ĐTC BIỂN ĐỨC XVI
Lễ Thánh Stephanô 26/12/2005 về Chứng Từ Đức Tin
Chúa Nhật Giáng Sinh Ngày 25/12/2005 về Mầu Nhiệm Giáng Sinh với Bình An Thế Giới
Chúa Nhật IV Mùa Vọng Ngày 18/12/2005 về Hình Ảnh Thánh Giuse
Chúa Nhật III Mùa Vọng Ngày 11/12/2005 về tinh thần đích thực của Lễ Giáng Sinh
Ngày 8/12/2005, Hành Hương Thánh Mẫu và Cảm Tưởng Công Đồng dịp Lễ Trọng Mẹ Vô Nhiễm
Chúa Nhật II Mùa Vọng Ngày 4/12/2005 về Quyền Tự Do Tôn Giáo
Chúa Nhật I Mùa Vọng Ngày 27/11/2005 về việc bước vào Mùa Vọng
Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Ngày 20/11/2005 về Chúa Kitô Vua trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng
Chúa Nhật 33 Ngày 13/11/2005 về Ơn Gọi của Người Tín Hữu Giáo dân
Ngày 1/11/2005 về Lễ Các Thánh và Các Đẳng
Chúa Nhật 31 Thường Niên về Việc Mừng Kỷ Niệm 40 Năm CĐC Vaticanô II ban hành 5 Văn Kiện
Chúa Nhật 29 Thường Niên 16/10 về Ngày Kỷ Niệm Được Bầu Làm Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II
Chúa Nhật 27 Thường Niên 2/10/2005 liên quan tới Thượng Nghị Giám Mục về Thánh Thể
Chúa Nhật 26 Thường Niên 25/9/2005 về Thánh Thể và Tình Yêu
Chúa Nhật XXV 18/9/2005 về Thánh Thiện và Bí Tích Thánh Thể
Chúa Nhật 11/9/2005 về Thánh Thể và Thánh Giá
Chúa Nhật XXIII 4/9/2005 về Giai Đoạn Cuối Cùng của Năm Thánh Thể
Chúa Nhật XXII Quanh Năm 28/8/2005 về Việc Truyền Bá Phúc Hóa và cảm nghiệm với Thánh Âu Quốc Tinh
Chúa Nhật 14/8/2005 về Gương Mẫu của người đàn bà xứ Canaan
Chúa Nhật 7/8/2005 về Mô Phạm của Ba Nhà Đạo Sĩ Đông Phương
Chúa Nhật XVII Quanh Năm 24/7/2005 Về Căn Gốc Âu Châu
Chúa Nhật 17/7/2005 về Giá Trị của Việc Nghỉ Hè
Chúa Nhật XV 10/7/2005 về Thánh Biển Đức Norcia và về việc nghỉ hè của ngài
Chúa Nhật XIV Quanh Năm 3/7/2005 về Cuốn Tổng Lược Giáo Lý Công Giáo
Lễ Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô 29/6/2005
Chúa Nhật 26/6/2005 về Lễ Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô, về vấn đề nghỉ hè và việc cẩn thận lái xe
Chúa Nhật 19/6/2005 về Ngày Tị Nạn Thế Giới
Chúa Nhật XI QN 12/6/2005 về Tầm Quan Trọng của Việc Tham Dự Thánh Lễ Chúa Nhật
5/6/2005 Chúa Nhật X Quanh Năm về Thánh Tâm Chúa và Khiết Tâm Mẹ
Chúa Nhật Ba Ngôi 22/5/2005 về Con Người Hình Ảnh Thiên Chúa Hiệp Thông
Chúa Nhật 15/5/2005 Hiện Xuống về Chúa Thánh Thần và Việc Truyền Chức Linh Mục
Chúa Nhật 8/5/2005 về Ngày Thế Giới Truyền Thông
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Lễ Thánh Stephanô 26/12/2005 về Chứng Từ Đức Tin
Anh Chị Em thân mến,
Hôm qua là lễ trọng kính việc Chúa Kitô hạ sinh, hôm nay, chúng ta tưởng nhớ đến cuộc hạ sinh Thiên Quốc của Thánh Stêphanô là người chứng tử đạo tiên khởi. Có một sự liên kết đặc biệt giữa hai lễ này và sự liên kết ấy được tóm gọn hay ho nơi lễ nghi theo Thánh Ambrôsiô với lời xác nhận là: “Hôm qua, Chúa đã giáng sinh trên thế gian, để Thánh Stephanô được sinh vào Nước Trời” (Khi bẻ bánh).
Như Chúa Giêsu trên Thập Giá đã hoàn toàn phó mình cho Chúa Cha và đã thứ tha cho những ai sát hại mình thế nào thì vào giây phút tử nạn của mình, Thánh Stêphanô cũng đã nguyện cầu rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lất tâm thần của con”; và thêm: “Lạy Chúa, xin đứng chấp tội lỗi của họ” (x Acts 7:59-60). Thánh Stephanô là người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu và đã bắt chước Người một cách hoàn hảo. Từ Thánh Stêphanô bắt đầu cả những chuỗi dài chư vị tử đạo, những vị đóng ấn đức tin của mình bằng việc hiến dâng mạng sống của các vị, loan báo với chứng từ anh hùng của mình rằng Thiên Chúa đã làm người để mở cửa Nước Trời cho loài người.
Trong bầu khí hân hoan Giáng Sinh thì việc nhắc nhở tới Thánh Tử Đạo Stephanô không phải là những gì không đúng lúc hợp thời. Thật vậy, bóng Thánh Giá đã bao trùm cả máng cỏ Bêlem nữa.
Cảnh bần cùng của hang đá, nơi con trẻ vang tiếng khóc, là những gì báo trước lời tiên tri của ông Simêon liên quan tới dấu hiệu chống đối và lưỡi gươm đâm thâu lòng Vị Trinh Nữ, cùng với cuộc bách hại của Hêrôđê cần phải lánh nạn sang Ai Cập.
Không lạ gì khi Con Trẻ này, khi thành nhân, một ngày kia đã yêu cầu thành phần môn đệ của mình phải theo Người bằng tất cả lòng tin tưởng và trung thành trên Con Đường Thánh Giá.
Ngay từ lúc rạng đông của Giáo Hội, nhiều Kitô hữu, được gương lành của Người lôi kéo và được tình yêu của Người nâng đỡ, đã làm chứng cho đức tin của họ bằng việc đổ máu mình ra. Những vị tử đạo tiên khởi được noi gương bắt chươc bởi những vị khác qua các thế kỷ cho tới thời của chúng ta đây.
Làm sao chúng ta không nhìn nhận rằng việc tuyên xưng đức tin Kitô Giáo đòi phải có đức anh hùng của các vị Tử Đạo cả trong thời đại của chúng ta nữa, ở những phần đất khác nhau trên thế giới? Ngoài ra, làm sao chúng ta lại không nói rằng ở khắp mọi nơi, thậm chí ở cả những nơi không xẩy ra cuộc bách hại nào, cũng có những giá cao cần phải trả cho việc nhất trí sống Phúc Âm chứ?
Chiêm ngưỡng Con Trẻ thần linh trong cánh tay Mẹ Maria và nhìn lên gương sáng của Thánh Stêphanô, chúng ta hãy xin Thiên Chúa ơn sống đức tin kiên trung, sẵn sàng đáp ứng những ai muốn hỏi chúng ta chứng tỏ niềm hy vọng ở nơi chúng ta (x 1Pt 3:15).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến
ngày 6/1/2006
“Ta mang đến cho các người một tin rất vui mừng… vì hôm nay trong thành Đavít, một Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các người, Người là Chúa Kitô” (Lk 2:10-11).
Đêm hôm qua, một lần nữa, chúng ta đã nghe sứ điệp của Thiên Thần nói với thành phần mục đồng, và chúng ta đã cảm nghiệm lại một lần nữa bầu không khí của đêm thánh ấy, Đêm Bêlem, thời điểm Con Thiên Chúa hóa thân làm người, được hạ sinh trong một hàng bò lừa hèn hạ và ở giữa chúng ta. Trong đêm trọng thể này, lời loan báo của Thiên Thần này lại vang lên một lần nữa, kêu mới chúng ta, con người nam nữ của đệ tam thiên kỷ đây, hãy đón nhận Đấng Cứu Thế. Chớ gì dân chúng của thế giới ngày nay đừng lưỡng lự trong việc để Người đi vào nhà của họ, vào thành phố của họ, vào quốc gia của họ, vào tất cả mọi nơi trên thế giới!
Trong thiên kỷ vừa qua đi, nhất là trong các thế kỷ vừa qua, tình trạng tiến bộ vượt bực đã được thực hiện nơi các lãnh vực về kỹ thuật và khoa học. Ngày nay chúng ta co trong tay nhiều nguồn vật chất lớn lao. Thế nhưng, thành phần nam nữ của thời đại kỹ thuật chúng ta đây lại đang có cơ nguy trở thành nạn nhân của những thành đạt về trí tuệ và kỹ thuật của mình, đi đến chỗ cằn cỗi tâm linh và trống rỗng cõi lòng. Đó là lý do tại sao rất ư là quan trọng để chúng ta mở tâm trí mình ra trước Việc Hạ Sinh của Chúa Kitô, biến cố cứu độ này lầnhững gì có thể cống hiến niềm hy vọng mới cho sự sống của từng con người.
“Ôi con người, hãy thức dậy! Vì ngươi mà Thiên Chúa đã làm người” (Thánh Âu Quốc Tinh, bầ giảng 185). Hãy thức dậy, Ôi con người nam nữ của đệ tam thiên kỷ! Khi Giáng Sinh, Đấng Toàn Năng đã trở nên một con trẻ và xin chúng ta giúp đỡ và bảo vệ. Đường lối của Ngài cho thấy rằng Ngài là Vị Thiên Chúa đang thách đố đường lối làm người của chúng ta. Bằng việc gõ cửa lòng chúng ta, Ngài thánh đố chúng ta và quyền tự do của chúng ta; Ngài kêu gọi chúng ta hãy xét xem chúng ta hiểu biết và sống cuộc đời của chúng ta ra sao.
Thời đại tân tiến này thường được coi như là một thứ bừng tỉnh của lý trí từ giấc ngủ của nó, là tình trạng khải ngộ của nhân loại sau thời tăm tối. Tuy nhiên, thiếu ánh sáng của Chúa Kitô, thì ánh sáng của lý trí vẫn không đủ để chiếu soi nhân loại và thế giới. Đó là lý do, những lời của bài Phúc Âm Giáng Sinh: “Ánh sáng thật đã chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian này” (Jn 1:9) giờ đây vang vọng hơn bao giờ hết như một lời loan báo ơn cứu độ. “Chỉ ở nơi mầu nhiệm của Lời hóa thành nhục thể mà mầu nhiệm về con người thực sự được sáng tỏ” (Vui Mừng và Hy Vọng, 22). Giáo Hội không ngừng lập lại sứ điệp hy vọng đã được tái khẳng định này bởi Công Đồng Chung Vaticanô II là biến cố đã bế mạc 40 năm trước đây.
Hỡi con người nam nữ ngày nay, hỡi nhân loại già đời song vẫn còn rất ư là yếu dại nơi lý trí và lòng muốn, hãy để cho Con Trẻ Belem nắm lấy tay của ngươi! Đừng sợ; hãy tin tưởng vào Người! Quyền năng ban sự sống của ánh sáng Người là một khích tố xây dựng một tân trật tự thế giới trên nền tảng của những mối liên hệ chính đáng về đạo lý và kinh tế. Chớ gì tình yêu của Ngài hướng dẫn hết mọi người trên trái đất và kiên cường ý thức chung của họ về việc họ là một “gia đình” được kêu gọi để nuôi dưỡng những mối liên hệ tin tưởng và hỗ tương. Một nhân loại hiệp nhất sẽ có thể đương đầu với nhiều vấn đề rắc rối của thời hiện đại đây: từ mối đe dọa khủng bố đến tình trạng nghèo khổ khốn cùng là tình trạng hằng bao nhiêu triệu con người đang sống, từ việc leo thang các loại vũ khí tới những nạn dịch cùng với việc hủy hoại môi sinh đe dọa tới tương lai của hành tinh chúng ta đây.
Chớ gì Vị Thiên Chúa làm người vì yêu thương nhân loại hãy kiên cường tất cả những ai ở Phi Châu đang hoạt động cho hòa bình, cho việc phát triển toàn diện cũng như cho việc ngăn ngừa những cuộc xung đột huynh đệ tương tàn, cho việc củng cố những vấn đề chuyển tiếp về chính trị hiện nay song vẫn còn bấp bênh, và cho việc bảo vệ những quyền lợi căn bản nhất của những ai đang trải qua những cuộc khủng hoảng thê thảm về nhân đạo, như những người ở Darfur vầnhững người oơ những vùng trung Phi Châu. Chớ gì Ngài dẫn các dân ộc ở Mỹ Châu Latinh đến cuộc sống an bình và thuận thảo. Chớ gì Ngài ban lòng can đảm cho thành phần thiện chí ở Thánh Địa, Iraq, Labanon, những nơi mà những dấu hiệu hy vọng đang thiếu hụt, cần được củng cố bằng những hành động theo tác động của sự công bằng và khôn ngoan; xin Ngài hãy ban thuận lợi cho tiến trình đối thoại ở quần đảo Đại Hàn và các nơi khác ở Á Châu, để, nhờ những ổn định các cuộc tranh cãi nguy hiểm, họ có được những đúc kết nhất trí và ôn hòa trong tinh thần thân hữu, những thành quả các dân tộc đang nao nức mong chờ.
Nơi Giáng Sinh, chúng ta chiêm ngưỡng Vị Thiên Chúa làm người, chiêm ngưỡng vinh quang thần linh được dấu ẩn dưới cảnh bần cùng của một Con Trẻ được bọc trong khăn và được đặt nằm trong máng cỏ; Đấng Tạo Hóa của vũ trụ biến thành một Con Trẻ bất lực. Một khi chúng ta chấp nhận cái mẫu thuẫn ngược đời này, chúng ta mới khám phá ra Sư Thật giải thoát chúng ta và Tình Yêu biến đổi cuộc sống của chúng ta. Vào Đêm Bêlem, Đấng Cứu Chuộc đã trở nên một người trong chúng ta, trở nên người bạn đồng hành với chúng ta trên những con đường bấp bênh của lịch sử. Chúng ta hãy nắm lấy bàn tay Người giờ ra cho chúng ta: Đó là bàn tay chẳng tìm kiếm những gì từ chúng ta ngoài việc ban phát mà thôi.
Cùng với các mục đồng, chúng ta hãy tiến vào hàng lừa Bêlem dưới ánh mắt của Mẹ Maria, người chứng âm thầm của việ chạ sinh huyền nhiệm này. Chớ gì Mẹ giúp chúng ta cảm nghiệm được niềm hạnh phúc của Giáng Sinh, chớ gì Mẹ dạy chúng ta cách trân quí trong lòng mình mầu nhiệm của Thiên Chúa là Đấng vì chúng ta đã hóa thân làm người; và chớ gì Mẹ giúp chúng ta làm chứng cho sự thật, tình yêu và an bình của Ngài trong thế giới của chúng ta đây.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
25/12/2005
ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật IV Mùa Vọng Ngày 18/12/2005 về Hình Ảnh Thánh Giuse
Anh Chị Em thân mến!
Trong những ngày Mùa Vọng này, phụng vụ kêu mời chúng ta hãy đặc biệt chiêm ngưỡng Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse, những vị đã sống đặc biệt thiết tha thời điểm trông đợi và sửa soạn cho việc hạ sinh của Chúa Giêsu. Hôm nay tôi muốn hướng ánh mắt của chúng ta về hình ảnh của Thánh Giuse. Theo Phúc Âm hôm nay, Thánh Luca cho thấy Mẹ Maria “đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc nhà Đavít” (1:27). Tuy nhiên, vị đề cao nhất đến tầm quan trọng của người cha nuôi của Chúa Giêsu là Thánh Ký Mathêu, vị nhấn mạnh là, nhờ người cha nuôi ấy, theo pháp lý Con Trẻ đã thuộc về giòng dõi Đavít, làm cho lời Thánh Kinh được nên trọn, Lời Thánh Kinh tiên báo Đấng Thiên Sai là “con vua Đavít”.
Thế nhưng, vai trò của Thánh Giuse không thể chỉ hạn hẹp về khía cạnh pháp lý. Ngài là mô phạm của một con người “công chính” (Mt 1:19), con người hoan tàầ hợp với người bạn đời của mình đón nhận Con Thiên Chúa làm người và trông coi việc tăng trưởng của Người về phương diện làm người. Bởi thế, trong những ngày trước Giáng Sinh đây, thật là thích hợp để thiết lập một thứ đối thoại thiêng liêng với Thánh Giuse, nhờ đó Thánh Nhân giúp chúng ta sống hết cỡ mầu nhiệm đức tin này.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu dấu, vị đã rất sùng mộ Thánh Giuse, đã lưu lại cho chúng ta một bài suy niệm đáng ca ngợi giành cho Thánh Nhân trong tông huấn “Redemptoris Custos – Vị Coi Sóc Đấng Cứu Chuộc”. Trong nhiều khía cạnh được ngài nhấn mạnh, ngài đã đặc biệt chú trọng tới việc thinh lặng của Thánh Giuse. Việc Thánh Nhân im lặng được sâu đậm bằng việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Thiên Chúa, với một thái độ hoàn toàn hiến mình cho ý muốn thần linh.
Nói cách khác, việc thinh lặng của Thánh Giuse không cho thấy một thứ nội tâm trống rỗng, trái lại, một nội tâm tràn đầy niềm tin tưởng được Thánh Nhân ấp ủ trong tim, và là một nội tâm hướng dẫn từng tư tưởng và hành động của Thánh Nhân. Một sự thinh lặng, nhờ đó, Thánh Giuse, cùng với Mẹ Maria, canh chừng Lời Chúa là lời được biết đến qua Sách Thánh, so sánh lời này một cách liên tục với các biến cố của cuộc sống Chúa Giêsu; một sự thinh lặng đan kết với việc liên lỉ nguyện cầu, một lời nguyện cầu ngợi khen Chúa, tôn thờ thánh ý của Ngài và tin tưởng vô biên vào sự quan phòng của Ngài. Không quá để nói rằng Chúa Giêsu sẽ học được – ở lãnh vực nhân loại – chính yếu từ “người cha” Giuse dđ72i sống nội tâm sâu xa này, một đời sống nội tâm là điều kiện của sự công chính chân thực, “một sự công chính nội tại”, sự công chính mầmột ngày kia Người sẽ dạy cho các môn đệ của Người (x Mt 5:20).
Chúng ta hãy “nhiễm lấy” sự thinh lặng của Thánh Giuse! Nó rất ư là thiếu hụt trên thế giới này là nơi thường nhộn nhịp, không thích hợp với việc hồi tưởng và lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Trong thời gian sửa soạn Giáng Sinh đây, chúng ta hãy vun trồng việc hồi tâm trong lòng để lãnh nhận và giữ lấy Chúa Giêsu trong đời sống của mình.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
18/12/2005
Anh Chị Em thân mến:
Sau cuộc long trọng cử hành Lễ Mẹ Hoài Thai Vô Nhiễm, chúng ta tiến vào những ngày đầy không khí cảm kích của việc sửa soạn mừng Lễ Giáng Sinh linh thánh sắp tới. Trong xã hội hưởng thụ ngày nay, tiếc thay, giai đoạn này là giai đoạn trải qua một thứ “ô nhiễm” thương mại là những gì nguy hiểm làm thay thế đi tinh thần đích thực của giai đoạn sửa soạn này, một giai đoạn cần phải được đánh dấu bằng việc suy tư, điềm đạm, một niềm hân hoan không phải hời hợt bề ngoài mà là sâu xa bên trong.
