"Với Chúa Giêsu Kitô, phúc lành của Anbraham đã được vươn tới tất cả mọi dân nước"
ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Hiển Linh 6/1/2008 tại Đền Thờ Vatican
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, chúng ta đang mừng lễ Chúa Kitô là Ánh Sáng thế gian và việc Người tỏ mình ra cho chư dân. Vào Ngày Lễ Giáng Sinh, sứ điệp của phụng vụ vang lên những lời này: "Hodie descendit lux magna super terram – Hôm nay, một ánh sáng cả thể tỏa chiếu trên mặt đất” (Sách Lễ Rôma). Ở Bêlem, “ánh sáng vĩ đại” này đã xuất hiện cho một nhóm nhỏ dân chúng, cho thành phần nhỏ nhoi “còn lại của Yến Duyên”, đó là Trinh Nữ Maria, phu quân Giuse của trinh nữ cùng một ít mục đồng. Đó là một ánh sáng leo loét vì là kiểu cách của Vị Thiên Chúa chân thực; một ánh lửa được thắp lên trong đêm tối, đó là một hài nhi mới sinh yếu ớt kêu khóc trong cảnh thinh lặng của thế giới này… thế nhưng, cuộc hạ sinh kín ẩn không nổi nang này lại được kèm theo bởi những bài thánh ca chúc tụng của các cơ binh trên trời hát lên để tôn vinh và chúc an bình (x Lk 2:13-14).
Bởi thế, cho dù việc xuất hiện của ánh sáng này trên mặt đất có vẻ tầm thường, nhưng nó lại được phóng lên các tầng trời, ở chỗ, việc hạ sinh của Vị Vua dân Do Thái đã được loan báo bằng sự xuất hiện của một ngôi sao. Điều này được chứng thực bởi một số “con người khôn ngoan” từ Đông phương đến Giêrusalem sau khi Chúa Giêsu giáng sinh ít lâu, trong thời của Vua Hêrôđê (x Mt 2:1-2). Một lần nữa, trời và đất, vũ trụ và lịch sử, kêu gọi nhau đáp ứng. Những lời tiên tri được xác nhận nơi ngôn từ của các vì sao. “Một ngôi sao sẽ xuất hiện từ Giacóp, và cây vương trượng xuất phát từ Yến Duyên” (Dân Số 24:17), Balaam là vị thụ khải dân ngoại đã loan báo, khi ông được triệu tới để nguyền rủa Dân Yến Duyên, thành phần lại được ông chúc chục, vì, như Thiên Chúa đã mạc khải cho ông, “họ là kẻ được chúc phúc” (Dân Số 22:12). Trong việc dẫn giải về Phúc Âm Thánh Mathêu, Cromatius ở Aquileia đã liên kết Ballam với các Vị Đạo Sĩ Chiêm Gia như thế này: “Ông đã nói tiên tri rằng Đức Kitô sẽ đến; họ đã thấy Người bằng con mắt tin tưởng”. Rồi ông thêm một nhận định quan trọng nữa: “Ngôi sao này được mọi người nhìn thấy nhưng không phải là hết mọi người đều hiểu được ý nghĩa của nó. Cũng thế, Chúa của chúng ta và là Đấng Cứu Thế của chúng ta đã được hạ sinh cho hết mọi người, thế nhưng không phải hết mọi người đã đón nhận Người” (4:12). Đến đây sáng tỏ ý nghĩa của biểu hiệu ánh sáng được áp dụng vào việc hạ sinh của Chúa Kitô: nó thể hiện việc Thiên Chúa đặc biệt chúc lành cho giòng dõi Abraham là phúc lành được ấn định bao gồm tất cả mọi dân tộc trên trái đất này nữa.
