Bài Giảng và Sứ Ðiệp Phục Sinh 2003
Bài Giảng Lễ Vọng Phục Sinh 19/4/2003 của ĐTC GPII
1. “Đừng sợ; các người tìm kiếm Giêsu Nazarét Đấng tử giá chứ gì. Người đã sống lại rồi, Người không còn ở đây nữa” (Mk 16:6).
Vào lúc mặt trời mọc của ngày thứ nhất sau ngày Hưu Lễ, như Phúc Âm thuật lại, một số bà đã đi ra mồ để tôn kính thân xác của Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đanh trên thập giá hôm Thứ Sáu, đã được vội vàng táng liệm trong khăn và đặt nằm trong mồ. Các bà tìm kiếm Người, song không thấy Người: Người không còn ở nơi đã an táng Người. Tất cả những gì còn lưu lại về Người là những dấu hiệu của sự chôn táng, đó là ngôi mộ trống, những sợi giây thắt cột, tấm khăn liệm xác. Tuy nhiên, các bà tỏ ra hoảng hốt khi thấy “một người nam trẻ trung, mặc áo choàng trắng”, cho họ biết là “Người đã sống lại, Người không còn đây”.
Tin giật gân này, một tin hướng tới việc biến đổi cục diện lịch sử này, từ lúc ấy trở đi tiếp tục vang vọng từ đời nọ đến đời kia: đó là một lời công bố xa xưa song hằng mới mẻ. Nó vang dội một lần nũa trong Lễ Vọng Phục Sinh là mẹ của tất cả các lễ vọng này, và nó vang rền trong chính giây phút này đây ở khắp mọi nơi trên trái đất.
2. Ôi mầu nhiệm cao quí của Đêm Thánh này! Một đêm chúng ta sống lại biến cố Phục Sinh phi thường. Nếu Chúa Kitô vẫn còn là một tù nhân trong mộ đá thì nhân loại và toàn thể thiên nhiên tạo vật, một cách nào đó, sẽ mất hết ý nghĩa của mình. Thế nhưng, Chúa Kitô đã thực sự sống lại.
Các cuốn Sách Thánh chúng ta vừa nghe trong phần Phụng Vụ Lời Chúa đã được hoàn tất và xẩy ra ở từng giai đoạn của toàn thể dự án cứu độ. Mở đầu việc Tạo Dựng, “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã tạo thành đều tốt đẹp” (Gn 1:31). Ngài đã hứa với tổ phụ Abraham là “tất cả mọi dân nước trên mặt đất được chúc phúc nhờ miêu duệ của ngươi” (Gn 22:18). Đến đây lại thấy được một trong những đề tài cố kính nhất của thứ truyền thống Do Thái cho thấy ý nghĩa của Cuộc Xuất Ai Cập khi “Chúa cứu dân Do Thái khỏi tay của những người Ai Cập” (Ex 14:30). Những lời hứa của các vị Tiên Tri tiếp tục được nên trọn trong thời đại của chúng ta: “Ta sẽ đặt thần trí của Ta trong các người và khiến cho các người bước theo các chỉ thị của Ta…” (Ez 36:27).
3. Vào đêm Phục Sinh này, hết mọi sự được bắt đầu lại; thiên nhiên tạo vật chiếm lại được ý nghĩa chân thực của mình nơi dự án cứu độ. Nó giống như một khởi sự mới của lịch sử và vũ trụ, vì Chúa Kitô đã sống lại, “hoa trái đầu mùa của những kẻ yên giấc” (1Cor 15:20). Chúa Kitô, “Adong mới” đã trở thành “một tinh thần ban sự sống” (1Cor 15:45).
Tội lỗi của cha ông chúng ta được hát lên trong Lời Công Bố Lễ Phục Sinh như là “felix culpa”, “Ôi tội hồng phúc, tội đã chiếm cho chúng ta được một Đấng Cứu Chuộc rất cao cả!” Ở đâu tội lỗi tràn lan thì ở đó ân sủng lại càng dồi dào hơn nữa, và “viên đá bị thợ xây loại bỏ đã trở thành viên đá góc tường” (Đáp Ca) cho một tòa nhà thiêng liêng bất khả diệt.
Vào Đêm Thánh này một dân tộc mới đã được hạ sinh, một dân tộc đã được Thiên Chúa niêm ấn bằng máu của Lời nhập thể, tử giá và phục sinh.
