“Thiên Chúa biến mình trở nên nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu biết Ngài”

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh 25/12/2006

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Chúng ta vừa nghe trong Phúc Âm sứ điệp được các thiên thần báo cho các mục đồng trong Đêm Thánh, một sứ điệp giờ đây được Giáo Hội loan báo cho chúng ta: ‘Hôm nay, trong thành Đavít, Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các người, Ngài là Chúa Kitô. Và đây là dấu hiệu cho các người hay, đó là các người sẽ thấy một con trẻ được bọc trong khăn và nằm trong máng cỏ’ (Lk 2:11-12). Các mục đồng không được chỉ cho thấy những gì là lạ lùng, những gì là phi thường, những gì là uy nghi vĩ đại cả. Tất cả những gì họ sẽ thấy là một con trẻ được  bọc trong khăn, Đấng mà, như tất cả mọi con trẻ khác, cần đến  sự chăm sóc của người mẹ; một con trẻ được sinh ra trong hang đá, một con trẻ mà vì vậy không nằm trong một cái nôi mà là một máng cỏ. Dấu hiệu của Thiên Chúa là một thơ nhi cần được giúp đỡ và sống trong tình trạng bần cùng. Chỉ bằng con tim của mình các mục đồng mới có thể thấy được rằng thơ nhi ấy làm hoàn tất lời hứa được tiên tri Isaia nói tới mà chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất: ‘Một con trẻ được sinh ra cho chúng ta, một người con được ban cho chúng ta; và Người sẽ đảm nhiệm việc trị vì’ (9:5). Cũng cùng một dấu hiệu đã được ban cho chúng ta. Cả chúng ta nữa cũng đưoơc thiên  thần Chúa mời gọi, qua sứ điệp của Phúc Âm, hãy khởi hành bằng tâm hồn của chúng ta để thấy được con trẻ nằm trong máng cỏ ấy.

 

Dấu hiệu của Thiên Chúa có tính cách đơn sơ. Dấu hiệu của Thiên Chúa đó là việc Người biến mình trở thành nhỏ bé vì chúng ta. Đó là cách Người trị vì. Người không đến bằng quyền năng và hào nhoáng bề ngoài. Người đến như một thơ nhi – bất khả tự vệ và cần chúng ta giúp đỡ. Người không muốn chiếm đoạt chúng ta bằng sức mạnh của Người. Người làm cho chúng ta hết sợ hãi trước sự cao cả của Người. Người cần đến tình yêu của chúng ta, bởi vậy mà Người biến mình thành một con trẻ. Người không muốn gì khác nơi chúng ta ngoài tình yêu của chúng ta, một tình yêu nhờ đó chúng ta tự nhiên biết cách chia sẻ với những cảm xúc của Người, những ý nghĩ của Người và với ý muốn của Người – chúng ta biết sống với Người và thực tập với Người đức khiêm tốn từ bỏ là những gì thuộc về chính yếu tính của yêu thương. Thiên Chúa biến mình thành nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu biết Người, đón nhận Người, và mến yêu Người. Các Giáo Phụ của Giáo Hội, trong bản dịch Hy Lạp Cựu Ước của mình, đã thấy được một đoạn theo tiên tri Isaia được Thánh Phaolô cũng trích dẫn để tỏ cho thấy làm thế nào những đường lối mới mẻ của Thiên Chúa đã đưoơc báo trước trong Cựu Ước. Ở đó chúng ta đọc thấy rằng: ‘Thiên Chúa đã làm cho Lời của Ngài trở nên ngắn gọc, Ngài đã rút gọn Lời Ngài’ (Is 10:23; Rm 9:28). Các Giáo Phụ đã dẫn giải điều này hai cách: ‘Chính Con là Lời, là Lý Trí; Lời hằng hữu trở nên bè nhỏ – nhở vừa gọn trong một máng cỏ. Người đã trở thành một con trẻ, nhờ đó Lời có thể được chúng ta nắm bắt. Như thế Thiên Chúa dạy chúng ta yêu thương thành phần bé nhỏ. Như thế Người dạy chúng ta yêu mến kẻ yếu hèn. Như thế Người dạy chúng ta tôn trọng trẻ em. Con trẻ Bêlem này hướng mắt chúng ta về tất cả mọi con trẻ đang chịu khổ và bị lạm dụng trên thế giới này, những con trẻ đưoơc sinh ra và những con trẻ không được sinh ra. Về các trẻ em bị sử dụng như lính tráng trong một thế giới bạo động; về những trẻ em đi ăn mày ăn xin; về những trẻ em bị thiếu thốn và đói khổ; về nhữn g trẻ em bị hất hỉu. Nơi tất cả những trẻ em ấy là Con Trẻ Bêlem đang kêu khóc đối với chúng ta; chính vị Thiên Chúa trở thành nhỏ bé đang kêu gọi chúng ta. Chúng ta hãy nguyện cầu đêm nay để ánh rạng ngời của tình yêu Thiên Chúa được tỏa rạng cho tất cả những trẻ em ấy. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa giúp chúng ta thực hiện phần của mình n hờ đó phẩm vị của trẻ em được tôn trọng. Chớ gì tất cả họ đều cảm nghiệm được ánh sáng yêu thương nhân loại đang cần còn hơn những nhu cầu vật chất của đời sống.