Biến cố Phúc Âm chúng ta đang tưởng niệm về Việc Hiển Linh – việc các Vị Đạo Sĩ Chiêm Gia viếng thăm Con Trẻ Giêsu ở Bêlem – như thế đưa chúng ta trở về với cội nguồn lịch sử của Dân Chúa, tức là về với ơn gọi của Abraham. Chúng ta đang ở Chương 12 của Sách Khởi Nguyên. Mười một chương đầu như là những bức đại bích họa trả lời cho một số vấn đề nống cốt của nhân loại chẳng hạn như đâu là nguồn gốc của vũ trụ cũng như của loài người? Sự dữ bởi đâu mà có? Tại sao lại có những thứ ngôn ngữ và nền văn minh khác nhau? Trong số những trình thuật được Thánh Kinh mở đầu, có “giao ước” đầu tiên Thiên Chúa thực hiện với Noe sau hồng thủy. Nó là một giao ước phổ quát liên quan tới toàn thể nhân loại: một giao ước mới với gia đình Noe đồng thời cũng là giao ước với “tất cả những gì là xác thịt”. Bởi thế, trước khi Abraham được kêu gọi, đã có một bức đại bích họa khác rất quan trọng để có thể hiểu được ý nghĩa của Lễ Hiển Linh, đó là bức đại bích họa Tháp Babel. Sách thánh nói rằng ngay từ ban đầu, “toàn thể trái đất chỉ có một ngôn ngữ và ít lời nói” (Gen 11:1). Thế rồi con người đã nói: “Nào, chúng ta hãy xây cho mình một thành phố, và một cái tháp vươn lên tới các tầng trời để chúng ta được lưu danh muôn thuở, kẻo chúng ta bị phân tán di khắp mặt đất này” (Gen 11:4). Hậu quả của thứ tội ngạo mãn kiêu hãnh này, tương tự như tội của Adong và Evà, đó là tình trrạng lẫn lộn về ngôn ngữ và tình trạng phân tán của nhân loại trên khắp trái đất này (x Gen 11:7-8). Đó là ý nghĩa của “Babel” và là một thứ bị nguyền rủa, giống như việc bị tống khứ ra khỏi địa đường trần thế vậy.
Tới đây, qua ơn gọi của Abraham, câu truyện phúc lành được bắt đầu: đó là khởi đầu cho dự án lớn lao của Thiên Chúa trong việc làm cho nhân loại thành một gia đình duy nhất nhờ giao ước với một dân tộc mới, được Ngài tuyển chọn để trở thành phúc lành giữa tất cả mọi dân nước (x Gen 12:1-3). Dự án thần linh này vẫn còn đang được áp dụng: Nó đạt đến tuyệt đỉnh nơi mầu nhiệm Chúa Kitô. Bởi vậy mà “thời sau hết” đã bắt đầu, ở chỗ, dự án này đã hoàn toàn được tỏ hiện và được nên trọn nơi Đức Kitô, thế nhưng cần phải được lịch sử loài người chấp nhận, một lịch sử bao giờ cũng là lịch sử cũa lòng trung thành về phần Thiên Chúa, song tiếc thay cũng là lịch sử của việc bất trung về phía loài người chúng ta. Chính Giáo Hội, kho tàng chất chứa phúc lành này, là thánh mà lại được kết hợp bởi các tội nhân, có đặc tính căng thẳng giữa “cái đã rồi’ và “cái chưa xong”. Vào thời điểm viên trọn, Chúa Giêsu Kitô đã đến để làm cho giao ước ấy nên trọn: chính Người, Thiên Chúa thật và là người thật, là Bí Tích cho lòng trung thành của Thiên Chúa đối với dự án cứu độ của Ngài giành cho toàn thể nhân loại, cho tất cả chúng ta.
Việc các Đại Sĩ Chiêm Gia từ Phương Đông đến Bêlem để tôn thờ Đấng Thiên Sai mới sinh là một dấu hiệu tỏ mình của Vị Vua hoàn vũ này trước chư dân cũng như trước tất cả những ai tìm kiếm chân lý. Nó là khởi đầu của một hướng động ngược lại với hướng động của tháp Babel, tức từ tình trạng lẫn lộn đến tình trạng thấu hiểu, từ tình trạng phân tán đến tình trạng hòa giải. Như thế, chúng ta nhận thức được cái liên hệ giữa Hiển Linh và Hiện Xuống, ở chỗ, nếu Việc Giáng Sinh của Chúa Kitô, Đấng là Đầu, cũng là việc Hạ Sinh của Giáo Hội, Thân Mình của Người, chúng ta có thể thấy ba Nhà Đạo Sĩ Chiêm Gia như là thành phần được liên kết với thành phần còn sót lại của Yến Duyên, tiên báo một dấu hiệu cả thể của một “Giáo Hội đa ngôn ngữ” do Thánh Linh thực hiện 50 ngày sau Phục Sinh. Tình yêu thủy chung và kiên trì của Thiên Chúa không bao giờ bị hụt hẫng nơi giáo ước của Ngài từ đời nọ đến đời kia là một “mầu nhiệm” được Thánh Phaolô nói tới trong các Bức Thư của ngài cũng như trong đoạn của Bức Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô vừa được công bố, ở chỗ, vị Tông Đồ này nói rằng mầu nhiệm ấy “được tỏ cho tôi biết qua mạc khải” (Eph 3:3).