4. Người ta được trở nên phần tử của một dân tộc được cứu chuộc nhờ Phép Rửa. Như Tông Đồ Phaolô đã nhắc nhở chúng ta trong Thư gửi tín hữu Rôma: “Bởi thế chúng ta đã được mai táng với Người nhờ phép rửa trong sự chết, để như Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết bởi vinh quang của Chúa Cha thế nào, chúng ta cũng được bước đi trong sự sống mới như thế” (6:4). Lời huấn dụ này đặc biệt giành cho anh chị em, hỡi những người dự tòng rất thân mến, thành phần mà chỉ ít phút nữa thôi, được Mẹ Giáo Hội ban phát tặng ân sự sống thần linh cao cả cho. Từ các quốc gia khác nhau, Đấng Quan Phòng thần linh đã đưa anh chị em tới đây, tới mộ của Thánh Phêrô, để lãnh nhận các Bí Tích Gia Nhập Kitô Giáo, đó là Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Nhờ cách này để tiến vào nhà của Chúa, anh chị em sẽ được thánh hiến bằng dầu hạnh phúc và có thể nuôi dưỡng bản thân mình bằng Bánh Thiên Cung.
Được tăng bổ bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, anh chị em sẽ kiên trì với đức tin trong Chúa Kitô và can đảm loan báo Phúc Âm của Ngài.
5. Anh Chị Em tập trung nơi đây rất thân mến! Trong ít phút nữa, cả chúng ta sẽ liên kết với các người dự tòng để lập lại những lời hứa rửa tội của chúng ta. Chúng ta sẽ lập lại việc từ bỏ Satan và tất cả các việc làm của hắn, bằng việc gắn bó với Thiên Chúa và công cuộc cứu độ của Người. Nhờ đó, chúng ta mới có thể thực hiện được việc dấn thân mạnh mẽ hơn trong cuộc sống phúc âm.
Ôi Maria, chứng nhân hoan lạc Phục Sinh, xin giúp cho tất cả chúng con biết sống “một đời sống mới”; hãy làm cho mỗi người trong chúng con ý thức rằng, khi đóng đanh “con người cũ” của mình với Chúa Kitô, chúng con phải coi mình như là một con người mới và sống như một con người mới, thành phần “sống cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô” (x Rm 6:4,11).
Alleluia, Alleluia.
ĐTC Gioan Phaolô II: Sứ Điệp Phục Sinh gửi Thành Rôma và Thế Giới
1. "Surrexit Dominus de sepulcro qui pro nobis pependit in ligno" (Phụng Vụ)
“Chúa sống lại ra khỏi mồ; vì chúng ta Người đã bị treo trên cây Thập Giá”. Alleluia! Lời công bố Phục Sinh hoan hỉ vang vọng: Chúa Kitô đã sống lại! Người thực sự đã sống lại! Người, Đấng “chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây thánh giá, chết và táng xác”, là Giêsu, Con Thiên Chúa, sinh bởi Trinh Nữ Maria, “đã sống lại ngày thứ ba như lời Thánh Kinh” (Kinh Tin Kính).
2. Lời công bố này là nền tảng cho niềm hy vọng của toàn thể nhân loại. Nếu Chúa Kitô không sống lại từ trong kẻ chết thì chẳng những đức tin của chúng ta ra vô ích (x 1Cor 15:14), mà cả niềm hy vọng của chúng ta cũng trở thành vô bổ, vì tất cả chúng ta vẫn bị sự dữ và sự chết giữ làm con tin. “Thế nhưng Chúa Kitô thực sự đã sống lại từ trong kẻ chết, là hoa trái đầu mùa của những kẻ đã yên giấc” (1Cor 15:20), Phụng Vụ hôm nay đã công bố như thế. Bằng cái chết của mình, Chúa Giêsu đã giầy đạp và chiến thắng cái thứ luật đanh thép của sự chết, vĩnh viễn loại trừ gốc rễ độc địa của nó.
3. “Bình an cho các con!” (Jn 20:19,20).
Đó là lời đầu tiên của Đấng Phục Sinh chào môn đệ của mình; một lời chào hôm nay vang vọng khắp thế giới. Ôi Tin Mừng, một tin mừng hằng mong đợi, một tin mừng hết sức ước trông! Ôi lời công bố an ủi cho tất cả những ai bị đàn áp bởi gánh nặng của tội lỗi cùng với nhiều thứ liên hệ của nó! Hôm nay chúng tôi loan báo cho tất cả mọi người, nhất là thành phần hèn kém nhất và thành phần nghèo khổ, niềm hy vọng hòa bình, một thứ hoa bình đích thực, một thứ hòa bình được xây dựng trên bốn cột trụ vững chắc là yêu thương và công lý, sự thật và tự do.
