Ý nghĩa sâu xa nhất của Công Giáo tính

 

 

ĐTC BĐXVI đã chủ tế Thánh Lễ Trọng Kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô tại Đền Thờ Thánh Phêrô, và trong Thánh Lễ, ngài đã ban giây choàng tông phẩm cho ĐHY Angelo Sodano, trưởng hồng y đoàn và 32 vị tân Tổng Giám Mục thuộc 21 quốc gia mới được bổ nhiệm năm vừa qua. Theo truyền thống, Thánh Lễ này cũng có sự hiện diện của phái đoàn đại biểu thuộc Giáo Hội Chính Thống hoàn vũ ở Contantinople, năm nay với 3 vị dẫn đầu là Loannis (Zizioulas), TGP Pergamo, và hai vị nữa là Gennadios (Limouris), TGP Sassima, và đan viện trưởng Bartolome, phó bí thư Hội Đồng Thượng Phụ Hoàn Vũ. Sau đây là nguyên văn bài giảng của ĐTC trong Thánh Lễ về công giáo tính của Giáo Hội Chúa Kitô.

 

Lễ Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô vừa là một tưởng nhớ tri ân về những vị chứng nhân cao cả của Chúa Giêsu Kitô, vừa là một cuộc long trọng tuyên xưng về một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Trước hết, lễ này là một lễ của công giáo tính. Dấu hiệu của Ngày Lễ Hiện Xuống – một cộng đồng mới nói đủ mọi ngôn ngữ và hiệp nhất tất cả mọi dân tộc lại thành một dân duy nhất, thành một gia đình duy nhất của Thiên Chúa – đã trở thành thực tại.

 

Cộng đồng phụng vụ của chúng ta, một cộng đồng qui tụ các vị giám mục từ khắp nơi trên thế giới, qui tụ dân chúng thuộc nhiều văn hóa và quốc gia, là hình ảnh gia đình Giáo Hội lan tràn khắp thế giới. Kẻ xa lạ thành bạn hữu; chúng ta nhìn nhận nhau là anh em vượt mọi biên giới. Như thế, sứ vụ của Thánh Phaolô được hoàn thành, vị đã biết cách để “trở thành mộït thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô đối với Dân Ngoại…. Nhờ đó việc hiến dâng của Dân Ngoại được chấp nhận, được Thánh Thần thánh hóa” (Rm 15:16).

 

Mục đích của sứ vụ này là một nhân loại được trở thành vinh hiển sống động của Thiên Chúa, một cuộc tôn thờ chân thực Thiên Chúa mong muốn: Đó là ý nghĩa sâu xa nhất của công giáo tính – một công giáo tính đã được ban cho chúng ta và bởi thế chúng ta phải tiếp tục hướng mình đến chỗ đó. Công giáo tính không tỏ hiện theo chiều hoành kích mà thôi, chiều kích nhiều dân tộc qui tụ lại với nhau; nó còn thể hiện theo chiều tung kích nữa: chỉ cần hướng ánh mắt về Thiên Chúa, chỉ cần mở lòng ra cho Ngài chúng ta mới thực sự trở nên duy nhất.

 

Như Thánh Phaolô, Thánh Phêrô cũng đến Rôma, một thành phố đã trở thành nơi hội tụ của tất cả mọi dân tộc, và chính vì điều này đã trở thành một thể hiện hơn hết cái phổ quát tính của Phúc Âm. Khi thực hiện chuyến đi từ Giêrusalem đến Rôma, Thánh Phêrô chắc chắn cảm thấy mình được soi dẫn bởi tiếng nói của các vị tiên tri, bởi đức tin và bởi lời cầu nguyện của dân Do Thái.