Bởi thế, thật là thích đáng, như cửa dẫn vào Lễ Giáng Sinh, có một lễ về Mẹ của Chúa Giêsu, Người Mẹ, hơn ai hết, có thể dẫn chúng ta tới chỗ nhận biết, mến yêu và tôn thờ Con Thiên Chúa làm người. Vì vậy, chúng ta hãy để cho Mẹ hỗ trợ chúng ta; chớ gì những cảm thức của Mẹ phấn khích chúng ta trong việc dọn mình bằng một con tim chân thành và tinh thần cởi mở để nhận ra Con Thiên Chúa nơi Con Trẻ Bêlem, Đấng đến thế gian vì phần rỗi của chúng ta. Chúng ta hãy bước đi với Mẹ trong nguyện cầu và chấp nhận lời mời gọi được ngỏ cùng chúng ta theo phụng vụ Mùa Vọng lập lại là hãy cứ đợi trông, một niềm trông đợi tỉnh táo và hân hoan, vì Chúa sẽ không trì hoãn: Người đến để giải phóng dân Người khỏi tội lỗi.
Tiếp tục truyền thống đẹp đẽ và bền bỉ lâu đời, nhiều gia đình đã bắt đầu trưng bày máng cỏ, như thể sống lại với Mẹ Maria những ngày đầy cảm động trước việc hạ sinh của Chúa Giêsu. Việc trưng bày máng cỏ tại nhà có thể là một việc đơn giản nhưng lại là một cách thức hiệu nghiệm trong việc trình bày niềm tin cùng việc truyền đại niềm tin này cho con cái của mình. Máng cỏ này giúp chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa là Đấng đã tỏ mình ra nơi cảnh bần cùng và đơn hèn của hang Bêlem.
Thánh Phanxicô Assisi quá ngất ngây trước mầu nhiệm Nhập Thế, đến nỗi ngài muốn trình bày mầu nhiệm này ra ở Greccio với một máng cỏ sống động tỏ tường, nhờ đó, ngài đã trở thành vị khởi xướng của một truyền thống phổ thông lâu đời là những gì vẫn giữ được giá trị của nó trong việc truyền bá phúc âm hóa ngày nay.
Thật vậy, máng cỏ này có thể giúp cho chúng ta hiểu được cái bí mật của Lễ Giáng Sinh đích thực, vì nó nói về sự khiêm hạ và sự thiện hảo xót thương của Chúa Kitô, Đấng “mặc dù giầu sang cũng vì chúng ta trở nên nghèo khó” (2Cor 8:9). Cảnh nghèo khổ của Người làm phong phú những ai ôm ấp nó và Lễ Giáng Sinh mang lại niềm vui và an bình cho những ai, như những người mục đồng ngày xưa, biết chấp nhận những lời của thiên thần ở Bêlem: “Đây là dấu hiệu cho các người, đó là các người sẽ thấy một con trẻ bọc trong khăn nằm trong máng cỏ” (Lk 2:12). Đó vẫn tiếp tục là dấu hiệu cả cho chúng ta nữa, những con người nam nữ của thế kỷ 21 này. Ngoài ra không còn một Lễ Giáng Sinh nào khác.
Như Đức Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta đã làm, trong ít phút nữa đây, tôi cũng sẽ làm phép các tượng ảnh Con Trẻ Giêsu được trẻ em ở Rôma đặt nơi máng cỏ tại nhà của các em. Với cử chỉ này, tôi xin Chúa giúp đỡ để tất cả mọi gia đình Kitô hữu biết sửa soạn lấy niềm tin cử hành các ngày lễ mùa Giáng Sinh tới đây. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết sống tinh thần đích thực của Lễ Giáng Sinh.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 11/12/2005
“Anh Chị Em thân mến!
“Hôm nay chúng ta cử hành lễ trọng kính Ơn Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đây là một ngày hết sức vui mừng về phần thiêng liêng, ngày chúng ta chiêm ngưỡng Trinh Nữ Maria, vị được đại thi hào Dante đã ca ngợi là “phận thấp hèn / Trổi Vượt hơn tất cả trên cao, / Một Giới Hạn được tiền định bởi ý muốn đời đời”. Nơi Mẹ chiếu tỏa sự thiện hảo của Vị Hóa Công, Đấng theo dự định cứu độ của mình, đã chọn Mẹ là mẹ của Người Con Duy Nhất của Ngài, và đã gìn giữ Mẹ khỏi tất cả mọi tì vết tội lỗi nhờ tiên hưởng cuộc tử nạn của Người Con này” (x Collect Prayer). Bởi thế, nơi Người Mẹ của Chúa Kitô cũng là Mẹ của chúng ta, ơn gọi làm người đã được hoàn toàn hiện thực.
“Thánh Tông Đồ Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng tất cả mọi người đều được kêu gọi trở thành những thánh nhân vô tì tích trước nhan Thiên Chúa trong yêu thương (x Eph 1:4). Khi chiêm ngưỡng Vị Trinh Nữ này, làm sao trong chúng ta là con cái của Mẹ lại không bừng lên nỗi ước vọng mỹ lệ, ước vọng thiện hảo, ước vọng có một con tim tinh tuyền? Tính chất vô tội thiên đình của Mẹ là những gì lôi kéo chúng ta hướng về Thiên Chúa, giúp chúng ta thắng vượt khuynh hướng sống theo cuộc đời thường tình, bắt tay thỏa hiệp với sự dữ, dứt khoát dẫn chúng ta tới sự thiện đích thực là nguồn sống hân hoan.
“Ngày hôm nay làm cho tôi nghĩ lại ngày 8/12/1965, ngày Vị Tôi Tớ Chúa là Đức Phaolô VI đã long trọng bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II, một biến cố của giáo hội lớn nhất thế kỷ 20, một biến cố được Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII khai mở 3 năm trước đó. Giữa niềm hân hoan của vô vàn tín hữu ở Quảng Trường Thánh Phêrô, Đức Phaolô VI đã ký thác việc áp dụng các văn kiện của công đồng cho Trinh Nữ Maria, kêu cầu Mẹ với tước hiệu dễ thương là Mẹ Giáo Hội. Khi long trọng chủ tế Thánh Lễ sáng nay ở Đền Thờ Vatican, tôi đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về tặng ân Công Đồng Chung Vaticanô II. Ngoài ra, tôi cũng chúc tụng Mẹ Maria Rất Thánh về việc Mẹ đã hỗ trợ sinh hoạt của giáo hội trong 40 năm đầy những biến cố này.
“Mẹ Maria, với việc chăm sóc từ mẫu của mình, đã đặc biệt trông coi các giáo triều của những vị tiền nhiệm tôi, mỗi một giáo triều đã lèo lái con thuyền Phêrô trên con đường thực sự canh tân của công đồng, không ngừng hoạt động để dẫn giải và thi hành một cách trung thành Công Đồng Chung Vaticanô II.
“Anh chị em thân mến, như một việc tôn vương của ngày hôm nay hoàn toàn giành cho Vị Trinh Nữ Thánh này, theo truyền thống cổ kính, vào chiều nay tôi sẽ đi đến Trụ Cột Piaoãa di Spagna, đến chân tượng Mẹ Vô Nhiễm. Tôi xin anh chị em hãy hiệp với tôi trong chuyến hành hương này để thực hiện tác động tỏ lòng con cái mộ mến Mẹ Maria, để dâng hiến thành phố Rôma dấu yêu đây, Giáo Hội và toàn thể nhân loại cho Mẹ”.
Qua bài huấn từ truyền tin về Lễ Mẹ Vô Nhiễm trên đây, Đức Thánh Cha chẳng những đã nhắc đến Thánh Lễ ban sáng mà còn cả cuộc hành hương ban chiều của ngài nữa.
Về Thánh Lễ ban sáng, trong bài giảng cho Lễ Mẹ Vô Nhiễm tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng giây phút Đức Phaolô VI tuyên bố Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội “vẫn không thể nào xóa mờ trong ký ức của ngài”. Ngài cho biết thêm như sau:
“Các vị nghị phụ đột nhiên tự động đứng lên vỗ tay để tỏ lòng tôn kính Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của chúng ta, tôn kính Mẹ của Giáo Hội.
“Mẹ Maria chẳng những liên hệ chuyên biệt với Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng là người muốn làm con Mẹ. Hoàn toàn liên kết với Chúa Kitô, Mẹ cũng hoàn toàn thuộc về chúng ta nữa”.
Về cuộc hành hương Thánh Mẫu ban chiều, vào lúc 4 giờ chiều, ngài đã đến với Tượng Mẹ Vô Nhiễm ở Piaoãa di Spagna. Trên 10 ngàn tín hữu đã cùng Đức Thánh Cha Biển Đức tham dự việc ngài hiến dâng này, việc hiến dâng đã được ngài bày tỏ bằng những lời lẽ tiêu biểu sau đây:
“Trong ngày này, lần đầu tiên với tư cách Thừa Kế Thánh Phêrô, con đến chân tượng Mẹ Vô Nhiễm ở Piaoãa di Spagna đây, theo tinh thần thực hiện cuộc hành hương rất thường được các vị tiền nhiệm của con thực hiện này….
Trong lời hiến dâng của mình, vị Giáo Hoàng đương kim cũng nhắc lại biến cố Công Đồng Chung Vaticanô II bế mạc, một cuộc bế mạc được diễn ra bằng một Thánh Lễ tại Quảng Trường Thánh Phêrô, và trong bài giảng cho Thánh Lễ Bế Mạc này, “Đức Phaolô VI đã hướng tư tưởng của mình về Đức Trinh Nữ ‘Mẹ Thiên Chúa và là linh Mẫu của chúng ta,… một tạo vật hoàn toàn phản ảnh ngời sáng hình ảnh Thiên Chúa’.
“Nhớ đến nhiều biến cố đánh dấu 40 năm qua, làm sao chúng con hôm nay lại không nhớ tới những giây phút khác nhau làm nên cuộc hành trình của Giáo Hội trong giai đoạn này chứ? Trong 4 thập niên này, Vị Nữ Trinh đã hỗ trợ các vị mục tử, nhất là các vị Thừa Kế Thánh Phêrô… Mẹ đã hướng dẫn Giáo Hội tiến tới chỗ hiểu biết và áp dụng một cách trung thành các văn kiện của công đồng này. Đó là lý do, đại diện cho toàn thể cộng đồng giáo hội, con xin cám ơn Trinh Nữ rất Thánh… với cùng một niềm cảm mến đã tác động các Vị Nghị Phụ Công Đồng giành cho Mẹ chương cuối cùng của Hiến Chế Tín Lý ‘Ánh Sáng Muôn Dân’ để nhấn mạnh đến mối giây bất khả phân ly thắt kết Đức Trinh Nữ với Giáo Hội.
“Hỡi Nữ Trinh Thiên Mẫu và là Mẹ của chúng con, xin hãy dạy cho chúng con biết giữ lấy các mầu nhiệm về đời sống của Chúa Kitô trong tâm can của chúng con mà âm thầm suy niệm như Mẹ. Xin Mẹ đã tiến lên Đồi Canvê, … cũng làm cho chúng con cảm thấy được việc Mẹ cận kề trong mỗi một giây phút cuộc đời, nhất là trong những lúc đen tối và thử thách. Mẹ đã cùng với các Thánh Tông Đồ nguyện cầu vào Ngày Lễ Ngũ Tuần đã xin tặng ân Thánh Linh xuống cho Giáo Hội sơ sinh, xin giúp cho chúng con biết trung thành theo Chúa Kitô. Chúng con tin tưởng hướng ánh mắt của chúng con về Mẹ ‘như dấu hiệu của niềm hy vọng và ủi an vững chắc… cho tới khi Chúa đến’.
“Vâng, con xin cám ơn Mẹ, hỡi Vị Nữ Trinh Thiên Mẫu và là Mẹ chí ái của chúng con, về việc Mẹ chuyển cầu cho Giáo Hội”.
“Con mang đến những nỗi âu lo và niềm hy vọng của thời đại chúng con đặt dưới chân Mẹ thiên đình của Đấng Cứu Chuộc.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit và VIS phổ biến ngày 8/12/2005
ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Mùa Vọng Ngày 4/12/2005 về Quyền Tự Do Tôn Giáo
Anh Chị Em thân mến!
Trong thời điểm Mùa Vọng này, cộng đồng giáo hội được kêu mời, trong khi sửa soạn cử hành đại mầu nhiệm Nhập Theê, tái nhận thức và đào sâu mối liên hệ bản thân với Thiên Chúa. Tiếng Latinh “adventus” ám chỉ việc Chúa Kitô đến và nhấn mạnh tới việc Thiên Chúa tiến đến với nhân loại, một việc mà mỗi người được kêu gọi đáp ứng một cách cởi mở, mong đợi, tìm kiếm và gắn bó. Và như Thiên Chúa tuyệt đối tự do khi tỏ mình và ban mình bởi được nguyên lực tình yêu tác động, thì con người cũng tự nguyện dâng lên Ngài việc hưởng ứng của mình, mặc dù nó là điều thích đáng, ở chỗ Thiên Chúa đợi chờ việc yêu thương đáp ứng. Trong những ngày này, phụng vụ cho thấy Trinh Nữ Maria – vị chúng ta sẽ chiêm ngưỡng vào Thứ Năm tới đây, ngày 8/12, nơi mầu nhiệm Hoài Thai Vô Nhiễm – là mật mẫu gương tuyệt hảo của việc đáp ứng ấy.
Vị Trinh Nữ này lắng nghe, lúc nào cũng sẵn sàng làm trọn ý
Chúa, và là mô phạm cho tín hữu muốn sống đời tìm kiếm Thiên Chúa. Về vấn đề
này, cũng như về mối liên hệ giữa sự thật và tự do, Công Đồng Chung Vaticanô
II tỏ ra kỹ lưỡng suy tư. Nhất là, đúng 40 năm trước đây, các vị Nghị Phụ công
đồng đã chấp thuận một bản tuyên ngôn về vấn đề tự do tôn giáo, tức là vấn đề
quyền lợi của những con người và cộng đồng trong việc được tìm kiếm chân lý và
tự do tuyên xưng niềm tin của mình. Những lời đầu tiên làm nên nhan đề của bản
văn kiện này đó là chữ “dignitatis humanae”: Quyền tự do tôn giáo xuất phát từ
phẩm vị đặc thù của con người, thành phần, trong tất cả mọi tạo vật trên trái
đất này, là loài duy nhất có thể thiết lập mối liên hệ tự do và ý thức đối với
hóa công của mình.
Công Đồng này viết: “Theo phẩm vị là người của mình - tức là những hữu thể được phú bẩm lý trí và ý muốn tự do nên cũng là những hữu thể phải chịu trách nhiệm riêng tư – mà tất cả mọi người liền bị bắt buộc theo bản tính, và cũng bị bắt buộc bởi trách nhiệm luân lý nữa, trong việc tìm kiếm sự thật, nhất là sự thật về đạo giáo”.
Như thế là Công Đồng Chung Vaticanô II tái khẳng định giáo huấn truyền thống Công Giáo là truyền thống dạy rằng con người, vì là một tạo vật linh thiêng, có thể biết được sự thật, nên có nhiệm vụ và quyền lợi tìm kiếm sự thật (cf. ibid. 3). Căn cứ vào nền tảng này, Công Đồng nhấn mạnh một cách bao rộng về quyền tự do tôn giáo là quyền cần phải được bảo đảm cho cả cá nhân lẫn cộng đồng, vì nhu cầu khẩn trương hợp lý của lãnh vực xã hội. Và giáo huấn này của công đồng, sau 40 năm, tiếp tục vẫn còn là những gì rất hợp thời. Thật vậy, quyền tự do tôn giáo chẳng những không được bảo đảm ở khắp mọi nơi: Ở một số trường hợp nó lại còn bị chối bỏ theo những động lực về tôn giáo hay theo ý hệ; ở những trường hợp khác, cho dù được nhìn nhận qua văn bản, nó vẫn gặp trở ngại về thực hành bởi quyền lực chính trị, hay, một cách quỉ quyệt hơn, bởi sự thịnh hành về văn hóa của chủ nghĩa bất khả thần tri và tương đối.
Chúng ta hãy nguyện cầu để hết mọi con người được hiện thực ơn gọi tôn giáo được in ấn nơi hữu thể của họ. Xin Mẹ Maria giúp chúng nhận ra nơi dung nhan của con trẻ Bêlam được thụ thai trong cung lòng trinh nguyên của Mẹ, Đấng Cứu Chuộc thần linh, Đấng đến thế gian để tỏ cho chúng ta thấy dung nhân đích thật của Thiên Chúa.
(sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp:)
Trong tuần này, bắt đầu vào ngày 9/12, chúng ta sẽ mừng 30 năm Bản Tuyên Ngôn về Các Quyền Lợi của Thành Phần Khuyết Tật được Liên Hiệp Quốc ban bố. Nhân dịp này, tôi mời mỗi người hãy gia tăng hoạt động cho thành phần khuyết tật trong xã hội, nơi thế giới làm việc, cũng như nơi cộng đồng Kitô hữu, nhớ rằng mọi sự sống con người đều đáng tôn trọng và cần phải bảo vệ từ khi được thụ thai cho tới khi tự nhiên qua đời. Tôi nguyện cầu và nâng đỡ tất cả những ai dấn thân cho công việc lớn lao này.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
4/12/2005
ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật I Mùa Vọng Ngày 27/11/2005 về việc bước vào Mùa Vọng
Anh Chị Em thân mến!
Mùa Vọng bắt đầu vào Chúa Nhật đây, một thời gian rất cảm kích về quan điểm đạo nghĩa, vì nó đầy những hy vọng và mong đợi linh thiêng. Thời nào cộng đồng Kitô hữu cũng sửa soạn tưởng nhớ đến việc hạ sinh của Đấng Cứu Chuộc, nó cảm thấy một nỗi rung động mừng vui ở một tầm mức nào đó truyền đạt cho cả toàn thể xã hội loài người nữa.
Trong Mùa Vọng, dân Kitô giáo sống lại một biến động lưỡng diện về tinh thần. Một đàng, họ hướng mắt về mục đích cuối cùng của cuộc hành trình trong lịch sử, đó là việc trở lại vinh quang của Chúa Giêsu Kitô; mặt khác, khi cảm kích nhớ lại việc Người hạ sinh ở Bêlem, họ cúi mình xuống trước máng cỏ của Người. Niềm hy vọng của Kitô hữu được hướng về tương lai, thế nhưng vẫn luôn bắt nguồn từ một biến cố trong quá khứ. Khi tới thời điểm viên trọn, Con Thiên Chúa đã được hạ sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, “được hạ sinh bởi một người nữ, được hạ sinh theo lề luật”, như Thánh Phaolô đã viết (Gal 4:4).
Hôm nay Phúc Âm mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức khi đợi chờ Chúa Kitô tới. Chúa Giêsu nói: “Hãy coi chứng! Vì các con không biết được bao giờ chủ nhà về” (Mk 13:35-37). Bài dụ ngôn ngắn về người chủ bỏ đi có việc và về người đầy tớ có trách nhiệm thay thế ông, cho thấy tầm quan trọng của việc sẵn sàng đón nhận Chúa khi Người đến một cách bất ngờ. Cộng đồng Kitô hữu mong mỏi đợi chờ “việc tỏ hiện” của Người, và Thánh Tông Đồ Phaolô, khi viết cho tín hữu Côrintô, khuyên họ hãy tin tưởng vào việc trung thành của Thiên Chúa, và hãy sống làm sao để khi Người trở lại Người vẫn thấy họ “không lỗi tội” (x 1Cor 1:7-9) vào ngày của Chúa. Đó là lý do mà rất ư là thích hợp khi mở màn cho Mùa Vọng phụng vụ đặt lên môi miệng chúng ta lời kêu cầu của Thánh Vịnh: “Xin hãy tỏ cho chúng con tình yêu kiên trung của Chúa, Ôi Lạy Chúa, và ban cho chúng con ơn cứu độ của Chúa” (84:8).
