MÙA VỌNG 2002

 

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 22/12 về Ý Nghĩa Đích Thực của Giáng Sinh

Anh Chị Em thân mến!

1. Lời kêu gọi đáng suy nghĩ nhất về việc Chúa giáng sinh giờ đây đã gần tới xuất phát từ cảnh Giáng Sinh, một cảnh trí đã được trưng bày ở nhiều nhà.

Tuy nhiên, cảnh đơn sơ của Máng Cỏ hết sức ngược lại với quan niệm về Giáng Sinh thường được bày giãi qua các thứ quảng cáo. Ngay cả truyền thống tốt đẹp của việc trao đổi quà tặng nơi thân bằng quyến thuộc và bạn hữu vào dịp Lễ Giáng Sinh cũng đã bị ảnh hưởng bởi một thứ ý hệ hưởng thụ, một thứ ý hệ đang tạo nên nguy cơ làm mất đi ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh. Thật vậy, tục lệ trao đổi quà tặng này được hiểu theo sự kiện là bản thân Chúa Giêsu là Tặng Ân Thiên Chúa ban cho nhân loại, một tặng ân mà các thứ quà tặng của chúng ta là phản ảnh và biệu hiệu. Vì thế, lại càng phải thực hiện những cử chỉ này thiên về việc bộc lộ tình đoàn kết và chấp nhận thành phần nghèo khổ và thiếu thốn.

2. Nhìn vào Máng Cỏ, ánh mắt của chúng ta đặc biệt hướng về Đức Trịnh Nữ và Thánh Giuse, những vị đang đợi chờ Chúa Giêsu hạ sinh. Phúc Âm của Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Vọng tuần này, qua trình thuật truyền tin, đã cho chúng ta thấy việc Mẹ Maria lắng nghe Lời Chúa và lúc nào cũng sẵn sàng làm trọn Lời Ngài.

Như thế, nơi Mẹ, cũng như nơi người bạn đời hết sức tinh sạch của Mẹ, chúng ta thấy hiện thực những điều kiện bất khả thiếu trong việc sửa soạn bản thân trước việc hạ sinh của Chúa Giêsu. Trước hết là việc thinh lặng nội tâm và việc nguyện cầu là những gì giúp cho con người chiêm ngắm mầu nhiệm đang được tưởng niệm. Tiếp đến là việc sẵn sàng chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa, bất kể ý muốn của Ngài được tỏ hiện ra sao.

3. Lời “xin vâng” của Mẹ Maria và Thánh Giuse là một lời thưa trọn vẹn và bao gồm cả con người của các vị: tinh thần, linh hồn và thân xác.

Chớ gì chúng ta cũng như thế! Chớ gì Chúa Giêsu, Đấng trong mấy ngày nữa sẽ đến làm cho các thứ Máng Cỏ của chúng ta chan chứa niềm vui, có thể tìm thấy sự tiếp đón nồng hậu nơi gia đình Kitô hữu, như đã xẩy ra ở Bêlem vào đêm thánh năm xưa.

Nhận định:

Tư tưởng về Món Quà Giáng Sinh là Chúa Kitô ở đoạn thứ nhất trong bài huấn từ truyền tin của Đức Thánh Cha trên đây:

“Thật vậy, tục lệ trao đổi quà tặng này được hiểu theo sự kiện là bản thân Chúa Giêsu là Tặng Ân Thiên Chúa ban cho nhân loại, một tặng ân mà các thứ quà tặng của chúng ta là phản ảnh và biệu hiệu. Vì thế, lại càng phải thực hiện những cử chỉ này thiên về việc bộc lộ tình đoàn kết và chấp nhận thành phần nghèo khổ và thiếu thốn”.

Cũng đã được cảm nhận trong bài Quà Tặng Giáng Sinh Quí Nhất, bài viết đã được phổ biến hôm Thứ Bảy 21/12/2002 vừa rồi như sau:

“Thứ nhất, về lý do phát quà Giáng Sinh là vì Chúa Kitô chính là món quà cao quí nhất Thiên Chúa đã trao tặng loài người nói chung và Kitô hữu nói riêng, nhưng Món Quà Thần Linh này không phải chỉ được trao tặng cho riêng mỗi người mà là cho chung nhân loại nữa, nhất là cho thành phần thấp hèn nhất trên thế gian này, thành phần Vị Thiên Chúa Làm Người đã thông cảm, chia sẻ và muốn tham phần với thân phận khốn cùng của họ, qua việc Người giáng sinh bần cùng trong hang lừa và chết trần trụi trên thập giá”.

