TAM NHẬT THÁNH 2004
Suy Niệm Tam Nhật Phục Sinh
Trong buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư 7/4/2004 tuần này, ĐTC Gioan Phaolô II đã tạm ngưng loạt bài Giáo Lý Về Việc Cầu Nguyện Bằng Thánh Vịnh (đã tới bài 102) để chia sẻ về ý nghĩa của Tam Nhật Thánh là thời đoạn phụng vụ được bắt đầu từ Lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm. Sau đây là nguyên văn bài chia sẻ của Ngài.
1. “Chúa Giêsu Kitô… đã tự hạ, vâng lời cho đến chết, cho dù có phải chết trên thập tự giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người” (Phil 2:8-9). Chúng ta vừa nghe những lời của bài thánh thi ca trong Thư gửi giáo đoàn Philippian. Những lời này cho chúng ta thấy một cách chính yếu và đầy đủ mầu nhiệm khổ nạn và tử giá của Chúa Giêsu; đồng thời những lời ấy cũng cho chúng ta thấy được vinh quang của Lễ phục sinh. Bởi thế, những lời này giúp cho việc suy niệm dẫn vào việc cử hành tam nhật Phục Sinh được bắt đầu từ ngày mai.
2. Anh Chị Em thân mến, chúng ta đang sửa soạn sống lại trong mấy ngày tới đây mầu nhiệm cao cả nơi ơn cứu độ của chúng ta. Sáng ngày mai, Thứ Năm Tuần Thánh, ở tất cả mọi cộng đồng giáo phận trên khắp thế giới, các vị giám mục cùng với hàng giáo sĩ của mình, sẽ cử hành Lễ Truyền Dầu để làm phép các thứ dầu: dầu cho dự tòng, dầu cho kẻ liệt và dầu thánh. Vùo buổi tối chúng ta tưởng niệm Bữa Tiệc Ly với việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể cùng với thiên chức linh mục. “Việc rửa chân” nhắc nhở chúng ta rằng, bằng cử chỉ được Chúa Giêsu thực hiện ở Nhà Tiệc Ly, Người báo trước hy tế cao cả trên Đồi Canvê, và lưu lại cho chúng ta tình yêu của Người như là một thứ luật mới “mandatum novum”. Theo truyền thống đạo đức, sau các lễ nghi của Lễ Tiệc Ly, tín hữu ở lại tôn thờ trước Thánh Thể cho đến đêm. Đây là một cuộc canh thức nguyện cầu duy nhất liên kết với nỗi khổ não của Chúa Kitô trong Vườn Gethsemane.
3. Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội tưởng nhớ cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa.
Cộng đồng tín hữu được mời gọi để suy niệm về sự dữ và tội lỗi đã làm chủ nhân loại cũng như về ơn cứu độ được thành hiệu bởi hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô. Lời Chúa và một số lễ nghi phụng vụ gợi cảm, như việc tôn thờ Thánh Giá, giúp chúng ta suy nghĩ về những chẳng khác nhau của Cuộc Thương Khó. Ngoài ra, vào ngày này, truyền thống Kitô giáo còn làm sống động một số những biểu lộ khác nhau của lòng đạo đức phổ thông. Đặc biệt trong những biểu lộ này là những cuộc diễn hành thống hối của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và việc sốt sắng đi Đường Thánh Giá, một thực hành làm cho con người thấm thía mầu nhiệm Thập Giá.
Thứ Bảy Tuần Thánh được đánh dấu bằng việc hết sức thinh lặng. Thật vậy, ngày mong đợi và nguyện cầu này không có một thứ phụng vụ đặc biệt nào hết. Mọi sự đều thinh lặng trong các nhà thờ, trong khi tín hữu, bắt chước Mẹ Maria, dọn mừng đại biến cố Phục Sinh.