 

Sứ vụ truyền giáo cho toàn thế giới thực sự cùng là một phần của việc loan báo Cựu Ước nữa: Dân Do Thái được ấn định trở thành ánh sáng cho các Dân Ngoại. Bài đại Thánh Vịnh Thương Khó, bài Thánh Vịnh 21, với câu đầu tiên là “Lạy Chúa Trời con, Lạy Thiên Chúa của con, nhân sao Chúa bỏ rơi con?” được Chúa Giêsu đã thốt lên trên cây thập tự giá, được chấm dứt bằng nhãn quan là “Tận cùng trái đất sẽ nhớ tới Chúa và trở về cùng Chúa; và tất cả mọi gia đình chư quốc sẽ tôn thờ trước tôn nhan Ngài” (Ps 21:28). Khi tông đồ Phêrô và Phaolô đến Rôma thì Chúa, Đấng đã sử dụng bài thánh vịnh này trên thập tự giá, đã sống lại; việc chiến thắng này của Thiên Chúa bấy giờ cần phải được loan báo cho tất cả mọi dân nước, nhờ đó hoàn tất lời hứa kết thúc bài thánh vịnh ấy.

 

Công giáo tính tức là phổ quát tính – thứ đa dạng tính trở nên hiệp nhất; một thứ hiệp nhất vẫn có tính cách đa dạng. Từ lời lẽ của Thánh Phaolô về phổ quát tính của Giáo Hội chúng ta thấy rằng một phần của mối hiệp nhất này là khả năng của các dân tộc trong việc thắng vượt bản thân mình, trong việc hướng về một Vị Thiên Chúa duy nhất.

 

Vị sáng lập thực sự thần học Công giáo là Thánh Irenaeus thành Lyon đã diễn tả mối liên hệ giữa công giáo tính và mối hiệp nhất này một cách thật là tuyệt vời: “Tín lý này và đức tin này được Giáo Hội, một Giáo Hội được truyền bá khắp thế giới, chuyên chăm gìn giữ, làm nên hầu như một gia đình duy nhất: cùng một đức tin với một linh hồn và một con tim duy nhất, với cùng một việc rao giảng, cùng một việc giảng dạy, cùng một truyền thống như thể chỉ có một tiếng nói duy nhất. Các Giáo Hội ở Đức quốc không có một đức tin hay truyền thống khác, những Giáo Hội ở Tây Ban Nha, ở Gaul, ở Ai Cập, ở Libya, ở Hướng Đông, ở trung tâm trái đất, như mặt trời thụ tạo của Thiên Chúa chỉ là một và đồng nhất trên khắp thế giới, để ánh sáng của việc rao giảng thực sự chiếu sáng mọi nơi và soi sáng tất cả mọi người muốn nhận biết chân lý” ("Adversus Haereses" I, 10,2).

 

Mối hiệp nhất của con người nơi đa dạng tính của họ có thể thực hiện vì Thiên Chúa, vị Thiên Chúa duy nhất của trời đất này, đã tỏ mình ra cho chúng ta; vì sự thật chính yếu của cuộc sống chúng ta, sự thật về việc chúng ta “từ đâu mà có?” và “sẽ đi về đâu?”, đã trở nên hữu hình khi Ngài tỏ mình cho chúng ta và nơi Chúa Giêsu Kitô Ngài đã cho chúng ta thấy dung nhan của Ngài, cho thấy chính Bản Thân của Ngài. Sự thật về yếu tính liên quan đến con người của chúng ta đây, đến việc chúng ta sống và việc chúng ta chết đây, sự thật nhờ Thiên Chúa đã trở thành hiện tỏ ấy, đã liên kết chúng ta và làm cho chúng ta trở nên anh em với nhau. Công giáo tính và hiệp nhất tính là những gì đồng hành với nhau. Và duy nhất tính có một nội dung đó là một đức tin đã được các vị tông đồ thay Chúa Kitô truyền đạt cho chúng ta.

 

Hôm qua, nhân dịp lễ Thánh Irenaeus và là áp lễ trọng kính Thánh Phêrô và Phaolô, tôi đã có thể cống hiến cho Giáo Hội một bản hướng dẫn mới để truyền đạt đức tin, bản hướng dẫn giúp chúng ta hiểu biết hơn nữa và sống tốt đẹp hơn nữa đức tin liên kết chúng ta, đó là cuốn Tổng Lược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Những gì trong cuốn Giáo Lý lớn, với những chứng từ của các thánh thuộc mọi thế kỷ cùng với những suy tư thần học chín mùi được trình bày một cách chi tiết, đều được tóm gọn lại thành những gì thiết yếu trong cuốn tổng lược này, những điều sau đó được chuyển dịch thành ngôn ngữ của đời sống thường nhật và trở thành thực tiễn hơn.

