“Chúa Giêsu thực sự muốn nói gì với Phêrô nơi những lời này? ‘
Con là Đá, trên đá này Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày’ (Mt 16:18)”
(Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài giảng Lễ Thánh Phêrô và Phaolô 29/6/2006)
“Con là Đá, và trên đá này Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày’ (Mt 16:18).
Chúa Giêsu thực sự muốn nói gì với Phêrô nơi những lời ấy? Nơi những lời này, Người đã hứa gì với Phêrô và Người đã ủy thác cho Phêrô những công việc gì? Và Người muốn nói gì với chúng ta – với vị Giám Mục Rôma, vị ngồi trên tòa Thánh Phêrô, cũng như với Giáo Hội ngày nay?
Nếu chúng ta muốn hiểu được ý nghĩa của những lời lẽ của Chúa Giêsu, thì cần phải nhớ rằng các trình thuật Phúc Âm kể lại cho chúng ta 3 trường hợp khác nhau, mỗi lần một cách khác nhau, Chúa Kitô truyền đạt cho Phêrô công việc tương lai của ngài. Công việc này thì bao giờ cũng giống nhau, nhưng những gì Chúa Kitô đã và đang quan tâm trở thành tỏ tường đối với chúng ta nơi tính cách đa dạng của các trường hợp và hình ảnh được Người sử dụng.
Trong Phúc Âm theo Thánh Mathêu chúng ta vừa nghe, thì Thánh Phêrô tuyên xưng niềm tin của mình nơi Chúa Giêsu, nhìn nhận Người là Đấng Thiên Sai và là Con Thiên Chúa. Bởi đó, công việc đặc biệt được trao phó cho ngài bằng 3 hình ảnh, đó là tảng đá trở nên đá góc, chìa khóa và hình ảnh buộc cởi.
Tôi không có ý giải thích nơi đây một lần nữa ba hình ảnh được Giáo Hội dẫn giải nhiều lần qua giòng thời gian; trái lại, tôi muốn kêu gọi hãy chú ý tới vị trí về địa dư và bối cảnh về niên đại của những lời lẽ ấy.
Lời hứa này được ban bố ở nguồn gốc sông Dược Đăng, tại biên giới của Mảnh Đất Giuđa, nơi biên cương thế giới của thành phần dân ngoại. Thời điểm của lời hứa này đánh dấu một khúc quanh quan trọng nơi cuộc hành trình của Chúa Giêsu: ở chỗ, bấy giờ Người bắt đầu cuộc hành trình lên Giêrusalem, và đó là lần đầu tiên Người nói với các môn đệ rằng cuộc hành trình lên Thành Thánh này là một cuộc hành trình tiến tới với cây thập tự giá: ‘Từ lúc ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ của Người biết rằng Người cần phải lên Giêrusalem và chịu nhiều đau khổ bởi thành phần kỳ lão và các trưởng tế cùng luật sĩ, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại’ (Mt 16:21).
Thật vậy, những điều này đi với nhau và ấn định cái vị thế nội tại nơi vai trò lãnh đạo của Giáo Hội nói chung, đó là Chúa Kitô tiếp tục con đường của Người tiến tới với thập giá, tiến tới tình trạng thấp hèn của người tôi tớ Thiên Chúa, chịu khổ đau và bị sát hại, song đồng thời Người cũng đi trên con đường tiến tới việc làm cho thế giới rộng lớn là nơi Người đã đi trước chúng ta như Đấng Phục Sinh, nhờ đó, ánh sáng của các lời Người và sự hiện diện của tình yêu Người được tỏa hiện trên thế giới; Người đang tiến bước trên con đường này, để nhờ Người, Đấng Thiên Sai Tử Giá và Phục Sinh, chính Thiên Chúa có thể đến với thế giới.
Về vấn đề này, Thánh Phêrô đã diễn tả mình trong thư thứ nhất của ngài như là ‘một nhân chứng cho những khổ đau của Chúa Kitô cũng như là kẻ dự phần vào vinh quang sẽ được tỏ hiện’ (5:1). Đối với Giáo Hội, Thứ Sáu Tuần Thánh và Phục Sinh bao giờ cũng đi với nhau; Giáo Hội luôn vừa là hạt cải vừa là cái cây cho chim trời làm tổ.
