“Các con đã lãnh nhận nhưng không
thì cũng hãy cho đi nhưng không”


Sứ Ðiệp Mùa Chay 2002 của ÐTC Gioan Phaolô II


 

Anh chị em thân mến,

1.- Chúng ta đang dọn mình bước vào cuộc hành trình Mùa Chay, một hành trình sẽ dẫn chúng ta đến việc long trọng cử hành một mầu nhiệm chính yếu của đức tin, mầu nhiệm Khổ Nạn, Tử Giá và Phục Sinh của Chúa Kitô. Chúng ta đang dọn mình cho một thời gian hồng ân được Giáo Hội cống hiến cho tín hữu, để họ có thể chiêm ngưỡng công cuộc cứu chuộc do Chúa chúng ta hoàn thành trên Thập Giá. Dự án cứu độ của Cha trên trời được thực hiện hoàn toàn là một tặng ân nhưng không ban cho chúng ta nơi Người Con duy nhất. “Không ai lấy được mạng sống của Tôi, Tôi tự ý bỏ nó đi” (Jn 10:18), Chúa Giêsu đã tuyên bố như thế, thẳng thắn cho biết là Người quyết hy sinh mạng sống của Người cho phần rỗi thế gian. Để xác nhận về tặng ân yêu thương cao cả như vậy, Đấng Cứu Chuộc nói tiếp: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của con người thí mạng sống mình đi vì bạn hữu của mình” (Jn 15:13).

Mùa Chay, một mùa giành cho việc cải thiện đời sống, giúp chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm yêu thương lạ lùng này. Đó là việc trở về với cội nguồn của đức tin, để nhờ việc chiêm ngắm món quà ân sủng khôn lường là Ơn Cứu Chuộc này, chúng ta không thể không nhận thấy rằng tất cả mọi sự được ban cho chúng ta là do sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa. Để suy niệm về khía cạnh của mầu nhiệm cứu độ này, Tôi đã chọn làm đề tài cho Sứ Điệp Mùa Chay năm nay những lời Chúa nói: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy ban phát nhưng không” (Mt 10:8).

2.- Thiên Chúa đã nhưng không ban cho chúng ta Con Ngài: ai đã xứng đáng và có thể xứng đáng với một đặc ân như vậy? Thánh Phaolô đã nói: “Tất cả mọi người đều đã phạm tội và làm mất đi vinh quang của Thiên Chúa, thế nhưng họ đã được công chính hóa bằng ân sủng do Ngài ban tặng” (Rm 3:23-24). Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta theo lòng thương xót vô biên của Ngài, chứ không để cho mình bị mắc kẹt bởi tình trạng trầm trọng phân ly do con người đã qui hàng tội lỗi gây ra. Ngài đã ưu ái cúi xuống nỗi yếu hèn của chúng ta, và đã biến nó thành căn nguyên cho việc tuôn trào tình yêu của Ngài, một việc tuôn trào mới mẻ và còn tuyệt vời hơn nữa. Giáo Hội không ngừng loan báo mầu nhiệm vô cùng thiện hảo này, cao rao việc tự quyết và ý muốn của Thiên Chúa trong việc Ngài không tuyên phạt con người nhưng lại kéo họ về nguồn hiệp thông với chính Ngài.
“Các con đã lãnh nhận nhưng không cũng hãy ban phát nhưng không”. Chớ gì những lời Phúc Âm này vang vọng nơi tâm hồn của tất cả mọi cộng đồng Kitô hữu trong cuộc hành hương ăn năn thống hối của họ tiến về Lễ Phục Sinh. Chớ gì Mùa Chay, mùa nhắc nhở mầu nhiệm Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa, dẫn tất cả mọi Kitô hữu đến việc chiêm ngắm trong tận đáy lòng mình sự cao cả lớn lao của một tặng ân như vậy. Phải! Chúng ta đã lãnnh nhận nhưng không. Cả cuộc đời của chúng ta đã không phải được ghi dấu vết lòng lành của Thiên Chúa hay sao? Lúc sự sống bắt đầu và việc phát triển lạ lùng của nó, đó là một tặng ân. Và vì là một tặng ân, sự sống không bao giờ được coi như một vật sở hữu hay như một tư sản, cho dù những khả năng hiện nay chúng ta có được trong việc cải tiến tính chất của sự sống có thể khiến chúng ta nghĩ rằng con người là “chủ” của sự sống. Những thắng đạt của ngành y khoa và kỹ thuật sinh hóa đôi khi có thể làm cho con người nghĩ về họ như là một vị hóa công, và khiến họ chiều theo chước cám dỗ về việc giả mạo “cây sự sống” (Gn 3:24).

