TAM NHẬT THÁNH 2002

 

30/3 Thứ Bảy Tuần Thánh

ĐTC cử hành Lễ Vọng Phục Sinh.

Thánh Lễ Vọng Phục Sinh được củ hành vào lúc 8 giờ tối nay tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh kéo dài 3 tiếng đồng hồ, Ngài đã rửa tội và thêm sức cho 9 người, 7 người lớn và 2 trẻ em: 7 người lớn gồm 5 nữ (2 người Albania, 1 Ý, 1 Nhật và 1 Trung Hoa), và 2 nam (1 Balan và 1 Congolese). Phụng Vụ Lễ Vọng Phục Sinh được bắt đầu bằng việc ĐTC làm phép lửa và đốt Nến Phục Sinh ở ngay tiền đường của Đền Thờ. ĐTC đã đứng trên chiếc xe di động nhỏ (a mobile stand) để theo đoàn rước tiến vào Đền Thờ. Ngài đã chủ sự phần Phụng Vụ Lời Chúa, Phụng Vụ Rửa Tội và Phụng Vụ Thánh Thể tại bàn thờ ở ngay bên dưới trước bàn thờ chính phía trên. Hai ĐHY ngồi hai bên ĐTC là ĐHY Quốc Vụ Khanh Sodano và ĐHY Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Ratzinger. Sau đây là bài giảng của Ngài cho Thánh Lễ Vọng Phục Sinh:

1.- Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng; liền có ánh sáng” (Gen 1:3). Việc bừng lên của ánh sáng được lời Thiên Chúa tác thành từ hư vô đã xé tan màn đêm nguyên khởi, màn đêm của Tạo Thành.

Thánh Tông Đồ Gioan viết: “Thiên Chúa là ánh sáng, trong Ngài không hề có tối tăm” (1Jn 1:5). Thiên Chúa không dựng nên tối tăm mà là ánh sáng! Sách Khôn Ngoan, khi tỏ tường cho thấy việc Thiên Chúa làm bao giờ cũng có một mục đích tích cực, đã viết như thế này: “Ngài đã tạo nên tất cả mọi sự để chúng được hiện hữu; tất cả mọi tạo vật trên thế gian đều toàn vẹn, không có gì là độc chất hủy hoại nơi chúng cả; không có việc thống trị của Âm Phủ trên thế gian này” (Wis 1:14)

Trong đêm đầu tiên ấy, đêm Tạo Thành ấy, đã hiện diện Mầu Nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm sau thảm trạng tội lỗi đem lại tình trạng phục hồi và vinh hiển cho cuộc khởi nguyên ban đầu này. Lời thần linh đã làm cho tất cả mọi sự hiện hữu, và đã hóa thành nhục thể vì phần rỗi của chúng ta nơi Chúa Giêsu. Và nếu định mệnh của Adong tiên khởi là phải trở về với buị đất mà từ đó ông được tạo thành (x Gen 3:19), thì vị hậu Adong này đã từ trời xuống để trả lại nơi này sự vinh thắng, hoa trái đầu mùa của một tân nhân loại (x Jn 3:13; 1Cor 15:47).

2.- Còn một đêm khác nữa đã tạo nên biến cố trọng yếu nơi lịch sử dân Do Thái, đó là Cuộc Xuất Hành kỳ diệu của họ ra khỏi nước Ai Cập, một câu truyện được đọc hằng năm vào Lễ Vọng Phục Sinh trọng thể.

“Thâu đêm Chúa đã dùng một luồng gió đông mạnh dồn biển trở lại và làm cho biển thành đất khô, nước rẽ ra làm hai. Dân Do Thái đi trên đất khô vào giữa lòng biển, nước dựng nên thành tường lũy ở hai bên đường họ đi” (Ex 14:21-22). Dân Chúa được sinh ra từ “phép rửa” này nơi Biển Đỏ, khi họ cảm nghiệm được bàn tay quyền năng của Chúa đã giật họ ra khỏi cảnh làm tôi để dẫn họ đến mảnh đất của tự do, công lý và hòa bình hằng trông mong.