Chúng ta có thể nói rằng Mùa Vọng là thời điểm Kitô cần phải làm bừng lên trong lòng mình niềm hy vọng canh tân thế giới, với ơn Chúa Giúp. Về khía cạnh này, hôm nay tôi cũng xin nhắc lại hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” của Công Đồng Chung Vaticanô II về Giáo Hội trong thế giới hiện đại: Đó là một văn kiện tràn ngập niềm hy vọng Kitô giáo.
Tôi muốn đề cập đặc biệt tới khoản 39, với tiểu đề “Đất Mới và Trời Mới”. Nơi khoản này, người ta đọc thấy rằng: “Chúng ta được dạy rằng Thiên Chúa đang sửa soạn một nơi cư trú mới và một đất mới là nơi công chính ngự trị (x 2Cor 5:2; 2Pt 3:13). Tuy nhiên, “việc mong đợi một đất mới không được làm suy yếu đi mà còn làm phấn khích việc chúng ta quan tâm tới vấn đề xây dựng trái đất này”. Thật vậy, chúng ta sẽ tái nhận thức được những hoa trái nơi nỗ lực của mình khi Chúa Kitô trao cho Cha của Người vương quốc hằng hữu và phổ quát của Người. Chớ gì Mẹ Maria rất thánh, vị trinh nữ Mùa Vọng, giúp chúng ta sống mùa ân sủng này một cách tỉnh thức và dấn thân trong khi đợi chờ Chúa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến
ngày 27/11/2005
Anh Chị Em thân mến!
Hôm nay là ngày Chúa Nhật cuối cùng của phụng niên, ngày Giáo Hội cử hành lễ trọng kính Chúa Kitô, Vua của Vũ Trụ. Từ khi được loan báo về việc hạ sinh của Người, Người Con duy nhất của Cha, do Trinh Nữ Maria sinh ra, Người đã được gọi là “vua”, theo nghĩa thiên sai cứu độ, tức là vị kế thưa ngôi báu Đavít, theo những lời hứa báo của các vị tiên tri, về một vương quốc sẽ vô cùng bất tận (x Lk 1:32-33).
Vương thế của Chúa Kitô hoàn toàn được ẩn kín cho tới khi ngài được 30 tuổi, một thời gian được trải qua với một cuộc sống bình thường ở Nazarét. Sau đó, trong cuộc sống công khai của mình, Chúa Giêsu đã khai trương một tân vương quốc, một tân vương quốc “không thuộc về thế gian này” (Jn 18:36), và cuối cùng Người đã hoàn toàn hiện thực vương quốc mới này bằng cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Sống lại, hiện ra với các tông đồ, Người nói cùng họ rằng: “Tất cả mọi quyền bính trên trời dưới đất đã được trao cho Thày” (Mt 28:18). Quyền bính này xuất phát từ tình yêu, một tình yêu Thiên Chúa đã hoàn toàn bày tỏ nơi hy tế của Con Ngài. Vương quốc của Chúa Kitô là tặng ân được ban cho con người thuộc mọi thời đại, để ai tin vào lời nhập thể “thì không bị chết nhưng được sự sống đời đời” (Jn 3:16). Vì lý do này, chính trong cuốn sách cuối cùng của Thánh Kinh là Sách Khải Huyền đã có câu tuyên bố: “Ta là Alpha và là Omega, là đầu và là cuối, là nguyên thủy và là cùng đích” (22:13).
“Chúa Kitô, Alpha và Omega”, bởi thế, là nhan đề của đoạn (45) kết thúc phần đầu của hiến chế mục vụ “Vui Mừng và Hy Vọng” được Công Đồng ban hành 40 năm trước đây. Trong đoạn tuyệt vời này, một đoạn dưa theo mấy lời của vị tôi tớ Chúa là Giáo Hoàng Phaolô VI, chúng ta đọc thấy rằng: “Chúa Kitô là mục đích của lịch sử con người, là điểm qui tụ của những gì lịch sử và văn minh mong ước, là tâm điểm của loài người, là niềm vui của hết mọi con tim và là thỏa đáp cho tất cả mọi khát vọng”.
Và ngài còn thêm: “Được khơi động và hiệp nhất trong Thần Linh của Người, chúng ta hành trình tiến về tình trạng cánh chung của lịch sử loài người, một tình trạng hoàn toàn hợp với dự án của tình yêu Thiên Chúa, đó là ‘tái lập mọi sự trong Chúa Kitô, cả những sự ở trên trời cũng như những sự ở dưới thế’ (Eph 11:10)” (khoản số 45).
Theo chiều hướng lấy Chúa Kitô làm tâm điểm, hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” giải thích tình trạng của con người hiện đại, của ơn gọi và phẩm vị con người, cũng như của các lãnh vực đời sống con người đó là gia đình, văn hóa, kinh tế, chính trị và cộng đồng quốc tế. Sứ vụ của Giáo Hội hôm qua, hôm nay và mãi mãi, đó là loan báo và làm chứng cho Chúa Kitô, nhờ đó, con người, hết mọi người, được hoàn toàn hiện thực ơn gọi của mình.
Xin Trinh Nữ Maria, vị được Thiên Chúa liên kết cách đặc biệt với vương quyền Con Mẹ, giúp chúng ta biết nhìn nhận Người là Chúa của cuộc đời chúng ta trong việc trung thành cộng tác vào việc thực hiện cho vương quốc tình yêu, công lý và hòa bình của Người trị đến.
(Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, trong số những lời chào nhắc khác, ĐTC đã nhắc đến Lễ Mẹ Dâng Mình 21/11 như sau:)
Ngày mai là phụng vụ lễ nhớ Rất Thánh Maria Dâng Mình vào đền thờ, Ngày “Pro Orantibus”, tức là ngày giành cho các cộng đồng tu trì sống đời chiêm niệm. Thay mặt cho toàn thể Giáo Hội, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến những người hiến đời mình cho việc nguyện cầu trong nơi cao cổng kín tường, cống hiến một chứng từ sống động lấy Thiên Chúa và Vương Quốc của Ngài làm ưu tiên, tôi mời gọi tất cả mọi người hãy gắn bó với họ bằng việc chúng ta hỗ trợ họ về tinh thần cũng như vật chất.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 20/11/2005
Anh Chị Em thân mến,
Sáng nay tại Đền Thờ Thánh Phêrô những Vị Tôi Tớ Chúa đã đưoơc tôn phong chân phước là Charles de Foucauld, linh mục, Maria Pia Mastena, nữ sáng lập dòng Chị Em Thánh Nhan, và Maria Crocifissa Curcio thuộc Dòng Chị Em Truyền Giáo Carmeêô Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Các vị được thêm vào sổ bộ rất nhiều các vị chân phước mà, trong giáo triều của Đức Gioan Phaolô II, đã được dự trù để được tôn kính bởi các cộng đồng giáo hội nơi các vị sống, với ý thức về những gì đã được Công Đồng Chung Vaticanô II nhấn mạnh, tức là, vấn đề những ai đã lãnh nhận phép rửa đều được kêu gọi sống đời Kitô hữu trọn lành: linh mục, tu sĩ và giáo dân, mỗi người tùy theo đặc sủng và ơn gọi riêng của mình.
Thật vậy, Công Đồng này đã chú trọng rất nhiều đến vai trò của người tín hữu giáo dân, giành hẳn một chương cho họ, đó là chương thứ 4 ở hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân” về Giáo Hội để xác định ơn gọi và sứ vụ của mình là những gì được bắt nguồn từ phép rửa và thêm sức, và hướng tới “việc tìm kiếm vương quốc của Thiên Chúa bằng cách tham gia vào trần thế vụ cũng như bằng cách hướng những trần thế vụ này theo dự án của Thiên Chúa” (khoản số 31).
Vào ngày 18/11/1965, các vị nghị phụ đã chấp thuận một sắc lệnh đặc biệt về việc tông đồ của người giáo dân, “Apostolicam Actuositatem”. Trước hết sắc lệnh này nhấn mạnh rằng “việc thành đạt của hoaạ động tông đồ giáo dân lệ thuộc vào việc hiệp nhất sống động của giáo dân với Chúa Kitô” (khoản 4), tức là, lệ thuộc vào đời sống tu đức vững chắc, một đời sống được nuôi dưỡng bằng việc tham dự chủ động vào phụng vụ và được thể hiện nơi lối sống của các phúc đức phúc âm.
Ngoài ra, khả năng chuyên nghiệp, cảm quan về gia đình, cảm quan về dân sự cùng các thứ giá trị về xã hội là những gì đặc biệt quan trọng nơi giáo dân. Mặc dù họ được kêu gọi riêng tư để cống hiến chứng từ cá nhân của mình, một chứng từ đặc biệt quí báu bất cứ ở nơi đâu quyền tự do của Giáo Hội gặp trở ngại, Công Đồng này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tông đồ có tổ chức cần thiết để gây ảnh hưởng tới tâm thức chung, tới những tình trạng và cơ cấu xã hội (khoản 18). Về vấn đề này, các vị nghị phụ đã khuyến khích những hội đoàn giáo dân khác nhau, đồng thời cũng nhấn mạnh tới việc huấn luyện họ cho hoạt động tông đồ này. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta muốn thượng hội giám mục thế giới năm 1987 chú trọng tới đề tài ơn gọi và sứ vụ của giáo dân, với tông huấn hậu thượng nghị được ban hành là “Người Tín Hữu Giáo Dân”.
Tóm lại, tôi muốn nhắc lại rằng Chúa Nhật vừa rồi ở Vương Cung Thánh Đường Vicenza đã có một người mẹ trong gia đình đã được phong chân phước là Eurosia Fabris, biệt danh là “Má Hoa Hồng”, gương mẫu của đời sống Kitô hữu ở bậc giáo dân. Chúng ta hãy trao phó toàn thể dân Chúa cho tất cả những vị đã được ở trên quê hương thiên đình, cho tất cả mọi vị thánh của chúng ta, trước hết cho Đức Maria Rất Thánh và phu quân của Người là Thánh Giuse, để mọi người lãnh nhận phép rửa càng ý thức hơn việc họ được kêu gọi để dấn thân làm việc một cách tốt đẹp trong vườn nho của Chúa.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
13/11/2005
ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Ngày 1/11/2005 về Lễ Các Thánh và Các Đẳng
Anh Chị Em thân mến!
Hôm nay chúng ta cử hành lễ trọng kính Các Thánh, một lễ khiến chúng ta cảm được niềm vui được thuộc về đại gia đình bạn hữu Thiên Chúa, hay như Thánh Phaolô viết: “thông phần gia sản của các thánh trong vinh quang” (Col 1:12). Phụng vụ một lần nữa cho thấy lời bày tỏ đầy ngỡ ngàng của Tông Đồ Gioan: “Hãy coi Chúa Cha đã yêu thương chúng ta biết bao, để chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa; mà quả thực chúng ta là như thế” (1Jn 3:1).
Phải, nên thánh nghĩa là hoàn toàn nhận thức được những gì chúng ta được thăng hóa trong Chúa Giêsu Kitô với phẩm vị được làm con cái thừa nhận của Thiên Chúa (cf. Ephesians 1:5; Romans 8:14-17). Bằng việc nhập thể của Người Con này, bằng cái chết và cuộc phục sinh của Người, Thiên Chúa muốn hòa giải mình với toàn thể nhân loại và cho nhân loại được thông phần vào sự sống của Ngài. Ai tin vào Chúa Kitô Con Thiên Chúa thì được hạ sinh “từ trên cao”, thì được tái sinh bởi tác động của Thánh Thần (x Jn 3:1-8). Mầu nhiệm này được thể hiện nơi bí tích thanh tẩy là bí tích Giáo Hội nhờ đó hạ sinh “các thánh nhân”.
Sự sống mới được lãnh nhận nơi phép rửa là những gì không lệ thuộc vào sự băng hoại hay vào quyền lực sự chết. Vì ai sống trong Chúa Kitô thì sự chết là cuộc vượt qua cuộc lữ hành trần gian mà về cùng quê hương thiên quốc, nơi Chúa Cha đón nhận tất cả mọi con cái của Ngài, thành phần “thuộc mọi quốc gia, mọi bộ tộc và mọi dân tộc và ngôn ngữ”, như chúng ta đọc thấy hôm nay trong Sách Khải Huyền (7:9).
Vì lý do này, thật là quan trọng và thích hợp, sau lễ Các Thánh, phụng vụ ngày mai để chúng ta cử hành việc tưởng nhớ đến tất cả mọi tín hữu đã qua đời. Việc “các thánh cùng thông công”, việc thông công được chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, là một thực tại được thể hiện trên trần gian này, thế nhưng việc thông công này sẽ hoàn toàn được biểu lộ khi chúng ta thấy Thiên Chúa “như Ngài là” (1Jn 3:2).
Việc hiệp thông này là thực tại của một gia đình được hiệp nhất bởi những mối giây liên kết linh thiêng, một liên kết linh thiêng hiệp nhất thành phần tín hữu qua đời với thành phần tín hữu đang lữ hành trên trần gian này. Mối liên hệ nhiệm mầu nhưng thật sự, được nuôi dưỡng bằng việc nguyện cầu và tham sự bí tích Thánh Thể. Nơi Nhiệm Thể Chúa Kitô, các hồn thiêng của tín hữu gặp gỡ nhau, vượt trên ngãng trở sự chết, nguyện cầu cho nhau, và hiện thực việc trao đổi thực sự các tặng ân trong đức ái. Bằng việc thông công này, chiều kích đức tin cũng được hiểu là việc dâng lời nguyện cầu an nghỉ cho người quá cố, nhất là bằng hy tế Thánh Thể là việc tưởng niệm Biến Cố Vượt Qua của Chúa Kitô, Đấng đã mở đường cho tín hữu tiến vào sự sống trường sinh.
Liên kết mình cách linh thiêng với những ai đang ra nghĩa trang để nguyện cầu cho người quá cố của họ, chính tôi cũng nguyện cầu vào chiều mai ở Hầm Mộ Vatican trước mồ của các vị Giáo Hoàng quanh mộ của Tông Đồ Phêrô, và tôi đặc biệt tưởng nhớ đến Đức Gioan Phaolô II của chúng ta.
Các bạn thân mến, chớ gì việc viếng thăm mồ mả người quá cố
theo truyền thống này là cơ hội để chúng ta mạnh dạn nghĩ đến mầu nhiệm sự
chết và vun trồng việc liên lỉ tỉnh thức để sẵn sàng đối diện với nó một cách
thanh thản. Chớ gì chúng ta được Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Các Thánh, hộ phù,
vị chúng ta giờ đây đầy lòng trông cậy con cái dâng lời nguyện cầu.
Thật vậy, theo chương trình, như ngài đã nói trong huấn từ
truyền tin trên đây, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đến viếng mộ của Đức Gioan
Phaolô II vào lúc 6 giờ chiều với tính cách riêng tư. Từ ngày qua đời đến nay,
mỗi ngày có khoảng 20 ngàn người đến thăm mộ của vị Giáo Hoàng vừa nằm xuống
này, những việc viếng thăm đã được vị đương kim Giáo Hoàng nhận định và bày tỏ
trong huấn từ truyền tin Chúa Nhật 29 ngày 16/10/2005, dịp kỷ niệm 27 năm được
bầu làm giáo hoàng của vị tiền nhiệm:
“Trước ngôi mộ của ngài trong hầm mộ Vatican, nhiều tín hữu vẫn không ngừng tiếp tục tuốn đến kính viếng, và điều này cho thấy một dấu hiệu hùng hồn là Đức Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta đã đi vào lòng người như thế nào, trước hết, là vì chứng từ yêu thương của ngài và việc ngài sẵn sàng chấp nhận khổ đau. Nơi ngài, chúng ta có thể ca tụng sức mạnh của đức tin và lời nguyện cầu của ngài, và cách ngài hoàn toàn phó thác bản thân ngài cho Đức Maria Rất Thánh, vị luôn đồng hành với ngài và bảo vệ chở che ngài, nhất là trong những lúc khốn khó nhất và bi thảm nhất trong cuộc đời của ngài”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 2/11/2005
Anh Chị Em thân mến!
Bốn Mươi Năm trước đây, vào ngày 28/10/1965, khóa họp thứ bảy của Công Đồng Chung Vaticanô II được diễn ra. Khóa họp này được tiếp nối nhanh chóng bởi 3 khóa khác, và khóa cuối cùng vào ngày 8/12, kết thúc Công Đồng này. Trong thời khoảng cuối cùng của biến cố lịch sử của giáo hội ấy, một biến cố được bắt đầu 3 năm trước đó, một số lớn các văn kiện của công đồng đã được chuẩn nhận. Một số văn kiện này là những văn kiện nổi tiếng và thường được trích dẫn. Những văn kiện khác ít tiếng tăm hơn nhưng cũng đáng ghi nhớ, vì chúng giữ được giá trị của mình và cho thấy tính cách hợp thời của mình, ở một nghĩa nào đó, lại còn gia tăng nữa.
Hôm nay, tôi muốn nhắc lại 5 văn kiện được Người Tôi Tớ Chúa là Giáo Hoàng Phaolô VI cùng với các vị nghị phụ của công đồng ký nhận ngày 28/10/1965. Những văn kiện ấy là sắc lệnh “Christus Dominus” về thừa tác vụ mục tử của các vị giám mục; sắc lệnh “Perfectae Caritatis” về việc canh tân đời sống tu trì; sắc lệnh “Optatem Totius” về việc đào luyện linh mục; tuyên ngôn “Gravissimum Educationis” về việc giáo dục Kitô giáo, và sau hết là tuyên ngôn “Nostra Aetate” về mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
Các đề tài về việc đào luyện linh mục, về đời sống tận hiến và về thừa tác vụ của hàng giáo phẩm đã là đối tượng của 3 thượng nghị giám mục thế giới trong thời khoảng 1990, 1995 và 2001. Các đề tài ấy được tái bàn và đào sâu hơn nữa giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II, như được chứng thực trong các tông huấn hậu thượng nghị do vị tiền nhiệm của tôi là Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II ban hành, đó là “Pastores Dabo Vobis”, “Vita Consecrata” và “Pastores Gregis”.
Tuy nhiên, được biết đến ít hơn là văn kiện về giáo dục. Giáo Hội bao giờ cũng dấn thân cho việc giáo dục giới trẻ, thành phần được công đồng này gán cho “một tầm quan trọng tối đa”, vì cả đời sống của con người lẫn sự tiến bộ của xã hội (lời mở đầu của văn kiện này). Cho tới ngày hôm nay, ở kỷ nguyên truyền thông toàn cầu này, cộng đồng giáo hội thấy tầm quan trọng của thể chế giáo dục nhìn nhận tính cách chính yếu của con người là một ngôi vị, hướng về sự thật và sự thiện. Thành phần giáo dục tiên khởi và chính yếu là cha mẹ, được xã hội dân sự hỗ trợ theo nguyên tắc phụ trợ (x khoản 3).
Giáo Hội, được Chúa Kitô trao phó công việc loan truyền “con đường sự sống” (x ibid.) cảm thấy rằng Giáo Hội có một trách nhiệm đặc biệt về vấn đề giáo dục. Giáo Hội cố gắng hoàn thành sứ vụ này bằng những cách thức khác nhau: nơi gia đình, tại giáo xứ, qua các hội đoàn, các phong trào và các nhóm dấn thân huấn luyện và truyền bá phúc âm, và nhất là ở các trường học, các học việc cao cấp và các đại học đường (x các khoản 5-12).
Tuyên ngôn “Nostra Aetate” cũng có một tầm vóc quan trọng hiện nay, vì nó ảnh hưởng tới thái độ của cộng đồng giáo hội đối với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Căn cứ vào nguyên tắc “tất cả mọi dân tộc làm nên một cộng đồng duy nhất” và Giáo Hội có sứ vụ “nuôi dưỡng mối hiệp nhất và bác ái” giữa các dân tộc (khoản 1), Công Đồng này “không phủ nhận những gì thánh hảo và chân thực” nơi các tôn giáo khác và loan báo cho tất cả mọi người biết Chúa Kitô “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”, nơi Người con người tìm thấy “tầm mức trọn vẹn của đời sống đạo giáo” (khoản 2). Với bản tuyên ngôn “Nostra Aetate”, các Vị Nghị Phụ Công Đồng Vaticanô II đã nêu lên một số sự thật trọng yếu: ở chỗ rõ ràng nhắc nhở mối liên kết đặc biệt thắt nối Kitô hữu với người Do Thái (khoản 4); nhấn mạnh đến việc Giáo Hội quí trọng những người Hồi giáo (khoản 3) và những tín đồ thuộc các đạo khác (khoản 2); và nhấn mạnh đến tinh thần huynh đệ đại đồng cấm thái độ kỳ thị hay bắt hại đạo giáo (khoản 5).