 

Cuốn sách này được trình bày như một cuộc đối thoại với những câu vấn đáp; 14 bức hình liên quan tới các lãnh vực khác nhau của đức tin để mời gọi con người chiêm ngắm và suy niệm. Có thể nói rằng chúng tóm gọn một cách tượng hình những gì được lời lẽ diễn tả theo chi tiết. Mở đầu là một bức hình từ thế kỷ thứ sáu về Chúa Kitô, bức hình được thấy trên Núi Athos và tiêu biểu cho Chúa Kitô nơi phẩm vị là Chúa Tể Trái Đất của mình, thế nhưng cũng tiêu biểu cho Người như là vị rao giảng Phúc Âm Người cầm trong tay.

 

“Ta là Đấng Hiện Hữu” – tên gọi nhiệm mầu này được viết lên trong Cựu Ước – được nói đến trong cuốn sách này như là danh riêng của Ngài: bởi vì, hết mọi sự hiện hữu đều xuất phát từ Ngài; Ngài là nguồn mạch nguyên thủy của hết mọi hữu thể. Và vì Ngài là duy nhất mà Ngài bao giờ cũng hiện hữu, bao giờ cũng gần chúng ta song đồng thời đi trước chúng ta, như “Đấng ấn định” cho đường đi nước bước của đời chúng ta sống, Ngài tự mình thực sự là đường lối. Cuốn sách này không thể nào được đọc như là một cuốn tiểu thuyết. Nó phải được suy niệm một cách thâm trầm từng phần thì nội dung của nó, qua những hình ảnh, mới thấm vào tâm hồn được. Tôi hy vọng nó sẽ được đón nhận như thế và sẽ trở nên một bản hướng dẫn bổ ích trong việc truyền đạt đức tin.

 

Chúng ta đã nói rằng công giáo tính và hiệp nhất tính của Giáo Hội là những gì đi với nhau. Sự kiện là giữa hai tính chất này có những chiều kích được nói đến hữu hình đối với chúng ta nơi hình ảnh của các vị tông đồ đã cho chúng ta thấy đặc tính sau đó của Giáo Hội: một Giáo Hội tông truyền.

 

Điều này nghĩa là gì? Chúa đã thiết lập 12 Tông Đồ, để từ bấy giờ trở đi bao gồm tất cả mọi dân tộc, giống như 12 người con của Giacóp xưa, đối với Người là các chi tộc lãnh đạo Dân Chúa, một sự kiện bấy giờ đã trở thành phổ quát. Thánh Marcô đã nói cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu kêu gọi các vị tông đồ “đến ở với Người và sai các vị ra đi” (3:14). Điều này hầu như tương khắc nhau. Chúng ta có thể nói rằng: Một là các vị ở với Người hay là các vị được sai đi và lên đường.

 

Có một lời về các vị thiên thần được thánh Giáo Hoàng Gêgôriô Cả nói tới giúp chúng ta giải quyết được điều tương phản ấy. Ngài nói rằng các thiên thần bao giờ cũng được sai đi lại đồng thời lúc nào cũng ở trước nhan Thiên Chúa: “Bất cứ khi nào các vị được sai đi, bất cứ nơi nào các vị đến, bao giờ các vị cũng chuyển động trong cung lòng của Chúa Cha” (Homily 34,13). Mạc khải đã diễn tả các vị giám mục như là “các thiên thần” của Giáo Hội các vị, và bởi thế chúng ta áp dụng điều này như sau: các vị tông đồ cũng như các vị thừa kế các tông đồ lúc nào cũng phải ở với Chúa, và chỉ có như thế, bất cứ đi đâu, các vị cũng luôn hiệp thông với Ngài và sống cuộc hiệp thông này. 

