Bài Giảng Thứ Tư Lễ Tro 1/3/2006 tại Đền Thờ Santa Sabina ở Aventine Hill

 

Quí Hồng Y,

Quí Huynh trong Hàng Giáo Phẩm và hàng Linh Mục,

Anh Chị Em thân mến,

 

Cuộc diễn hành thống hối được chúng ta lợi dụng để bắt đầu việc cử hành hôm nay đã giúp chúng ta tiến vào một bầu khí chính yếu của Mùa Chay, đó là một cuộc hành trình hoán cải chung cũng như riêng và canh tân tâm hồn. 

 

Theo truyền thống Rôma rất cổ xưa về các chặng – stationes Mùa Chay thì trong mùa này, tín hữu cùng với thành phần hành hương hằng ngày tập trung lại và dừng lại – station – ở một trong nhiều ‘nơi tưởng niệm’ của các vị Tử Đạo được Giáo Hội Rôma thiết lập.

 

Ở những Đền Thờ là nơi có các hài tích của các vị có cử hành Thánh Lễ, trước đó có cuộc diễn hành hát kinh cầu Các Thánh. Nhờ đó, tất cả những ai làm chứng cho Chúa Kitô bằng máu của mình đều được tưởng niệm, và như thế trở thành một yếu tố phấn khích cho mỗi người Kitô hữu trong việc phục hồi lòng gắn bó của họ với Phúc Âm.

 

Những nghi thức này vẫn còn giá trị của mình, cho dù thời gian có qua đi nhiều thế kỷ, vì chúng nhắc nhở tính cách quan trọng trong việc chúng ta chấp nhận những lời của Chúa Giêsu ở thời đại của chúng ta đây một cách dứt khoát, đó là ‘Nếu ai muốn theo Thày thì hãy bỏ bản thân mình đi, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thày’ (Lk 9:23).

 

Một nghi thức khác nữa, một cử chỉ chuyên biệt thích hợp với ngày đầu tiên của Mùa Chay, đó là việc bỏ tro. Ý nghĩa sâu xa nhất của cử chỉ bỏ tro này là gì?

 

Thật sự thì đây không phải là những gì thuần nghi thức, mà là một cái gì đó rất sâu xa chạm tới tâm hồn của chúng ta. Nó làm cho chúng ta hiểu được tính cách hợp thời của lời Tiên Tri Joel khuyên nhủ được vang vọng trong Bài Đọc Thứ Nhất, lời khuyên nhủ vẫn còn giá trị đáng kể của nó đối với chúng ta, đó là những cử chỉ bề ngoài bao giờ cũng cần phải được ăn khớp với tấm lòng chân thành và cử chỉ nhất trí.

 

Thật thế, vị tác giả được linh ứng này nghĩ rằng có ích lợi gì khi chúng ta xé áo mà lòng chúng ta vẫn còn cách xa Chúa chứ, tức là còn xa sự thiện hảo và công lý? Những gì thực sự đáng kể đó là việc trở về với Thiên Chúa bằng tấm lòng chân thành thống hối ăn năn để được Ngài xót thương (x Jl 2:12-18).

 

Một tấm lòng mới và một thần trí mới là những gì chúng ta xin qua Bài Thánh Vịnh thống hối tuyệt vời, bài thánh vịnh Thương Xót – Miserere, bài thánh vịnh xót thương chúng ta hôm nay xướng lên với lời đáp ca: ‘Ôi Chúa, xin xót thương vì chúng con đã phạm tội’ (Sách Lễ Chúa Nhật).

 

Người tín hữu đích thực, nhận biết mình là một tội nhân, với tất cả con người của mình – thần trí, tâm hồn và thân xác – mong được Thiên Chúa thứ tha, như mong được tân tạo là những gì có thể mang lại niềm vui và hy vọng cho mình (x Ps 51[50]:3,5,12,14).