Anh Chị Em thân mến, trong khi tôi mời anh chị em hãy tiếp tục nắm giữ những văn kiện này một lần nữa, tôi xin an hem hãy cùng tôi cầu cùng Trinh Nữ Maria để Mẹ giúp tất cả mọi tín hữu tin vào Chúa Kitô luôn sinh động tinh thần của Công Đồng Chung Vaticanô II, hầu góp phần vào việc thiết lập trên thế giới mối tình huynh đệ đại đồng đáp ứng ý muốn của Thiên Chúa về con người được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
(Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC tiếp bằng lời kêu gọi như sau:)
Như tất cả chúng ta đều biết, vào ngày 8/10/2005 vừa qua, một trận động đất dữ dội đã xẩy ra ở miền đất Kashmir, nhất là bên phía Pakistan, gây chết chóc trên 50 ngàn người cùng với những thiệt hại khủng khiếp. Cũng trong trường hợp này, những hình thức tỏ ra đoàn kết thì nhiều, nhưng nhu cầu đường như lại lớn hơn việc cứu trợ cho tới nay. Bởi thế, tôi xin lập lại lời kêu gọi của tôi với cộng đồng quốc tế, để gia tăng nỗ lực trong việc hỗ trợ những con người đang chịu khổ đau quá nhiều.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/10/2005
Anh Chị Em thân mến!
Việc cử hành Thánh Thể hôm nay tại Quảng Trường Thánh Phêrô đây đã chấm dứt Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới và đồng thời kết thúc Năm Thánh Thể là năm đã được vị Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta mở ra vào tháng 10 năm 2004.
Tôi xin lập lại niềm tri ân thân ái của tôi với quí nghị phụ thân yêu khả kính, những vị tôi đã được dịp làm việc hết mình chung qua ba tuần lễ trong bầu không khí hiệp thông huynh đệ. Các suy tư, chứng từ, kinh nghiệm và đề nghị về đề tài “Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Tột Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội” đã được thu thập để viết thành một bức tông huấn, một bức tông huấn khi chú trọng tới những thực tại khác nhau trên thế giới sẽ là những gì giúp vào việc phác họa nên gương mặt cộng đồng “Công Giáo”, một cộng đồng hướng tới việc sống liên kết, qua tính cách đa dạng của các nền văn hóa, mầu nhiệm chính yếu của đức tin, đó là mầu nhiệm Nhập Thể cứu chuộc mà Thánh Thể là sự hiện diện sống động.
Ngoài ra, hôm nay, như các tấm hình ở mặt tiền Đền Thờ Vatican cho thấy, tôi hân hoan tuyên phong 5 vị thánh mới, vào lúc kết thúc Năm Thánh Thể, tôi muốn nêu lên những hoa trái mẫu gương của mối hiệp thông sự sống với Chúa Kitô.
Các vị đó là Jozef Bilczewski, giám mục ở Lviv lễ nghi Latinh; linh mục Gaetano Catanoso, vị sáng lập Dòng Chị Em Vêrônica Thánh Nhan; Zygmunt Gorazdowski, linh mục Balan, sáng lập Dòng Chị Em Thánh Giuse; Alberto Hurtado Cruchaga, linh mục Dòng Tên, người Chí Lợi; và tu sĩ dòng Capuchin Felice de Nicosia.
Mỗi người trong 5 vị môn đệ này của Chúa Giêsu có một đời sống nội tâm được hình thành bởi sự hiện diện thần linh là sự hiện diện được các ngài tin tưởng, cử hành và tôn thờ nơi Bí Tích Thánh Thể. Ngoài ra, mỗi vị đã sống theo những sắc thái khác nhau lòng tôn sùng con thảo dịu dàng với Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Kitô. Những vị thánh mới này, những vị chiêm ngưỡng trong vinh quang thiên quốc, mời gọi chúng ta trong mọi hoàn cảnh hãy chạy đến với việc bảo bệ từ mẫu của vị trinh nữ trong việc thăng tiến hơn trên con đường trọn lành của phúc âm, một con đường trọn lành được hỗ trợ bởi mối liên lỉ hiệp nhất với Chúa Kitô thực sự hiện diện trong bí tích Thánh Thể.
Có thế chúng ta mới có thể sống ơn gọi hết mọi Kitô hữu được mời gọi, tức là ơn gọi trở thành “tấm bánh được bẻ ra cho thế gian sự sống”, như Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo nhắc nhở chúng ta, ngày chúng ta đang cử hành hôm nay đây. Mối liên hệ giữa việc truyền giáo và Thánh Thể là những gì đặc biệt quan trọng. Thật vậy, việc truyền giáo và hoạt động truyền bá phúc âm hóa là việc tông đồ truyền bá một tình yêu thương có được như thể bắt nguồn từ Bí Tích Thánh.
Ai lãnh nhận Chúa Kitô nơi thực tại Mình và Máu này không thể nào giữ lấy đặc ân này cho mình, mà là được thôi thúc để chia sẻ nó ra bằng chứng từ Phúc Âm can trường, trong việc phục vụ anh chị em mình gặp cơn khốn khó, trong việc thứ tha khi bị xúc phạm. Ngoài ra, đối với một số người, Thánh Thể là hạt giống của một ơn gọi đặc biệt trong việc từ bỏ hết mọi sự để ra đi loan báo Chúa Kitô cho những người vẫn còn chưa biết Người. Chúng ta hãy ký thác cho Mẹ Maria Rất Thánh, người nữ Thánh Thể, những hoa trái thiêng liêng của Thượng Nghị này cũng như của Năm Thánh Thể. Xin Mẹ coi sóc đường đi nước bước của Giáo Hội và dạy chúng ta lớn lên trong mối hiệp thông với Chúa Giêsu để trở thành chứng nhân cho tình yêu của Người, một tình yêu chất chứa cái bí mật của niềm vui.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/10/2005
Anh Chị Em thân mến:
Hai mươi bảy năm trước đây, vào một ngày như hôm nay đây, Chúa đã kêu gọi Hồng Y Karol Wojtyla, TGM Krakow, để kế vị Đức Gioan Phaolô đệ nhất qua đời ngắn ngủi sau một tháng được tuyển bầu. Với Đức Gioan Phaolô II, một trong những giáo triều dài nhất lịch sử Giáo Hội được mở màn, một giáo triều có vị Giáo Hoàng, “người đến từ một xứ sở xa xôi”, được nhìn nhận là một thẩm quyền về luân lý, kể cả nhiều người không phải Kitô hữu và vô tín ngưỡng, như được chứng tỏ qua các cuộc biểu lộ cảm tình trước cơn bệnh của ngài và niềm thương cảm xót xa sau cái chết của ngài.
Trước ngôi mộ của ngài trong hầm mộ Vatican, nhiều tín hữu vẫn không ngừng tiếp tục tuốn đến kính viếng, và điều này cho thấy một dấu hiệu hùng hồn là Đức Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta đã đi vào lòng người như thế nào, trước hết, là vì chứng từ yêu thương của ngài và việc ngài sẵn sàng chấp nhận khổ đau. Nơi ngài, chúng ta có thể ca tụng sức mạnh của đức tin và lời nguyện cầu của ngài, và cách ngài hoàn toàn phó thác bản thân ngài cho Đức Maria Rất Thánh, vị luôn đồng hành với ngài và bảo vệ chở che ngài, nhất là trong những lúc khốn khó nhất và bi thảm nhất trong cuộc đời của ngài.
Chúng ta có thể diễn tả Đức Gioan Phaolô II như là vị Giáo Hoàng hoàn toàn hiến thân cho Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria, như khẩu hiệu của ngài tỏ tường cho thấy: “Totus tuus”. Ngài đã được tuyển chọn vào giữa tháng mân côi, và chuỗi mân côi, thường được ngài cầm trong tay, trở thành một trong những biểu hiệu cho giáo triều của ngài, một giáo triều được Đức Trinh Nữ trông nom săn sóc bằng mối quan tâm từ mẫu. Qua truyền thanh và truyền hình, tín hữu trên thế giới đã có thể liên kết với ngài vào một số dịp cầu loại kinh Thánh Mẫu ấy, và nhờ gương sáng cùng các giáo huấn của ngài, họ tái nhận thức được ý nghĩa đích thực của kinh nguyện này, một ý nghĩa chiêm niệm và Kitô học (xem tông thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria”, các khoản 9-17).
Thật vậy, kinh mân côi không nghịch lại với việc suy niệm Lời Chúa và kinh nguyện phụng vụ; trái lại, kinh nguyện này còn là một thứ bổ túc một cách tự nhiên và tuyệt vời, nhất là để sửa soạn và tạ ơn trong việc cử hành Thánh Thể. Chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Kitô là Đấng chúng ta gặp gỡ trong Phúc Âm và nơi các bí tích, ở vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời của Người, qua các mầu nhiệm mân côi vui, sáng, thương và mừng.
Nơi học đường Maria, chúng ta nhờ đó học biết liên kết bản thân mình với Người Con thần linh của Mẹ và loan báo Người bằng chính cuộc sống của chúng ta. Nếu Thánh Thể, đối với Kitô hữu, là trọng tâm của ngày sống, thì kinh mân côi góp phần một cách đặc biệt vào việc hiệp thông kéo dài với Chúa Kitrô, và kinh này dạy chúng ta sống bằng ánh mắt tâm can gắn chắt vào Người để chiếu tỏa cho mọi người và mọi sự tình yêu nhân hậu của Người.
Chiêm niệm và truyền giáo: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta là như thế. Ngài là thế nhờ mối hiệp nhất sâu xa của ngài với Thiên Chúa, một mối hiệp nhất hằng ngày được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể và những giây phút nguyện cầu lâu giờ.
Vào giây phút nguyện Kinh Truyền Tin này đây, một giây phút ngài rất yêu chuộng, chúng ta cần phải hân hoan và có nhiệm vụ tưởng nhớ đến ngài nhân dịp mừng kỷ niệm này, lập lại việc chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho Giáo Hội và thế giới một vị thừa kế rất xứng đáng của Tông Đồ Phêrô. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biết trân quí di sản châu báu của ngài.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tín liệu của Zenit và điện thư VIS ngày 17/10/2005
Anh Chị Em thân mến,
Sáng nay, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, là lễ phong chân phước cho vị giám mục ở Muenster là Clemens August von Galen, một đối thủ chính yếu dũng cảm của chế độ Nazi. Được thụ phong linh mục năm 1904, ngài đã thi hành thừa tác vụ của mình lâu dài tại một giáo xứ ở Bá Linh, và vào năm 1933, trở thành giám mục giáo phận Muenster. Nhân danh Thiên Chúa, ngài đã bài bác chống đối ý hệ tân ngoại giáo duy quốc gia dân tộc, bênh vực quyền tự do của Giáo Hội cũng như các thứ nhân quyền là những đang vị trầm trọng vi phạm, bênh vực người Do Thái và thành phần yếu kém nhất, thành phần bị chế độ này coi như cặn bạ cần bị loại trừ.
Vị mục tử dũng cảm này đã tung ra 3 bài giảng vang lừng trong năm 1941. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã phong ngài làm hồng y vào tháng 2 năm 1946, và ngài đã qua đời vào tháng sau đó, trước lòng tôn kính của tín hữu, thành phần nhận thấy nơi ngài tấm gương dũng cảm Kitô giáo. Đây là chính sứ điệp bao giờ cũng hợp thời của Chân Phước von Galen: Đức tin không thể bị biến thành một thứ cảm thức riêng tư, một cảm thức có lẽ bị giấu kín khi nó trở thành một cái gì đó khó chịu; trái lại, nó bao hàm việc gắn bó và chứng từ nơi lãnh vực công khai vì con người, công lý và sự thật. Tôi hết lòng chúc mừng cộng đồng giáo phận Muenster cũng như Giáo Hội Đức quốc, xin Chúa ban muôn ơn lành cho tất cả mọi người qua lời chuyển cầu của vị tân chân phước đây.
Trong những ngày này, như anh chị em biết, Thượng Hội Giám Mục đang diễn ra ở Vatican, để suy tư sâu xa về đề tài Thánh Thể trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Tôi đã chủ sự các cuộc họp của tuần lễ thứ nhất, cũng như ở tuần lễ thứ hai tới đây. Cuộc thượng nghị này sẽ là một hứa hẹn chính yếu của tôi. Tôi xin anh chị em hãy tiếp tục nguyện cầu cho cuộc thượng nghị đây để nó có thể mang lại hoa trái theo lòng mong ước. Đặc biệt trong Tháng 10 này, tháng mà toàn thể cộng đồng giáo hội được kêu gọi để làm mới lại việc dấn thân truyền giáo của mình, tôi kêu gọi anh chị em hãy tiếp tục những gì được Đức Gioan Phaolô II viết trong phần thứ 4 của bức tông thư “Xin Chúa Ở Lại Với Chúng Con” liên quan tới Thánh Thể như là “nguyên tắc và là dự án truyền giáo” (các khoản 24-28). “Việc gặp gỡ Chúa Kitô, một cuộc gặp gỡ liên tục được gia tăng và kiên cường nơi Thánh Thể, làm phát sinh nơi Giáo Hội cũng như nơi mọi Kitô hữu lời kêu gọi khẩn trương thực hiện việc làm chứng và truyền bá phúc âm hóa” (số 24). Điều này được nhấn mạnh ở lời chào giải tán cuối Thánh Lễ: “Ite, missa est”, một lời chào nhắc nhở “sứ vụ” này, công việc của những ai tham dự vào việc cử hành để mang Tin Mừng được nhận lãnh cho tất cả mọi người và làm cho xã hội được nhờ Tin Mừng này mà sinh động.
Chúng ta hãy ký thác ý hướng này cho việc chuyển cầu của Rất Thánh Maria và Thánh Daniele Comboni, vị sẽ được phụng vụ tưởng nhớ vào ngày mai. Chớ gì ngài, vị truyền bá phúc âm hóa và là vị bảo vệ lừng danh lục địa Phi Châu, giúp Giáo Hội trong thời đại của chúng ta đây biết lấy đức tin và lòng can đảm đáp ứng lệnh truyền của Chúa Kitô phục sinh, Đấng đã mời gọi Giáo Hội loan truyền tình yêu Thiên Chúa cho tất cả mọi dân nước.
(Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC nói tiếp:)
Thật là đau buồn khi nghe tin xẩy ra cuộc động đất hôm qua ở Nam Á đã gây thiệt hại và mất mát mạng sống trầm trọng ở Pakistan, Ấn Độ và A Phú Hãn. Tôi xin trao phó cho tình xót thương ưu ái của Thiên Chúa tất cả những ai đã chết, và tôi xin chia sẻ niềm cảm thông sâu xa nhất của tôi với nhiều ngàn người bị thương tích hay có người bị thiệt mạng. Tôi nguyện cầu để cộng đồng quốc tế sẽ mau chóng và quảng đại đáp ứng tai hoạ này, và tôi xin Chúa ban lòng can đảm và sức mạnh cho những ai tham gia vào công cuộc giải cứu và tái thiết.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Zenit ngày Chúa Nhật 9/10/2005
Anh Chị Em thân mến!
Việc cử hành Thánh Thể vừa chấm dứt trong Đền Thờ Thánh Phêrô, việc cử hành để khai mạc cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thường Lệ. Các nghị phụ của cuộc họp này, đến từ khắp nơi trên thế giới, cùng với các chuyên gia và thành phần đại biểu, sẽ sống trên ba tuần tới đây với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, một thời gian đặc biệt để nguyện cầu, suy tư chia sẻ về đề tài: “Thánh Thể: Nguồn Mạch và Thượng Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội”.
Tại sao lại là đề tài này? Phải chăng nó là một lập luận tự nhiên mà có – tự nhiên mà được? Thật vậy, tín lý Công giáo về Thánh Thể, một tín lý được xác định theo thẩm quyền của Công Đồng Chung Triđentinô, là những gì cần phải được chấp nhận, sống động và truyền đạt cho cộng đồng giáo hội một cách mới mẻ hơn, thích hợp với thời đại.
Thánh Thể cũng được coi như là một thứ “ống kính” để liên lỉ xem xét dung nhan và đường lối của Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập để tất cả mọi người có thể nhận biết tình yêu Thiên Chúa và tìm thấy nơi Ngài sự sống viên trọn. Đó là lý do, vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta mới muốn giành cho Thánh Thể cả một năm, một năm được bế mạc chính vào ngày kết thúc Cuộc Thượng Hội này vào ngày 23/10, thời điểm cũng sẽ cử hành Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo.
Sự trùng hợp này là để giúp chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thánh Thể theo chiều kích truyền giáo. Thật vậy, Thánh Thể là động lực của toàn thể hoạt động truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội, như con tim nơi thân thể của con người. Các cộng đồng Kitô hữu – không cử hành Thánh Thể là việc họ được dưỡng nuôi ở hai bàn tiệc Lời Chúa và Mình Chúa Kitô – sẽ mất đi bản chất chân thực của mình: Chỉ ở mức độ là “Thánh Thể” các cộng đồng này mới có thể truyền đạt Chúa Kitô cho con người, chứ không phải chỉ là những ý tưởng hay giá trị, cho dù những thứ này có cao quí và quan trọng đến đâu đi nữa.
Thánh Thể đã khuôn đúc nên những vị tông đồ truyền giáo nổi danh ở tất cả mọi bậc sống: giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân và các thánh sống đời hoạt động và chiêm niệm. Một mặt, chúng ta hãy nghĩ đến Thánh Phanxicô Xaviê, vị được lòng kính mến Chúa Kitô đưa đến Viễn Đông để loan báo Phúc Âm; đàng khác, Thánh Thérèse thành Lisieux, người nữ đan tu Carmêlô trẻ trung, vị chúng ta đã thực sự cử hành lễ hôm qua, Chị đã sống trong nội vi tu viện với tinh thần tông đồ hăng say, lập công đi rao giảng, cùng với Thánh Phanxicô Xaviê, làm quan thày của hoạt động truyền giáo của Giáo Hội.
Chúng ta hãy kêu xin các vị chuyển cầu cho công cuộc của thượng nghị này, cũng như việc chuyển cầu của các Vị Thiên Thần Bản Mệnh được chúng ta kính nhớ hôm nay. Với lòng tin tưởng, chúng ta hãy ký thác bản thân mình trên hết cho Trinh Nữ Maria, vị chúng ta sẽ kính tôn vào ngày 7/10 tới đây với tước hiệu Đức Trinh Nữ Mân Côi. Tháng Mười được giành cho kinh mân côi thánh, cho việc nguyện cầu chiêm niệm đặc thù là những gì, được Mẹ của Chúa ở trên trời của chúng con dẫn dắt. Chúng ta gắn chặt mắt vào dung nhan của Chúa Kitô.
Lời Kinh Nguyện cổ thời này đang trải qua một cuộc thăng hoa mới thuận lợi, một phần nhờ gương sáng và giáo huấn của Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta. Tôi mời gọi anh chị em hãy đọc lại tông thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria” và mang ra thực hành những gì ngài chỉ dẫn ở tầm cấp cá nhân, gia đình và cộng đồng. Chúng ta ký thác cho Mẹ Maria các việc làm của cuộc thượng nghị giám mục này: Xin Mẹ dẫn toàn thể Giáo Hội đến chỗ nhận thức rõ ràng hơn bao giờ hết sứ vụ của Giáo Hội trong việc phụng sự Đấng Cứu Chuộc thực sự đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 2/10/2005
ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa
Nhật 26 Thường Niên 25/9/2005 về Thánh Thể và Tình Yêu
Anh Chị Em thân mến,
Trong ngày Chúa Nhật cuối cùng tôi sống ở Castel Gandolfo này, tôi muốn gửi lời
chào tới tất cả mọi người trong tỉnh đây, lập lại tất cả tấm lòng tri ân chân
thành của tôi về việc họ tiếp đón tôi.
