“Thày đi khỏi rồi Thày sẽ trở lại với các con”
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Vọng Phục Sinh 22-23/3/2008
Anh Chị Em thân mến,
Trong bài từ biệt của mình Chúa Giêsu đã loan báo về cái chết và cuộc phục sinh sắp đến của mình cho các môn đệ bằng những lời bí nhiệm này: “Thày đi khỏi rồi Thày sẽ trở lại với các con” (Jn 14:28). Chết là “việc đi khỏi”. Ngay cả thân thể của người quá cố vẫn còn lưu lại đó chính họ đã ra đi vào nơi nào đó, và chúng ta không thể theo họ (x Jn 13:36). Tuy nhiên, trong trường hợp của Chúa Giêsu, có một cái gì đó hoàn toàn mới lạ làm đổi thay thế giới.
Nơi trường hợp cái chết của chúng ta thì “việc đi khỏi” là những gì vĩnh viễn, không hề có vấn đề trở lại. Trái lại, Chúa Giêsu lại nói về cái chết của Người rằng: “Thày đi khỏi rồi Thày sẽ trở lại với các con”. Chính nhờ đi khỏi mà Người trở lại. Việc ra đi của Người đánh dấu một cách hoàn toàn mới mẻ và cao cả hơn việc hiện diện. Nhờ việc chết đi mà Người đã tiến vào tình yêu của Chúa Cha. Việc chết của Người là một tác động yêu thương. Tuy nhiên, tình yêu thì bất tử. Bởi thế, việc Người đi khỏi được biến thành một việc lại đến, thành một hình thức hiện diện sâu xa hơn và khôn cùng. Trong cuộc đời trần thế của mình, như tất cả chúng ta, Chúa Giêsu bị trói buộc vào những điều kiện ngoại tại của sự hiện hữu thể lý: vào một không gian nhất định và thời gian nhất định.
Tính cách nhất định giới hạn việc hiện hữu của chúng ta. Chúng ta không thể cùng một lúc ở hai nơi. Thời gian của chúng ta rồi cũng sẽ đi đến chỗ tận cùng. Và giữa “cái tôi” và “cái bạn“ có một bức tường của sự khác biệt. Nhờ yêu thương chúng ta có thể một cách nào đó thực sự tiến vào sự sống của người khác.
Tuy nhiên, cái trở ngại bất khả vượt qua về sự khác nhau ấy vẫn còn đó. Nhưng Chúa Giêsu, Đấng giờ đây hoàn toàn được biến đổi nhờ tác động yêu thương, thoát khỏi những thứ trở ngại và hạn hữu như thế. Người chẳng những có thể băng qua những cửa đóng kín nơi thế giới ngoại tại, như được Phúc Âm thuật lại (x Jn 20:19). Người cũng có thể vượt qua cánh cửa nội tâm phân cách giữa “cái tôi” và “cái bạn”, cánh cửa đóng giữa hôm qua và hôm nay, giữa quá khứ và tương lai. Vào ngày Người long trọng tiến vào thành Gia Liêm, khi có một số người Hy Lạp ngỏ ý xin gặp Người, Chúa Giêsu đã trả lời bằng dụ ngôn về hạt lúa miến cần phải chết đi mới sinh nhiều hoa trái. Nói thế là Người đã báo trước về định mệnh của Người: những lời này không chỉ ngỏ cùng một hay hai người Hy Lạp ở một nơi chốn trong vòng mấy phút đồng hồ.
Nhờ Thập Giá của mình, bằng việc đi khỏi, qua cái chết đi của mình như hạt lúa miến, Người thực sự đến giữa những người Hy Lạp, đến nỗi họ có thể thấy được Người và chạm đến Người với niềm tin. Việc Người đi khỏi được biến thành một việc đến nơi cách hiện diện phổ quát của Chúa Kitô Phục Sinh, một sự hiện diện Người vẫn thế hôm qua, hôm nay và mãi mãi, một sự hiện diện Người gồm tóm tất cả thời gian và không gian. Bấy giờ Người thậm chí thắng vượt được cả bức tường khác nhau phân cách giữa “cái tôi” và “cái bạn”. Điều này đã xẩy ra với Thánh Phaolô, vị diễn tả tiến trình hoán cải của ngài và việc lãnh nhận Phép Rửa của mình bằng những lời sau đây: “Không còn là tôi sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20). Nhờ việc đến của Đấng Phục Sinh, Thánh Phaolô đã chiếm được một căn tính mới. “Cái tôi” khép kín của ngài đã được mở ra. Giờ đây ngài đang sống trong mối hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô, sống trong cái đại “ngã” của thành phần tín hữu, như ngài nói là trở nên “một trong Chúa Kitô” (Gal 3:28).