 

Giáo Hội tông truyền vì Giáo Hội tuyên xưng đức tin của các vị tông đồ và tìm cách sống đức tin ấy. Chính mối hiệp nhất làm nên đặc tính của 12 Vị được Chúa Kitô kêu gọi, thế nhưng đồng thời cũng có một sự liên tục nơi sứ vụ tông đồ nữa. Trong Bức Thư Thứ Nhất của mình, Thánh Phêrô đã diễn tả mình là “anh cả” đối với những người anh được ngài gửi thư cho (5:1). Bằng lời lẽ ấy, ngài nói lên nguyên tắc của việc thừa kế tông đồ: cùng một thừa tác vụ ngài đã lãnh nhận từ Chúa giờ đây được tiếp tục trong Giáo Hội qua việc truyền chức tư tế. Lời Chúa không những được viết ra mà còn là một lời sống động qua những chứng từ được Chúa Kitô ở trong bí tích này đưa vào thừa tác vụ tông đồ.

Bởi thế, giờ đây tôi hướng về quí huynh, quí huynh giám mục thân mến: tôi thân ái chào quí huynh cũng như họ hàng thân thuộc và phái đoàn hành hương thuộc các giáo phận đương nhiệm của quí huynh. Quí huynh sắp sửa lãnh nhận giây choàng tông phẩm từ tay của Vị Thừa Kế Thánh Phêrô. Chúng tôi đã ban phép lành cho nó, như từ chính Thánh Phêrô, đặt nó ở bên mộ của ngài. Giờ đây nó là một thứ thể hiện cho trách nhiệm chung của chúng ta trước “Vị Tổng Mục Tử” Giêsu Kitô được Thánh Phêrô nói đến (2Pt 5:4).

 

Giây tông phẩm là một biểu hiệu cho sứ vụ tông đồ của chúng ta. Nó là biểu hiện cho mối hiệp thông của chúng ta, một mối hiệp thông có tính cách cao cả hữu hình của nó nơi thừa tác vụ Thánh Phêrô. Liên hệ với duy nhất tình cũng như với tông đồ tính là thừa tác vụ Thánh Phêrô, một thừa tác vụ qui tụ một cách hữu hình Giáo Hội của tất cả mọi phần thể cũng như của tất cả mọi thời đại, nhờ đó bênh vực mỗi một người trong chúng ta khỏi rơi vào tình trạng tự lập sai lầm là những gì quá dễ dàng bị biến thành những thứ riêng biệt hóa nội tại trong Giáo Hội và có thể làm tổn thương rất nhiều đến tình trạng độc lập nội tại của Giáo Hội. Ý thức như thế, chúng ta không muốn quên rằng ý nghĩa của tất cả mọi phận vụ và thừa tác vụ cuối cùng là “để tất cả chúng ta chiếm được mối hiệp nhất về đức tin và về việc nhận biết Con Thiên Chúa, chiếm được con người trưởng thành, chiếm được tầm vóc trọn vẹn của Chúa Kitô”, nhờ đó thân thể của Chúa Kitô được phát triển “và tự xây dựng trong yêu thương” (Eph 4:13,16).

 

Theo chiều hướng ấy, tôi thành thật và biết ơn gửi lời chào đến phái đoàn đại biểu của Giáo Hội Chính Thống Constantinople, một phái đoàn được Đức Thượng Phụ hoàn vũ Bartholomew I sai đến, vị thượng phụ tôi xin bày tỏ niềm tưởng mến. Phái đoàn này, được lãnh đạo bởi TGM loannis, đã đến mừng và tham dự cuộc lễ của chúng ta đây. Cho dù chúng ta vẫn chưa đồng ý với nhau về vấn đề cắt nghĩa và quyền bính của thừa tác vụ Thánh Phêrô, chúng ta vẫn cùng nhau được thừa hưởng việc thừa kế tông đồ, chúng ta liên kết chặt chẽ với nhau bằng thừa tác vụ giáo phẩm cũng như bằng bí tích linh mục, và chúng ta cùng nhau tuyên xưng đức tin của các vị tông đồ như được ghi nhận trong Thánh Kinh cũng như theo những lời dẫn giải của các đại Công Đồng Chung. 

