“Ơn gọi  phục vụ Giáo Hội như là cuộc hiệp thông”

 

 

ĐTC Biển Đức XVI: Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Thiên Triệu thứ 44 Chúa Nhật 29/4/2007

 

 

 

Quí Huynh khả kính trong hàng Giáo Phẩm,

Anh chị em thân mến!

 

Ngày Thế Giới hằng năm Cầu Cho Ơn Thiên Triệu là một cơ hội thuận lợi để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các ơn gọi trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội, cũng như để gia tăng lời nguyện cầu của chúng ta để các ơn gọi thêm gia tăng về số lượng và phẩm chất. Đối với việc cử hành sắp tới đây, tôi muốn toàn thể dân Chúa chú trọng tới đề tài sau đây, một đề tài có tính cách thời sự hơn bao giờ hết, đó là ơn gọi phục vụ Giáo Hội như là một cuộc hiệp thông

 

Năm ngoái, vào những buổi triều kiến chung Thứ Tư, tôi đã bắt đầu một loạt bài giáo lý mới về mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Tôi vạch ra rằng cộng đồng Kitô Giáo tiên khởi đã được xây dựng, theo tận cội nguồn của mình, là vào lúc có một số tay đánh cá xứ Galilêa gặp gỡ Chúa Giêsu, họ cảm thấy bị thu hút bởi ánh mắt và tiếng nói của Người, và đã chấp nhận lời Người thiết tha mời gọi: ‘Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho anh em trở nên các tay đánh cá người!’ (Mk 1:17; x Mt 4:19). Thật vậy, Thiên Chúa bao giờ cũng chọn một số cá nhân làm việc với Ngài một cách trực tiếp hơn, để hoàn thành dự án cứu độ của Ngài. Trong Cựu Ước, từ ban đầu, Ngài đã kêu gọi Abraham để hình thành một ‘dân tộc vĩ đại’ (Gen 12:2); sau đó, Ngài đã kêu gọi Moisen để giải phóng dân Yến Duyên khỏi tình trạng làm nô lệ ở Ai Cập (x Ex 3:10).

 

Tiếp theo, Ngài đã chỉ định những người khác, nhất là các v ị tiên tri, để bênh vực và bảo toàn giao ước của Ngài với dân của Ngài. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai hứa hẹn, đã mời gọi mỗi một vị tông đồ ở với Người (x Mk 3:14) để chia sẻ sứ vụ với Người. Tại Bữa Tiệc Ly, khi ủy thác cho các vị nhiệm vụ trường thiên  hóa việc tưởng nhớ tới cuộc tử nạn và phục sinh của Người cho tới khi Người trở lại trong vinh quang vào ngày cùng tháng tận, Người đã hiến dâng lên Chúa Cha để cầu cho các vị lời nguyện đoạn trường này: ‘Con tỏ danh Cha cho họ, và Con sẽ còn tỏ ra nữa, để tình Cha yêu Con ở trong họ và Con cũng ở trong họ’ (Jn 17:26). Bởi thế, sứ vụ của Giáo Hội là những gì được tìm thấy nơi mối hiệp thông sâu xa trung thực với Thiên Chúa vậy.

 

Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân của Công Đồng Chung Vaticanô II diễn tả Giáo Hội là ‘một dân tộc được làm nên một với mối hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần’ (số 4), một mối hiệp nhất phản ảnh chính mầu nhiệm về Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là tình yêu của Ba Ngôi được phản ảnh nơi Giáo Hội. Ngoài ra, nhờ hoạt động của Thánh Linh, tất cả mọi phần tử của Giáo Hội làm thành ‘một thân thể và một tinh thần’ trong Chúa Kitô. Dân tộc này, được tổ chức thành cơ cấu dưới sự hướng dẫn của các vị Chủ Chiên, sống mầu nhiệm hiệp thông với Thiên Chúa cũng như với anh chị em, nhất là khi qui tụ lại để cử hành Thánh Thể. Thánh Thể là nguồn mạch của mối hiệp nhất giáo hội là mối hiệp nhất được Chúa Giêsu nguyện cầu vào tối áp cuộc khổ nạn của Người: ‘Xin Cha… cho họ cũng được nên một trong chúng ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con’ (Jn 17:21). Mối hiệp thông chặt chẽ này là những gì thuận lợi cho việc gia tăng các ơn gọi quảng đại trong việc phục vụ Giáo Hội, ở chỗ, tâm can của tín hữu, tràn đầy tình yêu thần linh, được tác động để dấn thân trọn vẹn cho Nước Trời. Bởi thế, để nuôi dưỡng các ơn gọi, hoạt động mục vụ cần phải chú trọng tới mầu nhiệm của Giáo Hội như là một cuộc hiệp thông; vì ai sống trong một cộng đồng giáo hội biết hòa hợp, cùng hữu trách và biết ý thức, chắc chắn sẽ dễ dàng nhận ra tiếng gọi của Chúa hơn. Thế nên, việc chăm sóc cho các ơn gọi đòi phải được ‘giáo dục’ liên tục trong việc lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Đó là những gì Eli đã làm, khi ông đã giúp cho trẻ Samuel hiểu được những gì Thiên Chúa đang mong muốn nơi em và lập tức mang ra thực hành (x 1Sam 3:9). Bởi vậy, việc cởi mở và trung thành lắng nghe chỉ có thể xẩy ra trong bầu khí hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa là mối hiệp thông chính yếu được hiện thực nơi việc cầu nguyện. Theo lệnh truyền tỏ tường của Chúa thì chúng ta cần phải van nài tặng ân các ơn gọi, trước hết bằng việc cùng nhau nguyện cầu liên lỉ cùng ‘vị Chúa của mùa màng’. Lời mời gọi này ở thể số nhiều: ‘Vậy các con hãy cầu xin Chủ mùa màng hãy sai các viên thợ tới làm mùa của Ngài’ (Mt 9:38). Lời Chúa mời gọi này ứng đối khít khao với kiểu cách của ‘Kinh Lạy Cha’ (Mt 6:9), một lời nguyện cầu được Người dạy cho chúng ta và là lời nguyện cầu làm nên ‘một tổng hợp của cả Phúc Âm’ theo kiểu diễn tả của giáo phụ Tertullian (cf. De Oratione, 1,6: CCL I, 258). Theo chiều hướng ấy, còn có một lời hữu ích khác của Chúa Giêsu, đó là: ‘Nếu có hai người trong các con hiệp nhau trên thế gian này để xin bất cứ điều gì thì Cha Thày trên trời sẽ thực hiện cho họ’ (Mt 18:19). Thế nên, Vị Mục Tử Nhân Lành mời gọi chún g ta hãy cầu cùng Cha trên trời, nguyện cầu một cách hiệp nhất và thiết tha, để Ngài ban các ơn gọi phục vụ Giáo Hội như là cuộc hiệp thông.

 

Gặt hái được kinh nghiệm  mục vụ trong các thế kỷ qua, Công Đồng Chung V aticanô II đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giáo dục những linh mục tương lai sống mối hiệp thông đích thực của giáo hội. Về vấn đề này, chúng ta đọc thấy trong sác lệnh Presbyterorum ordinis rằng: ‘Khi hành sử vai trò của Chúa Kitô là vị mục tử và là đầu, theo việc chia sẻ với quyền bính của Người, các vị linh mục, nhân danh vị Giám Mục, qui tụ gia đình của Thiên Chúa lại với nhau như anh chị em với nhau có cùng một tinh thần. Nhờ Chúa Kitô, các v ị dẫn dắt họ trong Thánh Linh đến cùng Thiên Chúa là Cha’ (số 6). Tông Huấn Pastores dabo vobis cũng âm vang lời phát biểu này của Công Đồng, khi nó nhấn mạnh rằng vị linh mục là ‘người tôi tớ của Giáo Hội như là một cuộc hiệp thông bởi vì – hiệp nhất với vị Giám Mục và chặt chẽ liên kết với hàng giáo sĩ – ngài xây dựng mối hiệp nhất của cộng đồng Giáo Hội trong việc hòa hợp các ơn gọi, các đoàn sủng và các việc phục vụ khác nhau’ (số 16). Trong thành phần dân Kitô giáo, vấn đề bất khả châm chước đó là việc hết mọi thừa tác vụ và đoàn sủng đều hướng về mối hiệp thông trọn vẹn; và các vị Giám Mục và linh mục có nhiệm vụ cổ động mối hiệp thông này hòa hợp với mọi ơn gọi và việc phục vụ khác của Giáo Hội. Cả đời tận hiến nữa, tự bản chất của mình, phục vụ cho mối hiệp thông ấy, như vị tiền nhiệm đáng kính Gioan Phaolô II của tôi nhấn mạnh tới trong Tông Huấn Vita consecrate: ‘Đời sống tận hiến chắc chắn có thể ghi công khi hiệu nghiệm giúp vào việc làm sống động nơi Giáo Hội trách  nhiệm huynh đệ như là một hình thức chứng từ cho Chúa Ba Ngôi. Bằng việc liên lỉ cộ võ tình yêu thương huynh đệ, cũng như nơi hình thức chung sống, đời tận hiến đã chứng tỏ rằng việc tham phần vào mối hiệp thông Ba Ngôi là những gì có thể làm thay đổi những mối liên hệ về con người và tạo nên một thể thức đoàn kết mới mẻ’ (số 41).

