"Với cây thập giá, Chúa Giêsu đã mở cánh cửa của Thiên Chúa,

cánh cửa giữa Thiên Chúa và con người".

 

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng Chúa Nhật Lễ Lá 1/4/2007 về việc Theo Chúa Kitô cách riêng với giới trẻ

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong cuộc rước của Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta liên kết với đám đông môn đệ, thành phần hân hoan hộ tống Chúa vào thành Giêrusalem. Khi các vị, chúng ta lớn tiếng chúc tụng Chúa về tất cả các việc lạ lùng chúng ta đã chứng kiến thấy. Phải, cả chúng ta nữa cũng đã thấy và tiếp tục thấy những việc lạ lùng của Chúa Kitô, ở chỗ, Người đã khiến cho các con người nam nữ từ bỏ những gì là tiện nghi thoải mái của đời sống ra sao để hoàn toàn dấn thân phục vụ người đau khổ; Người làm cho những con người nam nữ can trường ra sao trong việc chống lại bạo lực và dối trá, hầu tạo được chỗ đứng cho sự thật trên thế giới này; Người âm thầm dẫn dắt các con người nam nữ như thế nào trong việc hành thiện cho kẻ khác, trong việc mang lại hòa giải nơi đâu ghen ghét, kiến tạo hòa bình nơi đâu thù hận.

 

Cuộc rước này trước hết là một chứng từ hân hoan chúng ta hiến dâng lên cho Chúa Kitô, Đấng tỏ hiện dung nhan của Thiên Chúa đối với chúng ta và nhờ Người tâm can của Thiên Chúa mở rộng trước tất cả chúng ta. Theo Phúc Âm Thánh Luca, thì trình thuật về khởi điểm của cuộc nghênh đón ở ngoại thành Giêrusalem này được viết lên phần nào theo kiểu mẫu nghi thức đăng quang là những gì được Sách Các Vua Quyển Thứ Nhất kể đến khi Vua Solomon thừa kế triều đại Đavít (x 1Kgs 1:33-35).

 

Bởi vậy, việc rước lá cũng là một cuộc nghênh đón Chúa Kitô Vua: Chúng ta tuyên xưng vương quyền của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta nhìn nhận Chúa Giêsu là con vua Đavít, là Solomon thật sự – vị Vua của hòa bình và công lý. Việc nhìn nhận Người là Vua nghĩa là chấp nhận Người như Đấng tỏ cho chúng ta thấy đường lối, Đấng chúng ta ký thác bản thân mình và là Đấng chúng ta đi theo. Nghĩa là chấp nhận lời Người hằng ngày như là tiêu chuẩn vững chắc cho đời sống của chúng ta. Nghĩa là thấy nơi Người quyền bính chúng ta cần phải phục tùng. Chúng ta phục tùng Người vì thẩm quyền của Người là thẩm quyền  sự thật. 

 

Cuộc rước lá là – như đối với các môn đệ bấy giờ – trước hết là việc bày tỏ niềm hân hoan, vì chúng ta có thể nhận biết Chúa Giêsu, vì Người khiến chúng ta có thể trở thành bạn hữu của Người, và vì Người đã ban cho chúng ta chìa khóa sự sống. Niềm vui này, niềm vui ban đầu này, dù sao cũng là việc bày tỏ việc chúng ta ‘ưng thuận’ Chúa Giêsu và việc c hung ta sẵn lòng đi với Người bất cứ nơi nào Người dẫn chúng ta tới. Lời huấn dụ mở đầu phụng vụ của ngày hôm nay bởi thể mới có lý cho thấy cuộc rước lá này cũng tiêu biểu cho những gì c hung ta gọi là ‘việc theo Chúa Kitô’: Chúng ta đã đọc rằng ‘Chúng ta hãy xin ơn theo Người’. Lời bày tỏ ‘theo Chúa Kitô’ là lời diễn tả toàn thể cuộc sống Kitô hữu. Nó ở tại chỗ nào? ‘Theo Chúa Kitô’ cụ thể có nghĩa là gì?

