6/3 Thứ Tư
Bài Giáo Lý Thánh Vịnh 32:“Hoán Cải và Thứ Tha phục hồi thái hòa cho vũ trụ”
(Thánh Vịnh Isaia 64 [65], Kinh Ban Mai, Thứ Ba, Tuần Thứ Hai)
1.- Cuộc hành trình của chúng ta qua các bài Thánh Vịnh của Giờ Kinh Phụng Vụ hôm nay dẫn chúng ta tới một bài thánh thi, một bài thánh thi đặc biệt kéo chú ý của chúng ta bằng một cảnh sắc mùa xuân hấp dẫn ở vào phần cuối cùng (xem Ps 64 [65]:10-14), một cảnh sắc đầy tươi mới, rực rỡ mầu mè và nhộn nhịp tiếng hân hoan vui vẻ.
Thật vậy, bài Thánh Vịnh 64 (65) có một cấu trúc bao rộng, phát xuất từ việc cấu kết của hai cung giọng khác nhau: trước hết là vấn đề lịch sử của việc thứ tha tội lỗi và việc gần gũi của Thiên Chúa hòa nhập lại với nhau (xem các câu 2-5); rồi tới việc qui chiếu về vấn đề vũ trụ nơi tác động của Thiên Chúa trong việc đối đầu với biển cả và núi non (xem các câu 6-9a); và sau cùng là hiện lên cảnh của một mùa xuân (xem các câu 9b-14). Trong một cảnh hùng vĩ đầy nắng và khô cằn của miền Cận Đông, thì cơn mưa chan hòa là biểu hiệu nói lên lòng trung thành của Chúa đối với thiên nhiên tạo vật (xem Ps 103[104]:13-16). Đối với Thánh Kinh, thiên nhiên tạo vật là nơi hẹn hò gặp gỡ của loài người, và tội lỗi là một nỗ lực đi ngược lại với cấp trật và vẻ vẹn toàn của thế giới. Bởi thế, hoán cải và thứ tha mới là những gì phục hồi sự nguyên tuyền và hòa hợp cho vũ trụ vậy.
2.- Nơi phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh, chúng ta ở bên trong đền thờ Sion. Dân chúng tụ tập lại ở đó, với tất cả những chất chồng thê thảm về luân lý, để kêu xin cho được giải phóng khỏi sự dữ (xem Ps 64[65]:2-4a). Một khi những lỗi lầm được xá giải, thành phần trung nghĩa mới cảm thấy mình được Thiên Chúa tiếp nhận, được gần gũi với Ngài, sửa soạn tiến đến bàn tiệc của Ngài và tham dự vào cuộc hoan hưởng thân mật thần linh (xem các câu 4b-5).
Chúa là Đấng tỏ mình trong đền thờ mới được biểu hiện bằng một trắc diện hiển vinh và hoàn vũ. Thật vậy, Ngài được cho là “niềm hy vọng cho đến tận cùng trái đất cũng như cho những hải đảo xa xăm. Ngài mặc lấy quyền năng, Chúa lấy quyền năng của mình mà tạo nên các núi non. Chúa làm cho biển cả im tiếng rống, triều sóng phải lặng yên… Những dân tộc xa xăm bàng hoàng trước những kỳ công của Chúa” từ đông sang tây (các câu 6-9).
3.- Ở tâm điểm của cuộc cử hành mừng Vị Thiên Chúa Hóa Công này, chúng ta thấy một biến cố cần phải chú ý, đó là sự kiện Chúa cũng có thể làm chủ và dẹp yên tình trạng hỗn loạn của các giòng nước biển khơi, những gì được Thánh Kinh cho là biểu hiệu của hỗn loạn, ngược lại với trật tự của thiên nhiên tạo vật (xem Job 38:8-11). Đó là cách tôn tụng vinh thắng thần linh, không phải chỉ trên hư không mà cả trên sự dữ nữa: Chính vì thế mà “tình trạng hỗn loạn của các dân” (xem Ps 64[65]:8), tức tình trạng phản loạn của thành phần kiêu căng ngạo mạn, mới được liên kết với “tiếng gầm rống của biển khơi” cũng như với “tiếng gầm gừ của sóng nước”.
