Bài 105 (Thứ Tư 5/5/2004)
Chúa Kitô là Chúa của Vũ Trụ và của Lịch Sử
(Ca Vịnh Colossian 1 – Kinh Tối Thứ Tư, Tuần Thứ Nhất)
1. Chúng ta đã nghe bài thánh thi ca Kitô học tuyệt vời của Bức Thư gửi giáo đoàn Colossê. Phụng Vụ Giờ Kinh Tối đặt cho tín hữu bài thánh thi ca này vào 4 tuần lễ với tính cách là một bài ca vịnh theo đặc tính của nó có lẽ là vì gốc gác của nó. Thật vậy, nhiều học giả tin rằng bài thánh thi ca này có thể được trích dẫn từ một bài hát của các Giáo Hội ở Tiểu Á, một bài hát đực Thánh Phaolô cho vào bức thư gửi cho cộng đồng Kitô hữu ở Colosê, một thành phố đông đảo phồn thịnh vào thời bấy giờ.
Tuy nhiên, vị tông đồ này lại không bao giờ đến trung tâm này ở Phrygia, một miền thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay cả. Giáo Hội địa phương ở đó được thành lập bởi Epaphas, một trong những người môn đệ của ngài vốn là thổ dân ở đó. Vị này đực nhắc đến ở cuối bức thư cùng với thánh ký Luca “người y sĩ yêu dấu” là danh xưng được Thánh Phaolô sử dụng (4:14), và với một nhân vật khác là Marcô, “anh em họ với Barnabê” (4:10), nhân vật có lẽ đã thuộc về nhóm của Banarbê và Phaolô (x Acts 12:25, 13:5,13) sau này trở thành một vị thánh ký.
2. Như chúng ta sẽ còn một số dịp sau này trở về với bài ca vịnh đây, giờ đây chúng ta sẽ chỉ nhìn tổng quan về bài ca vịnh này và nêu lên một lời dẫn giải thiêng liêng của vị Giáo Phụ nổi tiếng là Thánh Gioan Kim Khẩu (thế kỷ thứ 4), một vị giảng thuyết lừng danh và là giám mục ở Constantinople. Trong bài thánh thi ca này hiện lên hình ảnh Chúa Kitô cao cả là Chúa Tể Càn Khôn. Là một Đức Khôn Ngoan thần linh tạo dựng ở Cựu Ước (chẳng hạn ở Sách Cách Ngôn 8:22-31), “Người hiện hữu trước tất cả mọi sự, và tất cả mọi sự được qui hợp nơi Người”; thật vậy, “tất cả mọi sự đực tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Col 1:16-17).
Bởi thế, một dự án siêu việt được tỏ ra nơi vũ trụ cho thấy rằng Thiên Chúa tác hành qua việc làm của Con Ngài. Dự án này cũng được loan báo ở lời mở đầu của Phúc Âm Thánh Gioan, khi thánh nhân nói rằng “Tất cả mọi sự nhờ Người mà có, không có Người chẳng có gì hiện hữu” (Jn 1:3). Ngay cả với năng lực, sự sống và ánh sáng vật chất cũng mang dấu ấn Lời Chúa, “Người Con yêu dấu của Ngài” (Col 1:13). Mạc khải Tân Ước đã chiếu một luồng sáng mới vào những lời lẽ của con người khôn ngoan trong Cựu Ước, vị đã nói rằng “từ sự cao cả và vẻ đẹp của các vật được tạo thành mà tác giả nguyên thủy của chúng cũng được nhận thấy” (Khôn Ngoan 13:5).
3. Bài ca vịnh của Bức Thư gửi giáo đoàn Côlôsê này cũng cho thấy một vai trò khác của Chúa Kitô, ở chỗ, Người còn là Chúa của lịch sử cứu độ, một lịch sử được bộc lộ nơi Giáo Hội (x Col 1:18), và được hoàn thành bởi “máu thập giá của Người” (câu 20) là nguồn an bình và hợp hòa cho tất cả lịch sử nhân loại.
Bởi thế, chẳng những vùng chân trời ở bên ngoài việc hiện hữu của chúng ta được đánh dấu bởi sự hiện diện hiệu năng của Chúa Kitô mà còn ở cả thực tại riêng biệt hơn nữa của con người tạo vật đó là lịch sử loài người. Lịch sử này không phải là những năng lực mù quáng vô tri muốn xẩy ra thế nào cũng được; trái lại, bất chấp tội lỗi và sự dữ, nó được cai quản và qui hướng về tầm vóc viên trọn của nó nhờ công cuộc của Chúa Kitô. Bởi thập giá của Chúa Kitô mà toàn thể thực tại đã được “hòa giải” với Chúa Cha (x câu 20).
