“Chúa Kitô là ánh sáng, và là ánh sáng không thể bị tăm tối
mà chỉ có thể sáng soi, chiếu rọi, tỏ hiện”
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI – Bài Giảng Lễ Hiển Linh Thứ Bảy 6/1/2007 tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta hân hoan cử hành Lễ Trọng Hiển Linh, cử hành ‘việc tỏ mình’ của Chúa Kitô cho các dân tộc được biểu hiệu nơi các Vị Đạo Sĩ, những n hân vật lạ lùng từ Đông phương đến. Chúng ta cử hành Chúa Kitô, đích điểm cho cuộc hành trình của các dân tộc tìm kiếm ơn cứu độ.
Trong Bài Đọc Thứ Nhất, chúng ta đã lắng nghe vị Tiên Tri, được Thiên Chúa linh ứng, trong việc chiêm ngưỡng thấy Giêrusalem như là một thứ hải đăng ánh sáng hướng dẫn tất cả mọi dân tộc trong cuộc hành trình của họ trải qua tăm tối và mù sương trên thế gian này.
Vinh quang của Chúa chiếu soi Thành thánh, và trước hết thu hút con cái riêng của Ngài, thành phần bị di đời và phân tán, song đồng thời cũng thu hút cả các quốc gia dân ngoại từ khắp nơi tuốn đến Sion như đến với một thứ quê hương chung, làm cho nó phong phú bởi những thứ sản vật của họ (x Is 60:1-6).
Bài Đọc Thứ Hai trình bày những gì được Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Êphêsô, đó là, bởi những dự án yêu thương của Thiên Chúa mà những người Do Thái và Chư Dân được qui tụ lại trong một Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô vốn là một mầu nhiệm đã được hiện lộ vào lúc thời gian viên trọn, một ‘ân sủng’ mà Thiên Chúa đã làm cho ngài là người quản lý phân phát (x Eph 3:2-3,5-6).
Chút nữa đây chúng ta sẽ đọc trong Kinh Tiền Tụng rằng: ‘Hôm nay, Chúa đã tỏ ra nơi Chúa Kitô dự án cứu độ đời đời của Chúa và tỏ cho thấy Người là ánh sáng của tất cả mọi dân tộc’.
Hai mươi thế kỷ đã qua từ khi mầu nhiệm này được tỏ hiện và thể hiện nơi Chúa Kitô, thế nhưng nó vẫn chưa đạt đến chỗ viên trọn. Vị Tiền Nhiệm yêu dấu của tôi là Đức Gioan Phaolô II, đã mở đầu bức Thông Điệp về sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội khi viết: ‘Vào lúc đệ nhị Thiên Kỷ sau khi Chúa Kitô Đến đang đi đến chỗ kết thúc thì cái nhìn tổng quan về nhân loại cho thấy rằng sứ vụ truyền giáo này mới chỉ là những gì khởi sự’ (Redemptoris Missio, 1).
Có một số thắc mắc tự nhiên được nẩy lên như sau: phải hiểu sao về vấn đề Chúa Kitô vẫn còn là lumen gentium, còn là Ánh Sáng muôn dân, vào lúc này đây? Nếu người ta có thể chứng tỏ được như vậy thì cuộc hành trình toàn cầu của các dân tộc hướng về Thiên Chúa đã tiến đến chỗ nào rồi? Cuộc hành trình này đang ở giai đoạn tiến bộ hay thoái bộ đây? Chưa hết, ngày nay ai là thành phần Đạo Sĩ? Nghĩ về thế giới ngày nay chúng ta hiểu thế nào về những nhân vật lạ lùng này của Phúc Âm?
Để trả lời cho những thắc mắc ấy, tôi xin trở về với những gì được các vị Nghị Phụ Công Đồng Chung Vaticanô II nói tới về vấn đề này. Và tôi xin thêm là ngay sau Công Đồng này, Người Tôi Tớ Chúa là Đức Phaolô VI, đúng 40 năm trước đây vào chính ngày 26/3/1967, đã giành hẳn bức Thông Điệp ‘Populorum Progressio’ để nói về việc phát triển của các dân tộc.
