Bài 101 (Thứ Tư 17/3/2004)
Chúa Kitô, Đức Vua Thiên Sai
(Thánh Vịnh 20[21] – Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Nhất)
1. Phụng vụ giờ kinh tối này đã được trích từ bài Thánh Vịnh 20[21] phần chúng ta vừa nghe, bỏ qua phần khác có một tính cách không thích hợp (câu 9-13). Phần được chọn cho phụng vụ giờ kinh tối đây nói đến các ân huệ Thiên Chúa ban cho vị hoàng vương trong quá khứ cũng như ở hiện tại, nhưng bỏ qua phần nói về việc vị hoàng vương chiến thắng các kẻ thù sau đó.Phần Thánh Vịnh là đối tượng cho việc suy niệm của chúng ta (2-8,14) thuộc về một loại các bài Thánh Vịnh vương giả. Bởi thế, tâm điểm của các bài Thánh Vịnh thuộc loại này là công việc của Thiên Chúa thuận lợi cho vương quyền của dân Do Thái, một thứ vương quyền dường như được phác tả nơi ngày đăng quang của vị hoàng vương. Câu đầu (2) và câu cuối (14) như thể vang lên lời tung hô của cả cộng đồng dân chúng, vì tâm điểm của bài Thánh Vịnh có giọng điệu của một bài ca tạ ơn được tác giả Thánh Vịnh dâng lên Thiên Chúa về các ân huệ Ngài đã ban cho vị hoàng vương, như “những phúc lộc” (4), “kéo dài ngày tháng” (5), “vinh hiển” (6) và “niềm vui” (7).
Như những bài Thánh Vịnh vương giả khác của vị tác giả Thánh Vịnh này, thì dễ trực giác thấy được rằng bài ca này cho thấy một thứ dẫn giải mới khi mà chế độ quân chủ nơi dân Do Thái không còn nữa. Nơi Do Thái Giáo thì bài ca này là một bài thánh thi ca để tôn vinh Vị Vua Thiên Sai: Bởi thế đã mở đường cho việc dẫn giải về Kitô học, đáng được phụng vụ giờ kinh sử dụng.
2. Tuy nhiên, trước hết chúng ta hãy thoáng nhìn bài thánh vịnh này nơi ý nghĩa ban đầu của nó. Bài này thổi lên một bầu khí hân hoan hớn hở của những bài ca hát liên quan đến việc long trọng cử hành biến cố là: “Lạy Chúa, vị hoàng vương cảm thấy hân hoan trong quyền năng của Chúa; vua hoan hỉ biết bao trong vinh thắng của Ngài!... Chúng tôi sẽ ca hát chúc tụng quyền năng của Ngài” (2,14). Sau đó bài thánh vịnh nói đến những tặng ân Thiên Chúa ban cho vị hoàng vương như Thiên Chúa đã nghe lời vua nguyện cầu (3), Ngài đã đội triều thiên vàng lên đầu vua (4). Vinh quang của vua liên quan đến ánh sáng thần linh bao bọc vua như là một chiếc áo choàng: “Ngài đã làm cho vua uy nghi lộng lẫy” (6).
Ở miền Cận Đông xưa, người ta tin tưởng là một vị hoàng vương được bao phủ bằng một thứ vầng sáng láng là những gì cho thấy vị vua ấy được tham dự vào chính bản chất của thần tính. Bởi thế, đối với Thánh Kinh, vị vương chủ phải là “con” của Thiên Chúa (Ps 2:7), thế nhưng ở đây chỉ hiểu theo nghĩa bóng và thích ứng mà thôi. Vậy vị hoàng vương phải là viên sĩ quan của Chúa trong việc canh chừng công lý. Chính vì sứ vụ này mà vị hoàng vương đã được Thiên Chúa bao phủ bằng ánh sáng và phúc lành ân huệ của Ngài.