 

Vào giờ khắc này của thế giới đầy những hoang mang và ngờ vực nhưng khắc khoải mong ước Thiên Chúa, chúng ta lại nhìn nhận sứ vụ chung của chúng ta trong việc cùng làm chứng cho Chúa Kitô, và, trên căn bản hiệp nhất ấy là những gì được ban cho chúng ta, chúng ta giúp cho thế giới có thể tin tưởng. Chúng ta khẩn xin Chúa bằng cả tấm lòng của mình hãy hướng dẫn chúng ta đạt tới mối hiệp nhất trọn vẹn, để ánh quang chân lý là những gì duy nhất có thể kiến tạo hiệp nhất một lần nữa lại trở nên hữu hình trước mắt thế giới.

 

Bài Phúc Âm hôm nay nói với chúng ta về lời tuyên xưng của Thánh Phêrô được Giáo Hội lấy đó là lúc khởi đầu của mình: “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16). Hôm nay đây, khi nói về một Giáo Hội duy nhất, công giáo và tông truyền song chưa là Giáo Hội thánh thiện, chúng ta muốn nhắc lại vào lúc này đây một lời tuyên xưng khác của Thánh Phêrô nhân danh Mười Hai Vị vào giờ phút bị bỏ rơi nhất: “Chúng con đã tin tưởng và nhận biết rằng Thày là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Jn 6:69).

 

Điều này nghĩa là gì? Chúa Giêsu, trong lời nguyện tư tế cao cả, đã nói đến việc Người tự hiến cho các môn đệ, ám chỉ cuộc hy sinh tử giá của mình (Jn 17:19). Qua lời nói ấy Chúa Giêsu mặc nhiên diễn tả phận sự của Người là Vị Thượng Tế chân thật, Đấng làm hiện thực mầu nhiệm của “Ngày Hòa Giải”, không còn chỉ ở nơi các nghi lễ thay thế nữa mà là ở nơi cái cụ thể của mình máu Người. Lời “Đấng Thánh của Thiên Chúa” trong Cựu Ước ám chỉ Aaron là Thượng Tế, vị có nhiệm vụ hoàn tất việc thánh hóa dân Do Thái (Ps 105:16; x Sir 45:6). Việc Thánh Phêrô tuyên xưng vào Chúa Kitô, Đấng được ngài tuyên bố là Đấng Thánh của Thiên Chúa, lại ở trong bối cảnh của bài giảng về Thánh Thể, một bài giảng Chúa Giêsu loan báo Ngày đại Hòa Giải bằng việc hiến dâng chính mình làm lễ hy sinh: “Bánh Tôi sẽ ban để thế gian được sự sống đó là thịt của Tôi” (Jn 6:51). 

 

Bởi thế, trong bối cảnh của lời tuyên xưng này là mầu nhiệm tư tế của Chúa Giêsu, hiến tế của Người cho tất cả chúng ta. Đúng hơn, hiến tế này luôn được tái thánh hóa bằng tình yêu tinh tuyền của Chúa Kitô. Thiên Chúa không phải chỉ nói: Ngài đã yêu thương chúng ta một cách rất thực hữu, đã yêu thương chúng ta cho đến độ tử giá của Con Ngài. Chính từ đây mà chúng ta thấy được tất cả những gì là cao cả của một mạc khải có vết thương in ấn trên trái tim của chính Thiên Chúa. Giờ đây, mỗi một người trong chúng ta có thể tự mình nói với Thánh Phaolô rằng: “Sự sống tôi hiện sống trong xác thịt này là tôi sống bởi niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và ban mình cho tôi” (Gal 2:20). Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa để sự thật của lời này được in ấn một cách sâu xa trong tâm can của chúng ta với niềm hân hoan và trách nhiệm của nó; chúng ta hãy cầu nguyện để được rạng ngời bởi Thánh Thể chân lý này càng ngày càng trở nên mãnh liệt hơn trong việc hình thành cuôc sống của chúng ta.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 29/6/2005