 

Mới đầu, nơi các môn đệ đầu tiên, thì ý nghĩa này là những gì rất đơn giản và trực giác: nó có nghĩa là những con người này đã quyết định bỏ nghề nghiệp của mình, công việc của mình, cả đời của mình, để đi theo Chúa Giêsu. Nó có nghĩa là một nghề nghiệp mới: nghề làm môn đệ. Nội dung căn bản của nghề n ày đó là đi với vị sư phụ ấy, hoàn toàn ký thác bản thân  mình cho việc Người dẫn dắt. Như thế việc theo này là một điều gì bên ngoài đồng thời cũng là một điều gì đó rất nội tâm.

 

Khía cạnh bề ngoài là việc bước đi sau Chúa Kitô qua những nẻo đường của Người khắp mảnh đất Palestine; khía cạnh nội tâm là hướng đi mới của cuộc sống, một hướng đi không còn qui chiếu vào các thứ vật chất, vào nghề nghiệp quyết định đời sống con người trước đó, vào ý muốn cá nhân của con người nữa, mà việc con người hoàn toàn phó mình cho ý muốn của Đấng Khác. Bấy giờ việc phụng vụ Người trở thành lẽ sống. Việc từ bỏ những gì người ta có mà điều này đòi hỏi, việc thoát ly bản thân mình, chúng ta đều có thể thấy được một cách rất rõ ràng ở một số cảnh trong Phúc Âm. 

 

Từ đó, chúng ta thấy được rõ ràng ý nghĩa việc theo Chúa cùng với yếu tính thực sự của nó, đó là vấn đề nó liên hệ tới việc biến đổi sâu xa đời sống. Nó đòi hỏi là tôi không còn đóng khung vào việc coi vấn đề hiện thực bản thân mình như là mục đích chính yếu của đời sống của tôi. Nó cần tôi phải tự nguyện hiến mình cho một Đấng Khác – vì sự thật, vì tình yêu, vì Thiên Chúa là Đấng, nơi Chúa Giêsu Kitô, đã đi trước tôi và chỉ vẽ cho tôi đường đi  nước bước.

 

Những gì chúng ta đang nói tới ở đây là một quyết định thiết yếu trong việc không còn coi trọng tiện ích và chiếm đạt, nghề nghiệp và thành đạt như là mục đích tối hậu của cuộc sống, mà là việc nhận biết sự thật và tình yêu như là những qui chuẩn đích thuưc. Chúng ta đang nói về việc chọn lựa giữa vấn đề sống cho bản thân mình và vấn đeê hy hiến bản thân mình – điều nào quan trọng hơn. Và chúng ta hiểu rằng sự thật và tình yêu không phải là những thứ giá trị trừu tượng; nơi Chúa Giêsu Kitô, chúng đã trở thành một ngôi vị. Theo Người là tôi tiến tới việc phục vụ sự thật và tình yêu. Đánh mất bản thân mình là tôi tìm được nó.

 

Chúng ta hãy trở lại với phụng vụ và với cuộc rước lá. Phụng vụ lấy bài Thánh Vịnh 24 làm bài hát; bài thánh vịnh này cũng được sử dụng ở Do Thái như là một bài hát cho việc tiến lên núi đền thờ. Bài thánh vịnh này giải thích việc tiến lên bên trong được thể hiện qua hình ảnh tiến lên bề ngoài, và giải thích cho chúng ta biết một lần nữa những gì nó muốn nói đến việc tiến lên với Chúa Kitô.

