Bài Giảng Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô ngày 29/6/2008

 

 

Kính Đức Thượng Phụ cùng Chư Huynh Đại Biểu,

Chư Vị Hồng Y,

Quí Huynh Khả Kính trong Hàng Giáo Phẩm và Linh Mục,

Anh Chị Em thân mến.

 

Thánh Phêrô và Phaolô - Mối liên hệ hỗ tương

 

Từ ngay thời xa xưa, Giáo Hội Rôma đã cử hành lễ trọng kính nhị vị đại Tông Đồ Phêrô và Phaolô như là 1 lễ duy nhất cùng 1 ngày 29/6. Qua việc tử đạo của mình, các vị trở thành huynh đệ; cùng nhau, các vị là sáng lập viên của một tân Rôma Kitô Giáo. Các vị được ca tụng như trong bài thánh ca của Giờ Kinh Tối chính ngày, bài thánh ca từ thời Paulina thành Aquileia ([c.750-]806): O Roma felix – Ôi Rôma diễm phúc, được thánh hiến bởi máu vinh quang của nhị vị Vương Tước Tông Đồ; được nhuộm đỏ bởi máu của các vị, người sáng chói hơn hết mọi thứ vinh quang trên thế giới này, không phải nhờ công lênh của mình, mà là nhờ công của các vị thánh do ngươi sát hại bằng lưỡi gươm đẫm máu”. Máu tử đạo không đòi báo oán song là hòa giải, Nó không phải là hiện thân của một thứ cáo buộc mà là một thứ “kim quang”, theo lời của bài thánh ca cho Giờ Kinh Tối Vọng Lễ. Nó là hiện thân của quyền năng yêu thương chiến thắng hận thù và bạo lực, nhờ đó, làm nên một thành đô mới, một cộng đồng mới. Nhờ việc tử đạo của mình, các vị – Thánh Phêrô và Phaolô – giờ đây thuộc về Rôma: nhờ việc tử đạo của mình, Thánh Phêrô thậm chí vĩnh viễn trở nên một công dân Rôma. Bằng việc tử đạo của mình, bằng đức tin của mình cùng tình yêu của mình, nhị vị Tông Đồ này cho chúng ta thấy đâu là niềm hy vọng chân thực và các vị là sáng lập viên của một loại thành đô mới mẻ ấy cần phải được liên lỉ tái thiết giữa một thứ đô thị cũ kỹ của loài người đang bị đe dọa bởi những thứ lực lượng tương khắc bởi tội lỗi và lòng vị kỷ của con người.

 

Nhờ việc tử đạo của mình, Thánh Phêrô và Phaolô vĩnh viễn có một mối liên hệ hỗ tương với nhau.  Một ảnh tượng phổ thông trong các hình ảnh Kitô Giáo đó là hình ảnh nhị vị Tông Đồ này ôm lấy nhau trên đường tiến đến pháp trường. Chúng ta có thể nói rằng chính việc tử đạo của các vị, tự bản chất sâu xa nhất của nó, là việc hiện thực của một lòng quyến luyến huynh đệ. Các vị chất vì một Chúa Kitô và nơi chứng từ bằng sự sống của mình ấy các vị trở thành duy nhất. Trong các bản văn Tân Ước, chúng ta có thể nói thấy được sự tiến triển nơi lòng quyến luyến của các vị, việc kiến tạo nên mối hiệp nhất ở việc làm chứng cũng như ở sứ vụ ấy. Tất cả đã được khởi sự ở chỗ khi Thánh Phaolô, sau 3 năm trở lại, đã lên Gia Liêm “để bàn hỏi với Cephas” (Gal 1:18). Mười bốn năm sau, ngài lại lên Gia Liêm để giải thích “cho những con người đáng kính nhất” Phúc  Âm ngài rao giảng mà ngài đã không thực hiện liều lĩnh của “một cuộc chạy đua vô ích”. Kết thúc cuộc gặp gỡ này, Giacôbê, Cepha và Gioan đã tỏ ra ủng hộ ngài, khẳng định mối hiệp thông liên kết họ trong một Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô (Gal 2:9). Một dấu hiệu tuyệt vời cho lòng quyết luyến sâu xa đang phát triển này, một lòng quyến luyến gia tăng bất chấp sự khác biệt về tính nết và việc làm, tôi thực sự thấy rằng những vị cộng sự viên được nhắc đến ở bức thư thứ nhất của Thánh Phêrô là Silvanus và Mark đều là những vị cộng sự viên thân cận của Thánh Phaolô. Việc có cùng các cộng sự viên này làm cho mối hiệp thông của một Giáo Hội duy nhất, qua lòng quyến luyến của các vị đại Tông Đồ ấy, trở nên hữu hình một cách rất cụ thể.

