Bài Giáo Lý 100 Thứ Tư 10/3/2004
Thiên Chúa nâng đỡ những ai tin tưởng nơi Ngài
(Thánh Vịnh 19 [20] cho giờ Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Nhất)
1. Lời kêu cầu cuối cùng “Lạy Chúa, xin ban vinh thắng cho đức vua; xin hãy trả lời khi chúng tôi kêu lên Chúa” (Ps 19[20]: 10) cho chúng ta thấy nguồn gốc của bài Thánh Vịnh này, bài Thánh Vịnh chúng ta vừa nghe và giờ đây chúng ta suy niệm. Bởi thế chúng ta thấy mình đứng trước một bài Thánh Vịnh vương giả của dân Do Thái xưa, một bài thánh vịnh được công bố trong đền thờ Sion trong một lễ nghi trang trọng. Nơi bài Thánh Vịnh này trước hết người ta thấy việc kêu khẩn phúc lành của Thiên Chúa “trong thời gian buồn khổ” (câu 2), tức là trong thời gian cả quốc gia bị quằn quại bởi nỗi phiền sầu do cơn ác mộng chiến tranh gây ra. Thật vậy, những chiến mã và kỵ binh (x câu 8) tiến lên ở chân trời; đức vua và dân chúng đương đầu với chúng bằng một tấm lòng tin tưởng vào Chúa, Đấng ở bên kẻ yếu thế, kẻ bị đàn áp và những nạn nhân của cái ngang tàng của những tay thắng trận.
Thật là dễ hiểu khi truyền thống Kitô Giáo đã biến bài Thánh Vịnh này thành một bài thánh thi ca chúc tụng Chúa Kitô Vua, chúc tụng “Đấng Được Xức Dầu” tuyệt vời nhất, “Đấng Thiên Sai” (câu 7). Ngài không đến thế gian với các đạo binh, nhưng bằng quyền lực của Chúa Thánh Linh, và đã khởi sự cuộc chiến đấu cuối cùng chống lại sự dữ và quanh quéo, chống lại ngang tàng và kiêu hãnh, chống lại gian dối và cái tôi. Người ta có thể thấy được một âm vang sâu xa những lời Chúa Kitô công bố khi nói cùng tổng trấn Philatô, biểu tượng cho vương quyền trần thế: “Ngài nói Tôi là vua. Đó là lý do Tôi đã được sinh ra và đó cũng là lý do Tôi đến trong thế gian, để làm chứng cho chân lý. Ai thuộc về sự thật thì nghe thấy tiếng Tôi” (Jn 18:27).
2. Khảo sát mối liên hệ của bài Thánh Vịnh này, chúng ta thấy rằng bài này phản ảnh một thứ phụng vụ được cử hành ở đền thờ Giêrusalem. Người ta thấy xuất hiện ở cảnh tượng cử hành phụng vụ này là một hội đồng con cái Do Thái đang nguyện cầu cho vị vua, vị lãnh đạo dân tộc của họ. Chưa hết, ngay từ đầu, người ta có thể nhận thấy lễ nghi của một thứ hy tế, một thứ hy tế như những lễ vật hy sinh và toàn thiêu do vị vương chủ dâng lên “Thiên Chúa Giacóp” (câu 2), Đấng không bỏ rơi “vị được xức dầu” (câu 7) song bảo vệ và nâng đỡ vị ấy.
Lời nguyện cầu này cho thấy niềm tin tưởng là Chúa là nguồn mạch của sự an ninh, ở chỗ, Ngài đến để đáp ứng lời nguyện cầu tin tưởng này của vị vua cũng như của toàn thể cộng đồng Ngài có liên hệ bằng một mối giao ước. Bầu không khí thực sự là bầu khí của một biến cố chiến cuộc, với tất cả những gì là sợ hãi và nguy hiểm nó khơi dậy. Bởi thế, Lời của Thiên Chúa không hiện lên như là những gì trừu tượng mà là như một tiếng kêu phản ảnh những nỗi thương tâm lớn nhỏ của nhân loại. Đó là lý do bài Thánh Vịnh phản ảnh những cảm giác của con người khi gặp khốn khó.
3. Trong bài Thánh Vịnh này, câu 7 cho thấy một khúc quanh. Trong khi những câu trước đó bao gồm những lời thỉnh nguyện có ý dâng lên Thiên Chúa (x 2-5), thì câu 7 này cho thấy rằng lời nguyện cầu chắc chắn được chấp nhận: “Giờ đây tôi biết rằng vị xức dầu của Chúa nắm trong tay phần thắng. Thiên Chúa từ các tầng trời thánh cung sẽ đáp lại lời ngài van xin”. Bài Thánh Vịnh không nói rõ dấu hiệu nào cho vị vua này biết được như thế.