Giáo Hội – và trong Giáo Hội, Chúa Kitô – vẫn chịu đựng khổ đau cho tới ngày nay. Nơi Giáo Hội, Chúa Kitô tiếp tục bị chế nhạo và tạt vả; những nỗ lực tiếp tục thực hiện việc loại trừ Người. Con thuyền Giáo Hội tiếp tục bị rách toạc ra bởi những luồng gió ý hệ, với những giòng nước thấm vào Giáo Hội và dường như muốn nhận chìm Giáo Hội xuống. Tuy nhiên, chính ở nơi Giáo Hội khổ đau này mà Chúa Kitô chiến thắng vậy.
Bất chấp tất cả mọi sự, niềm tin tưởng nơi Người tái phục hồi một sức mạnh mới mẻ hơn bao giờ hết. Chúa Kitô cũng truyền lệnh cho cả các giòng nước ngày nay và cho thấy rằng Người là Chúa của các yếu tố thiên nhiên. Người ở trên con thuyền của mình, trên con thuyền nhỏ bé Giáo Hội.
Bởi vậy, một đàng thì nỗi yếu hèn hợp với con người được tỏ hiện nơi thừa tác vụ của Phêrô, thế nhưng đồng thời cũng tỏ hiện cả quyền năng của Thiên Chúa nữa, ở chỗ, Chúa tỏ sức mạnh của Người ra nơi chính nỗi hèn yếu của con người; Người chứng tỏ là chính qua những con người mỏng dòn mà chính Người dựng xây Giáo Hội của Người.
Giờ đây chúng ta hãy quay sang Phúc Âm theo Thánh Luca là Phúc Âm cho chúng ta biết rằng trong Bữa Tiệc Ly, một lần Chúa Chúa Kitô lại trao phó cho Phêrô một công việc đặc biệt (x 22:31-33).
Lần này, những lời lẽ của Chúa Kitô ngỏ cùng Simon xuất hiện ngay sau khi Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Chúa Kitô vừa ban mình cho thành phần môn đề của Người dưới hình bánh và hình rượu. Chúng ta có thể thấy việc thiết lập bí tích Thánh Thể như là một tác động thiết lập Giáo Hội thực sự và xứng hợp.
Qua Thánh Thể, Chúa Kitô chẳng những ban mình cho thành phần riêng của mình mà còn ban cho các vị thực tại của một mối hiệp thông mới giữa họ với nhau, kéo dài qua thời gian, ‘cho đến tận thế’ (x 1Cor 11:26).
Nhờ Thánh Thể, các môn đệ trở thành nơi cư trú sống động của Người, như lịch sử cho thấy, một nơi cư trú phát triển như là một đền thờ mới mẻ và sống động của Thiên Chúa trên thế giới này. Bởi vậy mà ngay sau khi thiết lập Bí Tích này, Chúa Giêsu nói về việc làm môn đệ, về ý nghĩa của ‘thừa tác vụ’ này trong cộng đồng mới, ở chỗ, Người nói rằng nó là một cuộc dấn thân phục vụ, như chính Người là tôi tớ phục vụ giữa các vị vậy.
Bấy giờ Người ngỏ cùng Phêrô. Người nói rằng Satan muốn làm cho ngài bị sàng xẩy như thóc lúa. Điều này gợi lại đoạn trong Sách Ông Gióp, đoạn thuật lại việc Satan xin Chúa cho quyền hành hạ Gióp. Ma qủi – tên phỉ báng Thiên Chúa và loài người – bởi thế muốn chứng minh rằng không có một thứ cảm tình đạo nghĩa chân thực nào hết, mà nơi con người chỉ có mục đích là luôn nhắm tới vấn đề duy thực dụng.
Trong trường hợp của ông Gióp, Thiên Chúa cho Satan cái quyền tự do được yêu cầu ấy chính là để có thể nhờ đó bênh vực tạo vật của Ngài – là con người – và chính bản thân Ngài. Điều ấy cũng xẩy ra cả nơi thành phần môn đệ của Chúa Giêsu. Thiên Chúa ban cho Satan một thứ tự do nào đó ở mọi lúc.