Thánh Phaolô đến Rôma - Tại sao?

 

Thánh Phêrô và Phaolô gặp nhau ít là 2 lần ở Gia Liêm; cuối cùng các vị hành trình đến Rôma. Tại sao? Phải chăng điều này xẩy ra chỉ là tình cờ? Phải chăng có một ý nghĩa bần bỉ gì trong đó? Thánh Phaolô đến Rôma như là một tù nhân, song đồng thời cũng là một người công dân Rôma, một con người, sau khi bị giam giữ ở Gia Liêm, với tư cách là công dân Rôma, đã khiếu nại lên hoàng đế, đến  pháp đình ngài được giải tới. Thế nhưng, ở một ý nghĩa sâu xa hơn, Thánh Phaolô đến Rôma một cách tự do. Nhờ tính cách quan trọng của các bức thư của mình, ngài đã gần gũi với thành phố này cách sâu xa: Ngài đã ngỏ cùng Giáo Hội ở Rôma một bản văn, một bản văn hơn bất cứ bản văn nào khác tổng hợp tất cả việc rao giảng và niềm tin của ngài.. Trong lời chào mở của bức thư này, ngài nói rằng toàn thể thế giới nói về niềm tin của Kitô hữu ở Rôma, và vì thế đức tin ấy được mọi nơi biết đến như là một mẫu gương. Thế rồi ngài viết: ‘Anh chị em thân mến, tôi không muốn anh chị em không nhận thấy rằng tôi thường có ý định đến cùng anh chị em, mặc dù tôi bị ngăn trở cho tới nay’ (1:13). Ở cuối bức thư ngài trở lại cùng vấn đề này, ở đó ngài nói về một dự định đến Tây Ban Nha. ‘Khi đến Tây Ban Nha tôi hy vọng được gặp gỡ anh chị em khi tôi đi ngang qua và được anh chị em giúp đỡ trên đường đến vùng đó sau khi được gặp gỡ anh chị em ít lâu’ (15:24). ‘Và tôi biết rằng, khi đến với anh chị em, tôi sẽ mang đến đầy những phúc lành của Đức Kitô’ (15:29). Có hai điều hiển nhiên ở đây: Thứ nhất, Rôma đối với Thánh Phaolô là một chặng đường tới Tây Ban Nha, tức là – theo quan niệm của ngài về thế giới – toơi tận cùng trái đất. Ngài coi việc truyền giáo của ngài là những gì làm trọn công việc được Chúa Kitô trao phó, việc mang Phúc Âm đến tận cùng thế giới. Rôma là địa điểm trên lộ trình này. Trong khi Thánh Phaolô thường đi đến những nơi Phúc Âm chưa được loan truyền thì Rôma là nơi ngoại lệ, vì ở đó ngài đã thấy một Giáo Hội có đức tin được cả thế giới nói tới. Việc tới Rôma là yếu tố của hoàn vũ tính nơi sứ vụ của ngài như là một người được sai đến với tất cả mọi dân tộc. Đường đến Rôma, một con đường, ngay trước cuộc hành trình bề ngoài của mình, ngài đã nội tâm đi đến đó bằng bức thư của ngài rồi, là một yếu tố toàn vẹn nơi công cuộc ngài mang Phúc Âm đến cho tất cả mọi dân nước – một yếu tố thành lập Giáo Hội, công giáo và toàn cầu. Đối với ngài thì việc đến Rôma là một biểu hiệu cho thấy công giáo tính nơi sứ vụ của ngài. Rôma cần phải làm cho đức tin trở nên hữu hình trước toàn thế giới, nó cần phải là nơi gặp gỡ trong đức tin duy nhất.

 

Thánh Phêrô tới Rôma - Tại sao?