Dù sao bài Thánh Vịnh cũng rõ ràng cho thấy một sự tương phản giữa chủ trương của các kẻ thù địch là thành phần cậy dựa vào sức mạnh vật chất của các thứ chiến mã và kỵ binh, với chủ trương của dân Do Thái là thành phần đặt niềm tin tưởng của mình nơi Thiên Chúa nhờ đó cũng là thành phần cuối cùng đã chiến thắng. Bài Thánh Vịnh này đã gợi lại biến cố quá quen thuộc về Đavít và Gồliát, đó là trước những thứ vũ khí và cái ngạo mạn của tên háo chiến Philitinh, con người trẻ Do Thái đã đương đầu với hắn bằng danh Chúa là Đấng bảo vệ thành phần yếu đuối và bất lực. Thật vậy, Đavít đã nói với Gồliát rằng: ‘Ngươi sử dụng gươm giáo đao thương mà đánh ta, nhưng ta chống lại ngươi nhân danh Chúa các đạo binh, vị Thiên Chúa của các quân đoàn… Chúa không cứu vơtù bằng gươm giáo. Vì Chúa làm chủ chiến cuộc’ (1Sam 17:45,47).
4. Mặc dù có tính cách lịch sử liên hệ với chiến tranh, bài Thánh Vịnh này cũng trở thành một lời mời gọi đừng bao giờ để mình chạy theo cái thu hút của bạo lực. Tiên tri Isaia cũng kêu lên rằng: ‘Khốn cho những ai… lệ thuộc vào kỵ binh, thành phần đặt niềm tin tưởng của mình nơi số chiến mã cũng như nơi sức mạnh của kỵ binh, mà không nhìn đến Đấng Thánh của Do Thái hay không tìm kiếm Chúa!’ (31:1).
Trước tất cả mọi thứ bạo lực, con người công chính chống lại bằng niềm tin tưởng, bằng lòng nhân ái, bằng sự thứ tha, bằng việc cống hiến hòa bình. Thánh Tông Đồ Phaolô đã cảnh giác Kitô hữu rằng: ‘Anh em đừng lấy dữ báo dữ cho ai; anh em hãy quan tâm đến những gì là cao quí trước mắt tất cả mọi người’ (Rm 12:17). Sử gia của Giáo Hội trong những thế kỷ đầu là Eusebius ở Caesarea (vị sống giữa thế kỷ thứ ba và thứ bốn), khi dẫn giải bài Thánh Vịnh này, đã nới rộng cái nhìn của ông bèng việc bao gồm sự dữ của chết chóc được Kitô hữu tin rằng họ có thể chiến thắng bằng quyền năng của Chúa Kitô: “Tất cả mọi thứ quyền lực đối địch cùng những thù địch của Thiên Chúa, dù ẩn kín hay hiện lộ, mà lẫn tránh trước Vị Cứu Tinh sẽ bị gục ngã. Còn tất cả những ai được cứu độ sẽ vùng lên khỏi cảnh tàn rụi trước đó của mình. Bởi thế Simêon mới nói: ‘Con trẻ này trở nên cho nhiều người như cớ vấp phạm và chỗi dậy’, tức là, trở thành sự tàn rụi cho các kẻ thù địch và quân thù của Người, cũng như trở thành sự phục sinh cho những ai đã từng sa ngã được Người làm cho phục sinh” (PG 23,197).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 19 là một lời nguyện cầu phụng vụ trang trọng xin Chúa ban cho đức vua được chiến thắng các kẻ thù của ông. Bài này cho thấy một niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa là Đấng trung thành với dân của Ngài. Ngài là Vị Thiên Chúa nâng đỡ những ai tin tưởng nơi Ngài. Truyền Thống Kitô giáo áp dụng bài này vào trường hợp Chúa Kitô, Đấng Thiên Sai, Vị Thiên Chúa Xức Dầu, Đấng chiến thắng sư ỉ dữ. Nơi Người, tất cả mọi Kitô hữu được kêu gọi để thắng vượt sự dữ, không phải bằng bạo lực mà là bằng quyền năng của đức tin cũng như bằng lòng tha thứ.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 10/3/2004.