 

‘Ai có thể tiến lên núi Chúa?’, bài thánh vịnh hỏi, và bài này nêu lên hai điều kiện thiết yếu. Những ai tiến lên và thực sự muốn lên tới đỉnh, tới tột đỉnh thực sự, cần phải là những con người tự hỏi mình về Thiên Chúa. Họ cần phải là những con người nhìn lại bản thân mình trong việc tìm kiếm Thiên Chúa, trong việc tìm kiếm dung nhan của Ngài. Các bạn trẻ thân mến, ngày nay việc này quan trọng như thế nào: không để mình bị đời sống xô đẩy; không mãn nguyện với những gì mọi người nghĩ tưởng, nói năng và tác hành. Hãy chuyên chú tới Thiên Chúa, hãy tìm kiếm Thiên Chúa. Chúng ta không được để biến khuất trong linh hồn của chúng ta vấn đề về Thiên Chúa. Ước vọng những gì cao cả hơn. Ước vọng nhận biết Ngài – dung nhan của Ngài…

 

Một điều kiện rất cụ thể khác để tiến lên đó là: ‘Kẻ có bàn tay vô tội và một con tim  tinh tuyền’ là người có thể đứng trong nơi thánh. Những bàn tay vô tội – những bàn tay không được sử dụng vào các việc bạo động. Chúng là những bàn tay không được vấy bẩn bởi tình trạng băng hoại, bởi những thứ đút lót. Một con tim tinh tuyền – con tim tinh tuyền này vào lúc nào? Con tim tinh tuyền là con tim không giả vờ cũng không lừa dối mình và giả hình. Một con tim luôn trong sáng như nước trào dâng, vì nó không biết gì đến tính cách nhị nguyên hai lòng. Trái tim này tinh tuyền là trái tim kiệt quệ bởi say sưa khoái lạc; một con tim có tình yêu chân thật chứ không phải chỉ hăng say trong chốc lát. Những bàn tay vô tội và con tim tinh tuyền: Nếu chúng ta bước đi với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ tiến lên và được thanh tẩy khiến chúng ta thực sự tiến tới tột đỉnh là đích điểm của con người, đó là mối thân nghĩa với chính Thiên Chúa.

 

Bài Thánh Vịnh 24 nói về cuộc tiến lên được kết thúc bằng phụng vụ tiến vào trước cổng đền thờ: ‘Cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên; cửa ơi, vươn mình lên nữa, để vua vinh quang tiến vào’. Trong phụng vụ cũ của Chúa Nhật Lễ Lá, vị linh mục, khi tiến tới cửa nhà thờ, đã dùng cây gậy của thánh giá gõ mạnh vào cánh cửa đóng bấy giờ được mở ra. Đó là một hình ảnh tuyệt vời về chính Chúa Giêsu, với gỗ thánh giá, với quyền năng tình yêu của Người ban cho chúng ta, Người đã gõ lên cánh cửa của Thiên Chúa từ cạnh của thế giới; từ cạnh của một thế giới không thể nào tìm thấy đường lối để đến với Thiên Chúa nữa.

 

Với cây thập giá, Chúa Giêsu đã mở cánh cửa của Thiên Chúa, cánh cửa giữa Thiên Chúa và con người. Giờ đây nó đang mở ra. Thế nhưng, cũng từ phía bên kia, Chúa gõ bằng cây thập giá của Người: Người đang gõ vào cánh cửa thế giới, vào cánh cửa của tâm can chúng ta, những cánh cửa rất thường và rất nhiều đóng lại trước Thiên Chúa. Và Người nói với chúng ta không nhiều thì ít bằng cách này, đó là: Nếu những chứng cớ Thiên Chúa ban chính mình Ngài nơi thiên nhiên tạo vật không thành công trong việc mở lòng các bạn ra cho Ngài; nếu lời Thánh Kinh và sứ điệp của Giáo Hội vẫn khiến các bản dửng dưng – thì hãy nhìn Ta đây, Chúa của các con và là Thiên Chúa của các con.

 

Chính lời kêu gọi này trong giờ phút này đây chúng ta hãy để nó thấm vào tâm can của chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta mở cửa lòng mình ra, con tim của thế giới ra, nhờ đó, Ngài là vị Thiên Chúa hằng sống, nơi Con của Ngài, tiến vào thời gian của chúng ta và chạm đến đời sống của chúng ta. Amen.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/3/2007