Bởi vậy, các bạn thân mến, vần đề rõ ràng ở đây là nhờ Phép Rửa, những lời lẽ bí nhiệm Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly trở thành hiện thực một lần nữa đối với các bạn. Nơi Phép Rửa, Chúa Kitô tiến vào đời sống của các bạn qua cánh cửa tâm hồn của các bạn. Chúng ta không còn đứng bên nhau hay nghịch với nhau nữa.
Người đang băng qua tất cả mọi cánh cửa. Thực tại của Phép Rửa là thế này: Người, Đấng Phục Sinh, đang đến; Người đến với các bạn và liên kết sự sống của Người với sự sống của các bạn, lôi kéo các bạn đến với ngọn lửa bừng cháy của tình Người yêu thương. Các bạn trở nên một, nên một với Người, nhờ đó các bạn nên một với nhau. Thoạt tiên thì điều này có vẻ là những gì trừu tượng và không thực tế. Thế nhưng, các bạn càng sống sự sống của thành phần lãnh nhận phép rửa thì các bạn càng cảm nghiệm được sự thật của những lời ấy. Các tín hữu – thành phần lãnh nhận phép rửa – không bao giờ thực sự bị phân ly khỏi nhau. Các châu lục, các nền văn hóa, các cấu trúc về xã hội hay thậm chí những khoảng cách về lịch sử là những gì có thể tách biệt chúng ta ra.
Thế nhưng, khi chúng ta gặp nhau, chúng ta nhận biết nhau vì cùng một Chúa, cùng một đức tin, cùng một niềm hy vọng, cùng một tình yêu thương là những gì hình thành chúng ta. Bởi thế, chúng ta cảm nghiệm rằng sự sống của chúng ta có cùng một nguồn mạch. Chúng ta cảm thấy rằng trong cái thẳm cung sâu xa nhất của mình chúng ta được liên kết nơi cùng một căn tính, ở chỗ, tất cả mọi khác biệt của chúng ta cho dù chúng có giá đến đâu cũng trở thành thứ yếu. Thành phần tín hữu không bao giờ hoàn toàn tách lìa khỏi nhau. Chúng ta ở trong mối hiệp thông bởi cái căn tính sâu xa nhất của chúng ta: Chúa Kitô ở trong chúng ta. Như thế, đức tin là một quyền lực của an bình và hòa giải trên thế giới này: những khoảng cách giữa dân chúng đã được thắng vượt, chúng ta trở nên gần gũi nhau trong Chúa (x Eph 2:13).
Giáo Hội diễn tả thực tại bề trong của Phép Rửa này như là một tặng ân của một thứ căn tính mới qua những yếu tố hữu hình được sử dụng trong việc ban phát bí tích này. Yếu tố chính yếu nơi Phép Rửa là nước; tiếp theo sau đó là ánh sáng, một thứ ánh sáng được sử dụng gây tác dụng trọng đại nơi Phụng Vụ của Lễ Vọng Phục Sinh. Chúng ta hãy vắn gọn để ý tới hai yếu tố này. Trong chương cuối cùng của Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái, có một câu về Chúa Kitô không trực tiếp nói tới nước, nhưng dù sao những hình ảnh Cựu Ước đã rõ ràng nói đến mầu nhiệm của nước cùng với ý nghĩa tiêu biểu của nó. Ở đây chúng ta đọc thấy rằng: “Vị Thiên Chúa của bình an… làm cho Chúa Giêsu sống lại từ kẻ chết, vị đại mục tử của đàn chiên, nhờ máu của giao ước đời đời” (13:20).
