TAM NHẬT THÁNH 2003
ĐTC Gioan Phaolô II huấn dụ về Tam Nhật Thánh
Trong buổi triều kiến chung cho mỗi ngày Thứ Tư hằng tuần tuần này, 16/4, vì là ngày Thứ Tư áp Tam Nhật Thánh này, bởi thế, theo thông lệ hằng năm, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói về ý nghĩa của từng ngày trong Tam Nhật Thánh là “tột đỉnh của cả phụng niên” như sau:
“Nếu Lễ Truyền Dầu thường được cử hành vào sáng Thứ Năm để đặc biệt nhấn mạnh đến thừa tác vụ của linh mục, thì những lễ nghi của Thánh Lễ Tiệc Ly là một lời mời gọi thiết tha hãy chiêm ngưỡng Thánh Thể, mầu nhiệm trọng yếu của đời sống và đức tin Kitô giáo. Chính vì để đề cao tầm quan trọng của bí tích này mà Tôi muốn viết Bức Thông Điệp ‘Giáo Hội của Thánh Thể’ ‘Ecclesia de Eucharistia’, một bức thông điệp Tôi sẽ hân hoan ký ban hành trong Thánh Lễ Tiệc Ly. Trong bức thông điệp này Tôi cố ý cống hiến cho hết mọi tín hữu một suy tư tổng hợp về một hy tế Thánh Thể chất chứa tất cả thiện ích thiêng liêng của Giáo Hội. Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, một ngày thống hối và chay tịnh, chúng ta sẽ tưởng niệm cuộc khổ nạn và tử nạn của Chúa Kitô, với việc ý thức tôn thờ Cây Thánh Giá…. Sau thảm kịch của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là cái thinh lặng của Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, một ngày tràn đầy đợi trông và hy vọng…. Vào đêm vọng lễ Phục Sinh hết mọi sự đều được đổi mới trong Chúa Kitô Sống Lại. Các bài thánh thi ca Vinh Danh và Alleluia sẽ được dâng lên trời cao cùng với ánh sáng bừng lên trong tăm tối đêm khuya ở khắp hang cùng ngõ hẻm trái đất này. Vào Chúa Nhật Phục Sinh chúng ta sẽ hoan hỉ với Đấng Phục Sinh, khi lãnh nhận từ nơi Người lời chào chúc bình an. Việc tưởng niệm mầu nhiệm chính yếu của đức tin ấy bao gồm việc chúng ta dấn thân làm cho mầu nhiệm này nên trọn một cách thực sự nơi cuộc sống của chúng ta. Tức là chúng ta nhìn thấy cuộc khổ nạn của Chúa Kitô được tiếp tục nơi các biến cố thê lương mà bất hạnh thay, ngay cả vào những lúc này đây, đang làm khổ sở cho rất nhiều con người nam nữ ở hết mọi phần đất trên thế giới. Dầu sao thì mầu nhiệm Tử Giá và Phục Sinh cũng bảo đảm với chúng ta rằng hận thù, bạo lực, máu đổ và chết chóc sẽ không bao giờ có thể là phán quyết cuối cùng nơi công cuộc của loài người. Chiến thắng cuối cùng là chiến thắng của Chúa Kitô, Đấng mà chính chính từ Người chúng ta cần phải bắt đầu lại, nếu chúng ta muốn xây dựng cho hết mọi người một tương lai hòa bình, công lý và đoàn kết chân thực”.
thoidiemmaria chia sẻ về Thứ Năm Tuần Thánh Với Hàng Linh Mục
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hằng năm vẫn gửi cho hàng giáo sĩ một bức thư từ năm 1979 tới nay, vào mỗi Ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Tuy nhiên, vào Ngày Thứ Năm Tuần Thánh Năm 2003 này, Ngài không gửi thư riêng cho các vị nữa, mà là một Bức Thông Điệp về Chúa Giêsu Thánh Thể, để nhờ các vị chuyển đến cho giáo dân. Thế nhưng, trong Mùa Chay này, Ngài đã nhắn nhủ các vị hai vấn đề hết sức quan trọng sau đây:
Thứ nhất, vào sáng Thứ Năm, 6/3/2003, tại Sảnh Đường Clementine, theo truyền thống, ĐTC đã gặp hàng giáo sĩ Rôma và khuyên các vị phải nên thánh bằng đời sống cầu nguyện nhờ đó có thể trở nên dụng cụ của lòng thương xót Chúa khi ban bí tích giải tội. Ngài nói: “Thật vậy, chúng ta không còn con đường nào khác (ngoài việc cầu nguyện). Nếu chúng ta không khiêm nhượng và tin tưởng tìm cách tiến bước trên con đường thánh hóa này của mình, chúng ta sẽ tiến tới chỗ thỏa mãn với những nhượng bộ nho nhỏ là những gì từ từ trở thành lớn hơn, thậm chí cuối cùng chúng ta có thể đi đến chỗ, minh nhiên hay mặc nhiên, phản bội tình Thiên Chúa yêu chúng ta, kêu gọi chúng ta lên hàng linh mục… Khi lòng chúng ta cảm thấy bị đè nặng bởi những khốn khó và thử thách, chúng ta hãy nhớ đến tính cách cao trọng của tặng ân chúng ta đã lãnh nhận, nhờ đó chúng ta lại có thể ‘hân hoan hiến thân’. Chúng ta thực sự là chứng từ và là dụng cụ của lòng Chúa xót thương nhất là nơi bí tích giải tội cũng như nơi tất cả mọi khía cạnh khác nơi thừa tác vụ của mình, chúng ta là và phải là những con người biết thông truyền niềm hy vọng và thi hành những hoạt động hòa bình và hòa giải”.