 

Tâm điểm của hết mọi cộng đồng Kitô hữu là Thánh Thể, nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Giáo Hội. Bất cứ ai dấn thân phục vụ Phúc Âm, nếu họ sống Thánh Thể, đều tiến triển trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, nhờ đó góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội như là một cuộc hiệp thông. Chúng ta có thể khẳng định rằng ‘tình yêu Thánh Thể’ làm phấn chấn và hình thành hoạt động ơn gọi của toàn thể Giáo Hội, vì, như tôi đã viết trong Thông Điệp Thiên Chúa là tình yêu, các ơn gọi làm linh mục và các thừa tác vụ cùng phục vụ khác nẩy nở trong dân Chúa ở bất cứ nơi nào có những ai phản ánh Chúa Kitô nơi Lời của Người, nơi các bí tích và nhất là nơi Thánh Thể. Đúng thế, vì ‘nơi phụng vụ của Giáo Hội, nơi việc nguyện cầu của Giáo Hội, nơi cộng đồng sống động tín hữu, chún g ta cảm nghiệm thấy tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy việc Người hiện diện và nhờ đó chúng ta nhận ra việc hiện  diện ấy trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Người đã yêu thương chún g ta trước và Người tiếp tục làm như thế; để cả chúng ta nữa cũng có thể yêu thương đáp ứng’ (số 17).

 

Sau hết, chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, vị đã nâng đỡ cộng đồng tiên khởi, nơi ‘tất cả mọi người hiệp nhất nguyện cầu’ (Acts 1:14), để xin Mẹ giúp Giáo Hội trong thế giới ngày nay trở thành hình ảnh của Chúa Ba Ngôi, một dấu hiệu sống động của tình yêu thần linh cho tất cả mọi dân nước. Chớ gì vị Trinh Nữ này, vị đã đáp ứng tức khắc tiếng gọi cũa Chúa Cha khi thưa ‘Này tôi là nữ tỳ của Chúa’ (Lk 1:38), chuyển cầu để dân Kitô Giáo không thiếu hụt những con người tôi tớ của niềm vui thần linh, đó là những linh mục, trong mối hiệp thông với các vị Giám Mục của mình, trung thành loan báo Phúc Âm và cử hành các bí tích, chăm sóc dân Chúa, và sẵn sàng truyền bá phúc âm hóa cho tất cả loài người. Chớ gì Mẹ bảo toàn, cả trong thời đại của chúng ta nữa, việc gia tăng số lượng thành phần sống đời tận hiến, thành phần đi ngược chiều, sống các lời khuyên phúc âm về đức khóa nghèo, thanh tịnh và tuân phục, và hùng hồn làm chứng cho Chúa Kitô cũng như cho sứ điệp cứu độ giải phóng của Người. Anh chị em thân mến, thành phần được Chúa gọi sống các ơn gọi đặc biệt trong Giáo Hội: tôi xin đặc biệt ký thác anh chị em cho Mẹ Maria, để Mẹ, vị đã hiểu được hơn ai hết ý nghĩa của những lời Chúa Giêsu nói: ‘Mẹ của tôi và anh chị em của Tôi là những ai nghe lời Thiên Chúa và tuân giữ’ (Lk 8:21), dạy cho anh chị em biết lắng nghe Người Con thần linh của Mẹ. Chớ gì Mẹ giúp cho anh chị em biết đáp b ằng cuộc sống của mình rằng: ‘Này con xin đến để làm theo ý Chúa, ôi Thiên Chúa’ (x Heb 10:7). Với những ước nguyện ấy, tôi hứa đặc biệt nhớ tới từng người trong anh chị em trong lời nguyện cầu và tôi thành thực ban phép lành cho tất cả an h chị em.

 

Tại Vatican ngày 10/2/2007

 

Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/vocations/documents/hf_ben-xvi_mes_20070210_xliv-vocations_en.html