Bài thánh thi ca này, như thế, đã vẻ lên một bức tranh tuyệt vời về vũ trụ và về lịch sử, kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng. Chúng ta không phải là một hạt bụi vô loài bị mất hút trong không gian và thời gian chẳng có một giá trị nào, nhưng chúng ta là một phần thuộc dự án khôn ngoan bắt nguồn từ tình yêu của Chúa Cha.
4. Như đã nói trước, giờ đây chúng ta nhường lời cho Thánh Gioan Kim Khẩu, để ngài làm sáng tỏ việc suy niệm này. Trong bài Dẫn Giải về Bức Thư gửi giáo đoàn Côlôsê, thánh nhân đã suy nghĩ rất nhiều về bài ca vịnh ấy. Mở đầu ngài nhấn mạnh đến tính cách nhưng không của tặng ân Chúa ban, “Đấng làm sao cho chúng ta có thể tham dự vào số phận sáng láng của các thánh nhân” (câu 12). Thánh Gioan Kim Khẩu hỏi “Tại sao thánh Phaolô gọi nó là ‘số phận’?” rồi ngài trả lời rằng: “là để tỏ ra rằng không ai có thể chiếm được Vương Quốc của Ngài bằng việc làm của họ. Cả ở đây nữa, như trong đa số các trường hợp khác, ‘số phận’ có nghĩa là ‘vận may’. Không ai có thể thực hiện một hành vi cử chỉ khả dĩ lập công chiếm được Nước Trời mà mọi sự đều là tặng ân Chúa ban. Đó là lý do tại sao Người nói: ‘Khi các con làm xong mọi sự thì hãy nói chúng tôi là những người tôi tớ vô dụng. Chúng tôi phải làm những gì chúng tôi cần làm’” (Greek Patrology 63,312).
Tính cách nhưng không ưu ái và mãnh lực này tái hiện sau đó khi chúng ta đọc thấy rằng tất cả mọi sự đều được tạo thành nhờ Chúa Kitô (x Col 1:16). Vị giám mục giải thích là “bản chất của tất cả mọi sự đều lệ thuộc vào Người. Chẳng những vì Người làm cho chúng đi từ vô hữu đến hiện hữu, mà Người còn bảo trì chúng, đến nỗi nếu chúng không được Ngài quan phòng gìn giữ chúng sẽ bị tàn rụi và biến mất… Chúng lệ thuộc vào Người, thật vậy, ở chỗ chúng chỉ cần hướng về Người để Người bảo trì và củng cố chúng” (Greek Patrology 62,319).
Có một dấu hiệu cao cả hơn nữa cho thấy tình yêu nhưng không đó là tất cả những gì Chúa Kitô đã thực hiện cho Giáo Hội mà Người là Đầu. Về khía cạnh này (câu 18), Thánh Gioan Kim Khẩu đã cắt nghĩa là “sau khi đã nói về thần tính của Chúa Kitô, Vị Tông Đồ cũng nói về tình yêu của Người đối với con người nữa: ‘Người là đầu của thân mình Người là Giáo Hội’, dể muốn cho thấy mối hiệp thông thân tình của Người với chúng ta. Thật vậy, Người là Đấng vượt trên và làm chủ tất cả mọi sự, đã liên kết bản thân Người với thành phần hạ giới” (Greek Patrology 62,320).
Anh Chị Em thân mến,
Bài ca vịnh hôm nay vẻ lên một nhãn quan tuyệt vời về lịch sử của một thế giới có Chúa Kitô là tâm điểm của nó như là một Vị Chúa Tể Càn Khôn. Qua Người Con yêu dấu của mình, Đấng mà nhờ Người mọi sự trên trời dưới đất được tạo thành, tất cả mọi dân tộc được qui về dự án siêu việt của Thiên Chúa đối với loài người.
Chúng ta chẳng những không mù quáng và bất định hướng mà còn được Chúa Kitô cứu chuộc và hướng đến tầm vóc sự sống viên trọn là những gì được Chúa Cha yêu thương kêu gọi chúng ta đến thừa hưởng.
Bởi vậy mà Thánh Gioan Kim Khẩu mới nhắc nhở chúng ta rằng chính ở nơi Giáo Hội là thân mình của Chúa Kitô mà chúng ta hầu như đặc biệt cảm nghiệm được sự quan phòng và tình yêu nhưng không của Thiên Chúa đối với chúng ta. Chúng ta hãy hân hoan đáp lại mối hiệp thông thân tình mà chúng ta được diễm phúc chia sẻ ấy.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 5/5/2004.