 

Bởi vậy chúng ta tiến tới ý nghĩa thứ hai được các vị Giáo Phụ thấy nơi câu: ‘Thiên Chúa đã làm cho Lời của Ngài nên bé nhỏ’. Lời được Thiên Chúa nói cùng chún g ta trong Thánh Kinh đã trở thành dài dòng qua giòng lịch sử của các thế kỷ. Lời đã trở nên dài dòng và phức tạp, chẳng những đối với thành phần đơn sơ và thất học, thậm chí đối với cả thành phần thông thuộc Thánh Kinh nữa, đối với những chuyên  gia rõ ràng cảm thấy bối rối trước những chi tiết và đặc biệt là trước những vấn đề, hầu như tới độ không còn thấy được cái phối cảnh tổng quan nữa. Chúa Giêsu ‘đã tóm gọn’ Lời này – Người đã tỏ cho chúng ta thấy một lần nữa tính chất giản dị và hiệp nhất sâu xa của Lời. Người đã tuyên bố rằng hết mọi sự được truyền dạy bởi Lề Luật và các vị Tiên Tri đều được tóm lại thành giới lệnh: ‘Các người phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của các người hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn mình… Các người phải yêu thương tha nhân như bản thân mình’ (Mt 22:37-40). Đó là tất cả mọi sự –  tất cả đức tin được chất chứa nơi tác động yêu thương duy nhất bao gồm cả Thiên Chúa lẫn loài người này.

 

Tuy nhiên, đến đây lại xuất hiện những vấn nạn khác, đó là làm thế nào chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa hết trí khôn của mình, nếu trí khôn của chúng ta khó có thể vươn tới Ngài? Làm sao chúng ta có thể yêu mến Ngài hết lòng và hết linh hồn của mình, khi lòng chúng ta chỉ có thể thoáng thấy Ngài từ xa xa, khi mà có quá nhiều cái ngược nghịch xung khắc nhau trong một thế giới có thể che khuất đi dung nhan của Ngài này đây? Đó là điểm gặp gỡ của hai đường lối của việc Thiên Chúa ‘tóm gọn’ Lời của Ngài. Ngài không còn ở cách xa nữa. Ngài không còn là những gì không biết tới nữa. Ngài không còn vượt ngoài tầm với của tâm can chúng ta nữa. Ngài đã trở thành một con trẻ đối với chúng ta, và làm như thế, Ngài đã xua tan đi tất cả những gì là ngờ vực. Ngài đã trở thành tha nhân của chúng ta, nhờ đó phục hồi lại hình ảnh của con người, thành phần chúng ta thường cảùm thấy rất khó mà yêu thương nổi.

 

Đối với chúng ta, Thiên Chúa đã trở thành một tặng ân. Ngài đã ban tặng chính mình Ngài. Ngài đã đi vào thời gian cho chúng ta. Ngài là một Đấng Hằng Hữu, vượt trên thời gian, Ngài đã mặc lấy thời gian và nâng thời gian lên với Ngài ở trên cao. Lễ Giáng Sinh đã trở thành một Lễ của các thứ tặng ân, phản ảnh việc Thiên Chúa là Đấng đã ban tặng bản thân mình cho chúng ta. Chúng ta hãy làm sao cho lòng của mình, linh hồn của mình và trí khôn của mình cảm thấy được sự kiến ấy! Trong số nhiều tặng ân chúng ta mua sắm hay lãnh nhận, chúng ta đừng quên tặng ân chân thật này, đó là hãy trao tặng nhau một cái gì đó từ bản thân mình, trao cho nhau một cái gì đó từ thời giờ của chúng ta, hướng thời giờ của chúng ta về Thiên Chúa. Nhờ đó mới không còn lo âu, mới có được niềm vui, và mới tạo nên lễ hội này.