3. Phúc lành là vấn đề quan trọng nơi bài thánh thi ca ngắn ngủi này: “Vì Chúa đã tiếp nhận vua bằng những phúc lộc…. Chúa làm cho vua vĩnh viễn thành một kiểu mẫu của những phúc lành” (4,7). Phúc lành là dấu hiệu của việc hiện diện thần linh tác hành nơi vị vua này, vị nhờ đó trở thành phản ảnh của ánh sáng Thiên Chúa giữa nhân loại. Theo truyền thống thánh kinh, phúc lành còn bao gồm cả tặng ân sự sống được tuôn đổ xuống trên nhân vật được xức dầu: “Vua đã xin Chúa sự sống; Chúa đã ban sự sống cho vua, ban những tháng năm dài vô tận” (5). Tiên tri Nathan cũng đã bảo đảm với vua Đavít về phúc lành là nguồn mạch của sự bền vững, tồn tại và an ninh này, nên vua Đavít đã nguyện cầu rằng: “Vậy xin Chúa hãy chúc lành cho nhà của tôi tớ Chúa đây để nó muôn đời ở trước thiên nhan Chúa” (2Sam 7:29).
4. Đọc bài Thánh Vịnh này, chúng ta thấy, đằng sau hình ảnh của vị hoàng vương Do Thái, hiện lên dung nhan Chúa Kitô, đức vua thiên sai. Người là “phản ảnh vinh quang” của Cha (Heb 1:3). Người là Con đúng nghĩa nhất, bởi thế, Người là sự hiện diện trọn vẹn nhất của Thiên Chúa giữa loài người. Người là ánh sáng và là sự sống, như Thánh Gioan tuyên bố ở Lời Mở Phúc Âm của ngài: “Nhờ Người là sự sống và sự sống này là ánh sáng của nhân loại” (1:4). Theo ý nghĩa ấy, Thánh Irenaeus, giám mục Lyon, khi dẫn giải về bài Thánh Vịnh này, đã áp dụng vấn đề sự sống (Ps 20[21]:5) vào việc phục sinh của Chúa Kitô: “Vì lý do nào mà vị tác giả Thánh Vịnh lại nói rằng ‘Vua xin Chúa sự sống’, vào lời điểm Chúa Kitô sắp chết? Bởi thế vị tác giả Thánh Vịnh đã loan báo việc Người phục sinh từ trong kẻ chết, và vì sống lại từ trong kẻ chết mà Người là Đấng bất tử. Thật vậy, Người đã mặc lấy sự sống để sống lại, để trở thành bất khả hoại, qua không gian và thời gian vô cùng bất tận. ("Esposizione della Predicazione Apostolica" [Explanations of Apostolic Preachings], 72, Milan, 1979, p. 519).
Dựa vào niềm tin tưởng này mà Kitô hữu cũng vun trồng nơi bản thân mình niềm hy vọng được hưởng tặng ân sự sống đời đời.
Anh chị em thân mến,
Tâm điểm của bài Thánh Vịnh 20 là bài thánh thi ca tri ân cảm tạ về các hồng ân quá khứ và hiện tại Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Bài thánh vịnh này nói rõ ràng về vị vua Thiên Sai hằng được trông đợi; một quan niệm mà, khi được phụng vụ Kitô giáo sử dụng, có một ý nghĩa quan trọng về Kitô học.
Thánh Kinh bóng bảy điễn tả vị vua này như là “Con Thiên Chúa”, vị đóng vai giúp Chúa điều hành công lý. Vì sứ vụ quan trọng của vị vua này, Thiên Chúa đã trào đổ xuống cho vua ánh sáng và phúc lành của Ngài. Đức Kitô, vị vua Thiên Sai thực sự, là “Con Thiên Chúa” đúng nghĩa nhất và vì thế là sự hiện diện hoàn hảo của Thiên Chúa giữa loài người. Chúa Kitô thỉc sự là ánh sáng và là sự sống, nơi Người chúng ta tìm được niềm hy vọng nơi lời hứa ban sự sống đời đời.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 17/3/2004.