 

Một khía cạnh khác của linh đạo Mùa Chay đó là những gì chúng ta có thể diễn tả như ‘chiến đấu tính’, một tính chất xuất hiện trong ‘Lời Nguyện’ hôm nay, lời nguyện đề cập tới cả ‘các thứ vũ khí’ thống hối và ‘trận chiến đấu’ chống lại sự dữ.

 

Hằng ngày, nhất là trong Mùa Chay, Kitô hữu cần phải đương đầu với một cuộc chiến đấu, như cuộc chiến đấu Chúa Kitô đã trải qua trong hoang địa xứ Giuđêa, nơi Người đã bị ma quỉ cám dỗ 40 ngày, và rồi trong Vườn Nhiệt, lúc Người chế ngự chước cám dỗ trầm trọng nhất để chấp nhận ý muốn của Cha cho đến tận cùng.

 

Nó là một cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại tội lỗi và cuối cùng là chống lại Satan. Nó là một cuộc chiến đấu bao gồm toàn thể con người và đòi phải chuyên tâm và liên lỉ tỉnh thức.

 

Thánh Âu Quốc Tinh đã nhận định là những ai muốn tiến bước trong tình yêu mến Thiên Chúa và trong tình thương của Ngài không thể nào mãn nguyện với việc dứt bỏ mình khỏi các trọng tội và tử tội, mà còn ‘phải thực hiện sự thật nữa, ở chỗ cũng nhận ra cả những tội lỗi được cho là ít trầm trọng…, và tiến đến với ánh sáng bằng việc thực hiện các hành động xứng đáng. Cho dù là những tội lỗi ít trầm trọng, song nếu coi thường chúng, chúng cũng nẩy sinh và sán xuất ra sự chết’ (In Io. evang. 12, 13, 35).

 

Mùa Chay bởi thế nhắc nhở chúng ta rằng đời sống Kitô Giáo là một cuộc chiến đấu không ngừng mà khí giới được sử dụng để chiến đấu đó là việc nguyện cầu, chay tịnh và thống hối. Việc chiến đấu chống lại sự dữ, chống lại hết mọi hình thức vị kỷ và thù ghét, và việc chết đi cho chính mình để sống trong Thiên Chúa là cuộc hành trình khổ chế mà hết mọi người môn đệ của Chúa Giêsu được kêu gọi thực hiện bằng lòng khiêm tốn và nhẫn nại, với lòng quảng đại và kiên trì.

 

Việc đơn sơ dễ dạy theo Vị Sư Phụ thần linh này làm cho Kitô hữu trở thành những chứng nhân và tông đồ của bình an. Chúng ta có thể nói rằng thái độ nội tại này cũng giúp chúng ta làm sáng tỏ hơn nữa những gì Kitô hữu cần phải đáp ứng trước tình trạng bạo động đang đe dọa hòa bình trên thế giới này.

 

Việc đáp ứng này chắc chắn không phải là việc trả đũa, hay việc hận thù hoặc thậm chí việc chiến đấu theo chủ nghĩa duy linh sai lạc. Việc đáp ứng của những ai theo Chúa Kitô, trái lại, là việc theo đường lối được chấp nhận bởi Đấng, khi đương đầu với các sự dữ trong thời đại của mình cũng như trong tất cả mọi thời đại, đó là cương quyết ôm lấy Thánh Giá, đi theo con đường dài hơn nhưng lại là con đường hiệu nghiệm hơn của yêu thương.

 

(Biệt chú của người dịch bản Việt ngữ đây là phải chăng Đức Thánh Cha có ý nói tới trường hợp đặc biệt ở Nigeria tháng trước liên quan tới vụ Kitô hữu ở miền nam nước này đã phản ứng bạo động phạm đến anh chị em Hồi giáo ở miền bắc vào ngày Thứ Ba 26/2/2006, bằng việc sát hại và hủy hoại giống như họ đã gây ra cho anh chị em đồng đạo của mình ở miền bắc nước này?)