Đó là đêm thứ hai, đêm của Cuộc Xuất Hành.

Những gì tiền báo nơi Sách Xuất Hành đã được nên trọn hôm nay đây đối với chúng ta, thành phần là dân Do Thái theo Thần Linh, giòng dõi của Abraham nhờ đức tin (x Rm 4:16). Trong Cuộc Vượt Qua của mình, như một Tân Moisen, Chúa Kitô cũng đã dẫn chúng ta vượt qua cảnh làm tôi cho tội lỗi mà đến tình trạng tự do của con cái Thiên Chúa. Cùng chết với Chúa Giêsu, chúng ta cũng được cùng Người sống đời sống mới, nhờ quyền năng của Thần Linh Người. Phép Rửa của Người trở thành phép rửa của chúng ta.

3.- Cả anh chị em nữa cũng sẽ lãnh nhận Phép Rửa này, phép rửa mang chúng ta đến một đời sống mới, hỡi các dự tòng từ các xứ sở thân mến, từ Albany, Trung Hoa, Nhật, Ý, Balan và Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Hai người trong anh chị em, một người mẹ Nhật Bản và một người mẹ Trung Hoa, mỗi người mang theo một đứa con của mình, để trong cùng một cử hành đây, cả mẹ lẫn con được cùng nhau lãnh nhận phép rửa.

“Vào đêm cực thánh này”, đêm Chúa Kitô đã sống lại từ trong kẻ chết, anh chị em cũng sẽ cảm nghiệm thấy một “cuộc xuất hành” thiêng liêng, đó là anh chị em bỏ lại đằng sau cuộc sống trước kia của mình để tiến vào “mảnh đất của kẻ sống”. Đó là đêm thứ ba, đêm của Cuộc Phục Sinh.

4.- “Đêm hồng phúc nhất trong các đêm được Thiên Chúa chọn để thấy Chúa Kitô phục sinh từ trong cõi chết!” Chúng ta hát lên những lời này trong Lời Công Bố Lễ Phục Sinh mở màn cho Thánh Lễ Vọng trọng thể này, Mẫu Nghi của tất cả các Lễ Vọng.

Sau đêm Thứ Sáu Tuần Thánh thê thảm, khi mà “quyền lực tối tăm” (Lk 22:53) dường như thắng thế trên Đấng “là ánh sáng thế gian” (Jn 8:12), sau cái thinh lặng lạ lùng của Thứ Bảy Tuần Thánh, ngày mà Chúa Kitô, sau khi hoàn tất việc của mình trên thế gian, Người đã nghỉ ngơi trong mầu nhiệm của Cha, và mang tin mừng sự sống của Người xuống ngục sự chết, thì cuối cùng đêm trước “ngày thứ ba”, theo Thánh Kinh, Đức Kitô phải sống lại, như chính Người hay báo trước cho các môn đệ biết.

“Đêm thật hồng phúc, khi mà trời giao duyên với đất và loài người được hòa giải cùng Thiên Chúa” (Lời Công Bố Lễ Phục Sinh).

5.- Đây là đêm của các đêm, đêm của đức tin và của niềm hy vọng. Trong khi tất cả mọi sự đang bị tăm tối bủa vây thì Thiên Chúa là Ánh Sáng vẫn canh thức. Cùng với Ngài, tất cả những ai hy vọng và tin tưởng nơi Người cũng cần phải canh thức.

Ôi Maria, đây thực sự là đêm của Mẹ! Khi những đêm cuối cùng của Ngày Hưu Lễ lịm tắt, và khi hoa trái của lòng Mẹ nằm nghỉ trong lòng đất, thì trái tim Mẹ cũng canh thức nữa! Đức tin của Mẹ và niềm hy vọng của Mẹ ngong ngóng đợi chờ. Đằng sau tảng đá nặng nề ấy, lòng tin cậy của Mẹ đã thấy được ngôi mộ trống; đằng sau bức màn dầy đặc tối tăm ấy, lòng tin cậy của Mẹ thoáng nhìn thấy hừng đông của một Cuộc Phục Sinh.