Cũng nên nhắc lại ở đây là không phải hết mọi sự khả thủ về kỹ thuật đều là những gì khả chấp về luân lý. Việc khoa học nhằm bảo toàn tính chất của sự sống để nó xứng hợp với phẩm vị của con người hơn nữa là việc đáng ca ngợi, thế nhưng không bao giờ được quên rằng sự sống của con người là một tặng ân, và nó vẫn quí hóa cho dù nó có mang dấu vết của khổ đau và tật nguyền. Một tặng ân phải được nhận lãnh và yêu quí trong mọi lúc, ở chỗ, nó đã được nhận lãnh nhưng không và cần phải đem ra phục vụ người khác nhưng không.

3.- Khi đặt trước mắt chúng ta gương của Chúa Kitô hiến mình cho chúng ta trên đồi Canvê, Mùa Chay đặc biệt giúp chúng ta hiểu rằng sự sống đã được cứu chuộc nơi Người. Nhờ Thánh Linh, Chúa Giêsu đã canh tân sự sống của chúng ta và làm cho chúng ta trở nên những kẻ thông phần vào sự sống thần linh, một sự sống đưa chúng ta tới sự sống thân mật với Thiên Chúa, và cho phép chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Đó là một tặng ân cao quí, một tặng ân Kitô hữu không thể nào không hân hoan loan báo. Trong Phúc Âm của mình, Thánh Gioan đã viết: “Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất, và Giêsu Kitô Đấng Cha sai” (Jn 17:3). Sự sống này đã được truyền đạt cho chúng ta nơi Phép Rửa, và chúng ta phải liên lỉ nuôi dưỡng nó bằng cách trung thành đáp ứng nó, cả về phương diện cá nhân cũng như cộng đồng, qua việc cầu nguyện, việc cử hành các Bí Tích, cũng như việc làm chứng cho phúc âm. Vì chúng ta đã lãnh nhận sự sống này nhưng không, phần chúng ta cũng phải ban phát nó đi một cách nhưng không cho anh chị em của chúng ta. Đó là điều Chúa Giêsu đã xin các môn đệ của Người khi Người sai các vị ra đi như những chứng nhân của Người trên thế gian: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy ban phát nhưng không”. Và tặng ân đầu tiên được ban cho là tặng ân của một đời sống thánh thiện, một đời sống làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đã được ban tặng nhưng không. Chớ gì, đối với tất cả mọi tín hữu, cuộc hành trình Mùa Chay là một lời mời gọi liên lỉ hãy tiến vào sâu hơn nữa ơn gọi đặc biệt này của chúng ta. Là những người tín hữu, chúng ta phải hướng về một cuộc sống được đánh dấu bằng “tính chất nhưng không”, qua việc hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa và tha nhân.

4.- Thánh Phaolô đã đặt vấn đề: “Những gì anh em có không phải là anh em đã nhận được hay sao?” (1Cor 4:7). Cái đòi hỏi phát xuất từ nhận thức này là đòi hỏi phải yêu thương anh chị em chúng ta, cũng như phải hiến mình cho họ. Họ càng túng thiếu, tín hữu càng cần phải khẩn trương phục vụ họ hơn nữa. Thiên Chúa đã không khiến tình trạng con người túng thiếu xẩy ra, để nhờ việc đáp ứng các nhu cầu của kẻ khác ấy, chúng ta biết giải thoát chúng ta khỏi cái tôi của mình mà thực hành tình yêu Phúc Âm chân chính hay sao? Chúa Giêsu đã dạy rõ ràng là “Nếu các con yêu những ai yêu các con thì các con có công gì? Chẳng lẽ những người thu thuết không làm như vậy hay sao?” (Mt 5:46). Thế gian chiếm được những mối liên hệ loài người dựa trên căn bản tư lợi và thắng đạt cá nhân, và điều này đã làm bồi dưỡng quan niệm sống theo cái tôi của mình, một quan niệm hầu như không có chỗ đứng cho người nghèo khổ và hèn yếu. Hết mọi con người, dù là con người được ban cho ít nhất, cũng phải được đón nhận và yêu thương vì chính họ, bất kể phẩm chất và khiếm khuyết của họ. Thật vậy, họ càng gặp khó khăn, họ càng phải là đối tượng cho việc chúng ta thực thi yêu thương. Đó là thứ tình yêu mà Giáo Hội, qua vô số các tổ chức của mình, muốn chứng tỏ, ở việc chấp nhận trách nhiệm đối với thành phần bệnh nhân, thành phần sống ngoài lề xã hội, thành phần nghèo khổ và thành phần bị khai thác lợi dụng. Chỉ có thế, Kitô hữu mới trở nên những vị tông đồ của niềm hy vọng và trở nên những tay xây đắp nền văn minh yêu thương.

