"Thánh Thần là Đấng làm cho tâm can có thể hiểu được các ngôn ngữ của mọi người,

vì Ngài tái thiết lập nhịp cầu hiệp thông chân chính giữa đất và trời".

 

 

Lễ Thánh Thần Hiện Xuống ở Quảng Trường Thánh Phêrô Chúa Nhật 4/6/2006

 

Anh Chị Em thân mến!

Vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đầy quyền năng đã xuống trên các vị tông đồ; nhờ đó mở màn cho sứ vụ của Giáo Hội trên thế giới. Chính Chúa Giêsu đã sửa soạn cho 11 Vị thực hiện sứ vụ này bằng việc hiện ra với các vị một số lần sau cuộc phục sinh của Người (x Acts 1:3).

 

Trước khi thăng thiên về trời, ‘Người đã bảo các vị đừng rời khỏi Giêrusalem, song hãy chờ đợi lời hứa của Cha’ (x Acts 1:4-5); tức là, Người đã xin các vị hãy qui tụ lại với nhau để dọn mình lãnh nhận tặng ân Thánh Linh. Và các vị đã tụ họp lại với Mẹ Maria để cầu nguyện ở Nhà Tiệc Ly, trong khi chờ đợi biến cố hứa hẹn ấy (x Acts 1:14).

 

Việc qui tụ lại với nhau là điều kiện được Chúa Giêsu đặt ra để lãnh nhận tặng ân Thánh Linh; bản tóm lược của việc họ sống hòa hợp với nhau đó là việc các vị cầu nguyện lâu dài. Như thế chúng ta được cống hiến cho thấy một bài học sâu xa mãnh liệt cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu.

 

Có những lúc người ta nghĩ rằng việc hiệu nghiệm về vấn đề truyền giáo chính yếu lệ thuộc vào vấn đề can thận hoạch định cùng việc khôn lanh áp dụng sau đó qua việc cụ thể dấn thân. Chúa Kitô chắc chắn không muốn chúng ta hợp tác, nhưng trước bất cứ một đáp ứng nào thì việc Người tác động là những gì cần thiết: Thánh Thần thực sự đóng vai chủ yếu của Giáo Hội. Những căn gốc của việc chúng ta hiện hữu cũng như của hành động chúng ta đều ở nơi việc thinh lặng khôn ngoan và quan phòng của Thiên Chúa.

 

Những hình ảnh được Thánh Luca sử dụng để nói lên việc Thánh Linh xâm nhập – gió và lửa – đã nhắc lại núi Sinai, nơi Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Yến Duyên và lập giao ước của Ngài (x Ex 19:3ff). Cuộc lễ ở Sinai được dân Yến Duyên cử hành 50 ngày sau Lễ Vượt Qua là ngày lễ Giao Ước.

 

Khi nói về những ngọn lưỡi lửa (x Acts 3), Thánh Luca muốn cho thấy Lễ Ngũ Tuần như một Sinai mới, như một lễ Giao Ước mới, trong giao ước mới này Giao Ước với dân Yến Duyên được bao gồm tất cả mọi dân tộc trên trái đất này. Giáo Hội là công giáo và truyền giáo tự bẩm sinh. Tính cách phổ quát của ơn cứu độ được thể hiện với một bản liệt kê nhiều nhóm thiểu số có những kẻ nghe bài giảng tiên khởi của các vị tông đồ (x Acts 2:9-11).

 

Dân Chúa, một dân có được một hình dạng trên Núi Sinai, ngày nay vươn dài lớn rộng tới độ bao trùm mọi chướng ngại về chủng tộc, văn hóa, không gian và thời gian. Như những gì ngược lại với sự kiện xẩy ra ở tháp Babel, lúc dân chúng muốn xây dựng một con đường cao lên tới trời bằng bàn tay của họ, thì họ lại đi tới chỗ hủy hoại đi khả năng hiểu biết lẫn nhau. Cuộc Hiện Xuống của Thần Linh, với tặng ân ngôn ngữ, cho thấy rằng việc hiện diện của Ngài là những gì nối kết và biến đổi tình trạng hỗn độn thành mối hiệp thông.  Cái cao ngạo và thần tôi của con người là những gì luôn tạo nên những thứ chia rẽ, dựng nên những bức tường dửng dưng lạnh lùng, hận thù và bạo lực.

 

Trái lại, Thánh Thần là Đấng làm cho tâm can có thể hiểu được các ngôn ngữ của mọi người, vì Ngài tái thiết lập nhịp cầu hiệp thông chân chính giữa đất và trời. Thánh Linh là tình yêu.

 

Thế nhưng, làm thế nào để có thể đi sâu vào mầu nhiệm Thánh Linh? Làm sao để có thể hiểu được bí mật của tình yêu? Đoạn Phúc Âm này hôm nay đưa chúng ta về Nhà Tiệc Ly là nơi Bữa Tiệc Ly đã kết thúc, một cảm nghiệm về những gì chưng hửng khiến các vị tông đồ buồn đau. Lý do đó là những lời lẽ của Chúa Giêsu đã khơi động những vấn đề nhức nhối: Người đã nói về việc thế giới thù ghét Người cũng như những ai thuộc về Người, Người đã nói về việc ra đi bí nhiệm của Người; về nhiều điều cần phải nói nhưng bấy giờ các tông đồ chưa thể nào thấu hiểu nổi (x Jn 16:12).

 

Để an ủi các vị, Người đã giải thích ý nghĩa về việc ra đi của Người: Người sẽ ra đi, song Người sẽ trở lại; trong khi đó Người không bỏ rơi các vị, không để họ mồ côi. Người sẽ sai Đấng An Ủi, Thần Linh của Cha, và là vị Thần Linh có thể làm cho các vị biết rằng công việc của Chúa Kitô là một công việc của yêu thương: một tình yêu thương của Đấng đã hiến mạng sống mình, một tình yêu thương của Cha là Đấng đã trao ban Người.

 

Đó là mầu nhiệm của Lễ Hiện Xuống: Thánh Thần soi sáng tâm linh con người, và trong việc tỏ Chúa Kitô tử giá và phục sinh ra, Ngài cho thấy đường lối trở nên giống Người hơn, tức là trở thành ‘biểu hiện và dụng cụ của tình yêu xuất phát từ Ngài’ (Deus Caritas Est, 33). Cùng với Mẹ Maria, Giáo Hội, như khi mới được hạ sinh, ngày nay vẫn kêu cầu: ‘Veni Sancte Spiritus! – Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến để làm tràn đầy tâm can thành phần tín hữu của Ngài và đốt lên ngọn lửa tình yêu của Ngài trong họ!’ Amen.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 4/6/2006