Ôi Lạy Mẹ, xin cho chúng con cũng biết canh thức trong cái thinh lặng của đêm nay, bằng việc tin tưởng và hy vọng vào lời của Chúa. Nhờ đó, trong ánh sáng và sự sống tràn đầy, chúng con sẽ gặp gỡ Chúa Kitô, hoa trái đầu mùa của những ai sống lại, Đấng hiển trị với Chúa Cha và Thánh Thần muôn đời. Alleluia!

29/3 Thứ Sáu Tuần Thánh

ĐTC cử hành Thứ Sáu Tuần Thánh.

Thứ Sáu Tuần Thánh hôm nay ĐTC đã thực hiện ba việc sau đây: thứ nhất là giải tội, thứ hai là chủ tọa cử hành Cuộc Thương Khó, và thứ ba là Đi Đàng Thánh Giá.

Thứ nhất là việc giải tội. Theo thói quen của Ngài từ năm 1980, hằng năm, (chưa hề mất một năm nào), vào Thứ Sáu Tuần Thánh, ĐTC ngồi toà giải tội cho con chiên của mình vào buổi trưa. Vì còn bị đau phong khớp đầu gối, Ngài đã phải đứng trên chiếc xe di động nhỏ đến toà giải tội trong Đền Thờ Thánh Phêrô trước tiếng vỗ tay của dân chúng. Năm nay, trong vòng một tiếng ngồi tòa, Ngài đã giải tội cho 5 bà 4 ông thuộc các quốc tịnh khác nhau. Những người cuối cùng là một cặp vợ chồng có đứa con nhỏ. Ngài đã hôn em bé. Sau đó chào tín hữu đang hiện diện trong Đền Thờ.

Thứ hai là việc cử hành Cuộc Thương Khó vào lúc 5 giờ chiều, cũng tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Cha Raniero Cantalamessa, Dòng Đaminh, vị giảng thuyết của Giáo Hoàng Gia chia sẻ Lời Chúa, cũng là vị linh mục đã giảng cho ĐTC và Giáo Triều Rôma 4 Ngày Thứ Sáu trước Tuần Thánh về đề tài Dung Nhan Chúa Kitô. Phụng Vụ được tiếp tục sau đó với lễ nghi tôn kính Thánh Giá và Rước Thánh Thể.

Thứ ba là việc Đi Đàng Thánh Giá tại Hí Trường Colosseum sau 9 giờ tối một chút, với khoảng 30 ngàn người tham dự. Bài suy niệm 14 Chặng Đường Thánh Gia do 14 ký giả làm việc với Tòa Thánh soạn. Mỗi chặng do một vị vác thập giá: Chặng Thứ Nhất do ĐHY Camillo Ruini, Vị Đại Diện Giám Mục Rôma, rồi sau đó tới giáo dân Ý, Madagascar, Mongolia, Colombia và Thánh Địa. Chặng 13 do một tu sĩ Dòng Phanxicô ở Thánh Địa. Chặng 14 tới phiên chính ĐTC, Ngài đã đừng bên Thánh Giá trong lúc nghe bài đọc và suy niệm, sau đó, Ngài đã tự bộc phát lời suy niệm của mình như sau:

“Vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hôm nay đây, chúng ta đầy những hy vọng tiến bước tới gần Núi Sọ, tới gần một ngôi mộ hở, một ngôi mộ trống, Ngày mai, Thứ Bảy Tuần Thánh, là ngày thinh lặng, một ngày trông đợi nhiệm mầu cuộc tỏ hiện của Mầu Nhiệm Phục Sinh. Vào sáng Chúa Nhật, Đấng đã bị tử giá và mai táng sẽ ra khỏi mồ. Vào buổi sáng Chúa Nhật này, chúng ta đợi chờ Người như chờ đợi một Đấng chiến thắng sự chết, một Vị Cứu Tinh thế giới. Xin Chúa tác động sự thinh lặng và niềm hy vọng sâu xa nơi chúng ta hướng về giây phút này, giây phút mà các phụ nữ nhìn thấy ngôi mộ trống và nghe thấy rằng: ‘Người không còn ở đây nữa, Người đã sống lại rồi’”.