Tiếp tục suy niệm về mầu nhiệm Thánh Thể, tâm điểm của đời sống Kitô giáo, hôm
nay, tôi muốn nhấn mạnh đến mối liên kết giữa Thánh Thể và đức ái. Tình yêu,
“theo tiếng Hy Lạp là “agape”, theo tiếng Latinh là “caritas”, trước hết không
có nghĩa là một tác động hay cảm tình bác ái, mà là tặng ân linh thiêng, là tình
yêu Thiên Chúa được Thánh Thần tuôn đổ vào lòng con người, để rồi dẫn con người
hiến mình cho chính Thiên Chúa và tha nhân của mình.
Cả cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu, từ khi được hoài thai cho đến khi chết
trên thập tự giá, là một tác động yêu thương, cho đến độ chúng ta có thể tóm đức
tin của chúng ta bằng những lời này: “Chúa Giêsu là đức ái” – Giêsu là yêu
thương. Trong Bữa Tiệc Ly, biết rằng đã đến giờ của mình, vị Tôn Sư thần linh
này đã ban cho các môn đệ của mình một tấm gương yêu thương cao cả, rửa chân cho
các vị, và phó cho các vị di sản quí giá là Thánh Thể, một bí tích gồm tóm tất
cả mầu nhiệm vượt qua, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đáng kính đã viết
trong thông điệp “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể”. Tất cả các con hãy lãnh nhận mà
ăn, vì “này là Mình Thày”, “tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì này là chén
Máu Thày”.
Những lời của Chúa Giêsu trong nhà tiệc ly đã tiên dự cuộc tử nạn của Người và
bộc lộ việc Người ý thức về cuộc tử nạn ấy, biến nó thành việc Người tự ban tặng
bản thân mình, bằng tác động yêu thương hoàn toàn hiến ban. Nơi Thánh Thể, Chúa
Giêsu hình mình cho chúng ta bằng thân thể của Người, bằng linh hồn của Người và
bằng thần tính của Người, và chúng ta trở nên một với Người và giữa chúng ta.
Bởi thế, việc chúng ta đáp ứng tình yêu cần phải là những gì cụ thể, và cần phải
được thể hiện bằng một cuộc hoán cải chân thực cho tình yêu, bằng việc thứ tha,
bằng việc chấp nhận nhau và bằng việc lưu tâm tới các nhu cầu của tất cả mọi
người. Những hình thức phục vụ, nếu chúng ta chú ý một chút, thì nhiều và khác
nhau chúng ta có thể cống hiến cho tha nhân của chúng ta trong cuộc sống hằng
ngày. Thánh Thể nhờ đó trở thành một nguồn lực linh thiêng canh tân đời sống của
chúng ta hằng ngày, và nhờ đó, canh tân tình yêu của Chúa Kitô giành cho thế
giới.
Những chứng nhân gương mẫu về tình yêu này là các vị thánh, những vị kín múc từ
Thánh Thể sức mạnh của một đức ái sinh động và thường là anh hùng. Giờ đây tôi
đặc biệt nghĩ đến Thánh Vinh Sơn đệ Phaolô chúng ta sẽ cử hành lễ nhớ vào ngày
kia, vị đã nói: “Hân hoan biết bao được phục vụ con người Chúa Giêsu nơi các
phần tử nghèo khổ của Người!” và Người đã làm vậy bằng cả cuộc sống của Người.
Tôi cũng đang nghĩ tới Chân Phước Mẹ Têrêsa, vị sáng lập dòng Chư Thừa Sai Bác
Ái, vị mà nơi các người nghèo nhất trong các người nghèo đã yêu mến Chúa Giêsu
là Đấng được lãnh nhận và chiêm ngưỡng hằng ngày nơi Bánh Thánh Hiến.
Đức ái thần linh biến đổi tấm lòng của Trinh Nữ Maria trước và hơn con tim của
tất cả mọi vị thành. Sau biến cố Truyền Tin, được tác động bởi Đấng Mẹ đang được
cưu mang trong lòng, Mẹ của Lời nhập thể đi thăm và giúp đỡ người chị em họ của
Mẹ. Chúng ta hãy nguyện cầu để hết mọi Kitô hữu, được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu
Thánh Chúa, càng ngày càng lớn hơn trong tình yêu Chúa và quảng đại giúp đỡ anh
chị em mình.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 25/9/2005
ĐTC Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXV 18/9/2005 về Thánh Thiện và Bí Tích Thánh Thể
Anh Chị Em thân mến,
Vì Năm Thánh Thể đang đi đến hồi kết thúc, tôi muốn tiếp tục một lần nữa một đề tài đặc biệt quan trọng, một đề tài rất thân thương với tâm hồn của vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đó là mối liên hệ giữa sự thánh thiện là con đường và là mục tiêu của Giáo Hội cũng như của mỗi người Kitô hữu với Thánh Thể.
Đặc biệt là hôm nay đây tôi muốn nói với các vị linh mục để nhấn mạnh rằng cái bí mật của việc thánh hóa họ là ở nơi Thánh Thể. Vì chức thánh, linh mục lãnh nhận tặng ân và việc dấn thân lập lại theo bí tích những cử chỉ và lời nói được Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly thiết lập việc tưởng nhớ đến Cuộc Vượt Qua của Người.
Nơi đôi tay của các vị phép lạ cả thể của tình yêu này được lập lại, từ đó, ngài được kêu gọi biến mình thành chứng nhân và là người rao giảng, từng ngày một cách trung thành hơn (Tông Thư Xin Chúa Ở Với Chúng Con, 30).
Bởi thế mà vị linh mục, trước hết mọi sự, cần phải là con người tôn thờ và chiêm ngưỡng Thánh Thể, từ lúc ngài cử hành bí tích này.
Chúng ta quá biết rằng sự thành hiệu của bí tích không lệ thuộc vào sự thánh thiện của vị cử hành, thế nhưng công hiệu của bí tích này đối với ngài và đối với người khác sẽ dồi dào hơn ở chỗ ngài sống bằng một đức tin sâu xa, một tình mến nồng nàn và một tinh thần thiết tha nguyện cầu.
Trong năm này, phụng vụ cho chúng ta thấy những mẫu gương nơi các vị thừa tác viên bàn thờ thánh đức, những vị đã tìm thấy sức mạnh để bắt chước Chúa Kitô từ mối thân tình hằng ngày với Người nơi việc cử hành và tôn thờ Thánh Thể.
Mấy ngày trước đây chúng ta đã cử hành lễ Thánh Gioan Chrysostom, vị thượng phụ Constantinople vào cuối thế kỷ thứ 4. Ngài được cho là “kim khẩu” vì tài lợi khẩu phi thường của ngài, thế nhưng ngài cũng được gọi là “tiến sĩ Thánh Thể” vì tính cách vĩ đại và uyên thâm nơi giáo huấn của ngài về Thánh Thể.
Phụng Vụ Thánh, một phụng vụ được cử hành ở các Giáo Hội Tây Phương nhiều hơn và mang tên của ngài cùng với câu tâm niệm của ngài – “Một con người đầy nhiệt tâm đủ để biến đổi cả một dân tộc” – cho thấy tính chất hiệu năng của tác động Chúa Kitô nơi các bí tích của Người.
Trong thời đại của chúng ta, nổi bật là hình ảnh Thánh Pio Pietrelcina, vị chúng ta sẽ nhớ đến vào Thứ Sáu tới đây. Khi cử hành Thánh Lễ, ngài đã sốt sắng sống lại mầu nhiệm Canvê cùng với đức tin và hết lòng sùng mến. Thậm chí những dấu tích Thiên Chúa ban cho ngài cũng đã là những biểu lộ cho thấy việc ngài hết sức nên giống Chúa Giêsu tử giá.
Khi nghĩ tới các vị linh mục say mê Thánh Thể, chúng ta không thể nào quên được Thánh Gioan Maria Vianney, một vị linh mục coi xứ khiêm tốn ở họ Ars vào thời Cách mạng Pháp. Bằng một đời sống thánh thiện và lòng nhiệt thành mục vụ, ngài đã có thể làm cho tỉnh nhỏ ở Ars thành một cộng đồng Kitô hữu mô phạm được Lời Chúa và các phép bí tích làm sinh động.
Giờ đây chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, đặc biệt cầu xin cho tất cả mọi vị linh mục trên thế giới, để các ngài có thể gặt hái được trong Năm Thánh Thể này hoa trái của một tình yêu đổi mới đối với bí tích được các ngài cử hành.
Chớ gì các vị, nhờ lời chuyển cầu của Trinh Mẫu Thiên Chúa, bao
giờ cũng có thể sống và làm chứng cho mầu nhiệm được trao phó trong tay các vị
vì phần rỗi thế giới.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 18/9/2005
ĐTC Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 11/9/2005 về Thánh Thể và Thánh Giá
Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXIII 4/9/2005 về Giai Đoạn Cuối Cùng của Năm Thánh Thể
Anh Chị Em thân mến!
Năm Thánh Thể giờ đây đang tiến đến giai đoạn cuối cùng. Năm này sẽ kết thúc vào tháng 10 tới đây, bằng việc tổ chức cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ về chủ đề: “Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Tột Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ Giáo Hội”.
Năm đặc biệt giành cho mầu nhiệm Thánh Thể này được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi để khơi lên nơi dân Kitô hữu niềm tin tưởng, nỗi bàng hoàng và lòng mến yêu đối với bí tích cao cả là kho tàng đích thực này của Giáo Hội. Ngài đã sốt sắng biết bao khi cử hành Thánh Lễ là tâm điểm từng ngày sống của ngài! Ngài bỏ biết bao thời gian để tôn thờ và thinh lặng nguyện cầu trước nhà tạm!
Vào những tháng cuối cùng, bệnh nạn của ngài đã làm cho ngài càng nên giống Chúa Kitô khổ đau. Thật là cảm động khi biết rằng vào giờ lâm chung của mình, ngài đã trao phó sự sống của ngài với sự sống của Chúa Kitô trong Thánh Lễ bấy giờ đang được cử hành bên giường của ngài. Cuộc sống trần gian của ngài được kết thúc trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh, ngay giữa Năm Thánh Thể, một năm chuyển từ đại giáo triều của ngài sang giáo triều của tôi. Bởi thế, ngay từ lúc bắt đầu việc phục vụ do Chúa muốn tôi đảm nhận, tôi đã hân hoan tái khẳng định đặc tính chính yếu của bí tích Chúa Giêsu hiện diện thực sự nơi đời sống của Giáo Hội và của mọi Kitô hữu.
Hướng tới thượng nghị Tháng Mười này, các vị giám mục sẽ tham dự đang nghiên cứu “bản văn kiện hoạt động” được soạn dọn cho biến cố ấy. Tuy nhiên, tôi cũng yêu cầu là toàn thể cộng đồng giáo hội đều làm sao để có thể tham dự vào giai đoạn sửa soạn trực tiếp này, và cộng đồng đây tham dự vào đó bằng lời nguyện cầu và suy tư, lợi dụng mọi cơ hội, mọi biến cố và mọi buổi gặp gỡ. Trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới mới đây, cũng có nhiều điều qui hướng về mầu nhiệm Thánh Thể. Chẳng hạn, tôi nhớ đến đêm canh thức Thứ Bảy, 20/8, đầy cảm kích, ở Marienfeld, một biến cố lên đến tuyệt đỉnh của mình nơi việc tôn thờ Thánh Thể: một quyết định can đảm làm cho giới trẻ hướng mắt và con tim về Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Cực Thánh. Ngoài ra, tôi nhớ rằng trong những ngày đáng ghi nhớ này, tại một số nhà thờ ở Cologne, Bonn và Duesseldorf diễn ra việc liên tục tôn thờ Thánh Thể ngày đêm, với sự tham dự của nhiều giới trẻ, nhờ đó họ có thể cùng nhau khám phá ra vẻ đẹp của việc nguyện cầu chiêm niệm.
Tôi tin tưởng rằng, nhờ việc dấn thân của các vị chủ chiên và tín hữu, mà vấn đề tham dự vào Thánh Thể sẽ càng trở nên siêng năng và sốt sắng hơn ở hết mọi cộng đồng. Đặc biệt hôm nay đây tôi xin hãy hân hoan hy sinh cho Ngày Của Chúa”, Ngày Chúa Nhật, một ngày linh thánh đối với Kitô hữu. Bởi thế, tôi vui mừng nhắc lại hình ảnh của Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả được chúng ta cử hành lễ hôm qua. Vị đại Giáo Hoàng này đã đóng góp phần lịch sử quan trọng vào việc cổ võ phụng vụ ở các khía cạnh khác nhau, cách riêng là việc cử hành xứng đáng Thánh Thể. Chớ gì lời chuyển cầu của ngài, cùng với lời chuyển cầu của Rất Thánh Maria, giúp chúng ta sống trọn vẹn mỗi Ngày Chúa Nhật với niềm vui Phục Sinh và việc gặp gỡ Vị Chúa phục sinh.
(Sau khi Nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC tiếp)
Trong những ngày này, tất cả chúng ta đều cảm thấy đau buồn vì tai ương do trận bão lụt gây ra ở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, nhất là ở New Orleans. Tôi hứa nguyện cầu cho thành phần qua đời cùng thân quyến của họ, cho những ai bị thương tích và những người mất nhà mất cửa, cho thành phần đau yếu, trẻ em, và già lão. Tôi chúc lành cho tất cả những ai tham gia vào các hoạt động khó khăn để giải cứu và tái thiết. Tôi đã xin ĐTGM Paul Josef Cordes, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh “Đồng Tâm” bày tỏ lòng liên kết của tôi với những người gặp hoạn nạn ấy.
Tôi cũng nghĩ đến nhân dân Iraq, những người mà vào Thứ Tư tuần trước đã chứng kiến thấy cả hằng trăm anh chị em đồng bào của mình bỏ mạng, nạn nhân của cuộc hoảng hồn bất khả kiềm chế, hầu hết là thành phần già nua tuổi tác, phụ nữ và trẻ em, qui tụ lại ở Baghdad để tưởng lễ. Xin Đấng Toàn Năng chạm đến tâm hồn của tất cả mọi người, để cuối cùng bầu khí hòa giải và tin tưởng nhau được thiết lập nơi xứ sở tang thương này.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 4/9/2005
Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXII Quanh Năm 28/8/2005 về Việc Truyền Bá Phúc Hóa và cảm nghiệm với Thánh Âu Quốc Tinh
Anh Chị Em thân mến!
Thật là một cảm nghiệm đặc biệt về giáo hội ở Cologne trong tuần vừa rồi vào dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới, với sự tham dự của một số rất đông giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới, với nhiều giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ cùng đi với họ. Đây là một biến cố ân sủng thuận lợi cho toàn thể Giáo Hội.
Khi nói với các vị Giám Mục Đức trước khi về Ý một chút, tôi đã nói rằng giới trẻ đã cống hiến cho các vị chủ chiên của chúng, và ở một nghĩa nào đó, cho tất cả mọi tín hữu, một sứ điệp đồng thời cũng là một lời yêu cấu, đó là: “Xin hãy giúp chúng tôi trở thành môn đệ và chứng nhân của Chúa Kitô. Như các Nhà Đạo Sĩ, chúng tôi đến đề tìm kiếm và tôn thờ Người”. Giới trẻ đã rời Cologne trở về với phố thị và quốc gia của họ, mang theo một niềm hy vọng sống động, song cũng không vô tâm trước không ít những khó khăn, trở ngại và trục trặc, mà trong thời đại của chúng ta đây, luôn đi kèm theo việc thực sự tìm kiếm Chúa Kitô và trung thành gắn bó với Phúc Âm của Người.
Chẳng những giới trẻ mà cả các cộng đồng và chủ chăn cũng phải ý thức hơn bao giờ hết sự kiện căn bản của vấn đề truyền bá phúc âm hóa: Bất cứ ở đâu Thiên Chúa không phải là trên hết, bất cứ nơi đâu Ngài không được nhận biết và tôn thờ như Sự Thiện Tối Hậu thì phẩm vị của con người gặp nguy hiểm. Bởi thế, rất cần phải dẫn con người ngày nay tới chỗ “khám phá ra” dung nhan đích thực của Thiên Chúa, một dung nhan được tỏ hiện cho chúng ta thấy nơi Chúa Giêsu Kitô. Nhân loại thời đại của chúng ta, như các Nhà Đạo Sĩ, sẽ phục xuống trước nhan Người và tôn thờ Người.
Nói với các vị giám mục Đức, tôi đã nhắc lại là việc tôn thờ không phải là “một thứ xa xỉ mà là một ưu tiên”. Việc tìm kiếm Chúa Kitô phải là một ước vọng không ngừng của tín hữu, của giới trẻ và của người lớn, của tín hữu và của thành phần mục tử họ. Cần phải phấn khích, hỗ trợ và hướng dẫn việc tìm kiếm này. Đức tin không phải chỉ là việc gắn bó với chính toàn bộ tín điều một cách trọn vẹn thôi là những gì làm giãn cơn khát Thiên Chúa hiện diện nơi tinh thần của con người. Trái lại, nó phác họa cho con người sống trong thời gian con đường hướng về một Vị Thiên Chúa hằng mới mẻ nơi vô cùng tính của mình. Bởi thế, Kitô hữu vừa là người tìm kiếm vừa là người gặp được. Chính vì điều ấy đã làm cho Giáo Hội trẻ trung, hướng về tương lai, dồi dào hy vọng cho toàn thể nhân loại.
Thánh Âu Quốc Tinh, vị chúng ta tưởng nhớ hôm nay đây, đã có những ý nghĩ tuyệt vời về bài Thánh Vịnh 104: “Quaerite faciem eius simper” – Hãy liên lỉ tìm kiếm dung nhan của Ngài. Thánh nhân nhận định là lời mời gọi này không chỉ có lợi cho cuộc sống này mà còn cho cả cõi vĩnh hằng nữa. Việc khám phá ra “dung nhan Thiên Chúa” là những gì không bao giờ cùng tận. Chúng ta càng tiến vào ánh quang rạng ngời của tình yêu thần linh, thì càng tuyệt vời trong việc tìm kiếm tình yêu ấy, nhờ đó “amore crescente inquisition crescat inventi” – cho tới độ tình yêu ấy tăng triển, tăng triển đến độ gặp được Đấng kiếm tìm” (Psalm 104:3; "Corpus Christianorum," Series Latina (CCL) 40, 1537).
Đó là cảm nghiệm cả chúng ta nữa cũng cần phải có trong thâm cung tâm can của mình. Chớ gì vị đại giám mục Hippo chuyển cầu cho chúng ta được cảm nghiệm ấy; chớ gì chúng ta được cảm nghiệm này nhờ Mẹ Maria trợ giúp, ngôi sao truyền bá phúc âm hóa, vị chúng ta giờ đây kêu cầu bằng lời kinh Truyền Tin.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 28/8/2005
Các bạn thân mến,
|
Chúng ta đã đến lúc kết thúc việc cử hành tuyệt vời này và thực sự là việc cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 20. Trong tâm hồn mình, tôi cảm thấy nổi lên nơi mình tư tưởng duy nhất, đó là “Cám ơn các bạn!”. Tôi tin rằng tư tưởng này cũng vang vọng nơi mỗi một người trong các bạn. Chính Thiên Chúa đã gieo nó vào lòng chúng ta và Ngài đã đóng ấn nó bằng Thánh Thể được hiểu theo chữ nghĩa là “tạ ơn”. Phải, giới trẻ thân mến, việc tri ân cảm tạ của chúng ta, xuất phát từ đức tin, được diễn đạt nơi bài ca chúng ta dâng lên chúc tụng Ngài là Cha và Con và Thánh Thần, Đấng đã còn ban cho chúng ta một dấu hiệu khác của tình Ngài yêu thương bao la.