 

Thế nhưng tại sao Thánh Phêrô tới Rôma? Về điều này, Tân Ước không trực tiếp nói gì hết. Song Tân Ước cống hiến cho chúng ta mấy chỉ hiệu. Phúc Âm của Thánh Marcô, một Phúc Âm chúng ta có thể coi như phản ảnh những gì Thánh Phêrô giảng dạy, là Phúc Âm sâu xa hướng về giây phút viên đại đội trưởng Rôma, trước cái chết của Chúa Kitô, đã nói: ‘Người này thật là Con Thiên Chúa’. Ở dưới chân cây thập giá, mầu nhiệm về Chúa Giêsu Kitô đã được tỏ hiện. Ở dưới chân cây thập giá, Giáo Hội của Dân Ngoại đã được hạ sinh: viên đại đội trưởng thuộc đội ngũ người Rôma phụ trách việc hành hình đã nhìn nhận Con Thiên Chúa nơi Đức Kitô.

 

Sách Tông Vụ diễn tả đoạn Cornelius, viên  đại đội trưởng của đội quân Italic, như là một đoạn quyết liệt cho việc Phúc Âm tiến vào thế giới Dân Ngoại. Theo lệnh của Chúa, ông ta sai người tìm Thánh Phêrô, và Thánh Phêrô, cũng theo lệnh thần linh, đến nhà của viên đại đội trưởng này mà rao giảng. Trong khi ngài giảng dạy thì Thánh Linh xuống trên cộng đồng gia đình qui tụ này, và Thánh Phêrô nói: ‘Ai có thể không lấy nước mà rửa tội cho những người ấy, thành phần đã lãnh nhận Thánh Linh thậm chí như chúng ta đã lãnh nhận (Acts 10:47).

 

Bởi vậy, trong Công Đồng chung của các Tông Đồ, Thánh Phêrô đã trở thành chuyển cầu viên cho Giáo Hội Dân Ngoại là Giáo Hội không cần Lề Luật vì Thiên Chúa ‘thanh tẩy tâm can họ bằng đức tin’ (Acts 15:9). Thật vậy, trong bức thư gửi tín hữu Galata, Thánh Phaolô đã nói rằng Thiên Chúa đã ban cho Thánh Phêrô sức mạnh để thực hiện thừa tác vụ tông đồ nơi thành phần cắt bì, và ban cho chính Thánh Phaolô thừa tác vụ nơi dân ngoại. Thế nhưng, bài sai này được hiệu năng chỉ bao lâu Thánh Phêrô liên kết với 12 vị ở Gia Liêm nơi niềm hy vọng là tất cả dân Yến Duyên được liên kết với Chúa Kitô. Trước những tiến triển sau đó, 12 vị đã nhận ra thời điểm cả các vị nữa cũng phải đi vào thế giới để loan báo Phúc Âm cho thế giới. Thánh Phêrô, vị theo lệnh thần linh, đã là người đầu tiên mở cửa cho dân ngoại, bấy giờ lưu lại vai trò lãnh đạo Giáo Hội Kitô hữu Do Thái cho Thánh Giacôbê Hậu, để dấn thân cho sứ vụ thực sự của ngài, đó là thừa tác vụ về mối hiệp nhất của một Giáo Hội Chúa Kitô duy nhất làm nên bởi cả người Do Thái lẫn Dân Ngoại. Ước vọng của Thánh Phaolô đến Rôma trước hết, như chúng ta thấy, làm sáng tỏ chữ ‘Công Giáo’ nơi tính chất của Giáo Hội. Cuộc hành trình của Thánh Phêrô đến Rôma là nơi tiêu biểu cho chư dân trên thế giới, trước hết, được liên kết với chữ ‘duy nhất’, ở chỗ, ngài có nhiệm vụ tạo nên ‘mối hiệp nhất’ của ‘công giáo’, của Giáo Hội làm nên bởi những người Do Thái và Dân Ngoại, Giáo Hội của tất cả mọi dân tộc. Và sứ vụ thường trực của Thánh Phêrô là ở chỗ bảo đảm rằng Giáo Hội không bao giờ đồng hóa mình với bất cứ một dân nước nào, bất cứ một nền  văn hóa, bất cứ một quốc gia nào. Bao giờ Giáo Hội cũng là Giáo Hội của tất cả mọi người. Giáo Hội hiệp nhất nhân loại không còn biên cương bờ cõi, và giữa những phân rẽ của thế giới này, làm cho bình an của Thiên Chúa là quyền năng hòa giải của tình yêu Ngài hiện diện. Nhờ kỹ thuật ở nơi nào cũng thế hiện nay, nhờ hệ thống tín liệu toàn cầu, và cũng nhờ mối liên kết về các lợi ích chung, đang có những kiểu cách hiệp nhất mới trên thế giới này,  những kiểu cách đã làm bừng lên các thứ đối chọi mới và cống hiến một lực đẩy mới cho những kiểu cách cũ. Giữa mối hiệp nhất ngoại tại này, một thứ hiệp nhất dựa vào những gì là vật chất, tất cả chúng ta lại cần đến mối hiệp nhất bề trong xuất phát từ niềm an bình của Thiên Chúa – mối hiệp nhất của tất cả những ai, nhờ Chúa Giêsu Kitô, đã trở nên anh chị em với nhau. Đó là sứ vụ thường trực của Thánh Phêrô cũng là công việc đặc biệt được ủy thác cho Giáo Hội ở Rôma.