Huấn dụ của ĐTC kết thúc cuộc Đi Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh

1.- Crucem tuam adoramus, Domine! – Ôi Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa!

Kết thúc việc kính nhớ sống động cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô đây, chúng ta hướng mắt về Cây Thập Giá. Chúng ta lấy đức tin chiêm ngưỡng mầu nhiệm cứu độ được Thập Giá tỏ cho chúng ta thấy. Chúa Giêsu, với cái chết của mình, đã cất đi bức màn che khỏi mắt chúng ta, và giờ đây những tháp Thánh Giá trên khắp thế giới chiếu tỏa ánh quang rạng ngời của mình. Cái im lặng mang lại an bình của Đấng bị sự dự loài người treo trên Cây đã mang đến bình an và yêu thương. Con Người đã chết trên Thánh Giá, mang nơi thân mình gánh nặng của tất cả mọi khổ đau và bất chính của nhân loại. Trên Golgôta, Đấng cứu chuộc thế gian bằng cái chết của mình đã bị tử nạn vì chúng ta.

2.- “Họ đã nhìn xem Đấng họ đâm thâu qua” (Jn 19:37).

Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đã hoàn tất những lời tiên tri được Thánh Ký Gioan, chứng nhân tại trận, cảm nhận thấy sự chính xác của những lới ấy. Giờ đây biết bao nhiêu là con người thuộc mọi giòng giống và văn hóa nhìn lên Vị Thiên Chúa làm người, Đấng vị yêu thương đã chấp nhận một thứ hình phạt đê hèn khổ nhục nhất. Khi ánh mắt của họ được chiều theo bởi cái trực giác tin tưởng sâu xa, họ sẽ nhận ra nơi Đấng Tử Giá một “chứng từ” bất khả thắng vượt của Tình Yêu.

Từ Thập Giá, Chúa Giêsu đã tập họp lại thành một dân tộc cả Do Thái lẫn Dân Ngoại, biểu lộ cho thấy ý của Cha trên trời muốn làm cho tất cả loài người trở thành một gia đình duy nhất hợp lại vì danh Ngài.

Nơi cái đau đớn xót xa của Người Tôi Tớ Khổ Đau, chúng ta đã nghe thấy tiếng kêu chiến thắng của Chúa Phục Sinh. Chúa Kitô trên Thánh Giá là Vị Vua của một dân tộc mới được cứu chuộc khỏi ách tội lỗi và sự chết. Chúng ta cũng biết rằng, cho dù giòng lịch sử có bị vòng vo và lẩn quẩn chăng nữa, chúng ta cũng sẽ đạt được đích điểm khi bước theo bước chân của Nhân Vật Nazarét Tử Giá. Giữa những xung khắc của một thế giới thường bị chế ngự bằng vị kỷ và hận thù, là những tín hữu, chúng ta được kêu gọi để loan truyền cuộc vinh thắng của Tình Yêu. Hôm nay là Ngày Thứ Sáu Tuần Tháng, chúng ta chứng thực cho cuộc chiến thắng này của Chúa Kitô Tử Giá.

3.- Ôi lạy Chúa, Chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa!

Vâng, chúng con thờ lạy Người, lạy Chúa, Đấng đã bị treo lên Thập Giá giữa trời và đất, Vị Trung Gian duy nhất cho ơn cựu độ của chúng con. Thánh Giá của Chúa là cờ chiến thắng của chúng con!

Chúng con thờ lạy Chúa, Con của Vị Trinh Nữ Rất Thánh, Đấng hiên ngang đứng bên Thập Giá của Chúa, can đảm chung phần với hy tế cứu chuộc với Chúa.

Niềm vui đã đến với toàn thể thế giới từ Cây Chúa đã bị đóng đanh – propter Lignum venit gaudium in universo mundo. Hôm nay đây chúng con tất cả càng thấy được điều này hơn bao giờ hết, khi mắt chúng con hướng về biến cố lạ lùng của cuộc Chúa phục sinh. “Chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa, Ôi lạy Chúa; chúng con chúc tụng và tôn vinh cuộc phục sinh thánh của Chúa!”