Trong câu trên đây, Đức Thánh Cha còn nói đến việc tặng quà cho những người bất hạnh nữa, rất hợp với việc làm hằng năm của Thiếu Nhi Fatima, như đã được chia sẻ trong bài Hành Hương Giáng Sinh 2001 và Qùa Tặng Giáng Sinh Quí Nhất.

Huấn Từ Buổi Triều Kiến Chung Hằng Tuần 18/12/2002 về Ý Nghĩa Đời Sống là một cuộc trông đợi Chúa Giáng Sinh

1. Trong Mùa Vọng này, chúng ta hướng dẫn bởi lời mời gọi của tiên tri Isaia: “Hãy nói cho những ai mang tâm can nơm nớp lo sợ là: hãy vững mạnh, chứ đừng có sợ hãi! Này là Thiên Chúa của các người… Ngài đến cứu các người” (Is 35:4). Lời mời gọi này càng trở nên khẩn thiết hơn khi Giáng Sinh tới, thúc đẩy chúng ta bằng lời huấn dụ hãy sửa soạn lòng trí để đón nhận Đấng Thiên Sai. Người, Đấng dân chúng đợi trông, chắc chắn sẽ đến, và ơn cứu độ của Người là để cho tất cả mọi người.

Vào Ngày Lễ Vọng Giáng Sinh, chúng ta lại nhớ đến việc Người giáng sinh ở Bêlem, ở một nghĩa nào đó, chúng ta sẽ sống lại những cảm xúc của các mục đồng, niềm vui và nỗi lạ lùng kinh ngạc của họ. Cùng với Mẹ Maria và Thánh Giuse, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng vinh quang của Lời hóa thành nhục thể để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta cầu nguyện để tất cả mọi người biết đón nhận sự sống mới do Con Thiên Chúa đã mang đến cho thế giới khi mặc lấy nhân tính của chúng ta.

2. Phụng vụ Mùa Vọng, một phụng vụ luôn chất chứa đầy những lời qui chiếu liên quan đến niềm hân hoan mong đợi Đấng Thiên Sai, giúp chúng ta hiểu được một cách trọn vẹn giá trị và ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh. Mùa Vọng không phải chỉ là việc tưởng nhớ một biến cố lịch sử đã xẩy ra cách đây 2000 năm trước ở một ngôi làng nhỏ xứ Giuđêa. Hơn thế nữa, cần phải hiểu rằng cả đời sống của chúng ta phải là “một mùa vọng”, một cuộc tỉnh táo trông đợi Chúa Kitô đến lần cuối cùng. Để sửa soạn trước cho tâm trí của chúng ta có thể đón nhận Chúa, Đấng chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, một ngày kia sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết, chúng ta phải biết làm sao để nhận ra Người hiện diện nơi những biến cố của đời sống hằng ngày. Bởi thế, nói được rằng Mùa Vọng là một cuộc nghiêm huấn trực tiếp hướng chúng ta một cách dứt khoát về Đấng đã đến, Đấng sẽ đến và Đấng hằng đến.

3. Với những cảm nhận này, Giáo Hội sửa soạn cho mình để có thể ngất ngây chiêm ngưỡng trong vòng một tuần nữa mầu nhiệm Nhập Thể. Phúc Âm trình thuật lại cho thấy việc hoài thai và hạ sinh của Chúa Giêsu, cũng như đã trích lại nhiều hoàn cảnh được Thiên Chúa sắp xếp dẫn đến hay liên quan đến biến cố tuyệt diệu này, như việc Thiên Thần truyền tin cho Mẹ Maria, việc chào đời của Vị Tẩy Giả, ca đoàn các thiên thần ở Bêlem, việc Các Đạo Sĩ Đông Phương đến, những thị kiến của Thánh Giuse. Đó là tất cả những dấu hiệu và chứng cớ cho thấy thần tính của Con Trẻ này. Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã sinh ra tại Bêlem.