4. Vào đêm Thứ Bảy Tuần Thánh, Lễ Vọng Phục Sinh long trọng được bắt đầu, một đêm vọng trên hết các đêm vọng. Sau khi làm phép lửa mới, cây nến phục sinh được thắp lên, biểu hiệu cho Chúa Kitô, Đấng soi sáng cho hết mọi người, sau đó trang trọng hớn hở vang lên lời công bố “Hãy Vui Lên”. Cộng đồng giáo hội, trong khi nghe Lời Chúa, suy gẫm về lời hứa cao cả liên quan tới cuộc giải phóng cuối cùng cứu con người khỏi tội lỗi và sự chết. Tiếp theo là lễ nghi rửa tội và thêm sức cho những người dự tòng, thành phần đã trải qua một giai đoạn sửa soạn lâu dài.
Việc loan báo phục sinh bùng lên trong bóng tối của đêm đen và toàn thể tạo sinh bừng tỉnh khỏi giấc ngủ tử vong, nhìn nhận vai trò chủ tể của Chúa Kitô, như bài thánh thi ca của Thánh Phaolô nhấn mạnh làm đề tài suy niệm cho chúng ta: “Trước danh xưng Giêsu thì mọi đầu gối phải quì xuống, cả ở trên trời, dưới đất cũng như trong lòng đất, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Phil 2:10-11).
5. Anh chị em thân mến, những ngày này là những ngày hết sức thuận lợi để thực hiện một cuộc hoán cải lòng trí chúng ta sâu xa hơn nữa cho Đấng đã vì yêu thương chết đi cho chúng ta. Chúng ta hãy để cho Mẹ Maria, Vị Trinh Nữ trung thành, hỗ trợ chúng ta; với Mẹ, chúng ta ở tại Nhà Tiệc Ly và đứng gần Chúa Giêsu trên đồi Canvê, để thấy Người cuối cùng sống lại vào ngày Phục Sinh. Bằng những cảm thức và mến mộ này, Tôi gửi đến anh chị em những lời chúc thân ái nhất của Tôi, mong anh chị em đang hiện diện nơi đây, cộng đồng của anh chị em cũng như tất cả mọi người thân yêu của anh chị em được hưởng một Lễ Phục Sinh vui vẻ và thánh đức.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 7/4/2004
Bài Giảng Thánh Lễ Tiệc Ly Thứ Năm Tuần Thánh
ĐTC GPII đã đồng tế cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly Thứ Năm Tuần Thánh 8/4/2004 tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Sau đây là bài giảng của Ngài.
1. “Người đã yêu thương họ cho đến cùng” (Jn 13:1)
Trước khi cử hành Lễ Vượt Quaa cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các vị. Bằng một hành vi chỉ xứng hợp với bậc tôi tớ, Người muốn in ấn vào tâm trí của các vị tông đồ ý nghĩa về những gì sắp sửa xẩy ra.
Thật vậy, cuộc khổ nạn và tử giá là những gì tạo thành một thứ phục vụ yêu thương chính yếu được Con Thiên Chúa sử dụng để giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi. Đồng thời cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa Kitô cũng cho thấy cả ý nghĩa sâu xa của một thứ giới răn mới được Người ban bố cho các vị tông đồ: “Các con hãy yêu thương nhau. Thày đã yêu thương các con thế nào các con cũng hãy mến thương nhau như vậy” (Jn 13:34).
2. “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (1Cor 11:24,25), Người đã nói điều này 2 lần, khi phân phát bánh đã trở nên Thân Mình của Người và rượu đã trở nên Máu của Người. “Trước đó, sau khi rửa chân cho các tông đồ, Người đã khuyến dụ các vị là: “Thày đã làm gương cho các con theo, để Thày làm cho các con ra sao các con cũng phải làm như thế” (Jn 13:15). Bởi thế, Kitô hữu biết rằng họ “phải nhớ đến” Vị Thày của họ trong việc yêu thương phục vụ lẫn nhau, ở chỗ “rửa chân cho nhau”. Nhất là họ biết rằng họ phải nhớ đến Chúa Giêsu bằng cách lập lại “việc tưởng niệm” Bữa Tiệc Ly với bánh và rượu được thánh hiến bởi vị thừa tác viên lập lại những lời từ miệng của Chúa Kitô phán ra trên bánh và rượu.