Với những cảm nhận này, anh chị em thân mến, Tôi thân ái gửi đến tất cả anh chị em lời chào chúc Lễ Phục Sinh cùng với Phép Lành Tòa Thánh của Tôi.

28/3 Thứ Năm Tuần Thánh

Bài Giảng của ĐTC cho Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh

ĐTC đã dự hai Thánh Lễ hôm nay: Thánh Lễ Dầu Thánh và Thánh Lễ Tiệc Ly. Thánh Lễ Dầu Thánh (Chrism Mass) vào lúc 9 giờ 30 sáng tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong Thánh Lễ Dầu Thánh này, có nghi thức lập lại lời hứa linh mục, và nghi thức làm phép ba thứ dầu: dầu rửa tội, dầu xức dầu và dầu thêm sức cũng như truyền chức. ĐTC chủ sự Thánh Lễ và giảng trong Thánh Lễ, có ĐHY Dario Castrillon Hoyos, Chủ Tịch Thánh Bộ Giáo Sĩ đồng chủ tế. Thánh Lễ Tiệc Ly (The Mass of the Lord's Supper) vào lúc 5 giờ 30 chiều năm nay cũng được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô, thay vì tại Đền Thờ Gioan Lateran như mọi năm. ĐTC cũng chủ sự và giảng, và có ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano chủ tế cùng với ĐHY Roger Etchegaray và Alfonso Lopez Trujillo đồng tế. Hai vị Sodano và Etchegaray phụ trách phần rửa chân cho 12 vị linh mục. Trong phần dâng của lễ, ĐTC nhận một lễ vật sẽ được gửi đến các người nghèo nhất ở Mỹ Châu Latinh và Caribbean. Sau đây là bài giảng của ĐTC trong Thánh Lễ Tiệc Ly.

1.- “Người đã yêu thương những ai thuộc về mình thì đã yêu thương họ cho tới cùng” (Jn 13:1).

Những lời Phúc Âm vừa được công bố này đã nói lên một cách rõ ràng tính cách của Ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Những lời ấy cho chúng ta một minh thức về những gì Chúa Kitô đã cảm thấy “vào đêm Người bị phản nộp” (1Cor 11:23), khiến chúng ta tham dự vào việc cử hành lễ nghi trọng thể đây với một lòng tha thiết biết ơn của mình.

Tối hôm nay chúng ta bắt đầu Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, với giây phút kết liễu một cách thảm thương cuộc sống trần gian của Lời Thiên Chúa được sửa soạn và mong đợi từ lâu. Chúa Giêsu đến giữa chúng ta không phải để được phục vụ mà là để phục vụ, và Người đã nhận lấy nơi bản thân mình những thăng trầm và hy vọng của con người qua mọi thời đại. Hướng về hy tế Thập Giá một cách mầu nhiệm, nơi Căn Thượng Lầu, Người đã muốn ở lại với chúng ta dưới hình bánh rượu, và Người đã ký thác cho các Tông Đồ cùng với những ai thừa kế các vị sứ vụ cùng với năng quyền để kéo dài việc tưởng niệm sống động và hiệu năng của biến cố ấy nơi Bí Tích Thánh Thể.

Như thế, việc cử hành này bao gồm một cách mầu nhiệm tất cả chúng ta và đưa chúng ta vào Tam Nhật Thánh, một thời điểm cả chúng ta nữa cũng học được từ Đấng “là Thày và là Chúa”, trong việc “giang tay của chúng ta ra” và đi đến bất cứ nơi nào chúng ta được kêu gọi tới để hoàn tất ý muốn của Cha trên trời.

2.- “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (1Cor 11:24, 25). Với lệnh truyền ủy thác cho chúng ta việc tái diễn lại cử chỉ của Người này, Chúa Giêsu đã kết thúc việc thiết lập Bí Tích Bàn Thờ. Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Người lại kêu gọi chúng ta hãy bắt chước Người: “Thày đã làm gương cho các con, để các con cũng làm như Thày đã làm” (Jn 13:15). Như thế là Người đã thiết lập mối liên hệ sâu xa giữa Thánh Thể, bí tích của tặng ân Người hy tế bản thân Người, với giới răn yêu thương là giới răn khiến chúng ta dấn thân đón tiếp và phục vụ anh chị em của chúng ta.