Toàn thể Công Đồng Chung Vaticanô II thực sự được tác động bởi lòng mong muốn loan báo Chúa Kitô là Ánh Sáng thế gian cho nhân loại hiện đại. Nơi tâm điểm của Giáo Hội, từ thượng đỉnh giáo phẩm của mình, đã nổi lên một ước muốn thúc bách do Thần Linh khơi dậy trong việc thực hiện một cuộc hiển linh mới của Chúa Kitô trên thế giới này, một thế giới đã được biến đổi sâu xa vào một kỷ nguyên tân tiến, và lần đầu tiên trong lịch sử nó chạm trán với cuộc thách đố của một nền văn minh toàn cầu mà tâm điểm của nền văn minh này không còn tập trung ở Âu Châu nữa, hay thậm chí không còn ở những gì chúng ta gọi là Tây phương và Bắc phương của thế giới này nữa.
Nhu cầu cần phải thực hiện một trật tự thế giới mới về chính trị và kinh tế đã hiện lên, thế nhưng, đồng thời và hơn thế nữa, nó là một nhu cầu này vừa có tính cách thiêng liêng vừa có tính cách văn hóa, tức là nhu cầu cần phải có một nền nhân bản mới mẻ.
Nhận định này đã trở nên hiển nhiên mỗi ngày một hơn, ở chỗ, một trật tự thế giới mới về kinh tế và chính trị không thể nào thực hiện được trừ phi có một cuộc canh tân về tinh thần, trừ phi chúng ta một lần nữa có thể tiến đến gần với Thiên Chúa và thấy Ngài đang ở giữa chúng ta.
Trước Công Đồng Chung Vaticanô II, những bộ óc minh tri của các tư tưởng gia Kitô Giáo đã trực giác thấy được và đã đối diện với cuộc thách đố của kỷ nguyên này rồi.
Bởi vậy mà ở đầu thiên kỷ thứ ba này, chúng ta thấy mình ở vào khoảng giữa trong giai đoạn lịch sử này của con người là giai đoạn hiện nay đang tập trung vào tình trạng ‘toàn cầu hóa’ thế giới.
Hơn nữa, ngày nay chúng ta nhận thấy rằng thật là dễ dàng bị lạc hướng trước cuộc thách đố này, chỉ vì chúng ta đang nhập cuộc, ở chỗ, cái nguy cơ này là những gì được củng cố vững chắc bởi cuộc lan tràn rộng rãi của các phương tiện truyền thôn g đại chúng.
Cho dù, một mặt thì các phương tiện truyền thông đại chúng làm gia tăng hiểu biết một cách vô hạn, nhưng một mặt thì chúng lại làm cho chúng ta yếu kém khả năng nhận thức tổng luận. Lễ Trọng hôm nay có thể cống hiến cho chúng ta cái quan điểm này, dựa vào cuộc tỏ hiện của một Vị Thiên Chúa tỏ mình ra trong lịch sử như là Ánh Sáng thế gian để hướng dẫn nhân loại và dẫn nhân loại cuối cùng vào mảnh Đất Hứa của tự do, công lý và hòa bình. Và chúng ta càng ngày càng rõ ràng là tự mình chúng ta không thể nào duy trì được công lý và hòa bình trừ phi ánh sáng của một Vị Thiên Chúa là Đấng tỏ cho chúng ta thấy Dung Nhan của Ngài tỏ mình ra cho chúng ta, một Vị Thiên Chúa xuất hiện trước mắt chúng ta trong máng cỏ ở Bêlem, Đấng xuất hiện trước mắt chúng ta trên Thập Tự Giá.
Vậy ai là thành phần ‘Đạo Sĩ’ ngày nay, và ‘cuộc hành trình’ của họ và ‘cuộc hành trình’ của chúng ta đã tiến tới chỗ nào rồi?
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy trở lại với giây phút ân sủng đặc biệt, đó là giây phút bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II ngày 8/12/1965, lúc các Nghị Phụ Công Đồng ngỏ một số ‘Sứ Điệp’ cho toàn thể nhân loại.
Sứ điệp đầu tiên được ngỏ ‘Cùng Các Lãnh Đạo’, và sứ điệp thứ hai ‘Cùng Những Tư Tưởng Gia và Khoa Học Gia’. Hai loại người này, một cách nào đó, chúng ta có thể thấy được phản ánh nơi hình ảnh các vị Đạo Sĩ trong phúc âm.
Bởi vậy tôi cũng muốn thêm vào một hạng người thứ ba là hạng không được Công Đồng gửi sứ điệp cho song đã được Công Đồng chú trọng trong Sắc Lệnh ‘Nostra Aetate’ của Công Đồng. Tôi muốn nói tới các vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo lớn ngoài Kitô Giáo. Hai ngàn năm sau chúng ta có thể nhận thấy nơi hình ảnh các vị Đạo Sĩ một thứ tiền thân của ba chiều kích cấu tạo nên nền nhân bản tân tiến, đó là các chiều kích chính trị, khoa học và tôn giáo.