 

Trong các bữa ăn mừng lễ ở những ngày này, chúng ta hãy nhớ đến lời Chúa phán: ‘Khi các người dọn bữa ăn hay tiệc tùng, đừng mời những ai có thể mời lại các người, mà là mời những ai không đưoơc ai mời và không thể mời lại các người’ (x Lk 14:12-14). Điều này cũng có nghĩa là khi anh chị em trao tặng quà Giáng Sinh, đừng tặng chỉ cho những ai sẽ tăngëlại anh chị em, mà cho những ai không đưoơc ai tặng và không thể tặng gì lại cho anh chị em. Đó là những gì Thiên Chúa đã làm, ở chỗ, Ngài đã mời chúng ta đến với bữa tiệc cưới của mình, một điều chúng ta không thể đáp ứng, mà chỉ biêt vui mừng đón nhận. Chúng ta hãy bắt chước Ngài! Chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa, và bắt đầu từ Ngài, chúng ta cũng hãy yêu thương con người, nhờ đó, bắt đầu từ con người, chúng ta lại có thể tái nhận thức được Thiên Chúa một cách mới mẻ!

 

Bởi vậy, sau hết, chúng ta thấy được ý nghĩa thứ ba nơi câu nói Lời đã trở thành ‘ngắn ngủi’ và ‘nhỏ bé’. Các mục đồng được báo cho biết rằng họ sẽ thấy một con trẻ nằm trong một cái máng giành cho thú vật, những con thú mới đáng ở trong hang đá ấy. Đọc tiên tri Isaia (1:3), các vị Giáo Phụ đã kết luận rằng, ngoài máng có ở Bêlam còn có một con bò và một con lừa. Các vị cũng cắt nghĩa đoạn sách này như là những gì biểu hiệu cho người Do Thái và các dân ngoại – tức toàn thể nhân loại – thành phần bằng cách thức riêng của mình cần đến một vị Cứu Tinh, đó là Vị Thiên Chúa đã trở thành một con trẻ. Con người, để sống, cần đến bánh ăn, hoa trái của trái đất và lao công của mình. Thế nhưng họ không sống nguyên bởi bánh. Họ cần của sinh dưỡng cho linh hồn họ, ở chỗ họ cần đến ý nghĩa có thể làm viên trọn cuộc sống của họ. Boơi thế mà đối với các vị Giáo Phụ, cái máng của thú vật ấy trở thành một biểu hiệu của bàn thờ, trong đó có Bánh là chính Chúa Kitô, dưỡng thực thật sự cho tâm can của chúng ta. Một lần nữa, chún g ta thấy Người đã trở nên bé bỏng là chừng nào: nơi một dáng vẻ khiêm hèn của một tấm bánh, nơi một miếng bánh nhỏ, Người đã ban mình cho chúng ta.

 

Tất cả những điều ấy là dấu hiệu được báo cho các mục đồng b iết cũng cho cả chúng ta nữa: đó là con trẻ được hạ sinh cho chúng ta, một con trẻ chất chứa vị Thiên Chúa trở thành nhỏ bé cho chúng ta. Chúng ta hãy xin  Chúa ban cho chúng ta ơn huệ khi nhìn vào máng cỏ đêm nay tính chất đơn sơ giản dị của các mục đồng, để chúng ta được hưởng niềm vui họ có được khi trở về nhà họ (x Lk 2:20). Chúng ta hãy xin  Chúa ban cho chúng ta lòng khiêm nhượng và niềm tin tưởng của Thánh Giuse được ngài sử dụng khi nhìn thấy con trẻ được Mẹ Maria thụ thai bởi Thánh Linh. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết nhìn ngắm Người bằng cùng một tình yêu mến như Mẹ Maria nhìn ngắm Người. Và chúng ta hãy nguyện cầu để nhờ đó ánh sáng đã giúp cho các mục đồng nhìn thấy chiếu tỏa trên cả chúng ta nữa, cũng như để cho những gì được các thần trời hát lên đêm hôm ấy cũng sẽ vang vọng khắp thế giới: ‘Vinh danh Thiên Cúa trên trời, bình an dưới thể cho người Ngài thương’. Amen!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/documents/hf_ben-xvi_hom_20061224_christmas_en.html

 

 