 

Ý Nghĩa Áo Bào Tổng Giám Mục

 

Chư huynh trong hàng Giáo Phẩm thân mến, giờ đây tôi muốn ngỏ lời cùng những ai trong chư huynh đeên Rôma để lãnh nhận áo bào Tổng Giám Mục là biểu hiệu cho hàng ngũ của chư huynh và trách nhiệm của chư huynh như những viịtôåg giám mục trong Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô. Áo bào này được đan bằng lông của những con cừu và được vị Giám Mục Rôma làm phép hằng năm vào ngày lễ kính Ngai Tòa Thánh Phêrô, nhờ đó, có thể nói, ngoài ra, nó còn là biểu hiệu cho đàn chiên Chúa Kitô được chư huynh chăn  dắt. Khi chúng ta choàng áo bào này lên vai của mình, cử chỉ này nhắc nhở chúng ta về vị Mục Tử vác con chiên lạc trên vai mình – con chiên lạc tự mình không thể tìm thấy đường về nhà – và đem nó về với đàn chiên. Các vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã thấy nơi con chiên này hình ảnh của toàn thể nhân loại, của toàn thể bản tính con người, một nhân loại lạc loài không còn biết đường về. Vị Mục Tử mang chiên về nhà này chỉ có thể là Ngôi Lời, là chính Lời hằng hữu của Thiên Chúa. Nơi việc nhập thể, Người đã đặt tất cả chúng ta – con chiên là con người này – lên vai của Người. Người, Lời Hằng Hữu, Vị Mục Tử chân thực của nhân loại, mang vác chúng ta; nơi nhân tính của mình, Người vác từng người chúng ta trên vai của mình. Trên Con Đường Thập Giá, Người vác chúng ta về nhà, Người mang chúng ta về nhà. Thế nhưng, Người cũng muốn con người có thể cùng Người ‘vác’ nữa. Là một vị mục tử trong Giáo Hội Chúa Kitô nghĩa là tham dự vào công việc này, một công việc được áo bào này nhắc nhở. Khi chúng ta khoác lấy nó, Người hỏi chúng ta rằng: ‘Cùng với Thày, con cũng sẽ vác những ai thuộc về Thày hay chăng, có mang về cho Thày, cho Chúa Giêsu Kitô hay chăng?’ Những gì trí khôn nghĩ đến sau đó là mệnh lệnh Thánh Phêrô đã lãnh nhận từ Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng liên kết mệnh lệnh ‘Hãy chăn dắt chiên của Thày’ một cách bất phân ly với câu hỏi ‘Con có yêu mến Thày chăng? Con có yêu mến Thày hơn những người khác chăng?’ Mỗi lần chúng ta khoác áo bào này của vị mục tử đàn chiên Chúa Kitô, chúng ta cần phải nghe câu hỏi này ‘ Con có yêu mến Thày chăng?’ Và chúng ta cần phải tự hỏi về cái ‘hơn’ của tình yêu Người mong đợi nơi vị mục tử.

 