Thứ hai, vào ngày Thứ Sáu 28/3/2003, ĐTC đã tiếp các vị thuộc phân bộ Giải Tội của Tòa Thánh, các vị linh mục giải tội ở các vương cung thánh đường Rôma, cùng các linh mục trẻ và chủng sinh tham dự buổi diễn đàn nội bộ hằng năm bàn về những vấn đề liên quan đến việc ban phát Bí Tích Giải Tội. Trong bài huấn từ của mình, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến khía cạnh phải trung thành với giáo huấn của Giáo Hội, nhất là trong những phán quyết ở tòa giải tội. Ngài nói: “Tôi muốn đặc biệt nhắc nhở cho anh em về nhiệm vụ phải gắn bó với Huấn Quyền của Giáo Hội liên quan đến những vấn đề phức tạp xẩy ra nơi lãnh vực sinh học đạo đức cũng như liên quan đến những qui tắc luân lý và giáo luật nơi lãnh vực hôn nhân… Đối diện với những vấn đề luân lý đạo đức phức tạp hiện nay, có thể xẩy ra trường hợp tín hữu ra khỏi tòa giải tội vẫn còn bị lẫn lộn sao đó, nhất là khi họ thấy rằng các vị giải tội không đồng nhất với nhau về phán đoán của các vị. Sự thật đó là những ai làm trọn thừa tác vụ tinh tế này nhân danh Thiên Chúa và Giáo Hội có một nhiệm vụ đặc biệt là không ủng hộ, thậm chí không bày tỏ nơi tòa giải tội những ý kiến riêng tư của mình không hợp với những gì Giáo Hội dạy và tuyên xưng. Cũng thế, không được vì yêu thương theo cảm quan thương xót sai lầm mà lại không nói lên sự thật”.
và Thứ Sáu Tuần Thánh với dân Do Thái
Dân Do Thái có lầm lạc hay chăng khi họ cố ý muốn sát hại Chúa Giêsu? Thánh Phêrô, sau khi chữa cho một người què từ lúc mới sinh tại Cửa Đẹp ở Thành Giêrusalem, cũng đã công nhận là, trong việc sát hại Chúa Giêsu, thành phần trong cuộc của dân Do Thái bấy giờ thật sự bị lầm lẫn. Nguyên văn lời Thánh Phêrô trong sách Công Vụ đoạn 3 câu 14-15 và 17 như sau: “Anh em đã ruồng bỏ Đấng Thánh và Công Chính để xin tha cho một tên sát nhân. Anh em đã sát hại Vị Tác Giả của Sự Sống… Tuy nhiên, hỡi anh em, tôi biết rằng anh em đã tác hành một cách vô thức, như các vị lãnh đạo của anh em đã làm vậy”. Bởi thế, theo tôi, sở dĩ dân Do Thái sát hại Chúa Giêsu là vì họ không tin rằng một nhân vật Giêsu Nazarét cũng là một con người tầm thường như họ, lại còn hoàn toàn vô danh tiểu tốt, làm sao có thể là Con Thiên Chúa được. Do đó, tất cả những gì con người Giêsu Nazarét này nói và làm chứng tỏ cho thấy mình ngang hàng với Thiên Chúa đều là những gì lộng ngôn phạm thượng đáng chết ngàn lần. Thánh Ký Gioan đã nói đến lý do này ở đoạn 5 câu 18 như sau: “Lý do tại sao những người Do Thái càng cương quyết giết Người là vì Người chẳng những lỗi ngày hưu lễ mà tệ hơn nữa còn cho Thiên Chúa như Cha của mình, tức làm cho mình ngang hàng với Thiên Chúa”. Tóm lại, dân Do Thái chỉ sát hại một con người lộng ngôn phạm thượng mà thôi chứ không phải giết chính Thiên Chúa. Bởi thế, tội của họ không phải là tội phạm đến Thánh Linh, tức tội không thể tha cả đời này lẫn đời sau (x Mt 12:32), mà chỉ là tội phạm đến Con Người, tức tội vẫn còn có thể tha được, đó là tội lầm Con Người Giêsu không phải là Thiên Chúa thật.
