MÙA VỌNG 2003
Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật IV Mùa Vọng 21/12/2003 về Mẹ Maria
Anh Chị Em thân mến!
1. Lễ Giáng Sinh đã gần đến. Khi trang hoàng những gì còn lại cho máng cỏ và cây Giáng Sinh, những thứ cũng có tại Quảng Trường Thánh Phêrô ở Vatican đây nữa, người ta cần phải sửa soạn tinh thần để sống sâu xa mầu nhiệm đức tin cao cả này.
Vào những ngày cuối cùng của Mùa Vọng này, phụng vụ đặc biệt chú trọng đến hình ảnh Mẹ Maria. Nơi tấm lòng của Mẹ, từ lời “xin vâng” của Mẹ, đầy đức tin, đáp lại tiếng gọi thần linh, mà cuộc nhập thể của Đấng Cứu Chuộc mở màn. Bởi thế Mẹ là người chúng ta phải nhìn ngắm, người chúng ta phải kêu cầu nếu chúng ta muốn biết ý nghĩa thực sự của Lễ Giáng Sinh.
2. Ôi Maria, Người Mẹ tuyệt hảo, xin giúp chúng con hiểu được những mấu chốt của việc Người Con thần linh Mẹ mầu nhiệm hạ sinh: khiêm nhượng, âm thầm, lạ lùng, hân hoan.
Trước hết, Mẹ huấn dụ hãy sống khiêm nhượng để Thiên Chúa tìm thấy chỗ nơi lòng trí chúng ta, một chỗ không bị tăm tối bởi kiêu hãnh và ngông cuồng tự đại. Mẹ tỏ cho chúng ta thấy giá trị của việc thầm lặng, một thầm lặng nghe thấy bài ca của các thần trời và tiếng thở nhẹ của Hài Nhi, chứ không dập tắt chúng bằng tiếng ồn ào và sự lộn lạo. Chúng ta cùng với Mẹ ngât ngất đứng trước máng cỏ, hoan hưởng niềm vui chân thành và tinh tuyền do Con Trẻ mang đến cho nhân loại.
3. Vào Đêm Thánh này, Ngôi Sao hiện lên “rạng ngời ánh sáng vĩnh hằng, mặt trời công chính” (see antiphon to the Magnificat, Dec. 21), sẽ soi sáng cho những ai còn nằm trong tăm tối và trong bóng sự chết. Theo ý nghĩa của phụng vụ hôm nay, chúng ta hãy mắc lấy các cảm thức của Mẹ Maria và hãy thiết tha ngưỡng vọng về cuộc hạ sinh của Chúa Kitô.
Bài Giáo Lý của buổi Triều Kiến Chung hằng tuần ngày 17/12/2003 về Niềm Trông Đợi trong Mùa Vọng1. “Vương Quốc của Thiên Chúa đã gần đến: chứ không trì hoãn”. Những lời này, được trích từ phụng vụ hôm nay hiện lên bầu không khí của vấn đề ân cần sửa soạn đầy nguyện cầu cho việc cử hành Lễ Giáng Sinh giờ đây đã đến lúc kết thúc.
Mùa Vọng giúp bảo trì lòng chúng ta trông đợi Chúa Kitô, Đấng sẽ đến thăm chúng ta bằng ơn cứu độ của Người, khi Người hoàn toàn hiện thực Vương Quốc công lý và bình an của Người. Việc hằng năm nhớ lại việc hạ sinh của Đấng Thiên Sai ở Bêlem làm mới lại nơi lòng trí tín hữu niềm xác tín là Thiên Chúa trung thành với những lời hứa hẹn của Ngài. Bởi thế, Mùa Vọng là lời rao giảng hy vọng mãnh liệt gắn liền với cảm nghiệm chung riêng của chúng ta.
2. Hết mọi người đều mơ tưởng về một thế giới công chính và đoàn kết hơn, nơi những điều kiện xứng với phẩm giá con người về sự sống và việc chung sống thuận hòa là những gì mamg lại những mối liên hệ hòa hợp giữa cá nhân với nhau cũng như giữa các dân tộc với nhau. Tuy nhiên, thực tế thường không xẩy ra như vậy. Những chướng ngại, những tương phản và những khó khăn đủ thứ khác nhau đang đè nặng trên việc hiện hữu của chúng ta, có những lúc hầu như đè bẹp nó. Những mãnh lực và lòng can đảm dấn thân cho sự thiện, có những lúc nhường bước cho sự dữ chi phối làm chủ. Trong những lúc đặc biệt này niềm hy vọng sẽ nâng đỡ chúng ta. Mầu nhiệm Giáng Sinh, một mầu nhiệm chúng ta sẽ sống lại vào một ít ngày nữa đây, bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa là Emmanuel – Thiên Chúa ở với chúng ta. Vì thế chúng ta không bao giờ cảm thấy lẻ loi cô độc. Người gần gũi với chúng ta. Người trở nên một người trong chúng ta, được hạ sinh bởi cung dạ trinh trong của Mẹ Maria. Người chia sẻ cuộc lữ hành trần gian của chúng ta, giúp chúng ta đạt được niềm vui và an bình là những gì chúng ta hết lòng khát vọng.