Những lời tạ ơn của chúng ta dâng lên Thiên Chúa nơi tặng ân gặp gỡ không thể nào quên được này, và giờ đây lời tạ ơn ấy được gửi tới tất cả những ai tham gia vào việc sửa soạn và tổ chức nó. Tôi muốn lập lại lời tri ân cảm tạ của tôi với Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo Dân, dưới sự lãnh đạo của ĐTGM Stanislaw Rylko, được hỗ trợ bởi vị thư ký là Giám Mục Josef Clemens, cũng như với an hem thuộc Hội Đồng Giám Mục Đức, nhất là ĐTGM Cologne là Hồng Y Joachim Meisner. Tôi cảm tạ các vị thẩm quyền về chính trị và hành chánh đã giúp cho biến cố này được diễn tiến êm đẹp; tôi cám ơn nhiều thiện nguyện viên thuộc các giáo phận Đức quốc cũng như từ các quốc gia khác nhau. Tôi cũng xin ngỏ lời cám ơn thân ái đến nhiều cộng đồng chiêm niệm đã nâng đỡ chúng tôi bằng lời cầu nguyện trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới này.
Và giờ đây, vì sự hiện diện sống động của Chúa Kitô phục sinh giữa chúng ta nuôi dưỡng đức tin và đức cậy của chúng ta, tôi hân hoan thông báo là Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây sẽ diễn ra tại Sydney, Úc Đại Lợi, vào năm 2008. Chúng ta ký thác cho việc hướng dẫn từ mẫu của Mẹ Maria rất thánh tương lai của giới trẻ thế giới.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 21/8/2005
ĐTC Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 14/8/2005 về Gương Mẫu của người đàn bà xứ Canaan
Anh Chị Em thân mến,
Vào Chúa Nhật 20 Thường Niên này, phụng vụ cho chúng ta thấy một mẫu gương đức tin hiếm có, đó là mẫu gương của một phụ nữ Canaan, người đã xin Chúa Giêsu chữa lành cho đứa con gái của bà bấy giờ đang “bị qủi quấy phá dữ dội”. Chúa Giêsu đã hất hủi những lời khẩn cầu thiết tha của bà và tỏ ra trơ trơ trước những lời ấy, ngay cả khi các môn đệ can thiệp giùm bà, như Thánh Ký Mathêu trình thuật.
Tuy nhiên, cuối cùng, trước sự kiên trì và khiêm nhượng của người đàn bà không quen biết này, Chúa Giêsu đã thuận theo ý của bà: “Này bà, bà có đức tin mạnh lắm! Điều bà muốn sẽ được thực hiện” (x Mt 15:21-28).
“Này bà, bà có đức tin mạnh lắm!” Chúa Giêsu đã chọn người đàn bà này làm mẫu gương đức tin bất khuất. Việc bà kiên trì nài xin việc Chúa Kitô can thiệp là điều phấn khích chúng ta đừng bao giờ nản lòng và đừng thất vọng, cho dù trong những cơn thử thách dữ dội nhất của cuộc sống. Chúa không nhắm mắt làm ngơ trước nhu cầu của con cái mình đâu, và nếu Ngài có những lúc dường như dửng dưng vô cảm trước những điều yêu cầu của họ, chỉ là để thử thách họ và làm cho đức tin của họ vững mạnh thôi.
Đó là chứng từ của các thánh nhân, đó đặc biệt là chứng từ của các vị tử đạo, một chứng từ liên kết chặt chẽ với hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô. Trong những ngày gần đây chúng ta đã tưởng niệm đến một số trong các vị ấy, đó là các Vị Giáo Hoàng, Pontianus và Sixtus II, linh mục Hippolytus, Phó Tế Lawrence cùng đồng bạn, những vị bị sát hại ở Rôma vào thời bình minh của Kitô giáo.
Chúng ta cũng tưởng nhớ đến một vị tử đạo thuộc thời đại của chúng ta, đó là Thánh Nữ Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá, Edith Stein, đồng quan thày của Âu Châu, vị đã chết trong một trại tập trung; và vào chính ngày này, phụng vụ cho chúng ta thấy một vị tử đạo vì bác ái, vị đã niêm ấn chứng từ yêu thương của mình vì Chúa Kitô tại lò than chết đói ở Auschwitz, đó là Thánh Maximilian Maria Kolbe, vị đã tình nguyện hy sinh mạng sống mình thay cho một người làm cha trong gia đình.
Tôi mời hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa, nhất là giới trẻ sẽ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới hãy đến tấm gương sáng chói của đức anh hùng Phúc Âm ấy. Tôi kêu cầu các vị bảo vệ họ tất cả, nhất là Thánh Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá, vị đã sống một số năm trong đời mình tại Đan Viện Carmêlô ở Cologne.
Xin Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, vị chúng ta sẽ chiêm ngưỡng ngày mai việc Mẹ hiển vinh mông triệu về trời, xin canh chừng mỗi một người.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 6/9/2005
ĐTC Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 7/8/2005 về Mô Phạm của Ba Nhà Đạo Sĩ Đông Phương
Anh Chị Em thân mến,
Hằng ngàn giới trẻ sắp ra đi hay đã lên đường đến Cologne tham dự Ngày Giới Trẻ XX là ngày lấy chủ đề như anh chị em biết: “Chúng tôi đã đến bái thờ Người” (Mt 2:2).
Người ta có thể nói rằng toàn thể Giáo Hội, về tinh thần, đã được động viên để sống biến cố đặc biệt này, hướng đến các Nhà Đạo Sĩ như những mô phạm đặc thù của thành phần tìm kiếm Chúa Kitô, Đấng họ đã quì gối xuống tôn thờ. Thế nhưng “tôn thờ” đây là gì? Nó có thể là việc thể hiện của thời quá khứ hay chăng, một thể hiện chẳng có nghĩa lý gì đối với những người đương thời của chúng ta? Không! Lời nguyện cầu đã từng được biết đến đó là lời nguyện ban sáng và ban tối thực sự mở đầu bằng những lời: “Lạy Chúa Trời tôi, tôi thờ lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng…”
Hằng ngày, vào lúc bình minh lên và hoàng hôn xuống, thành phần tín hữu lập lại việc “tôn thờ” của mình hay nhìn nhận việc hiện diện của Thiên Chúa là Đấng Hóa Công và là Chúa Tể Vũ Hoàn. Việc nhìn nhận này là những gì tràn đầy lòng biết ơn xuất phát từ thẳm cung của cõi lòng và ngập tràn cả hữu thể, vì chỉ có sự tôn thờ và mến yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự con người mới có thể hoàn toàn nên trọn bản thân mình.
Các Nhà Đạo Sĩ đã tôn thờ Con Trẻ Bêlem, nhìn nhận Người là Vị Thiên Sai được hứa hẹn, Người Con Duy Nhất của Cha, Vị Thiên Sai được Thánh Phaolô tuyên xưng, “tầm vóc viên trọn của thần tính hiện diện một cách thể lý” (Col 2:9). Các môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan, những vị được Chúa Giêsu tỏ vinh hiển thần linh của mình cho – như Lễ Biến Hình hôm qua cử hành đã nhắc nhở chúng ta – cho biết trước cuộc chiến thắng tối hậu của Người trên sự chết, một chiến thắng có một cái gì đó tương tự như ở trên Núi Tabor.
Sau đó, vào Ngày Phục Sinh, Chúa Kitô tử giá và phục sinh đã hoàn toàn tỏ thần tính của Người ra và cống hiến cho tất cả mọi con người nam nữ tặng ân của tình Người yêu thương cứu chuộc. Các vị thánh là những người đã chấp nhận tặng ân ấy và trở thành những người tôn thờ chân thực của Thiên Chúa hằng sống, mến yêu Ngài một cách quảng đại trong mọi lúc của cuộc sống các ngài. Qua cuộc gặp gỡ tới đây ở Cologne, Giáo Hội một lần nữa muốn nêu lên sự thánh thiện ấy, tột đỉnh của yêu thương, cho tất cả giới trẻ của ngàn năm thứ ba.
Ai có thể hộ tống chúng ta trong cuộc hành trình thánh thiện gay go này hơn Mẹ Maria? Ai có thể dạy chúng ta tôn thờ Chúa Kitô hơn là Mẹ chứ? Xin Mẹ đặc biệt giúp cho các thế hệ mới nhận biết dung nhan chân thực của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô và biết hoàn toàn dấn thân tôn thờ, mến yêu và phụng sự Ngài.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 6/9/2005
Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XVII Quanh Năm 24/7/2005 Về Căn Gốc Âu Châu
Trước 8 ngàn người tập trung ở làng Alpine thuộc tỉnh Les Combes, ĐTC đã ban huấn từ Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 17 Thường Niên về căn gốc Âu Châu như sau:
Anh Chị Em thân mến!
Ngày mai là lễ kính người anh của Thánh Gioan là Thánh Tông Đồ Giacôbê, vị có thánh tích được tôn kính ở đền thánh nổi tiếng Santiago de Compostela thuộc tỉnh Galicia, nơi thu hút vô số giáo lữ từ khắp Âu Châu. Ngày hôm qua chúng ta đã tưởng kính Thánh Bridge người Thụy Điển, nữ quan thày của Châu Âu. Ngày 11/7 vừa rồi là lễ kính Thánh Biển Đức, một vị đại quan thày của “Thế Giới Cổ”. Khi chiêm ngưỡng các vị thánh này, người ta tự nhiên dừng lại để suy tư về những gì việc Kitô giáo góp phần và tiếp tục góp phần hình thành Âu Châu.
Tôi làm như thế là vì nhớ lại cuộc hành hương của Vị Tôi Tớ Chúa là Đức Gioan Phaolô II năm 1982 đến Santiago de Compostela, nơi ngài long trọng cử hành “Việc Hiến Dâng Âu Châu”, một cử hành ngài đã đọc lên những lời ghi nhớ này: “Tôi, Vị Giám Mục Rôma và là mục tử của Giáo Hội hoàn vũ, từ Santiago, gửi đến ngươi, một Âu Châu cổ thời, tiếng kêu đầy yêu thương là Hãy trở về với bản thân mình. Hãy là chính mình. Hãy tái nhận thức nguồn gốc của mình. Hãy tái phục hồi những gốc tích của mình. Hãy làm tái sinh những giá trị làm nên lịch sử hiển vinh của người và làm tái sinh việc ngươi hiện diện mang lại lợi ích giữa các châu lục khác”.
Như thế là Đức Gioan Phaolô II đã khai mào dự án cho một Âu Châu nhận thức về mối hiệp nhất về thiêng liêng của nó, dựa trên nền tảng các giá trị Kitô giáo. Ngài đã trở về với vấn đề này vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1989 là ngày cũng đã diễn ra ngay tại Santiago de Compostela. Ngài đã bày tỏ niềm ước mong thấy một Âu Châu vô biên giới, một Âu Châu không ruồng bỏ các căn gốc Kitô giáo của mình là những gì nó xuất phát, cũng như không chối bỏ chủ nghĩa nhân bản đích thực của Phúc Âm Chúa Kitô! Lời kêu gọi này vẫn còn hợp thời biết bao, theo chiều hướng của những biến cố mới đây nơi địa lục Âu Châu này!
Chưa đầy 1 tháng nữa, tôi cũng sẽ đi đến một vương cung thánh đường lịch sử của Âu Châu như một người hành hương, đó là vương cung thánh đường Cologne, nơi giới trẻ đã hẹn gặp nhau cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX. Chúng ta hãy cầu nguyện để các thế hệ mới, khi rút lấy nhựa sống từ Chúa Kitô, có thể trở thành thứ men cho một tân nhân loại ở xã hội Âu Châu, một thứ tân nhân loại trong đó đức tin và lý trí cùng nhau đối thoại một cách tốt đẹp để phát huy con người và thực hiện một nền hòa bình chân chính. Chúng ta hãy cầu cùng Chúa cho điều này, nhờ lời chuyển cầu của Rất Thánh Maria, vị là Mẹ và là Nữ Vương đang trông chừng đường đi nước bước của tất cả mọi dân nước.
(Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC nói tiếp:)
Những ngày an bình
và nghỉ ngơi này cũng bị xáo trộn bởi những tin tức thể thảm về những cuộc
khủng bố tấn công hạ cấp, những cuộc khủng bố gây ra chết chóc, hủy hoại và
khổ đau ở một số quốc gia, như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Hiệp Vương Quốc.
Trong khi ký thác cho lòng lành của Chúa những người đã chết, bị thương và các
người thân yêu của họ, những nạn nhân của những hành vi cử chỉ xúc phạm đến
Thiên Chúa và con người, chúng ta kêu xin Đấng Toàn Năng hãy ngăn chặn tay sát
hại của những ai thực hiện những việc ấy vì cuồng tín và hận thù, và hoán cải
lòng họ nghĩ tới việc hòa giải và hòa bình.
Theo vị
giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh là Joaquín Navarro Valls thì ĐTC BĐXVI
đang viết một cuốn sách chứ không phải là một thông điệp. Ngài viết cuốn sách
này vào buổi sáng trong thời gian nghỉ hè. Vì đây là dự án của ngài cả 3 năm
nay rồi. Cuốn sách này tên là gì và nội dung ra sao thì chỉ khi nào phát hành
mới biết được mà thôi.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 24/7/2005
ĐTCBĐXVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 17/7/2005 về Giá Trị của Việc Nghỉ Hè
Chúa Nhật XVI Quanh Năm tuần này, có 6 ngàn người đến khu vực đang nghỉ hè của ĐTC BĐXVI là làng Alpine để nguyện kinh Truyền Tin với ngài. Theo thường lệ, trước khi nguyện kinh Thánh Mẫu này vào buổi trưa, ngài đã ban mấy lời huấn từ như sau:
Anh Chị Em thân mến!
Tôi đã ở đây được mấy ngày rồi, nơi vùng núi tuyệt vời của Val d’Aosta, nơi vẫn còn hình ảnh sống động của vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là Đức Gioan Phaolô II, người đã đến đây một số năm để nghỉ ngơi và bồi dưỡng sức khỏe.
Việc nghỉ ngơi mùa hè năm nay thực sự là một tặng ân quan phòng của Thiên Chúa, sau những tháng đầu thi hành việc mục vụ cần thiết tôi đã được Thiên Chúa Quan Phòng ủy thác cho. Tôi xin chân thành cám ơn đức giám mục ở Aosta là Đức Ông Giuseppe Amfossi cũng như tất cả những ai đã giúp thực hiện việc này, cùng những ai hy sinh cẩn thận và dấn thân điều hành mọi sự cho trôi chảy. Ngoài ra, tôi cũng xin cám ơn dân chúng địa phương và thành phần du lịch về việc tỏ ra thân tình tiếp đón tôi.
Trong một thế giới chúng ta đang sống đây, hầu như cần phải lấy lại sức lực về tinh thần cũng như thể xác, nhất là cho những ai sống trong thành phố, nơi mà điều kiện sống thường náo nhiệt ít có chỗ cho việc thinh lặng, suy tư và thảnh thơi sống với thiên nhiên.
Hơn thế nữa, những ngày nghỉ là những ngày có nhiều giờ hơn để cầu nguyện, đọc sách và suy niệm về ý nghĩa sâu xa của cuộc đời, trong một bầu khí bình an của gia đình cùng với những người thân yêu của mình.
Thời gian nghỉ hè là cơ hội đặc biệt để dừng chân trước những phong cảnh thiên nhiên nâng tâm hồn lên, một “cuốn sách” tuyệt vời trước mắt mọi người, ngưới lớn cũng như trẻ em. Khi giao chạm với thiên nhiên, con người tái khám phá ra chiều kích đích thực của mình, tái khám phá ra mình là một thụ sinh, nhỏ bé nhưng đồng thời lại đặc thù, với một “khả năng hướng về Thiên Chúa” vì nội tâm của họ hướng về Vĩnh Hằng. Được thúc đẩy bởi tấm lòng chân thành tha thiết muốn tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, họ nhận thấy nơi thế giới quanh mình dấu hiệu thiện hảo và Đấng Quan Phòng Thần Linh, và tự nhiên như muốn chúc tụng và nguyện cầu.
Khi cùng nhau nguyện kinh Truyền Tin ở địa phương Alpine đẹp đẽ này, chúng ta hãy xin Trinh Nữ Maria hãy dạy cho chúng ta biết cái bí mật của thứ thinh lặng trở thành lời chúc tụng, cái bí mật của thứ suy tư là điều kiện để suy niệm, cái bí mật của thứ lòng yêu thích thiên nhiên nở ra lòng biết ơn Thiên Chúa. Nhờ thế chúng ta mới có thể dễ dàng lãnh nhận hơn nữa nơi tâm trí chúng ta ánh sáng Chân Lý và thực hành nó trong tự do và yêu thương.
Chiều Chúa Nhật này, trong thời gian ở đây, ĐTC BĐXVI đã đến viếng thăm bảo tàng viện kính Đức Gioan Phaolô II ở Les Combes, một bảo táng cách nhà chòi ĐTC ở khoảng 500 thước. Bảo tàng viện này được bắt đầu từ năm 1996, nơi trưng bày những vật dụng tư riêng của Đức GPII, cũng như những hình ảnh cho thấy ngài đi giầy tuyết và đội mũ của tay leo núi. Trước khi về lại nhà chòi của mình, ĐTC đã ghé cầu nguyện tại một ẩn viện tu gần đó.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 17/7/2005
Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XV 10/7/2005 về Thánh Biển Đức Norcia và về việc nghỉ hè của ngài
Sau đây là nguyên văn huấn từ của ĐTC BĐXVI trước khio nguyện Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật XV Thường Niên ngày 10/7/2005 tại Quảng Trường Phêrô với con số giáo lữ 40 ngàn người hiện diện.
Anh Chị Em thân mến:
Ngày mai là lễ kính Thánh Biển Đức Norcia, quan thày của Âu Châu, một vị thánh đặc biệt ưu ái đối với tôi, như anh chị em trực giác thấy nơi việc tôi chọn tên của ngài.
Vào đời ở Norcia vào năm 480, việc học vấn ban đầu của ngài ở Rôma, song không thích đời sống thị thành ngài đã lui về Subiaco là nơi ngài ở khoảng 3 năm trong một hang động – nổi tiếng là “sacro speco” – để hoàn toàn chuyên tâm đến Thiên Chúa.
Ở Subiaco, lợi dụng những hoang tàn đổ nát của một dinh thự khổng lồ của hoàng đế Nero, ngài đã xây cất một số đan viện, cùng với những người môn đệ tiên khởi, sống đời sống cộng đồng huynh đệ theo căn bản yêu thương của Chúa Kitô, một đời sống luân phiên nguyện cầu và làm việc một cách hòa hợp để chúc tụng Thiên Chúa.
Những năm sau, ngài đã hoàn thành dự án này ở Monte Cassino, và viết dự án ấy ra thành Luật, tác phẩm duy nhất của ngài vẫn còn lưu lại cho tới nay. Giữa tro tàn của Đế Quốc Rôma, Biển Đức, trong khi tìm Nước Chúa trước nhất, đã gieo rắc, có lẽ không nhận ra, hạt giống của một nền văn minh sẽ phát triển, hội nhập các giá trị Kitô giáo một đàng với gia sản cổ kính, đàng khác với các nền văn hóa Đức và Slav.
Có một chiều kích đặc biệt nơi linh đạo của ngài mà hôm nay tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh tới. Thánh Biển Đức không thành lập một cơ cấu đan viện chỉ để truyền bá phúc âm hóa cho các dân tộc man di mọi rợ, như các đại đan sĩ khác thời đó, thế nhưng đã khẳng định với thành phần môn đệ của ngài là mục tiêu chính yếu, thậm chí là mục tiêu duy nhất của việc hiện hữu đó là tìm kiếm Thiên Chúa: “Quaerere Deum”.