Lễ Hiển Linh tỏ cho chúng ta thấy những chiều kích này ở trong một trạng thái ‘hành hương’, tức là trong một cuộc chuyển động để tìm kiếm, thường bị lầm lẫn làm sao ấy, về cái điểm tới của mình là Chúa Kitô, cho dù đôi khi ngôi sao có bị khuất đi.
Đồng thời Lễ Hiển Linh còn tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng cũng đang hành trình, một cuộc hành trình tiến đến với con người. Không phải chỉ có con người hành trình tiến tới với Thiên Chúa; chính Thiên Chúa đã lên đường tiến tới với chúng ta, ở chỗ, Chúa Giêsu là ai, nếu không phải là Thiên Chúa, là Đấng có thể nói đã xuất hành từ chính bản thân mình để đến gặp gỡ nhân loại hay sao? Chính vì yêu thương mà Người đã tự đi làm lịch sử nơi lịch sử của chúng ta; vì yêu thương mà Người đã đến để mang đến cho chúng ta hạt giống của sự sống mới (x Jn 3:3-6), và gieo hạt giống này vào những luống cầy của trái đất chúng ta, nhờ đó nó nẩy mầm, trổ hoa và sinh hoa kết trái.
Hôm nay, tôi muốn lập lại những Sứ Điệp ấy của Công Đồng, những sứ điệp không hề mất đi tín h cách hợp thời của chúng. Chẳng hạn, người ta đọc thấy nơi Sứ Điệp gửi cho thành phần Lãnh Đạo như sau: ‘Công việc của quí vị trong thế giới này là trở thành những người cổ võ trật tự và bình an nơi con người. Thế nhưng, đừng quên điều này là Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa hằng sống và chân thật, Đấng là Cha của con người. Và chính Chúa Kitô, Con hằng hữu của Ngài, Đấng đã đến để tỏ cho chúng ta biết điều ấy, và dạy cho chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Chính Người là đại thủ công viên của trật tự và an bình trên trái đất, vì chính Người hướng dẫn lịch sử loài người, và là Đấng duy nhất có thể thúc đẩy các tâm can loại trừ đi những thứ đam mê xấu xa gây ra chiến tranh và tai họa’.
Làm sao chúng ta lại không nhận thấy được nơi những lời ấy của các Nghị Phụ Công Đồng một luồng sáng cho một cuộc hành trình, một luồng sáng duy nhất có thể biến đổi lịch sử các quốc gia và thế giới chứ?
Ngoài ra, trong ‘Sứ Điệp gửi Các Tư Tưởng Gia và Khoa Học Gia’, chúng ta đọc thấy rằng: ‘Quí vị hãy tiếp tục việc tìm kiếm của quí vị không ngừng và đừng bao giờ tuyệt vọng trước sự thật’, thật sự điều này là một nguy hiểm lớn lao, ở chỗ, bị mất đi niềm hứng khởi trong sự thật và chỉ tìm kiếm những gì là hoạt động, là hiệu năng và thực dụng mà thôi! ‘Xin quí vị hãy nhớ những lời của một trong vị đại thân hữu của quí vị là Thánh Âu Quốc Tinh: Chúng ta hãy tìm kiếm bằng một tấm lòng ước ao kiếm tìm, và chúng ta hãy kiếm tìm bằng một lòng ước ao càng muốn tìm kiếm hơn nữa. Phúc cho những ai, trong khi chiếm hữu được sự thật thì biết thiết tha tìm kiếm hơn nữa để làm cho nó mới mẻ, làm cho nó sâu xa và mang nó truyền đạt cho người khác. Cũng phúc cho những ai, dù không thấy nó, vẫn hoạt động hướng về nó bằng tấm lòng chân thành. Chớ gì họ tìm kiếm ánh sáng của ngày mai bằng ánh sáng của ngày hôm nay, cho đến khi họ đạt tới ánh sáng trọn vẹn’.
