ĐTC Biển Đức XVI:

Bài Giảng Ngày Thế Giới Đời Tận Hiến Tu Trì 2/2/2006

cho Tu Sĩ Nam Nữ tại Đền Thờ Thánh Phêrô

 

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay lễ Dâng Chúa Giêsu ở đền thờ sau 40 ngày giáng sinh của Người gợi lên cho chúng ta giây phút đặc biệt của đời sống Thánh Gia: Mẹ Maria và Thánh Giuse, theo luật Moisen, đã mang hài nhi Giêsu vào đền thờ Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa (x Lk 2:22). Ông Simêon và bà Anna, được Chúa soi động, đã nhận ra Con Trẻ là Đấng Thiên Sai hằng đợi trông và nói tiên tri về Người. Chúng ta đang ở trước một mầu nhiệm, vừa đơn sơ lại vừa trọng đại, được Giáo Hội cử hành để tưởng kính Chúa Kitô là Đấng Xức Dầu của Cha, là trưởng tử của tân nhân loại.

 

Việc rước nến sáng đầy ý nghĩa để mở đầu cho việc chúng ta cử hành đây đã làm cho chúng ta sống lại việc uy nghi tiến vào, như chúng ta đã hát trong bài Đáp Ca, của Đấng là “Vua vinh hiển”, là “Chúa, uy hùng chiến đấu” (Ps 24[23]:7,8). Thê nhưng vị Thiên Chúa uy quyền đang tiến vào đền thờ ấy là ai? Đó là một Con Trẻ; đó là Hài Nhi Giêsu trong tay Mẹ của Người là Trinh Nữ Maria. Thánh Gia tuân hợp những gì Luật qui định, đó là việc thanh tẩy người mẹ, việc hiến dâng người con trai đầu lòng cho Thiên Chúa và việc Ngài cứu chuộc bằng một lễ vật hy sinh. 

 

Ở Bài Đọc Thứ Nhất, Phụng Vụ nói về các lời của Tiên Tri Malachi: “Chúa… sẽ bất chợt tới đền thờ” 3:1). Những lời này cho thấy tính cách hết sức thiết tha của ước muốn sống động chờ mong của Dân Do Thái qua các thế kỷ. Cuối cùng “vị thiên thần của Giao Ước” này đã tiến vào nhà của Người và tuân phục Lề Luật: Người đã đến Giêrusalem để tiến vào nhà của Thiên Chúa bằng một thái độ tuân phục.

 

Ý nghĩa của tác động này đòi phải có một cái nhìn bao rộng nơi đoạn Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái ở Bài Đọc Thứ Hai hôm nay. Chúa Kitô, vị trung gian hiệp nhất Thiên Chúa và con người, Đấng được trình bày cho chúng ta thấy ở đây là Đấng triệt tiêu những cách biệt, loại trừ mọi chia rẽ và phá đổ mọi bức tường phân ngăn. 

 

Chúa Kitô đến như một vị tân “thượng tế nhân hậu và tín trung trong việc phụng vụ Thiên Chúa, để đền bồi tội lỗi của dân” (Heb 2:17). Bởi thế, chúng ta thấy rằng việc môi giới với Thiên Chúa không còn tính cách tách biệt linh thánh nơi vai trò linh mục xưa kia nữa, mà là tính cách liên kết giải phóng nơi loài người.

 

Tuy nhiên, khi còn là một Con Trẻ, Người bắt đầu đường lối tuân phục Người đã theo cho đến cùng. Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái nhấn mạnh đến điều này rất rõ ràng qua những lời sau đây: “Khi còn sống trên trần gian này Chúa Giêsu đã dâng lời nguyện cầu và khẩn nài … lên Đấng có thể cứu Người khỏi chết…. Mặc dù là Con, Người cũng đã biết tuân phục qua những gì Người phải chịu; và khi hoàn tất Người đã trở nên căn nguyên cứu độ đời đời cho tất cả những ai vâng phục Người” (x 5:7-9).

 

Con người đầu tiên được liên kết với Chúa Kitô trên con đường tuân phục, con đường chứng tỏ niềm tin và thông phần đau khổ là Maria Mẹ của Người. Bài Phúc Âm phác tả Mẹ nơi tác động hiến dâng Con của Mẹ: một việc vô tư hiến dâng liên quan tới chính bản thân Mẹ.

 

Mẹ Maria là Mẹ của Đấng là “vinh hiển của Yến Duyên dân Người” và là “ánh sáng chiếu soi Dân Ngoại”, thế nhưng, cũng là “dấu hiệu chống đối” (x Lk 2:32,34). Và nơi linh hồn vô nhiễm của mình, chính Mẹ đã bị lưỡi gươm sầu thương đâm thâu, bởi thế cho thấy rằng vai trò của Mẹ nơi lịch sử cứu độ không chấm dứt ở mầu nhiệm Nhập Thể mà được hoàn tất nơi việc tham dự yêu thương lẫn sầu thương vào cuộc tử nạn và Phục Sinh của Con Mẹ.

 

Mang Con mình lên Giêrusalem, Người Trinh Mẫu này đã hiến dâng Người lên Thiên Chúa như là một Con Chiên thực sự xóa tội trần gian. Mẹ trao Người cho ông Simêon và bà Anna như tác động loan báo ơn cứu chuộc; Mẹ trao tặng Người cho tất cả mọi người như ánh sáng cho cuộc hành trình an toàn trên con đường chân thật và yêu thương.