Cộng đồng Kitô hữu đã thực hiện điều này ngay từ ban đầu, như chúng ta đã nghe thấy Thánh Phaolô chứng thực: “Vì bao lâu anh em ăn bánh này và uống chén ấy là anh em loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến” (1Cor 11:26).
3. Thế nên, Thánh Thể là một việc tưởng niệm đúng nghĩa nhất, ở chỗ, bánh và rượu, bởi tác động của Thánh Thần, thật sự trở nên mình và máu của Chúa Kitô, Đấng hiến mình làm của dưỡng nuôi con người trong cuộc hành trình trần thế của họ. Cũng cùng một lý lẽ yêu thương này đã có trước Cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời trong lòng Mẹ Maria và có trước việc Người muốn hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể. Đó là “agape”, là bác ái, là tình yêu ở một ý nghĩa tuyệt vời nhất và tuyền vẹn nhất. Chúa Giêsu vẫn nhắc nhở các môn đệ hãy ở lại trong tình yêu của Người (x Jn 15:9).
Để tiếp tục đáp ứng lời yêu cầu này, để ở trong Người như những chồi cây liên kết với cây nho, để yêu mến như Người mến yêu, chúng ta cần phải nuôi dưỡng mình bằng Mình và Máu của Người. Khi nói với các vị tông đồ là “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày”, Chúa đã liên kết Giáo Hội với việc tưởng niệm sống động về Cuộc Vượt Qua của Người. Mặc dù Người là Vị Linh Mục độc nhất vô nhị của Tân Ước, Người cũng muốn con người, được Thánh Thần thánh hiến, tác hành trong việc phân phát lương thực sự sống bằng việc sâu xa hiệp nhất với Ngôi Vị của Người.
4. Đó là lý do khi chúng ta gắn mắt nhìn lên Chúa Kitô, Đấng thiết lập Bí Tích Thánh Thể, chúng ta tái ý thức được tầm quan trọng của hàng linh mục trong Giáo Hội cũng như mối hiệp nhất của các vị với Bí Tích Thánh Thể. Trong Bức Thư Tôi viết gửi các linh mục cho ngày thánh này, Tôi muốn lập lại là Bí Tích bàn thờ đây là một tặng ân và là một mầu nhiệm, và thiên chức linh mục cũng là một tặng ân và là một mầu nhiệm, cả hai đều phát xuất từ Trái Tim Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly.
Bởi thế, chỉ khi nào Giáo Hội yêu mến Thánh Thể mới phát sinh ra các ơn gọi linh mục thánh thiện và dồi dào. Giáo Hội làm điều này bằng việc nguyện cầu cũng như bằng chứng từ thánh đức là những gì được đặc biệt cống hiến cho các thế hệ mới.
5. Tại học đường của Mẹ Maria, “Người Nữ Thánh Thể”, chúng ta tôn thờ Chúa Giêsu thực sự hiện diện nơi dấu hiệu bánh rượu thấp hèn. Chúng ta hãy xin Người không ngừng kêu gọi các vị linh mục trở nên giống như trái tim của Người trong việc phục vụ bàn thánh.
Chúng ta hãy cầu cùng Chúa để không bao giờ Dân Chúa thiếu Bánh bổ dưỡng họ trong cuộc hành trình trần thế của họ. Xin Đức Trinh Nữ giúp chúng ta biết hoan hỉ tái nhận thức được rằng tất cả đời sống Kitô giáo đầu tập trung ở “mầu nhiệm đức tin” này, một mầu nhiệm đức tin chúng ta đang long trọng cử hành tối hôm nay đây.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 8/4/2004