3. Thời điểm Mùa Vọng còn làm sáng tỏ yếu tố thứ hai của niềm hy vọng liên quan đến tổng quan ý nghĩa và giá trị của đời sống. Không phải chúng ta thường tự hỏi mình rằng: Chúng ta là ai? Chúng ta sẽ đi về đâu? Ý nghĩa của những việc chúng ta thực hiện trên thế gian này là gì? Những gì đang đợi chờ chúng ta ở đời sau?
Có những mục tiêu thực sự là tốt lành và chân thành, như việc tìm kiếm phúc hạnh khá hơn về vật chất, việc theo đuổi những mục đích tiến bộ hơn nữa về xã hội, khoa học và kinh tế, việc hiện thực tốt đẹp hơn về những gì chung riêng mong đợi. Thế nhưng, những mục đích này có đủ để làm thỏa mãn những khát vọng sâu xa nhất của tâm linh chúng ta hay chăng?
Phụng vụ hôm nay kêu gọi chúng ta hãy nới rộng nhãn quan của chúng ta để chiêm ngưỡng Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa từ Trời Cao xuống mang trong mình những gì thế gian nhắm tới, bằng việc giãi bày hết mọi sự “một cách vừa êm ái vừa mạnh mẽ” (xem bài đáp ca).
Bởi vậy chớ gì dân Kitô giáo hãy tự phát lên lời kêu cầu này là: “Xin hãy đến, Lạy Chúa, đừng trì hoãn”.
4. Sau hết, cũng cần phải phân tích yếu tố thứ ba là đặc tính của niềm hy vọng Kitô giáo, một đặc tính hiện lên rất rõ ràng vào thời điểm Mùa Vọng này. Mùa Vọng, nhất là Giáng Sinh, là một nhắc nhở cho con người vươn lên từ những việc làm hằng ngày để tìm cách hiệp thông với Thiên Chúa, đó là Thiên Chúa đã tự động đến tìm kiếm chúng ta. Trở nên một hài nhi, Chúa Giêsu mặc lấy bản tính của chúng ta và thiết lập giao ước của Người với toàn thể nhân loại đến muôn đời.
Bởi thế, chúng ta có thể kết luận là ý nghĩa của niềm hy vọng Kitô giáo, một niềm hy vọng được Mùa Vọng tái nhắc nhở, đó là niềm hy vọng của một sự tin tưởng trông mong, của một thứ chủ động sẵn sàng và hân hoan cởi mở hướng về cuộc hội ngộ với Chúa. Người đã đến Bêlem để muôn đời ở với chúng ta.
Do đó, hỡi anh chị em thân mến, chúng ta hãy nuôi dưỡng những ngày sửa soạn gần đến Ngày Giáng Sinh của Chúa Kitô bằng niềm hy vọng sáng soi và nồng ấm. Đó là những gì Tôi chúc cho anh chị em hiện diện nơi đây cũng như cho những người thân yêu của anh chị em. Tôi xin dâng nó cho lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria là mô phạm và là sự nâng đỡ của những gì chúng ta hy vọng.
Chúc cho tất cả anh chị em được hưởng một Mùa Vọng và Giáng Sinh hạnh phúc!
Anh Chị Em thân mến,
Mùa Vọng, thời điểm chúng ta đang đợi chờ Chúa Kitô đến, mang những dấu hiệu của một niềm hy vọng cả thể. Thiên Chúa vẫn trung thành với những gì Ngài hứa hẹn và trở nên một người trong chúng ta, hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria, để tỏ cho chúng ta thấy con đường công lý, an bình và hoan lạc. Khi chúng ta chiêm ngưỡng Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa tỏ hiện nơi Đức Kitô, chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn nhất và chúng ta sẽ thỏa mãn những khát vọng sâu xa nhất của mình.
Trước những nghi ngờ và tình trạng chia rẽ của thế giới chúng ta đây, chớ gì ánh sáng và hơi ấm của niềm hy vọng Kitô giáo, trong Dịp Lễ Giáng Sinh này, trở nên một dấu hiệu chắc chắn cho thấy giao ước của Chúa Kitô với toàn thể nhân loại.
Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật III Mùa Vọng về việc đồng hành giữa Niềm Vui và Đau Khổ
1. “Hãy luôn hân hoan trong Chúa… Chúa đã đến nơi rồi” (Phil 4:4-5)
Bằng những lời này của Thánh Phaolô, phụng vụ mời gọi chúng ta hãy vui mừng. Đây là tuần thứ ba Mùa Vọng, được gọi xác đáng là Chúa Nhật “vui mừng”. Những lời ấy là những lời được Tôi Tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI muốn đặt tên cho tông huấn đáng nhớ của ngài vào năm 1975 về niềm vui Kitô giáo, “Gaudete in Domino!”
2. Mùa Vọng là một mùa vui mừng, vì nó làm cho chúng ta tái sống lại niềm mong đợi của một biến cố hạnh phúc nhất trong lịch sử, đó là việc hạ sinh của Con Thiên Chúa bởi Trinh Nữ Maria.
Biết rằng Thiên Chúa không xa nhưng gần, không dửng dưng nhưng cảm thương, không phải là một kẻ lạ mặt mà là một Người Cha thương xót, Đấng ưu ái theo dõi chúng ta mà vẫn tôn trọng tự do của chúng ta, tất cả những điều ấy thật là lý do để vui mừng, một nỗi vui mừng không một biến cố khác nào hằng ngày có thể chi phối.
3. Đặc tính bất khả lầm lẫn của niềm vui Kitô giáo đó là nó có thể đồng hành với đau khổ, vì nó hoàn toàn phát xuất từ tình yêu. Thật vậy, Chúa là Đấng “gần đến”, cho đến độ trở thành con người, đến để thông truyền cho chúng ta niềm vui của Ngài, niềm vui yêu thương. Chỉ có như thế người ta mới hiểu được niềm vui trầm lặng của các vị tử đạo ngay cả giữa những cơn thử thách, hay mới hiểu được nụ cười của các vị thánh trước những ai đang gặp khổ đau, một nụ cười không xúc phạm mà là ủi an.
“Hãy vui lên. Hỡi đầy ơn phúc, Chúa ở cùng trinh nữ!” (Lk 1:28). Việc truyền tin của Thiên Thần cho Mẹ Maria là một lời mời gọi hãy vui mụng. Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ về tặng ân niềm vui Kitô giáo.
Chúc tất cả mọi người hưởng mùa Giáng Sinh hân hoan!
Cảnh Hang Đá Giáng Sinh ở Quảng Trường Thánh Phêrô là ý tưởng của ĐTC GPII
Vì nhận thấy trong khu cột Bernini ở Quảng Trường Thánh Phêrô chưa được trưng bày cảnh Giáng Sinh, vào năm 1982, theo ý ĐTC, mầu nhiệm Giáng Sinh đã được trưng bày ở đây theo truyền thống của Thánh Phanxicô Khó Khăn là vị khởi xướng tập tục này từ năm 1223.
Hằng năm có 20 người làm việc này trong vòng 3 tháng trời, kể cả việc phác họa và kiến tạo, bao gồm cả kiến trúc sư và kỹ sư. Có một ủy ban đặc biệt lo cho việc này, với rất nhiều chi tiết thay đổi mỗi năm. Việc kiến tạo bắt đầu từ Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12 đến đầu Tuần Bát Nhật trước Lễ Giáng Sinh ngày 17/12, và được để cho tới Lễ Mẹ Dâng Con 2/2 năm sau. Bộ giáng sinh hiện nay có 17 tượng, trong đó có 8 tượng từ từ được thêm vào, còn 9 tượng cũ từ thời 1842 khi Thánh Vincent Pallotti trưng bày Cảnh Giáng Sinh ở Sant’Andrea della Valle thuộc Giáo Hội Rôma.
Cảnh Giáng Sinh ở Quảng Trường Thánh Phêrô năm nay được kiến trúc theo vòng cung. Trung tâm của vòng cung này là ba tượng Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Chung quanh là các cảnh đời cùng với những con người nam nữ tôn thờ trước Đấng Thiên Sai được họ dâng hiến cho lễ vật. Hai biểu hiệu nước và lửa cũng được bao gồm ở đây, nước biểu hiệu cho nguồn sống và lửa biểu hiệu cho Chúa Kitô là ánh sáng thế gian. Ngoài ra còn có cây Giáng Sinh vĩ đại, năm nay, cao 30 mét, được mang về từ Val d’Aosta thuộc vùng Núi Alps.