Qua phụng vụ của những ngày này đây, Giáo Hội hiến cho chúng ta ba “vị hướng đạo” đặc biệt, những vị cho chúng ta thấy những thái độ cần phải có trong việc nghênh đón “vị khách” thần linh của nhân loại ấy.

4. Trước hết là ngôn sứ Isaia, vị tiên tri của niềm an ủi và hy vọng. Ông đã loan báo một thứ Phúc Âm thật sự và đúng nghĩa cho dân Yến Duyên đang bị nô lệ ở Babylon bấy giờ và kêu gọi họ hãy cứ tiếp tục tỉnh thức nguyện cầu, để có thể nhận ra “những dấu hiệu” Đấng Thiên Sai đến.

Thế rồi đến thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng Thiên Sai, vị xuất hiện như “một tiếng kêu trong sa mạc”, rao giảng “phép rửa thống hối để được ơn tha tội” (x Mk 1:4). Đó là điều kiện duy nhất để có thể nhận ra Đấng Thiên Sai đã hiện diện trên thế giới này rồi vậy.

Sau hết là Mẹ Maria, vị mà, trong tuần cửu nhật sửa soạn Lễ Giáng Sinh, đã dẫn chúng ta về Bêlem. Hoàn toàn ngược lại với Evà, Mẹ Maria là người nữ của tiếng “xin vâng”, hoàn toàn chấp nhận dự án của Thiên Chúa. Bởi thế, Mẹ đã trở thành một ánh sáng tỏ tường soi chiếu bước chân chúng ta đi và là mô phạm tối cao cho lòng ước vọng của chúng ta.

Anh Chị Em thân mến, chúng ta hãy đồng hành với Vị Trinh Nữ này để đến với Chúa là Đấng đang đến, bằng việc chúng ta tiếp tục “tỉnh táo nguyện cầu và hân hoan chúc tụng”.

Tôi chúc mọi người được dọn lòng sốt sắng cử hành Lễ Giáng Sinh sắp đến.

Biệt Chú: trong Lời Chúc Mùa Vọng của Màn Điện Toán thoidiemmaria.net ở ngay trang Web đầu tiên từ đầu mùa vọng tới nay, quí bạn đã đọc thấy gì, nếu không phải những lời sau đây:

“Nguyện chúc quí thân hữu thăm Màn Điện Toán Thời Điểm Maria được thực sự cảm nghiệm được Thiên Chúa Làm Người và đang ở giữa chúng ta.

“Chúa Kitô thật sự đã đến rồi, đến lần thứ nhất, chúng ta không cần phải chờ đón Người như dân Do Thái xưa và nay nữa, vấn đề quan trọng ở đây là cuộc đời chúng ta, nhất là trong Mùa Vọng, có cảm nhận được Người hay chăng, và làm sao để chúng ta có thể thực sự cảm nghiệm được Đấng Emmanuel ở giữa chúng ta!?!”

Qua bài huấn từ về Mùa Vọng trên đây, chúng ta thấy ĐTC đã dạy chúng ta cách để có thể Cảm Nghiệm Thần Linh, có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa làm Người đang ở giữa chúng ta, qua những câu sau đây:

“Mùa Vọng không phải chỉ là việc tưởng nhớ một biến cố lịch sử đã xẩy ra cách đây 2000 năm trước ở một ngôi làng nhỏ xứ Giuđêa. Hơn thế nữa, cần phải hiểu rằng cả đời sống của chúng ta phải là “một mùa vọng”, một cuộc tỉnh táo trông đợi Chúa Kitô đến lần cuối cùng. Để sửa soạn trước cho tâm trí của chúng ta có thể đón nhận Chúa, Đấng chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, một ngày kia sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết, chúng ta phải biết làm sao để nhận ra Người hiện diện nơi những biến cố của đời sống hằng ngày. Bởi thế, nói được rằng Mùa Vọng là một cuộc nghiêm huấn trực tiếp hướng chúng ta một cách dứt khoát về Đấng đã đến, Đấng sẽ đến và Đấng hằng đến”. (Nếu cần, xin quí bạn có thể xem lại bài suy niệm mang nhan đề “Làm sao để có thể nhận ra Chúa Kitô khi Người đến?”, Lời Chúa cho Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B trong trang Lương Thực Hằng Ngày cách đây 3 tuần).