Vấn đề rất quan trọng là Chúa Giêsu đã nói những lời “Các con đã lãnh nhận nhưng không cũng hãy ban tặng nhưng không” khi Người sai các Vị Tông Đồ ra đi loan truyền Phúc Âm cứu độ, món quà trước hết và trên hết Người ban tặng cho nhân loại. Chúa Kitô muốn Vương Quốc của Người, một vương quốc đã đến (x Mt 10:5 và sau đó), phải được loan truyền bằng cử chỉ của một tình yêu nhưng không do các môn đệ của Người thực hiện. Đó là những gì các Vị Tông Đồ đã làm trong những ngày đầu của Kitô giáo, và những ai gặp các vị đều thấy các vị là những người mang một sứ điệp còn cao cả hơn chính các vị. Cả trong thời đại của chúng ta nữa, việc lành do các tín hữu làm trở thành một dấu hiệu, thường là một lời mời gọi hãy tin tưởng. Như Người Samaritanô Nhân hậu, khi Kitô hữu đáp ứng nhu cầu của tha nhân thì việc đáp ứng của họ không bao giờ chỉ là việc trợ giúp về vật chất cả. Nó luôn luôn còn là việc loan báo Nước Trời nữa, và nó nói về ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống, của niềm hy vọng cũng như của tình yêu thương.

5.- Anh chị em thân mến! Chớ gì đó là cách chúng ta dọn mình để sống Mùa Chay này, ở chỗ quảng đại một cách cụ thể đối với những người nghèo nhất trong anh chị em chúng ta! Bằng việc mở lòng mình ra cho họ, chúng ta càng nhận thức sâu xa hơn là những gì chúng ta ban tặng người khác là việc chúng ta đáp lại biết bao ân huệ Chúa tiếp tục ban phát cho chúng ta. Chúng ta đã lãnh nhận nhưng không, chúng ta cũng phải ban tặng nhưng không!

Còn thời gian nào hơn Mùa Chay để thể hiện chứng từ nhưng không này, một chứng từ thế giới hết sức cần đến? Nơi chính mối tình Thiên Chúa yêu thương chúng ta chất chứa lời mời gọi là về phần mình, chúng ta cũng hãy hiến mình một cách nhưng không cho người khác. Tôi cám ơn tất cả những ai ở khắp nơi trên thế giới – giáo dân, tu sĩ và linh mục – đã thực hiện chứng từ bác ái này. Chớ gì chứng từ này cũng được thực hiện nơi tất cả mọi Kitô hữu, bất cứ ở hoàn cảnh sống nào của họ.

Chớ gì Trinh Nữ Maria, Mẹ của Tình Yêu Mỹ Lệ và của Niềm Hy Vọng, hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trình Mùa Chay này. Để bảo đảm với tất cả anh chị em rằng Tôi ưu ái nhớ đến anh chị em trong lời nguyện cầu của mình, Tôi hoan hỉ ban Phép Lành Tòa Thánh cho từng người, nhất là cho những ai đang ngày ngày dấn thân nơi những tuyến đầu của đức bác ái yêu thương.
 

Tại Vatican 4/10/2001, Lễ Thánh Phanxicô Assisi.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Màn Điện Toán VIS của Tòa Thánh 5/2/2002)