Thánh Âu-Quốc-Tinh dẫn giải về điều này rất hay: “Biển cả là hình ảnh của thế giới này, với chất mặn khổ sầu, với phong ba bão tố gây rối loạn, nơi mà con người, với những thèm thuồng bại hoại và vô độ của mình, là một loài cá tìm cách nuốt nhau. Hãy nhìn vào biển cả bão tố này, vào biển cả khổ sầu này, một biển cả dữ dội với những sóng nước của nó! Chúng ta đừng tác hành như thế hỡi anh em, vì Chúa là hy vọng cho tới tận cùng trái đất” (Esposizione sui Salmi, Roma, 1990. p. 475).
Bài Thánh Vịnh này được kết thúc một cách giản dị, đó là Thiên Chúa, Đấng chấm dứt những chao đảo và sự dữ trên thế giới cũng như trong giòng lịch sử, cũng có thể khắc phục và thứ tha ác tâm cùng tội lỗi của con người cầu nguyện đang mang trong mình và muốn bày tỏ ra trong đền thờ, với niềm tin tưởng là mình sẽ được Thiên Chúa thanh tẩy cho.
4.- Tới đây, những thứ nước khác nhập cuộc, đó là những thứ nước của sự sống và sinh lực tưới dội trái đất trong mùa xuân và là tiêu biểu nhất cho sự sống mới của thành phần trung nghĩa được thứ tha tội lỗi. Những câu cuối cùng của bài Thánh Vịnh (xem Ps 64[65]:10-14), như Tôi đã đề cập đến, có một vẻ thật đẹp và ý nghĩa. Thiên Chúa làm giãn khát trái đất bị nứt nẻ vì hạn hán và vì băng đá mùa đông, bằng việc Ngài đổ mưa xuống trên nó. Chúa giống như một người nông dân (xem Jn 15:1), vất vả để làm cho hạt lúa miến mọc lên và cỏ cây nẩy mầm. Người nông dân này cầy sới đất đai, cho nước chảy vào những khe lạch, san bằng những chỗ gồ ghề, tưới ướt cho hết mọi phần đất thuộc thửa ruộng của mình.
Tác giả Thánh Vịnh sử dụng 10 động từ để diễn tả tác động yêu thương của Đấng Tạo Hóa trên trái đất, một trái đất được biến đổi thành một loài tạo vật sống động. Thật vậy, “chúng hân hoan ca hát vui vẻ” (Ps 64[65]:14). Ba động từ dính dáng đến biểu hiệu của y phục cũng nói lên cho thấy đầy những ý nghĩa nơi sự liên kết này: “Các đồi nương được khoác lấy niềm hân hoan. Các đồng cỏ được mặc cho những đàn vật, các thung lũng được phủ lên đồng lúa miến (các câu 13-14). Hình ảnh này là hình ảnh của một đồng cỏ được điểm bằng đám chiên hiền lành chất phác; những đồi nương mọc đầy những cây nho, dấu hiệu của niềm hoan hỉ, được tỏ hiện nơi sản phẩm của nó là rượu, một chất “làm hoan lạc con tim” (Ps 103[104]:15); những thung lũng khoác lên mình một chiếc áo choàng mùa gặt vàng chín. Câu 12 cũng gợi lên cho thấy một chiếc vương miện, chiếc vương miện có lẽ sẽ khiến cho người ta nghĩ đến những vòng hoa ở các bữa tiệc mừng, được đội lên đầu cho các khách dự tiệc (xem Is 28:1-5).