 

“Trong thời đại hậu tân tiến, con người có lẽ càng cần đến một vị Cứu Thế hơn bao giờ hết”

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Sứ Điệp Giáng Sinh 25/12/2006

 

"Salvator noster natus est in mundo" (Roman Missal)

 

‘Đấng Cứu Tinh của chúng ta đã được hạ sinh cho thế giới!’ Trong đêm vừa rồi, nơi các Giáo Hội của mình, chúng ta đã được nghe thấy một sứ điệp, bất chấp giòng thời gian của các thế kỷ, vẫn còn mới nguyên. Đó là sứ điệp thiên đình nói với chúng ta rằng đừng sợ, vì ‘một tin mừng’ được gửi đến ‘cho toàn dân’ (Lk 1:10). Nó là một sứ điệp của niềm hy vọng, vì nó nói với chúng ta rằng, vào cái đêm cách đây hai ngàn năm trước, ‘một Đấng Cứu Thế là Chúa Kitô đã hạ sinh trong thành Đavít’ (Lk 2:11). Vị thiên thần của Chúa Giáng Sinh đã loan báo nó cho các mục đồng ở trên các sườn đồi Bêlem; ngày nay, vị Thiên Thần này lập lại nó cho chúng ta, cho tất cả những ai cư ngụ trong thế giới của chúng ta đây: ‘Đấng Cứu Thế đã giáng sinh; Người đã giáng sinh cho các người! Hãy đến, nào chúng ta hãy đến  bái thờ Người!’

 

Thế nhưng, phải chăng một ‘Vị Cứu Tinh’ nào đó vẫn còn giá trị và ý nghĩa đối với con người nam nữ của thiên  niên kỷ thứ ba đây? Phải chăng một ‘Vị Cứu Tinh’ nào đó vẫn  còn được cần đến bởi một nhân loại để tiến tới cung trăng và Hỏa Tinh, và đang sửa soạn chế ngự vũ trụ này; vì một nhân loại không biết đến giới hạn trong việc nó theo đuổi tìm kiếm những bí mật của thiên nhiên, và đã thành công thậm chí trong việc giải được cả những mã số diệu huyền nơi cái di giống của con người? Phải chăng một ‘Vị Cứu Tinh’ nào đó vẫn còn được cần tới bởi một nhân loại đã từng sán g chế ra thứ truyền thông tương tác xuyên đại dương của mạng điện toán toàn cầu, và nhờ những kỹ thuật truyền thông tân tiến nhất, giờ đây đang làm cho Trái Đất này, làm cho ngôi nhà chung của chúng ta đây, trở thành một ngôi làng hoàn vũ? Thứ nhân loại của thế kỷ 21 này hiện lên như là một chủ nhân ông nắm chắc và tự mãn về định mệnh của mình, như một đối thủ đầy khát vọng trước những thứ chiến thắng vô địch.

 

Nó có vẻ là như thế đấy nhưng thực sự lại không phải vậy. Dân chúng vẫn tiếp tục chết đói chết khát, bệnh tật và nghèo khổ, trong một thời đại dư thừa và buông thả hưởng thụ. Một số người vẫn còn bị sống trong cảnh nô lệ, bị khai thác và tước lột phẩm vị của mình, những người khác trở thành những nạn nhân của nỗi hận thù về chủng tộc và tôn giáo, bị vướng trở bởi thái độ bất dung nhượng và kỳ thị, cũng như bởi việc can thiệp về chính trị và tình trạng áp bức về thể lý lẫn luân lý đối với vấn đề tự do tuyên xưng niềm tin của mình. Những người khác lại thấy thân thể của mình cũng như thân thể của các người thân yêu, đặc biệt là của con cái mình, trở thành thương tật bởi vũ khí, bởi khủng bố và bởi tất cả mọi thứ bạo lực, vào một thời điểm mà hết mọi người đang vênh vang tự đại về tiến bộ, đoàn kết và bình an cho tất cả mọi người. Còn cả những người, bị tước mất niềm hy vọng, buộc phải lìa bỏ quê hương xứ sở của mình để tìm kiếm những điều kiện sinh sống nhân bản ở bất cứ một nơi nào đó thì sao? Làm sao chúng ta có thể giúp đỡ đây đối với những ai bị lừa đảo bởi thành phần tiên tri truyền dạy một thứ hạnh phúc dễ dãi, những ai đang chiến đấu với những mối liên hệ và không có khả năng chấp nhận trách nhiệm đối với hiện tại và tương lai của mình, những ai bị bẫy sập đang ngắc ngứ trong một đường hầm của lẻ loi cô quạnh và những ai thường tiến đến chỗ bị lệ thuộc vào chè chén hay nghiện hút? Chúng ta nghĩ gì về những người chọn cái chết theo niềm tin tưởng là họ đang cử hành sự sống chứ? 