“Trái đất này đã trở thành một nghĩa trang”
Trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật V Mùa Chay 13/4/2003, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bày tỏ nguyện ước của mình về tình hình Iraq khi Ngài nhắc đến ngày 11/4 Thứ Sáu là ngày kỷ niệm đúng 40 năm Đức Thánh Cha Gioan XXIII ban hành Thông Điệp Hòa Bình Dưới Thế Pacem in Terris để cỗ võ hòa bình thế giới:
“Bức thông điệp này tự bản chất cho thấy tầm mức quan trọng của mình ngay cả vào lúc này đây. Việc kiến tạo hòa bình là một cuộc dấn thân liên lỉ. Thực tại của những ngày này đã cho thấy điều ấy một cách hết sức rõ ràng. Tôi đặc biệt nghĩ đến Iraq và tất cả những ai dính dáng đến cuộc chiến tranh bùng nổ ở đó. Tôi nghĩ riêng tới thành phần dân chúng phi võ trang đang chịu đựng một cuộc thử thách dữ dội ở những thành thị khác nhau. Nếu Thiên Chúa muốn xin cho cuộc xung đột này sớm chớm dứt để nhường chỗ cho một kỷ nguyên mới của lòng thứ tha, yêu thương và an bình. Để đạt được mục tiêu này chúng ta phải bắt đầu bằng cùng một tinh thần đã tác động nơi vị tiền nhiệm đáng kính của Tôi, đó là tinh thần trước hết là tin tưởng cùng với sự khôn ngoan thực tiễn và nhìn xa trông rộng. Trong bức Thông Điệp của mình, Ngài đã bao gồm trong số ‘những dấu chỉ thời đại’ có việc lan tràn một niềm xác tín về những cuộc xung khắc theo nhau xẩy ra giữa các dân tộc không được giải quyết bằng việc sử dụng võ lực mà là bằng việc thương thảo với nhau. Tiếc thay, mục tiêu văn minh tích cực này chưa được đạt tới”. Sau hết, Đức Thánh Cha ủy thác “việc dấn thân phục vụ hòa bình” cho giới trẻ, thành phần Ngài sẽ gặp họ vào Thứ Năm 10/4/2003 để bắt đầu cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới XVIII với họ tại Rôma, một cuộc họp Ngài nói “không thể thiếu được trong việc giáo dục các thế hệ mới về hòa bình là những gì hơn bao giờ hết phải là một lối sống”, một thứ hòa bình phải được xây dựng trên “bốn cột trụ” được Thông Điệp Hòa Bình Dưới Thế của Đức Gioan XXIII nói tới, đó là sự thật, công lý, yêu thương và tự do.
Về vấn đề Iraq, chiều Thứ Sáu 4/4/2003, Đức Thánh Cha cũng đã cùng ngoại trưởng Pháp là Dominique de Villepin, vị đã đại diện cho một quốc gia hoàn toàn và hết sức mãnh liệt chống lại phe chủ chiến US và UK trong việc sử dụng võ lực để giải giới Iraq. Theo bản tin chính thức của văn phòng báo chí của Tòa Thánh Vatican thì “trong những cuộc nói chuyện này (bao gồm cả cuộc gặp gỡ giữa vị ngoại trưởng này với ĐHT Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano và ĐTGM bộ trưởng ngoại giao Jean-Louis Tauran) đều nói đến vấn đề chiến tranh ở Iraq và nhu cầu cần phải rút ngắn những đau khổ của thành phần thường dân, hy vọng là cộng đồng thế giới sẽ giúp cho chính những người Iraq trở thành những kiến trúc sư tái thiết đất nước của họ”. Ngoài ra, cũng theo cùng nguồn tin thì hai vấn đề còn được đề cầp đến qua các cuộc gặp gỡ này là “vấn đề Do Thái và Palestine cần phải có một giải pháp nhanh chóng để thực hiện việc hai quốc gia chủ quyền có thể chung sống với nhau, một điều kiện bất khả thiếu cho nền hòa bình ở Trung Đông. Sau hết là vấn đề hoạt động của Hội Đồng Âu Châu cũng như về Bản Hiệp Ước Hiến Pháp của Âu Châu nhấn mạnh đến tầm quan trọng cần phải nhìn nhận vai trò của các Giáo Hội và của các cộng đồng tín hữu”. Vị ngoại trưởng Pháp này đến Tòa Thánh sau khi đã gặp ngoại trưởng Nga Igor Ivanov và ngoại trưởng Đức Joschka Fischer về tương lai hậu chiến của Iraq, một tương lai theo phe phản chiến hay chủ hòa này thuộc về vai trò của Liên Hiệp Quốc, (tức không phải của phe chủ chiến).
