Bài 102, Thứ Tư 31/3/2004

 

 

“Bài Thánh Thi Ca của Thành Phần Được Cứu Chuộc”

 

Ca Vịnh Khải Huyền 4-5 cho Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Nhất

 


1.     Bài ca vịnh chúng ta vừa nghe và là bài ca vịnh giờ đây chúng ta suy niệm những hình thức làm nên một phần của phụng vụ giờ kinh đêm; chúng ta đã bắt đầu dẫn giải các Bài Thánh Vịnh của giờ kinh phụng vụ một cách thứ tự nơi các bài giáo lý hằng tuần. Như vẫn thường xẩy ra nơi phụng vụ, có một số kinh nguyện được viết ra bằng việc kết hợp những câu thánh kinh trích từ những phần quan trọng.


Ở đây, có một số câu đã được trích từ Đoạn 4 và 5 của Sách Khải Huyền, đoạn tả lại một cảnh thiên đình cao cả và hiển vinh. Một ngai tòa hiện lên ở trung tâm trên đó có Chúa ngự trị, Đấng mang danh hiệu không được xưng hô vì lòng tôn kính (x Rev 4:2). Tiếp theo là Con Chiên, biểu hiệu của Chúa Kitô phục sinh, ngự trên ngai tòa này: thật vậy, điều được đề cập đến đó là một “con chiên dường như bị sát tế”, nhưng đứng thẳng, sống động và hiển vinh (5:6).


Chung quanh hai vị thần linh được đề cập đến ấy là một ca đoàn của một thiên cơ, được tiêu biểu bằng 4 “con vật sống” (5:6), những con vật cho thấy hình ảnh của các thiên thần trước sự hiện diện thần linh ở bốn điểm chính của vũ trụ này, và “24 vị trưởng lão” (4:4), theo Hy ngữ là “presbyteroi”, tức là những nhà lãnh đạo cộng đồng Kitô giáo, với con số nhắc đến 12 chi họ Israel và 12 Vị Tông Đồ, tức là một tổng hợp giữa giao ước thứ nhất và thứ hai.


2.     Cuộc qui tụ này của Dân Chúa hát lên một bản thánh thi ca dâng lên Chúa để tôn tụng “vinh quang và vinh dự cùng quyền năng” của Ngài, những gì được biểu lộ nơi việc tạo thành vũ trụ (xem câu 4:11). Đến đây chúng ta thấy xuất hiện một biểu hiệu có liên quan đặc biệt, theo tiếng Hy Lạp đó là ‘biblion’, tức là một ‘cuộn giấy’, một thứ mà, tuy nhiên, lại hoàn toàn bất khả đụng chạm: Thật vậy, đó là 7 ấn tín được niêm phong không ai có thể đọc (5:1).


Bởi thế, đây là một lời tiên tri được giữ kín. Cuộn giấy đó chứa đựng một loạt những chỉ thị thần linh cần phải được thi hành nơi lịch sử loài người để làm cho công lý được hoàn toàn hiển trị. Nếu cuộn giấy này còn bị niêm ấn thì những chỉ thị ấy không thể nào biết được và thực hiện, và sự gian ác cũng sẽ tiếp tục tràn lan và lấn át thành phần tín hữu. Do đó, cần phải có một cuộc can thiệp có thẩm quyền: cuộc can thiệp này thực sự sẽ được hoàn tất bởi Con Chiên bị sát tế và phục sinh. Người là Vị có thể “lãnh nhận cuộn giấy và mở ấn tín” (5:9)


Chúa Kitô là Vị đại diễn giải lịch sử và là Chúa của lịch sử, Đấng mạc khải cho biết cái bí ẩn của tác động thần linh tỏ hiện nơi lịch sử.


3.     Thế rồi bài thánh thi ca này nói đến cái chính yếu của quyền năng Chúa Kitô đối với lịch sử, đó là mầu nhiệm vượt qua của Người (5:9-10), một Chúa Kitô “bị sát hại” và Người đã dùng máu của mình để “giải thoát” toàn thể nhân loại khỏi quyền lực sự dữ. Động từ “giải thoát” ám chỉ đến Cuộc Xuất Hành, đến cuộc giải phóng dân Do Thái khỏi cảnh làm tôi người Ai Cập. Đối với luật pháp cổ xưa thì nhiệm vụ giải phóng được trao cho người thân thuộc nhất. Nơi trường hợp của dân này thì chính Thiên Chúa đã gọi dân Do Thái là “trưởng tử” của Ngài (Ex 4:22).