Như thế, chiếc áo bào này trở nên một biểu hiệu của tình chúng ta yêu mến Đức Kitô Mục Tử và việc chúng ta cùng Người yêu thương - nó trở thành biểu hiệu của ơn gọi yêu thương con người như Người yêu, yêu cùng với Người; những ai đang tìm kiếm các vấn nạn, những ai tự tin và những ai khiêm hạ, những ai chân thành và những ai cao cả; nó trở thành biểu hiệu của ơn gọi yêu thương tất cả những người ấy bằng sức mạnh của Chúa Kitô và với Chúa Kitô, để họ có thể gặp Người, và trong Người, tìm thấy bản thân họ. Thế nhưng, chiếc áo bào chư huynh sẽ lãnh nhận ‘từ’ mộ Thánh Phêrô còn một ý nghĩa nữa, bất khả phân ly với ý nghĩa trước. Để hiểu điều này, chúng ta thấy có một lời của Thư Thứ Nhất Thánh Phêrô – nơi lời kêu gọi của ngài cho các vị linh mục trong việc chăn dắt đàn chiên cách đúng đắn, Thánh Phêrô đã gọi ngài là ‘vị đồng tư tế – synpresbýteros’ (5:1). Công thức này tự nó chất chứa việc khẳng định nguyên tắc thừa kế tông đồ: các vị mục tử sau là các vị mục tử như ngài; cùng với ngài họ thuộc về mục vụ chung của các vị mục tử trong Giáo Hội Chúa Kitô, một thừa tác vụ được tiếp tục nơi họ. Thế nhưng, cái ‘đồng’ (trong từ ngữ ‘đồng tư tế’) này còn có 2 ý nghĩa khác. Nó cũng diễn tả thực tại chúng ta nói đến hôm nay, bởi vì những gì hôm nay đã nói về ‘đoàn tính’ của các vị Giám Mục. Tất cả chúng ta đều là ‘những đồng tư tế’. Không ai tự mình là mục tử. Chúng ta thuộc về vấn đề thừa kế nhiệm của các vị Tông Đồ nhờ duy mối hiệp thông của một cộng đoàn tiếp nối tông đồ đoàn. Mối hiệp thông này – cái ‘chúng tôi’ này – của các vị mục tử là yếu tố làm mục tử, vì chỉ có một đàn chiên duy nhất, đó là Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô. Sau hết, cái ‘đồng’ này cũng ám chỉ mối hiệp thông với Thánh Phêrô cũng như với các vị thừa kế của ngài như là sự bảo đảm của mối hiệp nhất. Bởi vậy, chiếc áo bào này nói với chúng ta về công giáo tính của Giáo Hội, của mối hiệp thông hoàn vũ giữa chủ chiên với đàn chiên. Vầnó qui chiếu chúng ta về tính chất tông truyền: đến mối hiệp thông với đức tin của các vị tông đồ là nền tảng của Giáo Hội. Nó nói với chúng ta về ‘Giáo Hội’ tức là ‘duy nhất’, ‘tông truyền’, và tất nhiên, khi thắt kết, chúng ta với Chúa Kitô, nó nói với chúng ta về sự kiện là Giáo Hội ‘thánh hóa’ chúng ta mà Giáo Hội là thánh, và công việc của chúng ta là việc phục vụ cho sự thánh thiện này.

 

Đích điểm tối hậu nơi sứ vụ tông đồ của Thánh Phaolô

 

Sau cùng điều này đã đưa tôi về lại với Thánh Phaolô cùng với sứ vụ của ngài. Ngài đã bày tỏ về yếu tính nơi sứ vụ của ngài, cũng như lý do sâu xa thúc đẩy ngài muốn đến Rôma, ở chương 15 thư gửi giáo đoàn Rôma, một đoạn thư hết sức tuyệt vời. Ngài biết ngài được kêu gọi để ‘làm một phụng viên của Chúa Kitô cho Dân Ngoại, phục vụ Phúc Âm của Thiên Chúa như là một linh mục, để Dân Ngoại trở thành của lễ đáng chấp nhận, được Thánh Linh thánh hóa’ (15:16). Chỉ có ở nơi đoạn thư này, Thánh Phaolô mới sử dụng chữ ‘hierourgein’ – ban phát như một vị linh mục – cùng với chữ ‘leitourgos’ – phụng vụ: ngài nói về thứ phụng vụ vũ trụ là thứ phụng vụ chính thế giới loài người cần phải trở nên việc tôn thờ của Thiên Chúa, một hiến dâng trong Thánh Thần. Khi mọi phần của thế giới này trở thành một thứ phụng vụ của Thiên Chúa, khi mà nơi thực tại của mình, nó trở thành việc tôn thờ, thì nó sẽ đạt tới mục đích của mình và sẽ được an toàn cùng lành mạnh. Đó là đích điểm tối hậu nơi sứ vụ tông đồ của Thánh Phaolô cũng như sứ vụ của chúng ta. Chúa kêu gọi chúng ta đến thực hiện thừa tác vụ này. Lúc này đây chúng ta hãy cầu nguyện để ngài có thể giúp chúng ta thực hiện nó một cách xứng hợp, trở thành những phụng vụ viên đích thực của Chúa Giêsu Kitô. Amen.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2008/documents/hf_ben-xvi_hom_20080629_pallio_en.html