Việc tham dự vào bàn tiệc của Chúa không thể tách biệt khỏi nhiệm vụ yêu thương tha nhân. Mỗi lần chúng ta lãnh nhận Thánh Thể, là chúng ta thưa “Amen” trước Mình Máu Chúa. Làm như vậy là chúng ta quyết tâm để làm những gì Chúa Kitô đã làm, để “rửa chân” anh chị em mình, trở nên hình ảnh thực sự và hữu hình của Đấng “đã hóa ra như không, mặc lấy thân phận tôi đòi” (Phil 2:7).

Tình yêu là di sản quí nhất Chúa Kitô đã lưu lại cho những ai Người kêu gọi theo Người. Chính tình Người yêu thương, một mối tình các môn đệ đã được tham hưởng, một mối tình được cống hiến cho toàn thể nhân loại tối hôm nay đây.

3.- “Ai ăn và uống bất xứng là ăn và uống án phạt mình” (1Cor 11:29). Thánh Thể là một tặng ân cao cả, nhưng đồng thời cũng là một trách nhiệm trọng đại đối với những ai lãnh nhận Thánh Thể. Đối với Phêrô, vị lưỡng lự để cho Người rửa chân cho, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải được trở nên tinh sạch để tham dự vào bàn tiệc hy tế của Thánh Thể.

Truyền thống của Giáo Hội luôn luôn nhất mạnh đến mối liên kết giữa Thánh Thể và Bí Tích Hòa Giải. Tôi cũng đã tái xác nhận điều này trong Bức Thư Gửi Linh Mục cho Ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm nay, khi kêu gọi các vị trước hết hãy để ý suy nghĩ lại vẻ đẹp của Bí Tích thứ tha này. Chỉ có thế họ mới có thể giúp tín hữu được ký thác cho họ chăm sóc về mục vụ tái nhận thức được Bí Tích này.

Bí Tích Thống Hối phục hồi thành phần rửa tội ơn thánh đã bị tội trọng làm mất đi, và làm cho họ xứng đáng lãnh nhận Thánh Thể. Ngoài ra, trong việc trực tiếp đối thoại nơi việc cử hành của mình, Bí Tích này còn có thể đáp ứng nhu cầu truyền đạt riêng tư, một vấn đề hiện nay càng ngày càng trở nên khó khăn bởi cái xã hội kỹ thuật nhẩy vọt thần kỳ của chúng ta. Bằng tác động khôn ngoan nhẫn nại của mình, vị giải tội có thể làm cho hối nhân được hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô, một cuộc hiệp thông được Bí Tích này phục hồi và được Thánh Thể mang lại đầy những hoa trái.

Chớ gì việc tái nhận thức về Bí Tích Hòa Giải giúp cho tất cả mọi tín hữu đến với Bàn Tiệc Mình máu Chúa một cách kính cẩn và sùng mộ.

4.- “Người đã yêu thương những ai thuộc về Người thì Người đã yêu thương họ đến cùng” (Jn 13:1).

Tinh thần của chúng ta hãy về lại với Căn Thượng Lầu! Ở đây, chúng ta hãy hồi tâm lại trong đức tin, chung quanh Bàn Thờ Chúa, khi chúng ta tưởng niệm Bữa Tiệc Ly. Lập lại các cử chỉ của Chúa Kitô, là chúng ta công bố rằng cuộc tử nạn của Người đã cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi, và tiếp tục cho thấy niềm hy vọng của một tương lai cứu độ cho con người nam nữ ở mọi thời và mọi nơi.