“Mầu nhiệm” về lòng trung thành này của Thiên Chúa là những gì tạo nên niềm hy vọng cho lịch sử. Dĩ nhiên là nó ngược lại với những chiều hướng chia rẽ và chuyên chế bạo tàn làm tổn thương nhân loại bởi tội lỗi cũng như bởi những thứ xung đột của lòng vị kỷ. Giáo Hội trong giòng lịch sử đang phục vụ cho “mầu nhiệm” phúc lành cho toàn thể nhân loại này. Giáo Hội hoàn toàn thực hiện sứ vụ của mình nơi mầu nhiệm trung thành này của Thiên Chúa chỉ khi nào Giáo Hội phản ảnh ánh sáng của Đức Kitô là Chúa trong bản thân mình, nhờ đó giúp cho chư dân trên thế giới tiến tới hòa bình và tiến bộ đích thực. Thật vậy, Lời của Thiên Chúa được mạc khải qua Tiên Tri Isaia vẫn còn tiếp tục được áp dụng, đó là: “tối tăm sẽ bao trùm trái đất, và tăm tối dầy đặc bao phủ chư dân ; thế nhưng Chúa sẽ xuất hiện trên các người, và vinh quang của Ngài sẽ tỏ hiện trên các người” (Is 60:2). Những gì vị tiên tri này loan báo ở Giêrusalem đã được nên trọn nơi Giáo Hội của Chúa Kitô: “các quốc gia sẽ đến với ánh sáng của ngươi và các vua chúa sẽ đến với ánh quang rạng ngời của việc ngươi xuất hiện” (Is 60:3).
Với Chúa Giêsu Kitô, phúc lành của Anbraham đã được vươn tới tất cả mọi dân nước, tới Giáo Hội hoàn vũ như là một tân Yến Duyên đón nhận nơi mình toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, những gì vị tiên tri này nói cũng đúng với cả ngày nay nữa ở nhiều ý nghĩa: “Tối tăm day đặc đang bao trùm chư dân” và lịch sử của chúng ta. Thật vậy, không thể nói rằng “việc toàn cầu hóa” là những gì đồng nghĩa với “trật tự của thế giới” – mà là hoàn toàn ngược lại. Những thứ xung khắc trong việc nắm ưu thế về kinh tế và tích trữ những nguồn năng lượng, nước nôi và các thứ nguyên liệu là những gì cản trở công cuộc của tất cả những ai đang nỗ lực ở mọi lãnh vực để thiết dựng một thế giới công chính và vững vàng. Cần phải hy vọng hơn nữa, một niềm hy vọng sẽ trở thành khả dĩ khi coi công ích của tất cả mọi người hơn tất cả những thứ xa xỉ của một số ít người và chú ý tới tình trạng nghèo khổ của một số nhiều người. “Niềm hy vọng cao cả này chỉ có thể là Thiên Chúa… chứ không phải bất cứ một thần linh nào khác, thế nhưng lại là vị Thiên Chúa có một dung nhan con người” (Thông Điệp Spe Salvi, 31): Vị Thiên Chúa tỏ mình ra nơi Con Trẻ ở Bêlem và nơi Đấng Tử Giá và Phục Sinh. Niềm hy vọng lớn lao nếu có thì cần phải kiên trì trong tình trạng điều độ. Nếu thiếu đi niềm hy vọng thực sự thì hạnh phúc chỉ tìm thấy nơi việc say sưa chè chén, nơi tình trạng thừa thãi, nơi những gì là thái quá, và chúng ta đi đến chỗ hủy hoại đi bản thân mình và thế giới. Bởi thế, điều độ chẳng những là một kỷ cương về khổ chế mà còn kà một đường lối cứu độ cho nhân loại nữa. Như vậy hiển nhiên là chỉ bằng việc chấp nhận lối sống điều độ, được kèm theo bằng một nỗ lực nghiêm chỉnh đối với vấn đề phân phối đồng đều tình trạng giầu thịnh, mới có thể thiết lập một trật tự phát tiển chân chính và khả trợ. Đó là lý do chúng ta cần người ta nuôi dưỡng niềm hy vọng cao cả, nhờ đó có lòng can đảm lớn lao: một lòng can đảm của ba Đạo Sĩ Chiêm Gia, những người đã thực hiện một cuộc hành trình dài theo đuổi ngôi sao để có thể bái quì trước một Con Trẻ mà dâng lên Người những quà tặng quí báu. Tất c ả chúng ta cần đến lòng can đảm này, một lòng can đảm gắn liền với niềm hy vọng mãnh liệt. Chớ gì Mẹ Maria xin cho chúng ta ơn ấy, khi đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình trần thế bằng việc bảo bọc chở che từ mẫu của Mẹ. Amen!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2008/documents/hf_ben-xvi_hom_20080106_epifania_en.html