Tuy nhiên, ngài biết rằng khi tín hữu đi sâu vào mối liên hệ thân tình với Thiên Chúa thì không thể thỏa mãn với việc sống một cách tầm thường, với một thứ tính cách đạo đức tối thiểu và sơ sài hời hợt. Có thế người ta mới hiểu rõ lời diễn tả được Thánh Biển Đức lấy từ Thánh Cyprian và là lời được tóm tắt trong Luật của ngài (IV, 21) để làm chương trình sống cho người đan sĩ, đó là “Nihil amori Christi praeponere – Không yêu thích gì hơn tình yêu Chúa Kitô”.
Đối với hết mọi Kitô hữu thì sự thánh thiện là ở điều chủ trương vững vàng này, một chủ trương đã trở thành một điều cấp bách thực sự về mục vụ trong thời đại của chúng ta đây, trong một thời đại mà người ta nhận thấy nhu cầu cần phải có một đời sống và lịch sử gắn bó với những cứ điểm linh đạo vững chắc.
Gương mẫu cao cả và trọn hảo về thánh đức đó là Mẹ Maria Rất Thánh, vị đã sống hiệp thông liên lỉ và sâu xa với Chúa Kitô. Chúng ta hãy kêu xin Mẹ chuyển cầu, cùng với lời chuyển cầu của Thánh Biển Đức, để Chúa gia tăng trong thời đại của chúng ta đây nhiều con người nam nữ, thành phần làm chứng nhân bằng đời sống sáng tỏ đức tin, trở thành muối đất và ánh sáng thế gian trong tân thiên niên kỷ này.
(Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC nói tiếp:)
Tất cả chúng ta đều cảm thấy rất buồn vì vụ khủng bố tấn công tàn ác ở Luân Đôn hôm Thứ Năm vừa rồi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người bị sát hại, cho những người bị thương tích cũng như cho những người thân yêu của họ. Thế nhưng, chúng ta cũng cầu nguyện cho thành phần rat ay khủng bố tấn công nữa, để Chúa đánh động lòng họ. Tôi xin gửi đến những ai gieo rắc những cảm quan hận thù cũng như cho tất cả những ai thi hành những vụ khủng bố tấn công ghê rợn như thế là Thiên Chúa yêu sự sống được Ngài dựng nên chứ không phải sự chết. Nhân danh Thiên Chúa xin hãy ngưng tay.
Ngày mai tôi sẽ đi Val d’Aosta để nghỉ ngơi ở đó một thời gian ngắn. Tôi sẽ là một người khách ở căn nhà nhiều lần đã đón tiếp Đức Gioan Phaolô II. Tôi xin cám ơn tất cả những ai hỗ trợ tôi bằng nguyện cầu, và tôi xin thân ái “hẹn gặp lại!” anh chị em.
Biệt chú: địa điểm Val d’Aosta nghỉ ngơi được ĐTC nói đến trên đây tọa lạc tại một ngôi làng nhỏ Les Combes. Căn nhà ván này là của dòng Don Bosco, một căn nhà nhỏ hơn nhiều căn nhà khác trong vùng, nhưng đã được Đức Gioan Phaolô II sử dụng lần đầu tiên vào tháng 7 năm 2000.
Phòng ngủ và phòng làm việc của ĐTC ở lầu dưới. Cũng có các phòng khác cho phái đoàn tùy viên của ngài, kể cả người anh của ngài là Đức Ông Georg Ratzinger. Ngài dự tính sẽ ở tới ngày 28/7 để cầu nguyện, đọc sách, truyện trò và du ngoạn.
Từ cửa sổ phòng ăn rộng của căn nhà ván này có thể nhìn thấy ngọn Bạch Sơn Mont Blanc, ngọn núi cao nhất Âu Châu. Căn nhà ván này cao hơn mặt biển là 1.700 mét hay 5.600 bộ. Ở đây còn có cả khu vườn có tượng Mẹ Maria bằng gỗ và có con đường băng qua khu rừng bao bọc căn nhà được đặt 14 chặng đàng Thánh Giá.
Tại đây, ĐTC chỉ thực hiện hai lần gặp gỡ chung dân chúng đó là hai buổi nguyện kinh Truyền Tin Chúa Nhật 17 và 24/7/2005 mà thôi.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 10/7/2005
ĐTC BĐXVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật
XIV Quanh Năm 3/7/2005 về Cuốn Tổng Lược Giáo Lý Công Giáo
Một ít ngày trước đây tôi đã hân hoan ban hành cuốn Tổng Lược Giáo Lý Giáo Hội
Công Giáo. Trong nhiều năm nay cần đến một cuốn giáo lý ngắn gọn tóm tắt một
cách đo8n sơ nhưng đầy đủ tất cả những yếu tố chính yếu của tín lý Công giáo.
Thiên Chúa Quan Phòng đã để xẩy ra là dự án này đã được hiện thực vào chính
ngày chính thức khai mạc việc tôn phong Đức Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng
ta, vị đã quyết tâm phát động việc này. Anh chị em thân mến, trong khi tôi xin
cám ơn Chúa về việc này tôi cũng xin nhấn mạnh một lần nữa về tấm quan trọng
của phương tiện hữu dụng và thực tế này trong việc loan báo Chúa Kitô cùng
Phúc Âm cứu độ của Người.
Cuốn Tổng Lược này, như một cuộc đối thoại giữa thày cô và học sinh, là tổng
luận việc bày tỏ rộng rãi nhất đức tin Công giáo và tín lý Công giáo được chất
chứa trong Giáo Lý là cuốn được vị tiền nhiệm đáng kính của tôi ban hành năm
1992. Cuốn Tổng Lược này trình bày 4 phần của nó liên kết với nhau một cách
khéo léo, khiến người ta hiểu được cái tính chất duy nhất trổi vượt của mầu
nhiệm Thiên Chúa, dự án cứu độ của Người đối với toàn thể nhân loại, tính chất
chính yếu của Chúa Giêsu, Con duy nhất của Thiên Chúa, Đấng đã làm người trong
lòng Trinh Nữ Maria, Đấng đã chết và đã sống lại vì chúng ta. Hiện diện và
hoạt động trong Giáo Hội của mình, nhất là qua các bí tích, Chúa Kitô là nguồn
mạch đức tin của chúng ta, là mô phạm cho hết mọi tín hữu và là thày dạy
nguyện cầu.
Anh chị em thân mến, vào lúc mở màn cho đệ tam thiên kỷ đây, toàn thể cộng
đồng Kitô hữu cần thiết biết bao trong việc loan ab1o, giảng dạy và làm chứng
một cách trọn vẹn, nhất trí và hợp với sự thật của đức tin, tín lý và luân lý
Công giáo! Chớ gì cuốn Tổng Lược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo này cũng góp phần
vào việc canh tân việc dạy giáo lý và truyền bá phúc âm hóa, nhờ đó tất cả mọi
Kitô hữu – trẻ em, giời trẻ và người lớn, gia đình cũng như cộng đồng – dễ dạy
trước tác động của Thánh Linh, có thể trở thành những giáo lý viên và những
nhà truyền bá phúc âm hóa trong tất cả mọi hoàn cảnh, giúp người khác gặp gỡ
Chúa Kitô. Chúng tax in điều này với lòng tin cậy vào Trinh Mẫu Thiên Chúa,
ngôi sao truyền bá phúc âm hóa.
(Sau khi nguyện kinh Truyền Tin, ĐTC nhắc nhở thêm:)
Thứ Tư tới đây, ngày 6/7, hội nghị G-8 sẽ khai mạc ở Gleneagles, Tô Cách Lan,
tức là thượng nghị của các vị lãnh đạo quốc gia và chính quyền của những quốc
gia kỹ nghệ nhất thế giới, những quốc gia sẽ lấy Phi Châu, một châu lục thường
bị lãng quên, làm một trong những vấn đề ưu tiên của mình.
Tôi mong cho cuộc hội nghị quan trọng này được hoàn toàn thành đạt, hy vọng
rằng nó sẽ mở đường cho việc lấy tình đoàn kết chia sẻ những chi phí của việc
giảm bớt nợ nần, hầu áp dụng những biện pháp cụ thể trong việc nhổ tận gốc rễ
tình trạng nghèo khổ và cổ võ việc phát triển thực sự ở Phi Châu.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 3/7/2005
Huấn Từ Truyền Tin Lễ Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô 29/6/2005
Về Lễ quan thày của Giáo Hội Rôma, Lễ Thánh Phêrô và Phaolô, ĐTC đã ngỏ lời cùng dân thành Rôma như sau:
“Thiên Chúa Quan Phòng đã kêu gọi tôi làm mục tử của anh chị em. Tôi xin cám ơn tình cảm anh chị em đã đón nyận tôi và tôi xin anh chị em hãy cầu cùng hai Thánh Phêrô và Phaolô xin cho tôi được ơn trung thành làm trọn thừa tác vụ mục tử đã được ủy thác cho tôi. Là giám mục Rôma, Vị Giáo Hoàng thi hành một việc phục vụ đặc thù bất khả châm chước cho Giáo Hội Hoàn Vũ, vì ngài là mở đầu cùng là nền tảng vĩnh tồn và hữu hình nơi mới hiệp nhất giám mục và toàn thể tín hữu”.
Về Thánh Lễ Trọng Kính Nhị Vị Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô cùng với việc trao ban giây choàng tông phẩm, ĐTC nói: “Dấu hiệu về phụng vụ của mối hiệp thông liên kết Tòa Thánh Phêrô cùng Vị Thừa Kế của ngài với các vị tổng giám mục, và qua các vị, với tất cả mọi vị giám mục trên thế giới. Làm sao chúng ta lại không nhớ lại vào ngày hôm nay đây thượng quyền của Giáo Hội ở Rôma cũng như của các vị giám mục trong Giáo Hội là thượng quyền phục vụ mối hiệp thông Công Giáo. Được mở đầu bằng cuộc tử đạo của Thánh Phêrô và Phaolô, tất cả mọi Giáo Hội đều bắt đầu nhìn đến Giáo Hội ở Rôma như điểm qui chiếu chính yếu cho mối hiệp nhất về tín lý và mục vụ”.
“Xin Trinh Nữ Maria xin cho chúng ta thấy rằng thừa tác vụ Thánh Phêrô của Vị Giám Mục Rôma không được nhìn như là một ngãng trở mà là một nâng đỡ trên bước đường hiệp nhất”.
Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin và chào các tín hữu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, ĐTC đã cùng với một số phần tử thuộc giáo triều Rôma đến Trú Sở Thánh Matta ở Vatican để dùng bữa trưa với phái đoàn đại biểu Giáo Hội Chính Thống hoàn vũ Constantinople.
Tâm Phương, theo Zenit ngày 29/6/2005
Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 26/6/2005 về Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, và về vấn đề nghỉ hè và về việc cẩn thận lái xe
Anh Chị Em thân mến!
Chúng ta đang sửa soạn long trọng cử hành lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, những vị đã đổ máu mình ra ở Rôma trong việc loan báo Phúc Âm. Vào 9 giờ 30 sáng ngày 29/6 tôi sẽ chủ sự Thánh Lễ ở đền thờ Vatican: Đây là một một cơ hội quan trọng để nhấn mạnh đến mối hiệp nhất và công giáo tính của Giáo Hội.
Như trong quá khứ, cuộc cử hành này sẽ có sự tham dự của một phái đoàn đại biểu của đức thượng phụ ở Constantinople giáo chủ Chính Thống toàn cầu. Tôi mời tín hữu Rôma, những người tôn kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô như những vị quan thày đặc biệt của mình, những giáo lữ và toàn thể Dân Chúa hãy xin Chúa bảo vệ Giáo Hội và các vị mục tử của Giáo Hội.
Cuối tháng sáu đối với các xứ sở thuộc miền bắc trái đất là thời điểm bắt đầu mùa hè, và đối với nhiều người là thời điểm bắt đầu nghỉ ngơi. Tôi chúc mọi người được thản nhiên sống một ít ngày nghỉ ngơi và xả hơi một cách xứng đáng, tôi cũng kêu gọi cẩn thận những ai muốn đi nghỉ ở những nơi khác nhau. Tiếc thay, hằng ngày, nhất là cuối tuần, vẫn xẩy ra những tai nạn trên đường xá làm thiệt mạng thê thảm rất nhiều mạng người, mà hơn một nửa nạn nhân là giới trẻ.
Trong những năm gần đây người ta đã cố gắng nhiều để ngăn ngừa những tai nạn thê thảm ấy xẩy ra, thế nhưng vẫn còn cần và phải thực hiện hơn nữa với việc góp phần và dấn thân của tất cả mọi người. Cần phải coi chừng tính cách lơ đễnh và sôi nổi là những gì chỉ trong giây phút có thể tiêu rụi tương lai của mình cũng như của người khác. Sự sống là những gì quá giá và đặc biệt: Nó luôn cần phải được tôn trọng và bảo vệ, bao gồm cả tác hành đúng đắn và khôn ngoan trên đường xá nữa.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, vị cùng đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình hằng ngày của chúng ta, trông coi những ai đang du hành và thương xót thành phần nạn nhân trên đường xá. Chúng ta ủy thác Giáo Hội và hoạt động truyền giáo của Giáo Hội trên toàn thế giới cho Mẹ là Nữ Vương thiên đình của Các Vị Tông Đồ và dịp lễ sắp tới của hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.
Sau đây là những chi tiết liên quan đến huấn từ truyền tin của ĐTC trên: Năm ngoái, Đức Thượng Phụ Giáo Hội Chính Thống Giáo Toàn Cầu Bartholomew I đã đích thân dự Thánh Lễ do Đức Gioan Phaolô II chủ tế để kỷ niệm 40 năm kể từ khi Giáo Hoàng Phaolô VI và Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Toàn Cầu Athenagoras I gặp nhau và ôm nhau tại Giêrusalem năm 1964, thời điểm Công Đồng Chung Vaticanô II đang diễn tiến.
Vào ngày 7/12/1965, tức áp ngày bế mạc Công Đồng này, Đức Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras I đã phổ biến một bản tuyên ngôn chung để tỏ ra tiếc xót và bãi bỏ “án tuyệt thông” xẩy ra vào năm 1054 là biến cố đưa đến tình trạng ly giáo giữa hai Giáo Hội Đông và Tây.
Tâm Phương, theo Zenit ngày 16/6/2005
ĐTC BĐXVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 19/6/2005 về Ngày Tị Nạn Thế Giới
Anh Chị Em thân mến,
Ngày mai, 20/6/2005, là Ngày Tị Nạn Thế Giới, do tổ chức Liên Hiệp Quốc phát động gây chú ý tới vấn đề của thành phần bị bắt buộc phải từ bỏ quê cha đất tổ của họ. Đề tài năm nay là “Đức Can Đảm Là Một Người Tị Nạn”, là những gì nhấn mạnh đến sứ cmạnh tinh thần cần thiết của những ao phải từ bỏ mọi sự, có những lúc phải bỏ cả gia đình của mình, để thoát khỏi những khó khăn và nguy hiểm trầm trọng. Cộng đồng Kitô giáo cảm thấy gần gũi với những ai đang sống trong tình trạng đau thương này; cộng đồng này dấn thân giúp đỡ họ và biểu lộ bằng những cách thức khác nhau mối quan tâm và lòng yêu mến của mình, những gì được chuyển thành các cử chỉ cụ thể của tình đoàn kết để ai thấy mình xa quê hương đất nước đều cảm thấy Giáo Hội như là một thứ quê hương không có ai là xa lạ.
Việc thành phần Kitô hữu ưu ái chú trọng tới những ai đang gặp khó khăn và việc họ dấn thân phục vụ một xã hội đoàn kết hơn là những gì được liên tục dưỡng nuôi bằng việc tích cực và ý thức tham dự Thánh Thể. Bằng niềm tin vào Chúa Kitô, ai được dưỡng nuôi nơi bàn tiệc Thánh Thể thì đồng hóa với cùng mẫu sống của Người, đó là mẫu sống của việc quan tâm phục vụ, nhất là thánh phần hèn kém và thiếu may mắn (xem tông thư “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”, số 28). Chớ gì Năm Thánh Thể là năm chúng ta đang sống đây giúp cho các cộng đồng giáo phận và giáo xứ làm tài sinh động khả năng này trong việc tiến lên đáp ứng nhiều trường hợp bần cùng trên thế giới của chúng ta.
Hôm nay chúng ta muốn đặc biệt ký thác những con người nam, nữ và trẻ em đang sống cảnh tị nạn cho việc che chở từ mẫu của Đức Maria Rất Thánh, Vị đã cùng với phu quân của mình là Thánh Giuse và Hài Nhi Giêsu trải qua cảnh khổ ải lưu đầy. Vào lúc bấy giờ, Thánh Gia đã phải tẩu thoát sang Ai Cập vì cuộc bắt bớ điên cuồng của Hêrôđê (Mt. 2:13-23). Chúng ta hãy cầu cùng Vị Trinh Nữ Rất Thánh để những người anh chị em này của chúng ta có thể được tiếp đón và thông cảm trong cuộc hành trình của họ.
Tâm Phương, theo Zenit ngày 19/6/2005
Cho 40 ngàn người hiện diện ở Quảng Trường Thánh Phêrô hôm nay, ĐTC BĐXVI đã ban huấn từ trước khi Nguyện Kinh Truyền Tin theo thường lệ vào mỗi ngày Chúa Nhật nguyên văn về việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật như sau:
Anh Chị Em thân mến!
Năm Thánh Thể do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yếu của chúng ta khai mở tiếp tục tái khơi động lên hơn bao giờ hết trong lương tâm của tín hữu việc chiêm ngắm đối với đại Bí Tích này. Trong thời điểm Thánh Thể đặc biệt này, một trong những đề tài được lập đi lập lại đó là Chúa Nhật, Ngày của Chúa, một đề tài cũng là tâm điểm của Hội Nghị Thánh Thể Ý quốc mới đây ở Bari. Trong việc cử hành kết thúc, tôi cũng đã nhấn mạnh đến việc người Công giáo phải làm sao tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật không phải như là một điều gì bị áp đặt hay là một gánh nặng, mà là một nhu cầu và là một niềm vui. Việc gặp gỡ anh chị em, việc nghe Lời Chúa và việc được Chúa Kitô hiến tế vì chúng ta nuôi dưỡng, là một cảm nghiệm làm cho đời sống có ý nghĩa, một cảm nghiệm làm cho tâm hồn chúng ta tràn đầy bình an. Không có Chúa Nhật người Công giáo chúng ta không thể nào sống được.
Đó là lý do những người làm cha làm mẹ được kêu gọi để giúp cho con cái của mình nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của việc đáp ứng lời mời gọi của Chúa Kitô, Đấng kêu gọi toàn thể gia đình Kitô hữu đến tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Trong nỗ lực giáo dục này, giai đoạn quan trọng đặc biệt là giai đoạn rước lễ lần đầu, một cử hành thực sự cho cộng đồng giáo xứ, một cộng đồng tiếp nhận lần đầu tiên những em nhỏ nhất đến Bàn Tiệc Chúa.
Để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của biến cố này đối với gia đình cũng như đối với giáo xứ, vào ngày 15/10 tới đây, nếu Chúa muốn, tôi sẽ có một cuộc họp đặc biệt tại Vatican về giáo lý cho trẻ em, nhất là các em ở Rôma và Latium, những em trong năm nay đã rước lễ lần đầu. Cuộc gặp gỡ vui tươi này sẽ diễn ra hầu như vào cuối Năm Thánh Thể, trong thời gian Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Thường Lệ đang diễn tiến về mầu nhiệm Thánh Thể. Cuộc gặp gỡ này sẽ là một cơ hội thuận lợi và tốt đẹp để nhấn mạnh đến vai trò thiết yếu của bí tích Thánh Thể trong việc đào luyện và tăng trưởng thiêng liêng của trẻ em.
Từ nay trở đi, tôi xin dâng cuộc gặp gỡ này cho Đức Trinh Nữ Maria, để Mẹ dạy cho chúng ta biết yêu mến Chúa Giêsu hơn bao giờ hết, liên lỉ suy niệm Lời của Người và tôn thờ Người hiện diện trong Thánh Thể, và giúp chúng ta làm cho các thế hệ trẻ khám phá ra “việc châu ngọc” Thánh Thể là những gì làm cho cuộc sống có nghĩa lý thật sự và trọn vẹn.