Đối với chúng ta, thì Thiên Chúa thường cho Satan quá nhiều tự do, thì Ngài ban cho hắn quyền hành khổ chúng ta quá ư là kinh khủng; thì tình trạng này mạnh hơn quyền năng của chúng ta và đàn áp chúng ta quá ư là nặng nề. Chúng ta cứ tiếp tục kêu lên Thiên Chúa rằng: ‘Than ôi, xin hãy nhìn đến nỗi khgốn khổ của các môn đệ Ngài! A, xin hãy bảo vệ chúng tôi!’ Thật vậy, Chúa Giêsu tiếp tục phán: ‘Thày đã nguyện cầu cho con để con không bị mất đức tin’ (Lk 22:32).
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là những gì giới hạn quyền năng của ma quỉ. Lời nguyện cầu của Chúa Giêsu là những gì bảo vệ Giáo Hội. Chúng ta có thể tìm nương náu dưới việc bảo vệ ấy, gắn bó với nó để được an toàn. Thế nhưng, như Người nói trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cầu nguyện cách riêng cho Phêrô rằng ‘để con không bị mất đức tin’.
Lời nguyện cầu của Chúa Giêsu đồng thời cũng là một lời hứa hẹn và là một nghĩa vụ. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu bảo toàn đức tin của Phêrô, đức tin được ngài tuyên xưng ở Caesarea Philippi: ‘Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’ (Mt 16:16). Bởi thế, đừng bao giờ để cho niềm tin này bị câm nín; hãy tiếp tục củng cố nó, cho dù có phải đối đầu với thập giá cũng như với tất cả những gì là nghịch phản của thế gian: đó là công việc của Phêrô.
Thế nên, vấn đề ở đây đó là Chúa Kitô chẳng những cầu nguyện cho niềm tin riêng của Phêrô mà còn cho đức tin của ngài trở thành việc phục vụ cho người khác nữa. Đó chính là những gì Người muốn nói khi phán: ‘Bao giờ con trở lại thì hãy củng cố an hem con’ (Lk 22:32).
‘Bao giờ con trở lại’: những lời này vừa là một lời tiên báo vừa là một lời hứa hẹn. Chúng tiên báo nỗi yếu hèn của Simon, người chối trước một nữ tỳ và một người tôi tớ rằng ngài chẳng hề biết Chúa Kitô. Qua việc sa ngã này, Thánh Phêrô – và cùng với ngài là Giáo Hội qua mọi thời đại – học biết rằng riêng sức mạnh của mình thôi không đủ để xây dựng và hướng dẫn Giáo Hội Chúa. Không ai thành đạt tự sức riêng của mình. Cho dù Phêrô có khả năng và tinh khéo đi chăng nữa – ngài đã sa ngã ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc thử thách.
‘Bao giờ con trở lại’: Chúa Kitô, Đấng đã báo trước việc sa ngã của thánh nhân, cũng hứa làm cho ngài được hoán cải: ‘Và Chúa đã quay lại nhìn Phêrô…’ (Lk 22:61). Cái nhìn của Chúa Giêsu thực hiện việc biến đổi và trở thành ơn cứu độ cho Phêrô: ‘ngài đã ra đi và thảm thiết khóc’ (Lk 22:62).
Chúng ta hãy van xin ánh mắt cứu độ này của Chúa Giêsu hằng được lập lại: đối với tất cả những ai có trách nhiệm trong Giáo Hội; đối với tất cả những ai đang chịu đựng tình trạng hoang mang rối loạn của những thời buổi này; đối với người lớn và kẻ nhỏ: Lạy Chúa, xin hằng nhìn đến chúng con, xin hãy nâng chúng con dậy mỗi khi chúng con sa ngã và hãy gìn giữ chúng con trong bàn tay nhân lành của Chúa.
Chính nhờ lời hứa này ở việc Người nguyện cầu mà Người đã ủy thác cho Phêrô công việc đối với anh em. Trách nhiệm của Phêrô được gắn liền với lời nguyện cầu của Chúa Giêsu. Chính điều ấy đã hiến cho ngài niềm tin tưởng là ngài sẽ kiên trì vượt qua tất cả mọi nỗi khốn khổ của con người.
Và Chúa ủy thác công việc này cho ngài trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly, liên quan tới tặng ân Thánh Thể Rất Thánh Hảo.
