ĐTC GPII trong Buổi Triều Kíến Chung Thứ Tư hằng tuần (22/12/2004) về Mầu Nhiệm Giáng Sinh


1.     Trong những ngày sửa soạn Lễ Giáng Sinh này, chúng ta liên tục nguyện cầu theo phụng vụ là “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Nó giống như một điệp khúc phát lên từ tâm can của tín hữu ở khắp cùng bờ cõi trái đất và không ngừng vang vọng nơi lời nguyện cầu của Giáo Hội.


Chúng ta cũng kêu cầu Chúa Kitô đến mấy phút trước đây qua bài “O Antiphon”. Đấng Thiên Sai được kêu cầu bằng một số danh hiệu tuyệt vời nhất trong Sách Thánh: “Vua Chư Dân”, “Niềm Hy Vọng của Chư Quốc”, “Tảng Đá Nền liên kết mọi dân tộc”.


2.     Vào dịp Lễ Giáng Sinh, chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa làm người trong cung lòng của Vị Trinh Nữ. Người được sinh ra ở Bêlem để chia sẻ thân phân mỏng dòn của nhân loại chúng ta! Người đến giữa chúng ta và mang ơn cứu độ đến cho toàn thế giới. Sứ vụ của Người là để tái liên kết tất cả mọi người và mọi dân tộc lại thành một gia đình con cái duy nhất của Thiên Chúa.


Chúng ta có thể nói rằng nơi mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta chiêm ngưỡng “cái nhẩy vọt” nơi lịch sử cứu độ. Nhân loại là thành phần bởi tội lỗi đã tách mình khỏi Đấng Hóa Công lãnh nhận nơi Chúa Kitô tặng ân của một mối hiệp thông mới mẻ và trọn vẹn hơn với Ngài. Niềm hy vọng bừng lên trong tâm can chúng ta, và các cửa trời đã mở ra cho chúng ta.


3.     Anh chị em thân mến! Chớ gì việc cử hành Lễ Giáng Sinh là một cơ hội thuận lợi để chúng ta thực sự sống giá trị và ý nghĩa của biến cố giáng sinh cao cả của Chúa Giêsu. Đó là điều chúc nguyện tôi muốn bày tỏ cùng anh chị em, gia đình của anh chị em và cộng đoàn của anh chị em.

 

 

ĐTC GPII: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật IV Mùa Vọng về Ý Nghĩa Cây Giáng Sinh


1.     Lễ Giáng Sinh, một lễ có lẽ được yêu chuộng nhất theo truyền thống nhân gian, mang đầy những biểu hiệu liên hệ với các thứ văn hóa khác nhau. Trong số đó, cảnh Giáng Sinh chắc chắn là biểu hiệu quan trọng nhất, như tôi đã có dịp đề cập tới vào Chúa Nhật vừa rồi.


2.     Cùng với cảnh trí Giáng Sinh, như nó được trưng bày ở Quảng Trường Thánh Phêrô đây, chúng ta còn thấy cả “cây Giáng Sinh” truyền thống. Đó là một tập tục rất cổ xưa, một tập tục đề cao giá trị sự sống, vì trong mùa đông mầu xanh không úa, nó trở thành dấu hiệu của một sự sống bền bỉ. Nhìn tổng quan thì cây này được trưng bày ra với những quà tặng Giáng Sinh đặt ở dưới gốc cây. Biểu hiệu này cũng đầy ý nghĩa nữa theo quan điểm Kitô giáo quen thuộc, ở chỗ, nó nhắc nhở chúng ta về “cây sự sống” (x Gen 2:9), biểu hiệu cho Chúa Kitô là tặng ân cao cả Thiên Chúa ban cho loài người.


3.     Bởi thế, sứ điệp của cây Giáng Sinh muốn nói lên rằng sự sống “luôn xanh” nếu con người biết trao tặng, không phải về những thứ vật chất cho bằng chính bản thân mình, bằng tình hữu nghị và lòng cảm mến chân thành, cũng như bằng sự giúp đỡ và tha thứ huynh đệ, bằng thời gian cho nhau và lắng nghe nhau.


Xin Mẹ Maria giúp cho chúng ta sống Giáng Sinh như một cơ hội để cảm thấy được niềm vui hy hiến bản thân chúng ta cho an hem, nhất là cho thành phần nghèo khổ thiếu thốn nhất!


Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin với 20 ngàn người ở Quảng Trường Thánh Phêrô hôm nay, ĐTC đã chào 32 em nhỏ (cùng với gia đình) đang ở Ý với tư cách là khách của Cộng Đồng Dòng Kín Carmêlô ở thành phố Trent. Đây là lần đầu tiên những em nhỏ này ra khỏi Nước Nga sau vụ khủng bố vào nhà trường ở Nga hôm 1/9/2004. ĐTC đã nói với họ rằng:


“Chớ gì lòng nhân ái các con đang lãnh nhận từ rất nhiều bạn hữu giúp các con thắng vượt được những vết thương đau gây ra bởi kinh nghiệm rùng rợn đã qua”.

 

 

ĐTC GPII: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật III Mùa Vọng 12/12/2004 về cảnh trí Giáng Sinh và ảnh Hài Nhi Giêsu


1.     Lễ Giáng Sinh đang đến và ở nhiều nơi các máng cỏ đã được trưng bày, như ở Quảng Trường Thánh Phêrô đây. Nhỏ hay lớn, đơn sơ hay cầu kỳ, máng cỏ cũng cho thấy một biểu hiệu quen thuộc và rất rõ ràng về Lễ Giáng Sinh. Nó là một yếu tố của văn hóa và nghệ thuật của chúng ta, thế nhưng, trên hết, nó là một dấu hiệu của niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng đã đến ở Bêlem “ngự giữa chúng ta” (Jn 1:14).


2.     Như mọi năm, một chút nữa tôi sẽ làm phép các ảnh Hài Nhi Giêsu trong Đêm Thánh được đặt vào những máng cỏ là nơi đã có sẵn tượng Thánh Giuse và Đức Trinh Nữ, hai vị này là những chứng nhân thầm lặng của một mầu nhiệm cao cả. Bằng cái nhìn âu yếm của mình, các vị mời gọi chúng ta hãy canh thức và nguyện cầu để nghênh đón Đấng Cứu Độ thần linh, Đấng đến để mang lại niềm vui Giáng Sinh cho thế giới.


3.     Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng hôm nay, được gọi là Chúa Nhật Vui Mừng, mời gọi chúng ta hãy tiên hưởng niềm vui này. Chúng ta hãy xin Vị Trinh Nữ đợi chờ để tất cả mọi Kitô hữu cũng như tất cả mọi con người thiện tâm có được một ước mong sống động muốn gặp Chúa giờ đây đang đến.


Về vấn đề trưng bày hang đá hay máng cỏ một cách công cộng như mọi năm, năm nay, tại miền Bắc Nước Ý có một số giáo chức đã tuyên bố là họ quyết định không trưng bày hang đá ở trường của họ, viện lẽ là tôn trọng tính cách đa diện tôn giáo và tránh xúc phạm đến thành phần ngoài Kitô giáo.