Bởi thế, Chúa Kitô thực hiện việc giải phóng này cho toàn thể gia đình nhân loại. Việc cứu chuộc của Người không phải chỉ có nhiệm vụ giải thoát chúng ta khỏi sự dữ đã vấp phạm trong quá khứ, nhiệm vụ chữa lành những thương tích của chúng ta, và nhiệm vụ làm giảm bớt những thứ khốn khổ của chúng ta. Chúa Kitô còn ban cho chúng ta một con người nội tâm mới, Người biến chúng ta thành những tư tế và vương giả, thành phần được tham dự vào phẩm vị riêng của Người.


Khi bóng gió nói tới những lời Thiên Chúa đã phán ở Núi Sinai (x Ex 19:6; Rev 1:6), bài thánh thi ca này xác nhận là thành phần dân được cứu chuộc của Thiên Chúa bao gồm những vị vua chúa và tư tế, thành phần phải hướng dẫn và thánh hóa toàn thể tạo vật. Đó là một cuộc thánh hiến bắt nguồn nơi Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô và được hiện thực nơi phép rửa (x 1Pt 2:9). Cuộc thánh hiến này kêu gọi Giáo Hội hãy ý thức về phẩm vị và sứ vụ của mình.


4.     Truyền thống Kitô giáo đã nhất trí áp dụng vào Chúa Kitô hình ảnh Con Chiên vượt qua. Chúng ta hãy lắng nghe những lời của vị giám mục từ thế kỷ thứ hai là Meliton ở Sardis, một thành phố ở Tiểu Á, vị đã chia sẻ trong bài Giảng Phục Sinh như thế này: “Chúa Kitô đã từ trời xuống trần gian vì yêu thương nhân loại khổ đau, Người đã mặc lấy nhân tính của chúng ta trong lòng dạ của Đức Trinh Nữ và đã hạ sinh làm người… Người bị bắt như một con chiên và là một con chiên bị sát tế, nhờ đó Người đã giải thoát chúng ta khỏi bị làm tôi cho thế gian… Người đã đem chúng ta từ tình trạng nô lệ đến tự do, từ tối tăm ra ánh sáng, từ tử vong đến sự sống, từ tình trạng bị đàn áp đến cuộc trường sinh vương giả; biến chúng ta thành một hàng tư tế mới và là một dân tộc được tuyển chọn muôn đời… Người là con chiên hiền lành, một con chiên bị sát tế, là con của Đức Maria, là con chiên vô tì tích. Người bị lấy đi khỏi đàn chiên, bị dẫn đi chịu chết, bị sát tế vào buổi chiều tà, được chôn táng về đêm” (Nos. 66-71: SC 123, pp. 96-100).


Cuối cùng, chính Chúa Kitô, Con Chiên bị sát tế, đã kêu gọi tất cả mọi dân tộc là: “Vậy hãy đến, hỡi tất cả mọi giòng giống con người đã bị nhiễm vương tội lỗi, và hãy lãnh nhận ơn thứ tha lỗi tội. Thật vậy, Ta là ơn tha tội của các người, Ta là Phục Sinh ơn cứu độ, Ta là ánh sáng cho các người, Ta là sự cứu độ của các người, Ta là Vua của các người. Ta là Đấng sẽ dẫn các người lên những tầng trời cao, Đấng sẽ tỏ cho các người thấy Cha hằng hữu là Đấng đã giải thoát các người bằng cánh tay phải của Ta” (No. 103: ibid., p. 122).


Bài ca vịnh chúng ta vừa nghe ở đầu buổi triều kiến chung hôm nay được trích từ Sách Khải Huyền. Bài ca vịnh này diễn tả một cảnh vinh quang thiên đình có toàn thể Dân Chúa hát lên bài thánh thi ca tôn tụng trước Chúa hiện ngự trên ngai tòa. Chúa Kitô tử giá và phục sinh được phác tả như Con Chiên bị sát tế và nay đang sống muôn đời. Chính Người là Đấng mở các ấn tín của cuốn sách mạc khải cho thấy dự án cứu độ của Chúa trong lịch sử loài người.


Nhờ mầu nhiệm vượt qua, Chúa Kitô đã cứu chuộc toàn thể nhân loại khỏi cảnh làm tôi cho tội lỗivà ban cho chúng ta sự sống mới trong Bí Tích Rửa Tội. Bằng việc ban cho chúng ta được quyền thông phần vào phẩm vị của mình là tư tế, ngôn sứ và vương đế, Người kêu gọi chúng ta là chi thể thuộc Thân Mình của Người là Giáo Hội hãy xây dựng và thánh hóa tất cả mọi tạo vật.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 31/3/2004.