5.- Tất cả mọi tạo vật cùng nhau, hầu như theo nhau thành hàng ngũ, hướng về Đấng Hóa Công và Vị Thượng Chủ của mình, nhẩy múa và hát ca, chúc tụng và nguyện cầu. Thiên nhiên, một lần nữa, lại trở nên một dấu hiệu sống của hành động thần linh: Nó là một trang sách được mở ra trước mắt tất cả mọi người, sẵn sàng bộc lộ sứ điệp ẩn tàng nơi mình là Đấng Tạo Hóa, vì “nhờ sự cao cả và vẻ đẹp của các vật được tạo thành mà so sánh mới thấy được vị nguyên tác giả của chúng” (Wis 13:5; xem Rm 1:20). Việc chiêm ngắm theo thần học và hứng khởi dạt dào về thi ca đã liên hợp lại thành bài hát này và thành một việc tôn thờ chúc tụng.
Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ quan trọng nhất được vị Tác Giả Thánh Vịnh hướng tới bằng tất cả bài ca này của mình là cuộc hiệp nhất giữa thiên nhiên tạo vật với ơn cứu độ. Như trái đất được hồi sinh vào mùa xuân bởi tác động của Hóa Công thế nào, con người cũng vươn lên từ tội lỗi của mình bằng tác động của Đấng Cứu Chuộc như thế. Bởi vậy, tạo vật và lịch sử cùng ở dưới ánh mắt quan phòng và cứu độ của Chúa, Đấng khống chế những giòng nước gầm rống và hủy hoại, rồi ban cho chúng thứ nước thanh tẩy, sung sức và no thỏa. Thật vậy, Chúa “chữa những tấm lòng tan nát, hàn dịt vết thương của họ”, cũng là Đấng “bao phủ các tầng trời bằng những đám mây, làm mưa xuống trên mặt đất, khiến cỏ cây mọc lên trên núi đồi” (Ps 146[147]:3,8).
Như thế, bài Thánh Vịnh này trở nên một bài ca chúc tụng ân sủng thần linh. Dẫn giải về bài Thánh Vịnh của chúng ta đây, Thánh Âu Quốc Tinh đã nhắc nhở chúng ta một lần nữa về tính cách siêu việt này, cũng như về tặng ân chuyên biệt ấy: “Chúa là Thiên Chúa phán với anh em nơi tâm trí của anh em rằng: Ta là sự sung túc của các người. Các người đừng chạy theo những gì thế gian hứa hẹn, nhưng hãy theo đuổi những gì Đấng Tạo Dựng nên thế gian hứa ban! Các người hãy chú ý đến những gì Thiên Chúa hứa ban, nếu các người tuân giữ công lý; và khinh thường những gì các người được thế gian hứa hẹn tropng việc các người không phải sống theo công lý. Bởi thế, các người đừng chạy theo những gì thế gian hứa hẹn cho các người. Trái lại, các người hãy quan tâm đến những gì Đấng Tạo Dựng nên thế gian hứa ban cho các người” (“Esposizione sui Salmi” Rome 1990, p. 481).
Vào lúc 11 giờ 30 sáng, phái đoàn hành hương, sau khi nghe bài giáo lý trên đây của ĐTC qua các người đại diện đọc bằng một số tiếng khác nhau tại Sảnh Đường Phaolô VI, đã lãnh phép lành của ĐTC ngoài Công Trường Thánh Phêrô. ĐTC đã ngỏ lời cùng họ rằng:
“Cám ơn anh chị em đã viếng thăm và cầu nguyện cho Tôi chóng khỏi bệnh. Chúng ta đã suy niệm Lời Chúa, được trích từ bài Thánh Vịnh 64, một bài Thánh Vịnh mời gọi chúng ta đừng sống theo những gì thế gian hứa hẹn mà hãy chú trọng đến những gì Đấng Tạo Dựng nên thế gian hứa ban. Với những cảm nhận này, Tôi tha thiết xin anh chị em hãy luôn luôn đặt tin tưởng của mình vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa là nguồn mạch của an bình và vững tâm. Chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình Mùa Chay của chúng ta bằng việc gắn mắt nhìn lên Chúa Kitô”.
Sau khi nói xong những lời này, ĐTC hát Kinh Lạy Cha và ban phép lành Tòa Thánh của Ngài cho họ.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
dịch theo L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 13/3/2002)