Đó là những gì được nói tới trong hai Sứ Điệp này của Công Đồng. Ngày nay, càng cần hơn bao giờ hết trong việc làm cho thành phần lãnh đạo chư quốc cùng thành phần nghiên cứu và khoa học gia sát cánh với các vị lãnh đạo những truyền thống tôn giáo lớn ngoài Kitô Giáo, mời gọi họ hãy đối diện nhau trước ánh sáng của Chúa Kitô, Đấng đã đến không phải để hủy bỏ mà là làm cho nên trọn những gì được bàn tay Thiên Chúa viết lên trong lịch sử văn minh về tôn giáo, nhất là nơi ‘các lin h hồn cao cả’ đã giúp phần xây dựng nhân loại bằng sự khôn ngoan v à gương nhân đức của họ.
Chúa Kitô là ánh sáng, và là ánh sáng không thể bị tăm tối mà chỉ có thể sáng soi, chiếu rọi, tỏ hiện. Bởi thế, đừng có người nào tỏ ra sợ hãi Chúa Kitô và sứ điệp của Người! Và nếu, qua giòng lịch sử, Kitô hữu, một dân hạn hữu và là thành phần tội nhân, đôi khi đã phản bội Người bằng hành vi cử chỉ của mình, thì vấn đề lại càng trở thành rõ ràng hơn nữa, ở chỗ, ánh sáng là Chúa Kitô và Giáo Hội phản ánh ánh sáng này chỉ khi nào tiếp tục hiệp nhất với Người.
‘Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người’ (câu công bố Phúc Âm, x Mt 2:2).
Điều làm cho chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng mỗi khi chúng ta nghe những lời ấy về các vị Đạo Sĩ, đó là việc họ phục mình xuống trước một hài nhi đơn sơ trong vòng tay mẹ của Người, chứ không phải ở trong một khung cảnh cung đình vua chúa, trái lại, ở trong cảnh bần cùng của một hang đá Bêlem (x Mt 2:11).
Làm sao điều ấy có thể xẩy ra được? Điều gì đã thuyết phục các vị Đạo Sĩ này tin rằng Con Trẻ ấy là ‘Vua dân Do Thái’ và là Vua của chư dân chứ? Chắc chắn là họ bị thuyết phục bởi dấu hiệu ngôi sao mà họ đã thấy ‘mọc lên’ và là ngôi sao đến đậu ngay chính chỗ thấy được Con Trẻ này (x Mt 2:9). Thế nhưng, thậm chí ngôi sao này cũng không đủ nếu các vị Đạo Sĩ này không phải là những người có nội tâm cởi mở trước chân lý.
So sánh với Vua Hêrôđê, bị bủa vây bởi những lợi lộc về quyền lực và giầu sang, thì các vị Đạo Sĩ này đã nhắm tới mục tiêu của việc họ tìm cầu, và khi thấy được mục tiêu ấy rồi, mặc dù họ là những con người văn hóa trí thức, họ cũng tác hành như các mục đồng ở Bêlem, khi họ hiến dâng cho Người những tặng vật quí báu và tiêu biểu được họ mang theo.
Anh chị em thân mến, chúng ta cũng dừng lại trong tinh thần để chiêm ngắm hình ảnh tôn thờ của các vị Đạo Sĩ. Nó chất chứa một sứ điệp cần thiết và hợp thời hơn bao giờ hết. Họ cần thiết và hợp thời hơn bao giờ hết, trước hết đối với Giáo Hội, một Giáo Hội, được phản ảnh nơi Mẹ Maria, được kêu gọi để tỏ cho nhân loại thấy Chúa Giêsu, không gì khác ngoài Chúa Giêsu.
Thật vậy, Người là Tất Cả Mọi Sự và Giáo Hội hiện hữu chỉ khi nào còn tiếp tục liên kết với Người và tỏ Người ra cho thế giới. Chớ gì Người Mẹ của Lời Nhập Thể giúp chúng ta trở thành những người môn đệ dễ dạy của Con Mẹ, Ánh Sáng soi chư quốc!
Gương của các vị Đạo Sĩ thời ấy cũng là một lời mời gọi thành phần Đạo Sĩ ngày nay hãy hướng lòng trí mình về Chúa Kitô và hãy dâng lên cho Người những tặng ân tìm kiếm của họ. Tôi xin lập lại cùng họ rằng, cũng như cùng tất cả mọi người thuộc thời đại của chúng ta rằng: đừng sợ hãi ánh sáng của Chúa Kitô! Ánh sáng của Người là chân lý rạng ngời. Hỡi tất cả mọi dân tộc trên trái đất này, xin hãy để Người soi sáng cho quí vị; để tình yêu của Người bao bọc quí vị, quí vị sẽ thấy được con đường bình an. Chớ gì được như thế.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2007/documents/hf_ben-xvi_hom_20070106_epifania_en.html