4. “Hòa bình dưới thế…”
“Hòa bình dưới thế, một ước vọng sâu xa của con người nam nữ ở hết mọi thời đại, chỉ có thể được vững chắc thiết lập và bảo trì nếu trật tự do Thiên Chúa thiết định được hết sức tôn trọng” (Thông Điệp ‘Hòa Bình dưới thế’, Lời Mở Đầu). Đó là những lời đầu tiên của bức Thông Điệp lịch sử này, một bức thông điệp được Vị Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII 40 năm trước đây nói lên cho thế giới biết đường lối hòa bình. Những lời này vẫn còn hợp thời hơn bao giờ hết ở vào lúc bình minh của thiên kỷ thứ ba đây, một thời điểm đang bị nhòe nhoẹt thảm thương bởi những hành động bạo lực và xung đột.
5. Hòa bình cho Iraq! Chớ gì nhờ sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, nhân dân Iraq trở thành những vai chính trong việc tái thiết chung xứ sở của họ. Hòa bình cho các phần đất khác trên thế giới, nơi mà các cuộc chiến tranh không tên tuổi và những thứ hận thù kéo dài đang gây ra những chết chóc và thương tích trước sự câm nín và bỏ bê của những phần đáng kể của công luận.
Với tấm lòng hết sức đau buồn Tôi nghĩ đến tình trạng bừng lên bạo lực và đổ máu không một dấu hiệu nào cho thấy có thể chấm dứt. Tôi nghĩ đến tình trạng thảm thương của nhiều quốc gia ở lục địa Phi Châu, nơi không thể bỏ mặc họ. Tôi cũng quá biết về những trọng điểm căng thẳng và những cuộc tấn công quyền tự do con người ở Caucasus, ở Á Châu và ở Mỹ Châu Latinh, những miền đất thế giới cũng thân thương đối với Tôi.
6. Chớ gì sợi giây xích hận thù và khủng bố đe dọa việc phát triển một cách đều hòa của gia đình nhân loại đi đến chỗ kết thúc. Xin Thiên Chúa cho chúng ta được thoát khỏi cái hiểm nguy của cuộc đụng độ thê lương giữa các nền văn hóa và đạo giáo. Chớ gì đức tin và lòng kính mến Thiên Chúa làm cho các tín đồ của hết mọi tôn giáo trở thành những con người xây dựng can trường của cảm thông và tha thứ, thành những con người nhẫn nại đan kết cuộc đối thoại liên tôn tốt đẹp, có khả năng mở màn cho một kỷ nguyên mới của công lý và hòa bình.
7. Như đã phán với các Vị Tông Đồ đang khiếp hãi trước biển khơi nổi cơn sóng gió, một lần nữa Chúa Giêsu cũng lập lại với con người nam nữ của thời đại chúng ta rằng: “Yên tâm, Thày đây; đừng sợ!” (Mk 6:50). Nếu Người ở với chúng ta thì tại sao chúng ta lại lo sợ chứ? Cho dù chân trời của con người dường như có tối tăm mù mịt chăng nữa, thì hôm nay đây chúng ta cũng cử hành cuộc chiến thắng rạng ngời của niềm vui Lễ Phục Sinh. Nếu ngọn gió ngược chiều đang thổi vào bước tiến của các dân tộc, nếu biển khơi lịch sử có đang bị bão tố nhồi sóng, thì cũng đừng có ai tỏ ra thất đảm và mất lòng tin tưởng! Chúa Kitô đã phục sinh; Chúa Kitô đang sống giữa chúng ta; thực sự hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể, Người tự hiến mình làm Bánh cứu độ, Bánh cho người nghèo, Lương Thực cho những ai lữ hành.
8- Ôi sự hiện diện thần linh của tình yêu, Ôi việc tưởng niệm sống động một Chúa Kitô là Sự Vượt Qua của chúng ta, vì cuộc khổ nạn và tử giá Chúa trở thành lương thực cho cuộc hành trình của họ, Chúa là lời bảo hứa sự sống trường sinh cho hết mọi người! Ôi Maria, nhà tạm đầu tiên trong lịch sử, là chứng nhân thầm lặng của những sự kỳ lạ Ngày Phục Sinh, xin giúp cho chúng con hát lên bằng đời sống của chúng con bản Ca Vịnh chúc tụng và tạ ơn, vì hôm nay “Chúa đã từ mộ bia sống lại; vì chúng con Người đã bị treo trên cây Thập Giá”.
Chúa Kitô đã sống lại là bình an và là niềm hy vọng của chúng ta. Ngài đã sống lại. Alleluia!
(Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 20/4/2003)