Câu này vang vọng lời tiên tri Isaia, lời tiên tri mà Moisen được diễn tả như vị mục tử được Chúa cứu vớt từ nước, từ biển (x 63:11). Chúa Giêsu đến như là vị Mục Tử mới tối hậu làm trọn những gì Moisen đã làm; Người dẫn chúng ta ra khỏi những thứ giòng nước chết chọc của biển cả, ra khỏi những giòng nước của tử vong. Theo chiều hướng ấy, chúng ta có thể nhớ lại rằng người mẹ của Moisen đã bỏ ông vào trong một cái rỏ ở sống Nile. Thế rồi, nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa, ông đã được vớt ra khỏi nước, được mang từ sự chết tới sự sống, nhờ đó – nhờ chính bản thân được cứu khỏi những giòng nước sự chết – ông đã có thể dẫn những người khác băng qua biển tử thần. Chúa Giêsu đã vì chúng ta xuống tới những giòng nước tăm tối của tử thần.
Thế nhưng, nhờ máu của Người, Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái đã nói với chúng ta như thế, Người đã được sống lại từ trong kẻ chết: tình yêu của Người đã liên kết mình với tình yêu của Cha, nhờ đó, từ vực thẳm của tử thần, Người đã có thể sống lại. Vậy Người nâng chúng ta lên khỏi sự chết đến sự sống thực sự. Đó là những gì thực sự xẩy ra nơi Phép Rửa: ở chỗ Người lôi kéo chúng ta đến với Người, Người lôi kéo chúng ta vào sự sống chân thực. Người dẫn chúng ta qua biển cả u ám tối tăm của lịch sử, nơi chúng ta thường có nguy cơ bị chìm đắm giữa tất cả những gì là hỗn loạn và hiểm nguy. Nơi Phép Rửa, Người thật sự nắm lấy tay của chúng ta dẫn chúng ta theo con đường băng qua Biển Đỏ của cuộc sống này và dẫn chúng ta vào sự sống đời đời, sự sống chân thực và chân chính. Chúng ta hãy nắm chặt lấy tay của Người! Bất cứ điều gì xẩy ra, bất cứ điều gì gây ra cho chúng ta, chúng ta đừng buông tay Người ra! Chúng ta hãy bước đi trên con đường dẫn đến sự sống.
Ngoài ra còn có biểu hiệu của ánh sáng và lửa. Thánh Grêgôriô thành Tours đã thuật lại một việc thực hành ở một số nơi vẫn còn giữ qua một thời gian dài, về việc thắp sáng ngọn lửa để cử hành Lễ Vọng Phục Sinh trực tiếp từ mặt trời, khi sử dụng pha lê. Bởi thế, ánh sáng và lửa được nhận lãnh cách mới mẻ từ trời, nhờ đó tất cả mọi ánh sáng và lửa trong năm có thể được thắp lên từ nó. Đó là biểu hiệu của những gì chúng ta đang cử hành trong Đêm Vọng Phục Sinh.
Bằng tình yêu sâu xa của mình đối với chúng ta, một tình yêu làm cho con tim của Thiên Chúa và tâm can của con người chạm tới nhau, Chúa Giêsu Kitô thực sự đã đem ánh sáng từ trời mà mang xuống trần gian – thứ ánh sáng của sự thật và tình yêu làm biến đổi hữu thể của con người. Người đã mang ánh sáng tới mà giờ đây chúng ta biết được Thiên Chúa là Đấng nào và Ngài ra sao. Nhờ đó chúng ta cũng biết được tình trạng của chúng ta như thế nào: chúng ta là gì và hiện hữu để làm chi. Khi chúng ta lãnh nhận phép rửa thì ngọn lửa của ánh sáng này được mang xuống tới tận trong bản thân chúng ta. Bởi thế, vào thời Giáo Hội sơ khai, Phép Rửa cũng được gọi là Bí Tích Sáng Soi, tức là ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa tới chúng ta; nhờ đó chúng ta trở nên con cái ánh sáng.
Chúng ta không được để cho ánh sáng của sự thật ấy, môt ánh sáng tỏ cho chúng ta thấy đường đi nước bước, bị tắt đi. Chúng ta cần phải bảo vệ nó cho khỏi tất cả mọi quyền lực đang tìm cách loại trừ nó hầu có thể đẩy chúng ta về lại tình trạng tối tăm liên quan tới Thiên Chúa và bản thân chúng ta. Tối tăm có những lúc dường như là những gì thoải mái dễ chịu. Tôi có thể ẩn mình đi và sống cuộc đời thiếp ngủ. Thế nhưng, chúng ta không được kêu gọi sống tối tăm mà là đến với ánh sáng. Nơi những lời hứa rửa tội của mình, có thể nói chúng ta làm bừng lên ánh sáng này từ năm này sang năm khác. Phải, tôi tin rằng thế giới này và đời sống của tôi không phải là một thứ sản phẩm ngẫu nhiên mà có, mà là bởi Lý Trí hằng hữu và bởi Tình Yêu vĩnh hằng, chúng được Thiên Chúa Toàn Năng tạo dựng nên. Phải, tôi tin rằng trong Chúa Giêsu Kitô, nơi việc nhập thể của Người, nơi Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Người, dung nhan của Thiên Chúa đã được tỏ hiện; trong Người, Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta và dẫn chúng ta tới đích điểm của chúng ta, tới tình yêu hằng hữu.