Các vị linh mục được kêu gọi để kéo dài một lễ nghi mà, dưới hình bánh rượu, làm cho hy tế của Chúa Kitô trở thành hiện thực một cách đích thực, thực sự và chính thực cho đến tận cùng thời gian. Tất cả mọi Kitô hữu được kêu gọi để trở nên những người tôi tớ khiêm tốn và tận tâm đối với anh chị em của họ, để cộng tác vào việc lo cho phần rỗi của những con người ấy. Công việc của hết mọi Kitô hữu là loan truyền qua cuộc sống của họ rằng Con Thiên Chúa đã yêu thương những ai thuộc về Người “cho đến cùng”. Buổi tối hôm nay đây, đức tin của chúng ta được nuôi dưỡng trong một thinh lặng đầy mầu nhiệm.

Hiệp với toàn thể Giáo Hội, chúng con tuyên xưng việc Chúa chịu chết, Ôi Chúa. Đầy lòng tri ân cảm tạ, chúng con đã được nếm hưởng việc Chúa Phục Sinh. Đầy lòng tin tưởng cậy trông, chúng con quyết tâm sống trong việc mong đợi Chúa lại đến trong vinh quang. Ôi Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc của chúng con, hôm nay và cho đến muôn đời. Amen!

27/3 Thứ Tư

Huấn Dụ của ĐTC cho Buổi Triều Kiến Chung Ngày Thứ Tư Hằng Tuần về Tam Nhật Thánh

Hôm nay, vì đang ở vào Tuần Thánh, như vào những dịp ngoại lệ khác, ĐTC đã tạm gác loạt Giáo Lý về Thánh Vịnh (tới bài 34 tuần trước) để huấn dụ về Tam Nhật Thánh như sau:

1.- Ngày mai chúng ta bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua, một thời đoạn sẽ giúp cho chúng ta sống lại biến cố cứu độ chính yếu của chúng ta. Những ngày này sẽ là những ngày cầu nguyện và suy niệm thiết tha hơn, nhờ đó, cùng với những lễ nghi cảm động của Tuần Thánh, chúng ta sẽ suy nghĩ về cuộc khổ nạn, tử giá và phục sinh của Chúa Kitô.

Ý nghĩa và tầm vóc viên trọn của lịch sử loài người ở nơi mầu nhiệm vượt qua. “Bởi thế”, theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, “Lễ Phục Sinh không phải là một lễ như mọi lễ, mà là một ‘Lễ của các lễ’, ‘Trọng thể hơn hết’, như Bí Tích Thánh Thể là ‘Bí Tích trên hết mọi bí tích’ (là một Đại Bí Tích). Thánh Athanasiô đã gọi Lễ Phục Sinh là ‘Đại Chúa Nhật’ (Ep. Fest. 329), và các Giáo Hội Đông Phương gọi Tuần Thánh là ‘Tuần Trọng Đại’. Mầu nhiệm Phục Sinh, một mầu nhiệm Chúa Kitô tiêu diệt sự chết, đã thấm vào thời gian cũ kỹ của chúng ta một sinh lực quyền năng của mình, cho đến khi tất cả mọi sự qui phục Người” (số 1169).

2.- Ngày mai, Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng Chúa Kitô, Đấng nơi Nhà Tiệc Ly, vào ngày áp cuộc khổ nạn của mình, đã ban tặng chính mình cho Giáo Hội, đã thiết lập chức linh mục thừa tác, và đã để lại cho các môn đệ của mình một giới răn mới, giới răn yêu thương. Như thế là Người muốn ở cùng chúng ta nơi bí tích Thánh Thể, biến mình làm lương thực cứu độ cho chúng ta. Sau Thánh Lễ cảm động cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô, chúng ta sẽ canh thức chầu Chúa, theo như Người muốn, như Người đã ngỏ ý các tông đồ trong Vườn Cây Dầu: “Các con hãy ở lại đây mà canh thức với Thày” (Mt 26:38).

Sang Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta sẽ sống lại những diễn tiến của việc Đấng Cứu Chuộc chịu khổ nạn cho đến khi Người bị đóng đanh trên núi Golgota. Việc tôn thờ thập giá sẽ giúp cho chúng ta hiểu được sâu xa hơn nữa tình thương vô biên của Thiên Chúa. Cảm nghiệm một cách ý thức nỗi vô cùng khổ sầu ấy, Người Con Một của Chúa Cha đã trở thành một lời công bố về việc loài người được cứu độ. Thập giá bao giờ cũng là một đường lối khó đi. Thế nhưng, chỉ có thập giá chúng ta mới có mầu nhiệm sự chết phát sinh sự sống.