 

Những lời xuất phát từ môi miệng của vị lão thành Simeon “Mắt tôi đã được thấy ơn cứu độ của Chúa” (Lk 2:30), là những gì đã vang vọng nơi cõi lòng của nữ tiên tri Anna. Những con người tốt lành và đạo hạnh này, được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, đã có thể thấy được nơi Con Trẻ Giêsu “niềm an ủi của Yến Duyên” (Lk 2:25). Bởi thế mà niềm trông đợi của họ đã được biến thành ánh sáng chiếu soi lịch sử.

 

Ông Simêon là con người ôm ấp niềm hy vọng và Thần Linh Chúa đã nói với tâm can của ông: đó là lý do ông có thể chiêm ngưỡng Đấng được nhiều vị tiên tri và quốc vương muốn được nhìn thấy: Chúa Kitô là ánh sáng soi Dân Ngoại.

 

Ông nhận ra rằng Con Trẻ ấy là Đấng Cứu Thế, thế nhưng ông đã thấy trước nhờ Thần Linh là định mệnh của nhân loại sẽ diễn tiến chung quanh Người và Người phải chịu khổ đau thật nhiều bởi những kẻ loại trừ Người; ông đã loan báo căn tính và sứ vụ của Đấng Thiên Sai bằng những lời lẽ làm nên một trong những bài thánh thi ca của Giáo Hội tân sinh, một bài thánh thi ca rạng ngời niềm hỉ hoan thông hiệp và cánh chung về việc hoàn trọn niềm trông đợi ơn cứu độ. Tính cách nhiệt liệt hỉ hoan ấy lớn lao đến nỗi sống và chết chỉ là một và như nhau, và “ánh sáng” cùng “hiển vinh” chỉ là một tỏ hiện phổ quát.

 

Bà Anna là một “nữ tiên tri”, một người phụ nữ khôn ngoan và đức hạnh đã giải thích ý nghĩa sâu xa của các biến cố lịch sử cũng như của sứ điệp Thiên Chúa được gói ghém nơi những biến cố này. Bởi thế, bà có thể “dâng lời tạ ơn Thiên Chúa” và “nói về Con Trẻ này cho tất cả mọi người ngóng trông ơn cứu chuộc Gia-Liêm” (Lk 2:38).

 

Tình trạng góa bụa lâu đời của bà giành cho việc thờ phượng trong đền thờ, việc trung thành chay tịnh hằng tuần và thông phần trông đợi của những ai mong ơn cứu chuộc Yến Duyên, là những gì đã lên tới tột đỉnh qua việc bà được gặp gỡ Con Trẻ Giêsu.

 

Anh chị em thân mến, trong ngày lễ Dâng Chúa đây Giáo Hội cử hành Ngày Đời Tận Hiến. Đây là một cơ hội thích hợp để chúc tụng Chúa và tạ ơn Ngài về quà tặng qúi báu nơi đời tận hiến qua các hình thức khác nhau của nó; đồng thời cơ hội này cũng là một động lực phấn khích nơi tất cả Dân Chúa việc hiểu biết và cảm nhận đối với những ai hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa.

 

Thật vậy, như cuộc sống của Chúa Giêsu được tỏ ra nơi việc Người tuân phục và hiến thân cho Chúa Cha là một dụ ngôn sống động về việc “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” thế nào, thì việc hiến thân cụ thể của những con người tận hiến cho Thiên Chúa cũng như cho anh chị em của mình trở thành một dấu hiệu hùng hồn cho thế giới ngày nay thấy được sự hiện diện của Nước Chúa.

 

Cách sống và hoạt động của anh chị em có thể sống động diễn đạt việc anh chị em hoàn toàn thuộc về vị Chúa duy nhất này; việc dứt khoát phó mình trong tay Chúa Kitô và Giáo Hội là một lời mạnh mẽ và rõ ràng công bố về việc hiện diện của Thiên Chúa với một ngôn từ có thể hiểu được đối với những người đương thời của chúng ta. Đó là việc phục vụ đầu tiên đời tận hiến cống hiến cho Giáo Hội cũng như cho thế giới.

 

Con người tận hiến giống như thành phần canh gác giữa Dân Chúa, thành phần nhận thấy và loan báo sự sống mới đã hiện diện trong lịch sử của chúng ta.

 

Anh chị em thân mến, những người ôm ấp ơn gọi tận hiến riêng, giờ đây tôi đặc biệt nói cùng anh chị em, tôi thân ái chào anh chị em và nồng nàn cám ơn việc hiện diện của anh chị em đây.

 

Tôi gửi lời chào đặc biệt tới Đức Tổng Giám Mục Franc Rodé, tổng trưởng Thánh Bộ Các Hội Dòng Sống Đời Tận Hiến và Các Hội Sống Đời Tông Đồ, cũng như tới những vị cộng tác viên của ngài đang đồng tế với tôi trong Thánh Lễ này.

 

Xin Chúa canh tân nơi anh chị em cũng như trong tất cả mọi người sống đời tận hiến mỗi ngày việc hân hoan đáp ứng tình yêu thương nhưng không và trung tín của Người. Anh chị em thân mến, như những cây nến được thắp sáng, luôn luôn chiếu sáng tình yêu Chúa Kitô ở khắp mọi nơi, Đấng là Ánh Sáng thế gian. Xin Mẹ Maria Rất Thánh, Người Nữ tận hiến, giúp anh chị em sống trọn ơn gọi và sứ vụ đặc biệt của anh chị em trong Giáo Hội cho phần rỗi của thế giới.

 

Amen!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/index_en.htm