Giáo Hội, được thiết dựng nơi việc lập Thánh Thể, tận thẳm cung của mình, là một cộng đồng Thánh Thể, bởi thể, là mối hiệp thông vào Thân Thể của Chúa Kitô. Công việc của Phêrô là chủ trì trên mối hiệp thông phổ quát này; là giữ cho nó hiện hữu trên thế giới như là một mối hiệp nhất hữu hình hiện thực.
Ngài, cùng với toàn thể Giáo Hội Rôma – như Thánh Ý Nhã thánh Antiôkia đã nói – cần phải chủ trì trong đức bác ái: chủ trì trên cộng đồng này bằng một tình yêu thương xuất phát từ Chúa Kitô và là một tình yêu thương hằng vượt trên những giới hạn của lãnh vực riêng tư trong việc mang tình yêu của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất.
Chi tiết thứ ba liên quan tới Quyền Bính này được thấy trong Phúc Âm Thánh Gioan (21:15-19). Chúa Kitô đã sống lại, và là Đấng Phục Sinh, Người đã ủy thác đàn chiên của mình cho Phêrô. Cả ở đây nữa, thập giá và Phục Sinh đan kết với nhau. Chúa Giêsu tiên báo cho Phêrô biết rằng ngài phải đi đàng thánh giá.
Nơi Đền Thờ được xây trên ngôi mộ của Thánh Phêrô này – một ngôi mộ của người nghèo – chúng ta thấy rằng nơi chính cách thức ấy Chúa Kitô, bằng thập giá, bao giờ cũng là Vị chiến thắng. Quyền lực của ngài không phải là một thứ quyền lực hợp với những đường lối của thế gian. Nó là một quyền lực của sự thiện hảo: của sự thật và của yêu thương, một thứ yêu thương mạnh hơn cả sự chết.
Phải, lời Người hứa hẹn là những gì chân thực, ở chỗ, các quyền lực của sự chết, các cửa của hỏa ngục, sẽ không thể nào làm chủ được Giáo Hội được Người xây dựng trên Phêrô (x Mt 16:18) và là Giáo Hội, qua chính đường lối ấy, tiếp tục đích thân xây dựng.
Vào ngày Lễ Trọng Kính Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô này, tôi đặc biệt ngỏ lời cùng quí huynh, thưa quí tổng giám mục, những vị đến từ nhiều quốc gia trên thế giới để lãnh nhận giây tông phẩm từ Vị Thừa Kế Thánh Phêrô. Tôi xin gửi đến quí huynh lời chào thân ái, cùng với tất cả những ai đi theo với quí huynh.
Tôi cũng đặc biệt vui mừng chào phái đoàn đại biểu của Tòa Thượng Phụ Toàn Cầu, được dẫn đầu bởi Đức Zizioulas, Tổng Giám Mục Pergamon và là Chủ Tịch của Ủy Ban Hỗn Hợp Quốc Tế Về Đối Thoại Thần Học giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo.
Tôi xin cám ơn Đức Thượng Phụ Bartholomew I cũng như Holy Synod về dấu hiệu huynh đệ chứng tỏ lòng mong muốn và quyết tâm tiến mau chóng hơn nữa trên con đường trọn vẹn hiệp nhất nên một được Chúa Kitô cầu xin cho tất cả thành phần môn đệ của Người.
Chúng ta cảm thấy cùng có một lòng thiết tha mong ước, đã có lần được Đức Thượng Phụ Athenagoras và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tỏ bày, trong việc cùng nhau uống cùng một Chén và cùng ăn Bánh là chính Chúa. Chúng ta hãy van xin một lần nữa vào dịp này để tặng ân này sớm được ban cho chúng ta.
Chúng ta hãy cám ơn Chúa là chúng ta liên kết trong niềm tin được Thánh Phêrô tuyên xưng thay cho tất cả mọi môn đệ ở Caesarea Philippi: ‘Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’. Chúng ta hãy cùng nhau mang lời tuyên xưng này đến cho thế giới hiện đại.
Chớ gì Chúa Kitô giúp chúng ta vào chính lúc này đây của lịch sử chúng ta trở thành những chứng nhân đích thực của những khổ đau Chúa Kitô cũng như trở nên thành phần tham dự vào vinh quang sẽ được tỏ hiện (x 1Pt 5:1). Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/7/2006