ĐTC Biển Đức XVI

 

Con đã sống lại, con vẫn ở cùng Cha. Alleluia!"

 

Sứ Điệp Chúa Nhật Phục Sinh 23/3/2008    

 

 

Resurrexi, et adhuc tecum sum. Alleluia! Con đã sống lại, con vẫn ở cùng Cha. Alleluia! Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu, tử giá và phục sinh, lập lại lời loan báo này cho chúng ta hôm nay đây: lời loan báo Phục Sinh. Chúng ta hãy đón nhận lời loan báo ấy với nỗi sâu xa ngỡ ngàng và tri ân!

 

Resurrexi, et adhuc tecum sum… Con đã sống lại, con vẫn ở cùng Cha. Những lời này, trích từ một bản cổ bài Thánh Vịnh 138 (v.18b), được xướng lên mở đầu cho Thánh Lễ hôm nay. Nơi những lời ấy, khi vầng dương Phục Sinh xuất hiện,  Giáo Hội nhận ra tiếng của chính Chúa Giêsu là Đấng, khi sống lại từ kẻ chết, đã hướng về Cha với đầy hân hoan và yêu mến mà kêu lên rằng: Cha ơi, này con đây! Con đã sống lại, con vẫn ở với Cha và bởi vậy Con sẽ vĩnh viễn ở với Cha; Thần Linh của Cha không bao giờ lìa bỏ con.

 

Như thế, chúng ta cũng có thể hiểu được một cách mới mẻ những đoạn khác của bài thánh vịnh này: “Nếu con leo lên trời thì cha ở nơi ấy; nếu con xuống âm phủ thì cha ở đó… Cho dù tăm  tối c ũng không tối tăm đối với cha, và đêm thì sáng tỏ như ban ngày; đối với cha thì tối tăm giống như ánh sáng” (Ps 138:8,12). Thật vậy, trong đêm vọng Phục Sinh long trọng này, bóng tối đã trở thành ánh sáng, đêm nhường chỗ cho ngày không hề tàn. Sự chết và phục sinh của Lời Thiên Chúa nhập thể là một biến cố của tình yêu bất bại, nó là cuộc chiến thắng của tình yêu giải thoát chúng ta khỏi tình trạng làm tôi mọi cho tội lỗi và sự chết. Nó làm thay đổi giòng lịch sử, cống hiến cho sự sống con người cái ý nghĩa cùng với giá trị bất hoại và mới mẻ.

 

“Con đã sống lại, con vẫn ở cùng Cha muôn đời”. Những lời này mời gọi chúng ta hãy chiêm ngưỡng Chúa Kitô phục sinh, để cho tiếng của Người âm vang trong cõi lòng của chúng ta. Bằng hy tế cứu chuộc của mình, Chúa Giêsu Nazarét đã làm cho chúng ta trở thành những người con cái thừa nhận của Thiên Chúa, nhờ đó, giờ đây, cả chúng ta nữa được tham phần vào cuộc đối thoại nhiệm mầu của Người với Cha. Chúng ta được nhắc nhở về những gì Người đã từng nói về những ai biết lắng nghe: “Tất cả mọi sự Cha Tôi ban cho Tôi; nên không ai biết được Cha trừ ra Con và người nào được Con muốn tỏ Cha ra cho” (Mt 11:27).

 

Theo quan điểm này, chúng ta nhận thấy rằng những lời được Chúa Giêsu phục sinh thưa cùng Cha vào ngày này – “Con vẫn ở cùng Cha muôn đời” – gián tiếp cũng được áp dụng vào cả chúng ta nữa, “thành phần con cái của Thiên Chúa là là những kẻ đồng thừa tự với Chúa Kitô, nếu chúng ta chịu khổ với Người để chúng ta cũng được hiển vinh với Người” (x Rm 8:17). Nhờ cái chết và phục sinh của Chúa Kitô, cả chúng ta nữa, hôm nay cũng được phục sinh vào sự sống mới, và hợp tiếng của chúng ta với tiếng của Người, chúng ta công bố rằng chúng ta muốn được muốn đời ở với Thiên Chúa là Cha vô cùng thiện hảo và nhân hậu của chúng ta.

 

Nhờ vậy, chúng ta tiến sâu vào mầu nhiệm Vượt Qua. Biến cố phục sinh lạ lùng này của Chúa Giêsu chính yếu là một biến coô của yêu thương: Cha yêu thương phó nộp Con Mình cho phần rỗi của thế giới; Con yêu thương khi phó mình cho ý muốn của Cha vì tất cả chúng ta; Thần Linh yêu thương khi phục sinh Chúa Giêsu từ trong kẻ chết nơi thân xác biến hình của Người. Chưa hết, tình Cha yêu thương “ôm ấp cách mới mẻ” Người Con, bao bọc  Người trong vinh quang; tình Con yêu thương đáp trả Cha trong quyền năng của Thần Linh, được mặc lấy nơi nhân tính được biến hình của chúng ta. Từ cuộc long trọng cử hành hôm nay đây, nhờ đó chúng ta sống lại hoàn toàn cái cảm nghiệm một lần vĩnh viễn của việc Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta nhận lãnh một lời kêu gọi hãy hoán cải vêàvới Tình Yêu; chúng ta lãnh nhận lời mời gọi hãy soông bằng việc loại trừ hận thù và vị kỷ, để chân  thành theo bước chân của Con Chiên đã bị sát hại vì phần rỗi của chúng ta, bắt chước Đấng Cứu Chuộc là Đấng “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”, Đấng là “sự nghỉ ngợi cho linh hồn của chúng ta” (x Mt 11:29).