Riêng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị đã kêu gọi Giáo Hội giành ngày Thứ Tư Lễ Tro mở màn cho Mùa Chay 5/3/2003 để chay tịnh và nguyện cầu cho hòa bình ở thế giới, cách riêng ở Iraq, khi viết bản Đường Thánh Giá Via Crucis 2003 thì tình hình chiến tranh sắp sửa xẩy ra ở Iraq. Bởi thế, theo vị Giám Mục Trưởng Nghi của Đức Thánh Cha là Piero Marini trong buổi ra mắt Bản Suy Niệm Đường Thánh Giá 2003 của ĐTC cho biết thì “Một lần nữa, ‘Vị Vua Hòa Bình’ đã trở nên một ‘dấu hiệu phản khắc’, ở chỗ, thế giới đã đáp lại tình yêu Người cống hiến bằng hận thù ghen ghét”. Theo vị giám mục này, “Việc Đức Thánh Cha phiền muộn cảnh giác đã không được lắng nghe: cuộc chiến tranh tàn khốc đã bùng nổ vào ngày 20/3 (giờ địa phương trong khi bên Mỹ là đêm hay tối ngày Lễ Thánh Giuse 19/3). Bản văn năm 1976 (bản văn Đức Thánh Cha đã dùng để giảng tuần Tĩnh Tâm Mùa Chay cho Đức Thánh Cha Phaolô VI và giáo triều năm 1976 và được xuất bản năm 1977 dưới tựa đề ‘những dấu hiệu phản khắc’) vẫn không được điều chỉnh lại. Bản văn này đã và đang tiếp tục là một bản văn thảm não”. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết: “Mặt đất đã trở thành một nghĩa trang, với rất nhiều con người, rất nhiều nấm mộ. Cả một hành tinh lớn đầy những mồ mả (…); trong số tất cả những ngôi mộ ở khắp các lục địa trên trái đất của chúng ta, có một ngôi mộ trong đó Con Thiên Chúa, con người Giêsu Kitô, đã chiến thắng tử thần bằng sự chết”.
Riêng về hoạt động của Hội Đồng Âu Châu trong việc soạn thảo bản hiếp pháp cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu, cũng vào ngày Thứ Sáu 4/4/2003, bản thảo sau cùng đã đề cập đến những gì riêng Giáo Hội Công Giáo ở Âu Châu hết sức và liên lỉ tranh đấu theo gương và chiều hướng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II từ đầu năm 2002, đó là vấn đề không được loại bỏ vấn đề tôn giáo, nhất là Kitô Giáo là những gì làm nên căn tính của văn hóa Âu Châu. Theo lời tuyên bố của nhóm Kitô Hữu Cho Âu Châu thì “Khoản 37 của bản thảo về Hiến Pháp Âu Châu này cho thấy một bước quan trọng theo đúng hướng, mặc dù nó không diễn tả hoàn toàn việc chấp nhận chiều kích tôn giáo nơi bản Hiếp Pháp này”. Theo Đài Phát Thanh Vatican nhận định thì “công thức của Khoản 37 này có thể phải được điều chỉnh hết cỡ bằng việc minh nhiên nói đến quyền tự lập về cơ cấu của các giáo hội”. Nhóm Kitô Hữu Cho Âu Châu cũng bày tỏ niềm tri ân cảm tạ đến các phần tử của mình “thành phần đã thận trọng mang vào bản thảo Hiến Pháp này những gì đã được thiết định ở Hòa Ước Amsterdam liên quan đến việc nhìn nhận những điều khoản về các giáo hội cùng với cơ cấu của ‘một cuộc trao đổi bình thường’ giữa các niềm tin tôn giáo và Khối Hiệp Nhất Âu Châu”. Nhóm Kitô Hữu Cho Âu Châu này là một hội đồng thường trực của các nghị viên quốc hội Âu Châu, bao gồm các chính trị gia, các vị ngoại giao, các nhà giáo dục, các học giả và các chuyên gia giáo dân, được thiết lập để thẩm định việc phác họa bản Hiến Pháp tương lai của Âu Châu.
Thoidiemmaria.net thấy rằng cuộc tranh đấu cho tôn giáo trong bản hiến pháp Âu Châu cũng xẩy ra giống như cuộc tranh đấu của phe chủ hòa với phe chủ chiến ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về vấn đề giải giới Iraq vậy, khi bàn đến bản quyết định 1441 và bản quyết định bất thành cuối cùng.