Thế rồi, bầu không khí hồi tâm và thinh lặng của Ngày Thứ Bảy sẽ giúp chúng ta có cơ hội, bằng việc cùng với Mẹ Maria cầu nguyện, đợi chờ biến cố Phục Sinh vinh hiển, để bắt đầu cảm nghiệm được một niềm vui nội tâm.

Khi hát Kinh “Vinh Danh” trong Đêm Lễ Vọng Phục Sinh, ánh quang rạng ngời của thân mệnh loài người chúng ta được tỏ hiện, ở chỗ, một nhân tính mới đã được hình thành nhờ Chúa Kitô cứu chuộc, Đấng đã chết đi và sống lại vì chúng ta.

Vào ngày Lễ Phục Sinh, khi mà ở các Giáo Hội khắp nơi trên trái đất hát len rằng “Dux vitae mortuus regnat vivus”, “Chúa của sự sống đã chết; nhưng nay vẫn sống, Người đã chiến thắng” (Ca Tiếp Liên), chúng ta mới có thể thấu hiểu và yêu mến hết cỡ thập giá của Chúa Kitô: Chúa Kitô đã vĩnh viễn chiến thằng tội lỗi và sự chết trên thập giá!

3.- Trong Tam Nhật Vượt Qua, chúng ta sẽ chăm chú hơn nữa nhìn lên dung nhan của Chúa Kitô, một dung nhan đau thương sầu khổ, một dung nhan khiến cho chúng ta hiểu được hơn nữa cái bản chất thê thảm của những biến cố và những tình hình ảnh hưởng tới nhân loại trong những ngày này đây. Một dung nhan tỏa rạng ánh sáng mang lại cho chúng ta niềm hy vọng mới mẻ.

Trong tông thư “Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ”, Tôi đã viết: “Hai ngàn năm sau các biến cố này, Giáo Hội đã sống lại các biến cố ấy như thể mới xẩy ra hôm nay đây. Nhìn lên dung nhan của Chúa Kitô, vị Hôn Thê chiêm ngưỡng thấy kho tàng của mình cũng như niềm vui của mình. ‘Dulcis Iesus memoria, dans vera cordis gaudia’: ‘ngọt ngào biết bào khi tưởng nhớ đến Chúa Giêsu, nguồn mạch của niềm vui chân thật của cõi lòng!’” (đoạn 28).

Tại Vườn Gethsemane, chúng ta sẽ đặc biệt cảm thấy thông cảm với những ai đang bị đè dưới gánh nặng khổ sầu và cô độc. Suy niệm về diễn tiến Người bị bắt nộp, chúng ta sẽ nhớ đến tất cả những ai bị bách hại vì đức tin của mình cũng như vì công lý.

Khi theo Chúa Kitô đến Golgota, trên con đường sầu khổ, chúng ta dâng lời cầu nguyện tin tưởng cho những ai đang bị đè dưới gành nặng của sự dữ và tội lỗi nơi thân xác và tinh thần.

Trong giờ phút tột cùng hy tế của Con Thiên Chúa, chúng ta hãy tin tưởng đặt dưới chân thập giá lòng mong ước nơi cõi lòng của hết mọi người, đó là lòng mong ước hòa bình!

Hỡi Mẹ Maria Rất Thánh, Đấng đã trung thành theo Con Mẹ cho đến khi đứng dưới chân thập giá của Người, xin dẫn chúng con, sau khi đã cùng nhau chiêm ngắm dung nhan khổ đau của Chúa Kitô, đến cuộc hoan hưởng ánh sáng và niềm vui được chiếu tỏa từ ánh quang rạng ngời của dung nhan Đấng Phục Sinh.

Tôi mong rằng chớ gì đây là Tam Nhật Thánh thực sự, để sống một Lễ Phục Sinh hạnh phúc và an ủi!.