 

Anh chị em Kitô hữu thân mến ở mọi phần đất trên thế giới, hỡi những con người nam nữ chân thành cởi mở tâm thần của mình trước chân lý, xin đừng để cho một tấm lòng nào đóng lại trước quyền toàn năng của tình yêu cứu chuộc ấy! Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại vì tất cả mọi người! Người là niềm hy vọng của chúng ta – là niềm hy vọng thực sự cho hết mọi con người. Hôm nay, như Người đã làm cho các môn đệ của Người ở Galilêa trước khi về cùng Cha, Chúa Giêsu phục sinh này giờ đây sai chúng ta đi khắp nơi như thành phần chứng nhân cho niềm hy vọng của Người, và Người bảo đảm với chúng ta rằng: Thày mãi mãi ở cùng các con, hết mọi ngày, cho đến tận thế (x Mt 28:20). Gắn ánh mắt tinh thần của chúng ta vao các thương tích hiển vinh của thân thể được biến hình của Người, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa và giá trị của khổ đau, chúng ta có thể xoa dịu nhiều vết thương đang tiếp tục làm biến dạng nhân tính vào thời điểm của chúng ta đây.

 

Nơi các thương tích hiển vinh của Người, chúng ta thấy được những dấu hiệu bất hoại của tình thương vô cùng của Vị Thiên Chúa được tiên tri Isaia nói tới: Chính Người là Đấng chữa lành các tấm lòng tan nát, Đấng bênh vực kẻ yếu kém và loan báo tự do cho thành phần nô lệ, Đấng an ủi tất cả mọi đớn đau và đổ xuống trên những tấm lòng này dầu hoan lạc thay vì một chiếc áo choàng khóc than, một bài ca chúc tụng thay vì con tim sầu héo (x Is 61:1,2,3). Nếu nhờ niềm tin tưởng khiêm cung chúng ta được gần gũi với Người, chúng ta gặp gỡ nơi ánh mắt của Người việc đáp ứng cho những niềm mong đợi sâu xa nhất của tâm can chúng ta: đó là nhận biết Thiên Chúa và thiết lập với Ngài một mối liên hệ sống động trong một cuộc hiệp thông yêu thương đích thực có thể làm tràn đầy cuộc sống của chúng ta, những liên hệ liên cá thể và xã hội nhờ chính tình yêu thương này. Đó là lý do, nhân loại cần Chúa Kitô; trong Người là niềm hy vọng của chúng ta, “chúng ta đã được cứu độ” (x Rm 8:24).

 

Thường tình biết bao các mối liên hệ giữa các cá nhân với nhau, giữa các phái nhóm với nhau và giữa các dân tộc với nhau bị đánh dấu không bởi yêu thương mà là vị kỷ, bất công, hận thù và bạo lực! Đó là những bức rức của nhân loại, lở loét và mưng mủ ở hết mọi nơi trên trái đất này, cho dù chúng hay coi thường và đôi khi cố tình giấu diếm đi nữa; những vết thương hành hạ hồn xác của vô vàn anh chị em. Họ đang đợi chờ để được chăm sóc và chữa lành bởi những vết tích hiển vinh của Chúa Phục Sinh chúng ta (x 1Pt 2:24-25) và cũng như bởi tình liên đới của dân con người mà theo chân của Người, thi hành những việc bác ái, làm cho việc chủ động dấn thân cho công lý, và phổ biến những dấu hiệu hy vọng rạng người ở những nơi đẫm máu bởi xung đột và bất cứ ở đâu mà phẩm vị con người tiếp tục bị khinh thường và giầy đạp. Hy vọng rằng đó chính là nơi gia tăng các cử chỉ trung hòa và thứ tha.

 

Anh chị em thân mến! Chúng ta hãy để cho ánh sáng tuôn tỏa ra từ ngày trọng đại này soi sáng chúng ta; chúng ta hãy mở lòng mình chân thành tin tưởng ra cho Chúa Kitô phục sinh, nhờ đó cuộc chiến  thắng của Người trên sự dữ và sự chết cũng chiến thắng nơi mỗi một người trong chúng ta, trong gia đình của chúng ta, trong các phố thị của chúng ta và trong các quốc gia của chúng ta. Chúng ta hãy để cho ánh sáng này chiếu soi ở hết mọi phần đất trên thế giới. Đặc biệt là chúng ta làm sao không nhớ đến một số miền đất ở Phi Châu, chẳng hạn như Dafur và Somalia, đến Trung Đông tan nát, nhất là đến Thánh Địa, Iraq, Lebanon, và sau hết là Tibet, tất cả những nơi tôi đã thôi thúc hãy tìm kiếm những giải pháp bảo toàn hòa bình và công ích! Chúng ta hãy kêu xin cho được trọn vẹn n hững tặng ân Vượt Qua của Người, nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, Đấng mà sau khi chia sẻ cuộc khổ nạn và tử giá của Người Con vô tội của mình, cũng đã cảm nghiệm thấy niềm vui khôn tả về cuộc phục sinh của Người. Được thông phần với vinh hiển của Người, xin Mẹ là Đấng bảo vệ chúng ta và dẫn dắt chúng ta trên con đường đoàn kết huynh đệ và an bình. Đó là những lời chúc mừng Phục Sinh của tôi, lời chúc mừng tôi ngỏ cùng tất cả những ai đang hiện diện nơi đây, cũng như cùng những con người nam nữ thuộc hết mọi quốc gia và châu lục liên kết với chúng ta qua truyền thanh và truyền hình. Chúc Mừng Phục Sinh!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/3/2008