 

Theo bước chân của Người và liên kết với Người, chúng ta tất cả cần phải nỗ lực chống lại sự dữ bằng sự lành, chống lại lầm lạc bằng chân lý và chống lại hận thù bằng yêu thương.

 

Trong Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, tôi đã muốn trình bày tình yêu này như bí quyết của việc chúng ta hoán cải cả về phương diện cá nhân cũng như giáo hội. Đề cập tới những lời Thánh Phaolô ngỏ cùng Giáo Đoàn Corinto là ‘tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta’ (2Cor 5:14), tôi đã nhấn mạnh là ‘cái ý thức là trong Chúa Kitô Thiên Chúa đã ban mình cho chúng ta cho đến chết phải là những gì tác động chúng ta không còn sống cho chính mình nữa mà là cho Ngài và với Ngài cho người khác’ (số 33).

 

Hơn nữa, như Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm hôm nay, tình yêu cần phải thể hiện bằng những tác động cụ thể cho tha nhân của chúng ta, nhất là cho thành phần nghèo khổ và thiếu thốn, luôn tùy thuộc giá trị của các ‘việc lành’ vào lòng thành của mối liên hệ với ‘Cha ở trên trời’ của chúng ta, Đấng ‘thấy trong thầm kín’ và ‘sẽ tưởng thưởng’ cho tất cả những ai thực hiện những hành động tốt lành một cách khiêm nhu và vô tư (x Mt 6:1,4,6,18).

 

Việc biểu lộ yêu thương là một trong những yếu tố thiết yếu nơi đời sống Kitô hữu là thành phần được Chúa Giêsu kêu gọi hãy trở nên ánh sáng thế gian, để rồi, nhờ thấy ‘các việc lành của họ’, người ta tôn vinh Thiên Chúa (x Mt 5:16).

 

Lời khuyến dụ này đặc biệt thích hợp với chúng ta vào lúc bắt đầu Mùa Chay, nhờ đó chúng ta có thể càng hiểu hơn nữa là ‘đối với Giáo Hội, đức ái không phải là một loại hoạt động an sinh phúc lợi… mà là những gì thuộc về bản chất của Giáo Hội, một thể hiện bất khả thiếu của chính việc Giáo Hội hiện hữu’ (Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, đoạn 25).

 

Tình yêu thương chân thực được thể hiện nơi những hành động không loại trừ một ai, theo gương của người Samaritanô Nhân Lành, người có một tấm lòng rộng mở đã rat ay cứu trợ một kẻ xa lạ trong cơn khốn khó ‘tình cờ’ gặp trên đường đi (x Lk 10:31).

 

Quí Hồng Y, Quí Huynh khả kính trong hàng Giáo Phẩm và trong hàng Linh Mục, quí tu sĩ nam nữ và giáo dân, tôi ân cần ưu ái gửi lời chào đến tất cả mọi người, chớ gì chúng ta tiến vào bầu khí tiêu biểu của giai đoạn phụng vụ này bằng những cảm thức ấy, khi để cho Lời Chúa sáng soi và dẫn dắt chúng ta.

 

Trong Mùa Chay, chúng ta thường nghe vang vọng lời mời gọi hãy hoán cải và tin vào Phúc Âm, và chúng ta sẽ được liên lỉ thôi thúc hãy mở tâm linh của chúng tar a cho quyền năng của ân sủng thần linh. Chúng ta hãy yêu chuộng những giáo huấn dồi dào được Giáo Hội cống hiến cho chúng ta trong những tuần lễ này.

 

Được phấn chấn bởi việc mạnh mẽ dấn thân nguyện cầu, nhất quyết cố gắng hơn nữa trong việc thống hối, chay tịnh và yêu thương chuyên chú tới anh chị em của chúng ta, chúng ta hãy khởi hành tiến về Lễ Phục Sinh với sự đồng hành của Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội và là mẫu gương của hết mọi người môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/documents/hf_ben-xvi_hom_20060301_ash-wednesday_en.html

 

 

TOP