Phải, tôi tin rằng Thánh Linh ban cho chúng ta lời chân lý và sáng soi cõi lòng của chúng ta; tôi tin rằng trong mối hiệp thông với Giáo Hội tất cả chúng ta trở nên Thân Thể với Chúa Kitô, nhờ đó chúng ta được hội ngộ với cuộc phục sinh của Người và sự sống đời đời. Chúa Kitô đã ban cho chúng ta án h sáng chân lý. Ánh sáng này cũng là lửa, một quyền năng mãnh liệt xuất phát từ Thiên Chúa, một quyền năng không hủy diệt mà là tìm cách biến đổi tâm can của chúng ta, nhờ đó chúng ta trở thành những con người của Thiên Chúa, và nhờ đó bình an của Người có thể sinh động trên thế giới này.
Vào thời Giáo Hội sơ khai, có tập tục là vị Giám Mục hay linh mục, sau bài giảng, kêu gọi tín hữu rằng: “Conversi ad Dominum – Vậy hãy hướng về Chúa”. Điều này trước hết có nghĩa là họ hướng về phía Đông, hướng mặt trời mọc, dấu hiệu cho thấy việc trở lại của Chúa Kitô, Đấng chúng ta tiến lên nghênh đón khi chúng ta cử hành Thánh Thể. Nơi nào điều này bất khả vì lý do nào đó thì ít là họ hướng về hình ảnh của Chúa Kitô ở hậu cung hay hướng về Thánh Giá, để hướng lòng mình về Chúa.
Việc này thực sự bao gồm một biến cố nội tại; việc hoán cải, việc hướng linh hồn của chúng ta về Chúa Giêsu Kitô nhờ đó hướng về Vị Thiên Chúa hằng sống, hướng về ánh sáng chân thực. Bởi vậy, liên kết tới việc này mới có lời tung hô vẫn còn tới nay, trước Kinh Nguyện Thánh Thể, được ngỏ cùng cộng đồng tín hữu: “Sursum corda – Hãy nâng tâm hồn lên”, bên trên những chằng chịt đầy quan tâm của chúng ta, đầy những ước muốn, lo toan và vô tâm của chúng ta – “Hãy nâng tâm hồn lên, nâng con người nội tâm của anh chị em lên!” Trong cả hai lời hô lên này chúng ta được thực sự kêu gọi đến việc canh tân Phép Rửa của chúng ta: Conversi ad Dominum – chúng ta cần phải tách mình một cách mới mẻ hơn bao giờ hết khỏi việc đi vào những con đường sai lầm, ở đó các tâm tưởng và hành động của chúng ta rất hay thường bị lạc loài.
Chúng ta cần phải trở về một cách mới mẻ hơn bao giờ hết với Người, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta cần phải hoán cải một cách mới mẻ hơn bao giờ hết, qui hướng trọn đời sống của chúng ta về Chúa. Và một cách mới mẻ hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải để cho tâm can của chúng ta rút lui khỏi cái trọng lực kéo họ xuống, và về bề trong chúng ta cần phải nâng nâng tâm hồn của chúng ta lên cao trong chân lý và yêu thương. Vào lúc này đây, chúng ta hãy cảm tạ Chúa, vì nhờ quyền năng lời của Người cùng với các Bí Tích thánh, Người đã chỉ cho chúng ta thấy đúng hướng và kéo tâm hôn chúng ta lên cao. Chúng ta hãy nguyện cầu cùng Người bằng những lời lẽ sau đây: Vâng, lạy Chúa, xin hãy làm cho chúng con thành dân Phục Sinh, thành những con người nam nữ của ánh sáng, tràn đầy ngọn lửa của tình Chúa yêu thương. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/3/2008
(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)