Huấn Từ Truyền Tin 5/6/2005
Chúa Nhật X Quanh Năm về Thánh Tâm Chúa và Khiết Tâm Mẹ
Anh Chị Em thân mến!
Thứ Sáu vừa rồi, chúng ta cử hành lễ trọng kính Thánh Tâm Cực Trọng Chúa Giêsu,
một việc tôn sùng chính yếu phát xuất từ thành phần Kitô hữu. Theo ngôn ngữ
thánh kinh thì “con tim” biểu hiệu cho tâm điểm của con người, nơi tập trung các
cảm thức cùng với những ý hướng của họ. Nơi trái tim của Đấng Cứu Chuộc, chúng
ta tôn thờ tình Thiên Chúa yêu thương loài người, ý muốn cứu độ phổ quát của
Ngài, tình thương vô cùng của Ngài. Bởi thế mà việc tôn thờ Thánh tâm Chúa Kitô
nghĩa là tôn thờ trái tim mà sau khi đã yêu thương chúng ta đến cùng, bị đâm
thâu bởi lưỡi đòng, và từ thập giá trên cao đã đổ máu và nước ra, nguồn mạch bất
tận của sự sống mới.
Lễ Thánh Tâm này vẫn là Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Việc Thánh Hóa Hàng Linh
Mục, một dịp nguyện cầu thuận lợi để hàng giáo sĩ không yêu chuộng gì hơn tình
yêu Chúa Kitô. Hết lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Kitô là Chân Phước Giovanni
Battista Scalabrini, giám mục và là quan thày của những người di dân, vị chúng
ta mừng kỷ niệm 100 năm cái chết của ngài hôm 1/6. Ngài đã thành lập Chư Thừa
Sai nam nữ của Thánh Charles Borromeo được gọi là tu sĩ dòng “Scalabrini”, để
loan báo Phúc Âm cho thành phần di dân Ý quốc.
Nhắc lại vị đại giám mục này, tôi nghĩ đến những ai xa cách quê cha đất tổ của
mình và thường cũng cách xa cả gia đình của mình nữa; tôi hy vọng rằng họ sẽ
luôn luôn gặp được những người bạn cùng những tấm lòng trên bước đường của họ,
thành phần có thể nâng đỡ họ trong những khó khăn mỗi ngày.
Chắc chắn là trái tim giống trái tim Chúa Kitô nhất là trái tim Mẹ Maria, Người
Mẹ Vô Nhiễm của Người, và chính vì lý do này phụng vụ đã khuyến khích việc chúng
ta tôn sùng Mẹ. Đáp lại lời kêu gọi của Đức Mẹ Fatima, chúng ta hãy hiến dâng
cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là trái tim chúng ta đã đặc biệt chiêm
ngưỡng hôm qua toàn thế giới để nó cảm nghiệm được tình yêu nhân hậu của Thiên
Chúa và hòa bình thực sự.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 5/6/2005
ĐTC Biển Đức XVI với TRÁI TIM CHÚA GIÊSU BIỂU LỘ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
Truyền thống Giáo Hội đặc biệt tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, và tháng 6 hằng năm được dành riêng để tôn sùng và yêu mến Thánh Tâm Chúa. Đây là tháng dành cho tình yêu Thiên Chúa, biểu tượng được nhìn thấy qua Thánh Tâm Chúa Giêsu, một trái tim đã bị lưỡi đòng của Longchinô đâm thủng sau khi đã trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá. Qua vết đòng ấy, Trái Tim Chúa đã biểu lộ tình yêu Thiên Chúa như lời Đức Bênêđíctô XVI. Sau đây là huấn từ Ngài ban cho khánh hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô tại La Mã, ngày 5 tháng 6 năm 2005:
“Anh chị em thân mến,
Thứ Sáu vừa qua, chúng ta đã cử hành long trọng lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, lòng sùng mộ đã bén rẽ sâu nơi mỗi Kitô hữu. Trong từ ngữ thánh kinh “trái tim” chỉ về trung tâm điểm của một người, nơi ngự trị của những tình cảm và ý muốn. Trong trái tim của Đấng Cứu Thế, chúng ta tôn thờ tình yêu nhân loại của Thiên Chúa, ý muốn cứu độ toàn thể nhân loại của Ngài, lòng thương xót vô biên của Ngài. Tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, do đó, còn có nghĩa là tôn kính trái tim mà sau khi đã yêu chúng ta cho đến cùng, đã bị đâm thủng bởi lưỡi đòng, và từ nơi cao trên thập giá, đã đổ máu và nước, một nguồn mạch vô tận của đời sống mới.
Lễ kính Thánh Tâm Chúa còn là Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho sự thánh thiện của các linh mục, cơ hội thuận lợi cầu xin để các vị tư tế không tìm gì ngoài tình yêu của Đức Kitô. Một gương mẫu của sự tận hiến toàn vẹn cho Thánh Tâm Chúa Cứu Thế là Chân Phước Giovanni Battista, Giám Mục và là quan thầy của những người di dân, mà chúng ta vừa mừng kỷ niệm bách chu niên ngày ngài qua đời vào ngày 1 tháng 6. Ngài đã sáng lập Hội Truyền Giáo Thánh Charles Borromeo nam và nữ, được biết như một “Scalabrini”, để phổ biến Tin Mừng cho những người di dân Ý.
Nhắc lại vị Giám Mục cao cả này, tâm tư tôi vươn tới tất cả những ai đang sống xa gia đình và xa quê hương. Tôi cầu xin để trên bước đường di dân của họ, luôn gặp được những người bạn tốt và sự tiếp đón tận tình của những người có khả năng giúp đỡ họ trong những khó khăn của cuộc sống thường ngày.
Chúng ta không nghi ngờ, một trái tim giống trái tim Chúa nhất là trái tim của Mẹ Maria, người mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của ngài, và vì lý do rõ ràng ấy, phụng vụ đã giới thiệu người với lòng tôn sùng của chúng ta. Đáp ứng lại lời kêu gọi của Mẹ Maria, chúng ta hãy ký thác trong Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của mẹ, mà chúng ta vừa long trọng cử hành hôm qua, toàn thể thế giới để thế giới này có thể cảm nghiệm được tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa và một nền hòa bình chân chính”.
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Xin cho chúng con được lặn chìm trong biển tình yêu bao la của Chúa. Và xin đốt lòng chúng con cháy lên ngọn lửa yêu mến Chúa, để chúng con hăng say làm chứng nhân cho tình yêu ấy, giữa một thế giới đang đau khổ, hận thù, chém giết, và hủy diệt vì vắng bóng tình yêu.
Trần Mỹ Duyệt dịch theo Zenit ngày 5/6/2005
Anh Chị Em thân mến:
Hôm nay phụng vụ cử hành lễ trọng Kính Ba Ngôi Chí Thánh để nhấn mạnh rằng trong ánh sáng của mầu nhiệm vượt qua tâm điểm của vũ trụ và của lịch sử đã được hoàn toàn tỏ hiện: đó là chính Thiên Chúa, Tình Yêu hằng hữu và vô cùng. “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16), đó là lời tóm tắt toàn thể mạc khải. Và tình yêu bao giờ cũng là một mầu nhiệm, một thực tại vượt quá trí khôn nhưng không ngược với trí khôn; trái lại, nó còn thăng hóa khả năng của trí khôn nữa.
Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm về Thiên Chúa. Người, Ngôi Con, đã tỏ chúng ta biết Ngôi Cha là Đấng ở trên trời, và đã ban cho chúng ta Thánh Thần, Tình Yêu của Ngôi Cha và Ngôi Con. Thần học Kitô giáo tóm tắt sự thật về Thiên Chúa bằng câu diễn tả là: một bản thể duy nhất có ba ngôi. Thiên Chúa không đơn độc mà là hiệp thông trọn vẹn. Đó là lý do con người, hình ảnh Thiên Chúa, được nên trọn trong yêu thương là chân thành trao tặng bản thân mình.
Chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa bằng việc tham dự một cách cao cả vào Thánh Thể chí thánh, bí tích Mình Máu Chúa Kitô là hiện thực hiến tế cứu chuộc của Người. Bởi thế, hôm nay, lễ Ba Ngôi Chí Thánh, tôi hân hoan gửi lời chào đến thành phần tham dự viên hội nghị Thánh Thể của Giáo Hội Ý được khai mạc từ hôm qua ở Bari. Ở tâm điểm của năm giành kính Thánh Thể này, dân Kitô giáo qui tụ lại quanh Chúa Kitô hiện diện nơi Bí Tích Cựu Thánh là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của mình. Đặc biệt là mỗi giáo xứ được kêu gọi để tái khám phá ra cái vẻ đẹp của Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày mà thành phần môn đệ của Chúa Kitô lập lại nơi Thánh Thể mối hiệp thông với Đấng ban ý nghĩa cho niềm vui và sự kiệt lực của họ mỗi ngày. “Chúng ta không thể sống nếu không có Chúa Nhật””, các Kitô hữu tiên khởi đã tuyên bố như thế, cho dù họ có bị thiệt mạng sống, và đây là những gì ngày nay chúng ta được kêu gọi để lập lại.
Với niềm hy vọng sẽ đích thân đến Bari vào Chúa Nhật tới đây để cử hành Thánh Thể, giờ đây tôi xin liên kết bản thân mình một cách thiêng liêng với biến cố quan trọng này của giáo hội. Cùng nhau chúng tax in Trinh Nữ Maria chuyển cầu để những ngày thiết tha nguyện cầu và tôn thờ Chúa Kitô Thánh Thể này sẽ thắp lên nơi Giáo Hội Ý quốc một nhiệt tình mới tin cậy mến.
Tôi cũng xin phó thác cho Mẹ Maria tất cả mọi con em, thanh thiếu niên và giới trẻ vào lúc này đây đang Rước Lễ lần đầu hay đang chịu phép thêm sức. Với ý hướng này, giờ đây chúng ta hãy nguyện Kinh Truyền Tin, cùng Mẹ Maria sống lại mầu nhiệm Truyền Tin.
ĐTC Biển
Đức XVI: Huấn Từ Lạy Nữ Vương Thiên Đàng Chúa Nhật Hiện Xuống về Chúa Thánh Thần
và Việc Truyền Chức Linh Mục
Trước khi Nguyện Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đình với 50 ngàn người tại Quảng Trường
Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 15/5/2005, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và trước
khi ban huấn từ, ĐTC Biển Đức đã xin lỗi vì đã chậm trễ bởi Thánh Lễ Truyền Chức
kéo dài.
Thật vậy, sáng này, trong Đền Thờ Thánh Phêrô, ngài đã truyền chức cho 21 tân
linh mục, tuổi từ 26 đến 55, thuộc 9 quốc gia khác nhau Ý (11), Bolivia (2),
Uruguay, Costa Rica, Peru, Ireland, Rumania, Kenya, Angola, Nigeria, những phó
tế đã theo học ở 4 chủng viện khác nhau là Giáo Hoàng Đại Chủng Viện Rôma (6),
Mẹ Đấng Cứu Chuộc (9), Huynh Đệ Linh Mục Con Cái Thánh Giá (1) và Con Cái Thánh
Anne (2).
Trong bài giảng của mình, ĐTC đã kêu gọi các tân linh mục hãy biến đổi thế giới
bằng các Bí Tích Thánh Thể và thống hối do các vị là thừa tác viên sau khi thụ
phong.
Ngài nói nhân danh Chúa Giêsu, “anh em có thể nói: ‘Này là mình Thày’, ‘Này là
máu Thày’. Lúc nào anh em cũng quyến luyến với Thánh Thể bằng việc hiệp thông sự
sống với Chúa Kitô. Anh em hãy đặt trọng tâm mỗi ngày sống của mình là việc cử
hành Thánh Lễ một cách xứng đáng. Anh em cũng hãy dẫn con người đến với mầu
nhiệm này. Hãy giúp họ bắt đầu từ mầu nhiệm ấy, mang bình an của Chúa Kitô đến
cho thế giới”.
“Bí tích thống hối là một trong những kho tàng của Giáo Hội, vì chỉ ở nơi việc
tha thứ tội lỗi mới thực sự làm cho thế giới được canh tân. Không gì có thể cải
cách thế giới, nếu không thắng vượt được sự dữ. Và sự dữ chiỉcó thể bị khắc phục
bởi sự thứ tha. Dĩ nhiên, cần phải là một sự thứ tha có hiệu năng. Thế nhưng sự
thứ tha này chỉ có thể được Chúa ban cho chúng ta mà thôi, một sự tha thứ không
loại trừ sự dữ bằng lời nói suông mà là một sự thứ tha thực sự biến đổi nó”.
Sau đây là huấn từ Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của ngài cho Chúa Nhật t tuần này sau
Lễ truyền chức:
Anh Chị Em thân mến!
Việc cử hành thánh thể vừa đưoơc kết thúc trong Đền Thờ Thánh Phêrô, một việc cử
hành tôi đã hân hoan truyền chức cho 21 tân linh mục, là một biến cố đánh dấu
giây phút quan trọng của việc tăng trưởng cộng đồng của chúng ta. Từ những vị
thừa tác viên được thụ phong, cộng đồng lãnh nhận sự sống, nhất là qua việc phục
vụ Lời Chúa và các bí tích. Bởi thế, nó là một ngày vui mừng cho Giáo Hội ở Rôma.
Đối với các tân linh mục nó đặc biệt là Ngày Lễ Hiện Xuống của họ. Tôi xin lập
lại lời chào tới họ và tôi nguyện cầu để Thánh Thần luôn giúp họ thực hiện thừa
tác vụ của họ. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về tặng ân những vị tân linh mục này, và
chúng ta hãy cầu nguyện để ở Rôma, cũng như trên toàn thế giới, có nhiều ơn gọi
linh mục thánh đức triển nở và chín mùi.
Việc trùng hợp phúc hạnh này giữa Lễ Hiện Xuống và việc truyền chức linh mục cho
tôi được dịp nhấn mạnh đến cái liên kết bất khả phân ly nơi Giáo Hội giữa Thần
Linh và cơ cấu này. Tôi đã đề cập đến điều này Thứ Bảy tuần vừa rồi, khi nhậm
ngự ngai tòa Giám Mục Rôma ở Đền Thờ Thánh Gioan Laterano. Ngai tòa này và Thần
Linh là những thực tại hết sức liên kết với nhau, như đặc sủng và thừa tác vụ
thánh chức.
Không có Thánh Thần, Giáo Hội sẽ biến thành một tổ chức nhân loại thuần túy, với
tầm quan trọng của chính cơ cấu Giáo Hội. Ngoài ra, về phần mình, theo dự án của
Thiên Chúa, Thần Linh thường sử dụng việc loài người làm môi giới để hoạt động
trong lịch sử. Chính vì lý do này, Chúa Kitô, Đấng đã thiết lập Giáo Hội của
Người trên nền tảng các Tông Đồ hiệp nhất với Thánh Phêrô, đã làm phong phú cho
Giáo Hội bằng tặng ân Thần Linh, nhờ đó Ngài an ủi Giáo Hội (x Jn 14:16), và
hướng dẫn Giáo Hội đến toàn chân (x Jn 16:13). Chớ gì cộng đồng Giáo Hội luôn
cởi mở và dễ dạy với tác động của Thánh Linh, để trở thành một dấu hiệu khả tín
và thành một dụng cụ hiệu nghiệm cho tác động của Chúa nơi loài người.
Chúng ta hãy phó dâng niềm hy vọng này cho việc chuyển cầu của Đức Trinh Nữ
Maria, vị chúng ta hôm nay chiêm ngưỡng nơi mầu nhiệm Hiện Xuống hiển vinh. Chúa
Thánh Thần, Đấng hiện xuống trên Mẹ ở Nazarét để làm cho Mẹ trở thành Mẹ của Lời
Nhập Thể (x Lk 1:35), đã hiện xuống hôm nay đây trên Giáo Hội mới sinh tập trung
quanh Mẹ ở nhà tiệc ly (x Acts 1:14). Với lòng tin tưởng, chúng ta hãy kêu cầu
Mẹ Maria Rất Thánh để Mẹ xin cho chúng ta một sự tuôn trào Thần Linh mới trên
Giáo Hội trong những ngày của chúng ta đây.
ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Lạy Nữ Vương Thiên Đình Chúa Nhật
8/5/2005 về Ngày Thế Giới Truyền Thông
Anh Chị Em thân mến!
Hôm nay Lễ Trọng Kính Chúa Giêsu Thăng Thiên được cử hành ở nhiều quốc gia,
trong đó có Ý quốc. Lễ này mời gọi cộng đồng Kitô hữu hãy nhìn vào một Đấng mà
40 ngày sau khi phục sinh, trước sự ngỡ ngàng của các vị tông đồ “đã được đưa
lên cao và một đám mây bao phủ Người khuất khỏi mắt các vị” (Acts 1:9). Bởi
thế, chúng ta được kêu gọi lập lại đức tin của chúng ta nơi Chúa Giêsu là neo
cưú độ chân thực duy nhất cho tất cả mọi người. Khi lên Trời, Người đã mở lại
con đường dẫn chúng ta về quê hương sau cùng là thiên đàng. Hiện nay, với
quyền lực Thần Linh của mình, Người gìn giữ chúng ta trong cuộc lữ hành hằng
ngày của chúng ta trên thế gian này.
Hôm nay, Ngày Thế Giới Truyền Thông đang được cử hành về đề tài “Truyền Thông
Giúp Cho Các Dân Tộc Hiểu Biết Nhau”. Trong một thời đại hình ảnh hiện nay,
truyền thông đã hiệu nghiệm tạo nên những nguồn lợi phi thường trong việc cổ
võ tình đoàn kết và sự cảm thông nơi gia đình nhân loại. Mới đây chúng ta đã
thấy được chứng cớ này nơi trường hợp cái chết và lễ an táng long trọng của vị
tiền nhiệm Gioan Phaolô II của tôi. Tuy nhiên, tất cả đều lệ thuộc vào cách
thức chúng được sử dụng. Những phương tiện quan trọng về truyền thông này có
thể giúp cho việc thuận lợi của việc tương kiến và đối thoại, hay ngược lại,
gây thêm thành kiến và khinh khi nhau giữa các cá nhân và dân tộc; chúng có
thể góp phần vào việc truyền bá hoa bình hay làm bùng lên bạo lực. Đó là lý do
dân chúng cần phải luôn được nhắc nhở về trách nhiệm của họ; cần tất cả mọi
người làm những gì xứng hợp với họ để bảo đảm tính cách khách quan, bảo đảm
việc tôn trọng phẩm vị con người và chú trọng đến công ích nơi tất cả mọi hình
thức truyền thông. Nhờ đó, mới thực hiện việc đóng góp vào vấn đề phá đổ những
bức tường thù hận vẫn còn chia rẽ nhân loại và củng cố những mối liên hệ thân
hữu và yêu thương là dấu hiệu của vương quốc Thiên Chúa trong lịch sử.
Chúng ta hãy trở về với mầu nhiệm Thăng Thiên Kitô giáo. Sauk hi Chúa lên trời
rồi, các môn đệ đã qui tụ lại nguyện cầu ở Nhà Tiệc Ly với Mẹ Maria (x Acts
1:14), cùng nhau kêu cầu Thánh Linh, Đấng sẽ trang bị cho các vị bằng quyền
năng để làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh (x Lk 24:49; Acts 1:8). Hiệp với
Trinh Nữ Rất Thánh, hết mọi cộng đồng Kitô hữu sống lại trong những ngày này
cái cảm nghiệm chuyên biệt ấy để sửa soạn long trọng cử hành Lễ Hiện Xuống.
Giờ đây chúng ta cũng hướng về Mẹ Maria bằng việc hát Kinh Nữ Vương Thiên Đình,
xin Người bảo vệ Giáo Hội, nhất là những ai dấn thân hoạt động truyền bá phúc
âm hóa qua phương tiện truyền thông xã hội.