 

Làm sao chúng ta không nghe thấy chứ, từ tận thâm tâm của nhân  loại này, vừa cảm thấy hân hoan lẫn sầu thương, một tiếng kêu xé lòng mong được trợ giúp? Đó là Lễ Giáng Sinh, ở chỗ, hôm nay ‘ánh sáng thực chiếu soi hết mọi người’ (Jn 1:9) đã đến trong thế gian. ‘Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta’ (Jn 1:14), Thánh Ký Gioan loan báo như vậy. Hôm nay đây, chính ngày này đây, một lần nữa, Chúa Kitô đến với ‘nhà của  mình’, và đến với những ai tiếp nhận Người thì Người ban cho họ ‘quyền làm con cái của Thiên Chúa’; tóm lại, Người cống hiến cho chúng ta cơ hội được thấy vinh hiển của Thiên Chúa và chia sẻ niềm vui của một Tình Yêu đã nhập thể vì chúng ta ở Bêlem. Hôm nay, ‘Đấng Cứu Thế của chúng ta đã giáng sinh cho thế giới’, vì Người biết rằng ngay cả ngày nay đi nữa, chúng ta vẫn cần đến Người. Cho dù nhân loại có nhiều thứ tiến b ộ chăng nữa, con người bao giờ cũng vẫn thế thôi, vẫn có một thứ tự do lơ lửng giữa thiện và ác, giữa sống và chết. Chính ở chỗ ấy, chính ở thẳm cung của hữu thể họ, chỗ được Thánh Kinh gọi là ‘tâm can’,  mà con người bao giờ cũng cần được ‘cứu vớt’. Và, trong thời đại hậu tân tiến đây, có lẽ họ càng cần đến vị Cứu Tinh này hơn bao giờ hết, vì xã hội họ đang sống đã trở nên phức tạp hơn, và những thứ đe dọa cho tính chất nguyên vẹn về bản thân và luân lý của họ đã trở thành những gì tinh quái hơn. Ai có thể bênh vực họ, nếu không phải là Đấng yêu thương họ cho đến độ hy hiến trên Thập Tự Giá Người Con duy nhất của mình như là Đấng Cứu Tinh của thế giới này hay sao? 

 

‘Salvator noster’: Chúa Kitô cũng là Đấng Cứu Thế của con người nam nữ ngày nay nữa. Ai sẽ làm vang vọng sứ điệp hy vọng này đây, một cách khả tín, đến hang cùng ngõ hẻm của trái đất? Ai sẽ hoạt động để bảo đảm được việc nhìn nhận, bảo vệ và cổ võ sự thiện nguyên vẹn của con người như một điều kiện của hòa bình, bằng cách tôn trong hết mọi người nam nữ cùng phẩm vị xứng hợp của họ? Ai sẽ giúp chúng ta nhìn nhận rằng nhờ thành tâm thiện chí, những gì là hợp tình hợp lý và điều hòa mới có thể làm tránh đi được những xuộc xung đột thái quá để tìm kiếm những giải pháp tốt đẹp? Ý thức sâu xa như thế, vào ngày lễ này, tôi nghĩ đến Trung Đông, nơi diễn ra quá nhiều cuộc khủng hoảng và xung đột trầm trọng, và tôi muốn bày tỏ niềm hy vọng rằng sẽ có một đường lối dẫn tới một hòa bình chín h đáng và bền vững, bằng việc tôn trọng các thứ quyền lợi bất khả chuyển nhượng của các dân tộc đang sống ở đó. Tôi xin đặt vào bàn tay của Con Trẻ thần linh ở Bêlem những dấu hiệu của một cuộc tái tấu đối thoại giữa những người Do Thái và Palestine, những gì chúng ta đã chứng kiến trong mấy ngày gần đây, và của niềm hy vọng có được những tiến triển phấn khởi hơn nữa. Tôi tin tưởng rằng, trước rất nhiều nạn nhân, phá hoại và bất ổn, một nước Lebanon dân chủ sẽ tồn tại và phát triển, khi biết cởi mở và đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo khác. Tôi kêu gọi tất cả những ai đang nắm trong tay vận mệnh của Iraq hãy chấm dứt một tình trạng bạo động tàn bạo dã man đang gây ra qúa nhiều máu đổ cho quốc gia này, và giúp cho hết mọi dân cư của nó được yên ổn sống một cuộc đời bình thường. Tôi nguyện  cầu cùng Thiên Chúa để ở Sri Lanka các phe phái trong cuộc biết lắng nghe ước vọng của dân chúng muốn có được một tương lai huynh đệ và đoàn kết; để ở Darfur và khắp Phi Châu được chấm dứt những cuộc xung đột huynh đệ tương tàn, hầu mau chóng chữa lành các vết thương nhức nhối ở châu lục ấy, và thực hiện việc củng cố những tiến bộ đối với vấn đề hòa giải, dân chủ và phát triển. Chớ gì Con Trẻ Thần Linh, Vua Hòa Bình, làm cho chấm dứt những vụ căng thẳng bùng nổ đang làm bất ổn tương lai của c ác phần đất khác trên thế giới, ở Âu Châu cũng như ở Mỹ Châu Latinh.