“Thế rồi đến thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng Thiên Sai, vị xuất hiện như ‘một tiếng kêu trong sa mạc’, rao giảng “phép rửa thống hối để được ơn tha tội” (x Mk 1:4). Đó là điều kiện duy nhất để có thể nhận ra Đấng Thiên Sai đã hiện diện trên thế giới này rồi vậy”. (Ở đây cũng thế, nếu cần, xin quí bạn xem lại bài suy niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B đang có trong Trang Lương Thực Hằng Ngày tuần này, với nhan đề “Tại Sao Tiền Hô Gioan Tẩy Giả có quyền làm phép rửa?”)
 

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 15/12 về Lễ Giáng Sinh là Ngày Lễ của Gia Đình

1. Quảng Trường Thánh Phêrô đã có bầu khí Giáng Sinh. Cây Giáng Sinh, một cây vẫn được dân chúng Croatia trang hoàng và dâng tặng, đã được đặt bên cạnh máng cỏ. Nhân dịp này, một lần nữa Tôi xin cám ơn anh chị em Croatia về món quà tặng tốt lành này.

Tuy nhiên, những người đã gây nên nguồn nhiệt hứng đặc biệt chính là các con, hỡi trẻ em và giới trẻ Rôma thân mến, những người vẫn theo truyền thống hôm nay đã đến đây với những tượng Chúa Hài Đồng trong máng cỏ của các con để được Đức Giáo Hoàng ban phép lành cho. Cha trìu mến chào các con và cám ơn các con vì niềm vui của các con hợp với tinh thần vui mừng làm nên đặc tính của Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng.

Cha cũng nghĩ đến những máng cỏ do các con sửa soạn tại gia đình cúng với cha mẹ cũng như tại trường học cùng với thày cô của các con. Trong hang đá, các con sẽ đặt Hài Nhi được các con ẵm trong tay vào giữa Đức Mẹ và Thánh Giuse. Bởi thế, máng cỏ sẽ trở thành một tâm điểm của các lớp học và là trung tâm của gia đình.

Lễ Giáng Sinh trước hết là ngày lễ của gia đình, vì Thiên Chúa, được hạ sinh trong một gia đình nhân loại, đã chọn gia đình như cộng đồng đầu tiên được được tình yêu thánh hiến.

2. Nói đến gia đình Tôi hân hoan loan báo là từ ngày 22 đến 26/1/2003 sẽ có Cuộc Họp Thế Giới Về Gia Đình lần thứ bốn, một cuộc họp diễn ra tại Manila, thủ đô nước Phi Luật Tân. Cuộc họp đầu tiên được tổ chức tại Rôma vào năm 1994, Năm Quốc Tế Về Gia Đình. Ba năm sau, một cuộc họp đáng nhớ khác ở Rio de Janeiro; năm 2000 các gia đình trên khắp thế giới gặp nhau tại Rôma để Mừng Đại Năm Thánh. Cuộc họp tới đây sẽ góp phần vào việc bắt đầu lại Phúc Âm về gia đình trong ngàn năm thứ ba.

Tôi cám ơn tất cả những ai đang hoạt động để sửa soạn cho cuộc họp quan trọng ở Manila này, và Tôi hy vọng rằng con số các gia đình về tham dự đông bao nhiêu có thể. Thế giới đang cần một dấu hiệu hy vọng thực sự phát xuất từ các gia đình Kitô hữu.

3. Từ nay trở đi, Tôi xin ký thác cuộc họp thế giới này cho Rất Thánh Nữ Maria, Nữ Vương của các gia đình. Chúng tôi xin Người hãy bảo vệ các gia đình trên khắp thế giới, nhất là những gia đình đang sống trong những hoàn cảnh thật nghèo khổ và khốn khó. Chớ gì hết mọi nguyên tử gia đình có thể mở cửa cho Chúa, Đấng sẽ đến vào Lễ Giáng Sinh để mang niềm vui, an bình và yêu thương cho thế giới.