bình. Như các mục đồng, chún g ta hãy mau mắn tiến đến Bêlem. Nơi tâm điểm của Đêm Thánh này, chúng ta mới có thể chiêm ngưỡng “con trẻ được bọc trong khăn và nằm trong máng cỏ”, cùng với Mẹ Maria và Thánh Giuse (Lk 2:12,16).

 

Chúng ta hãy xin Chúa cởi tâm hồn của chúng ta, để chúng ta có thể tiến vào vào mầu nhiệm giáng sinh của Người. Chớ gì Mẹ Maria, vị cống hiến  cung dạ trinh nguyên của Mẹ cho Lời Thiên Chúa, vị đã chiêm ngắm con trẻ này trong vòng tay của mình, và là vị ban Người cho hết mọi người như là Đấng Cứu Chuộc của thế giới, giúp chúng ta biết làm cho lễ Giáng Sinh tới đây trở thành một thời điểm tăng trưởng về sự hiểu biết và mến yêu Chúa Kitô. Đó là nguyện chúc tôi ân cần gửi đến tất cả anh chị em, gia đình anh chị em và những người thân yêu của anh chị em.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 19/12/2007