 

‘Salvator noster’: đó là niềm hy vọng của chúng ta; đó là sứ điệp được Giáo Hội loan báo một lần nữa trtong ngày Giáng Sinh này. Bằng việc Nhập Thể, như Công Đồng Chung Vaticanô II đã nói, Con Thiên Chúa đã liên kết một cách nào đó bản thân  mình với mỗi một con người nam nữ (xem hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, 22). Việ chạ sinh của Đầu cũng là việ chạ sinh của thân thể, như Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả đã nhận định. Ở Bêlem, thành phần Kitô hữu đã được hạ sinh, nhiệm thể của Chúa Kitô, một nhiệm thể mỗi một chi thể được chặt chẽ liên kết với nhau trọn vẹn. Đấng Cứu Thế của chúng ta đã hạ sinh cho tất cả mọi người. Chúng ta phải loan báo điều này chẳng những bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống của mình nữa, bằng việc cống hiến cho thế giới một chứng từ về những cộng đồng hiệp nhất cởi mở đầy tình huynh đệ và thứ tha, cùng với việc chấp nhận và cùng nhau phục vụ cho sự thật, công lý và yêu thương.

 

Một cộng đồng được Chúa Kitô cứu độ. Đó là bản chất thực sự của Giáo Hội, một Giáo Hội kín múc dưỡng thực của m ình từ Lời của Người và Mình Thánh của Người. Chỉ khi nào tái nhận thức được tặng ân được lãnh nhận, Giáo Hội mới có thể làm chứng cho Chúa Kitô Cứu Thế trước tất cả mọi dân nước mà thôi. Giáo Hội làm điều này hết sức nhiệt tình, hoàn toàn tôn trọng tất cả mọi truyền thống văn hóa và tôn giáo; Giáo Hội hân hoan làm như thế, khi biết rằng Đấng được Giáo Hội loan báo không lấy đi bất cứ những gì là chân thực của con người, trái lại còn làm cho nó nên viên trọn nữa. Thật thế, Chúa Kitô đến chỉ để hủy diệt sự dữ, chỉ để hủy diệt tội lỗi mà thôi; còn mọi sự khác, tất cả những gì còn lại, Người đều thăng hóa và làm cho nên trọn hảo. Chúa Kitô không cứu chúng ta khỏi nhân tính của mình, mà là nhờ nhân tính ấy; Người không cứu chúng ta khỏi thế gian này, mà là đến với thế gian, để nhờ Người thế gian được cứu độ (x Jn 3:17).

 

Anh chị em thân mến, dù anh chị em ở đâu đi n ữa, chớ gì sứ điệp vui mừng và hy vọng này cũng vang tới tận tai của anh chị em, đó là Thiên Chúa đã làm người nơi Chúa Giêsu Kitô, Người đã được hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria va 2hôm nay Người tái sinh trong Giáo Hội. Người mang đến cho tất cả mọi người tình yêu của Cha trên trời. Người là Đấng Cứu Tinh của thế giới! Đừng sợ, hãy mở lòng mình ra cho Người và đón nhận Người, để Vương Quốc yêu thương và an bình của Người trở thành một di sản chung cho mỗi một con người nam nữ. Chúc anh chị em một Giáng Sinh hạnh phúc!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/urbi/documents/hf_ben-xvi_mes_20061225_urbi_en.html