Giáo Lý về việc Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

chia sẻ và hướng dẫn trong các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

Bài 11 (Thứ Tư 8/8/2001) 

CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA VỀ NHỮNG VIỆC NGÀI QUAN PHÒNG KỲ DIỆU

(Thánh Vịnh 32 [33], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Ba, Tuần Thứ Nhất)

 

1.         Thánh Vịnh 32 (33), một Thánh Vịnh có 22 câu, cùng con số với mẫu tự của tiếng Do Thái, là một bài thánh thi chúc tụng Chúa của vũ trụ và của lịch sử. Một niềm vui tràn ngập bài thánh thi chúc tụng này ngay từ hàng đầu tiên: “Hỡi người công chính, hãy hoan hỉ trong Chúa! Lời chúc tụng phát lên từ kẻ chính trực thì xứng hợp. Chúc tụng Chúa với cây đàn cầm, dạo khúc kính Ngài với thập huyền cầm! Hát khen Ngài một bài ca mới, tấu nhạc du dương với tiếng hò reo!” (các câu 1-3). Lời tuyên tụng này (tern’ah) được kèm với nhạc điệu và diễn tả một tiếng nói sâu xa của đức tin và đức cậy, của niềm vui và tin tưởng. Bài thánh thi “mới”, chẳng những vì nó làm mới lại niềm tin vào việc hiện diện thần linh nơi tạo vật cũng như nơi các biến cố lịch sử, mà còn vì nó ngưỡng vọng đến lời chúc tụng toàn hảo sẽ được xướng lên trong ngày cứu độ sau hết, khi Vương Quốc của Thiên Chúa sẽ được hiện thực trong vinh quang. 

Thánh Basiliô đã cắt nghĩa đoạn Thánh Vịnh này khi mong mỏi hướng đến cuộc hoàn thành ấy như sau: “Nói một cách tổng quát, ‘mới’ ở đây tức là một điều gì đó bất thường hay một điều gì đó vừa mới hiện hữu. Nếu anh em nghĩ đến cách thức lạ lùng ngoài sức tưởng tượng của việc Chúa Nhập Thể, anh em sẽ phải hát lên một bài ca mới chưa hề có. Và nếu anh em nghĩ lại việc tái sinh và canh tân của tất cả loài người xưa kia đã qui phục tội lỗi và công bố các mầu nhiệm của Chúa Phục Sinh, anh em cũng sẽ hát một bài ca vịnh mới lạ” (Bài Giảng về Thánh Vịnh 32,2; PG 29, 327). Tóm lại, theo Thánh Basiliô, lời tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hãy hát lên Thiên Chúa một bài ca mới”, đối với các tín hữu trong Chúa Kitô, có nghĩa là “Đừng tôn kính Thiên Chúa theo ‘chữ nghĩa’ như cổ tục vẫn làm, mà là theo tính cách mới mẻ của ‘thần trí’. Thật vậy, ai hiểu biết Lề Luật không hời hợt theo bề ngoài, song nhận biết ‘tinh thần’ của lề luật, họ là người hát lên một ‘bài ca mới’ vậy” (cùng nguồn vừa dẫn).

2.         Nơi phần chính của mình, bài thánh thi được chia thành ba phần làm nên tam khúc chúc tụng. Khúc thứ nhất (x các câu 6-9) chúc tụng lời sáng tạo của Thiên Chúa. Việc kiến trúc diệu kỳ của vũ trụ như là một đền thờ hoàn vũ, đã không bắt nguồn hay phát triển từ một cuộc tranh đấu nơi các vị thần linh, như một số chiêm gia Cận Đông cổ thời chủ trương, nhưng phát xuất từ lời thần linh hiệu lực. Như trang Khởi Nguyên đầu tiên dạy (x Gn 1): “Thiên Chúa phán... và liền có như thế”. Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh lập lại: “Vì Ngài phán mà nó được tạo thành, Ngài truyền khiến mà nó phát sinh” (Ps 32:9).

Con người cầu nguyện hiến cho việc chế ngự những giòng nước biển khơi một tính cách quan trọng đặc biệt, vì trong Thánh Kinh, chúng là dấu hiệu của xao động và của sự dữ. Mặc dù giới hạn của mình, thế giới vẫn được bảo trì trong tình trạng hiện hữu bởi Hóa Công, Đấng được Sách Gióp đề cập đến là đã truyền lệnh cho biển khơi ngưng lại ở bến bờ: “Vậy các ngươi chỉ chảy xa tới đấy thôi, không kéo dài hơn nữa, và các triều sóng các ngươi phải ngừng lại ở tại đó” (Jb 38:11).

3.            Chúa cũng là chủ tể của lịch sử nhân loại nữa, như phần thứ hai của bài Thánh Vịnh 32 (33) nói tới, ở các câu 10-15. Những ý đồ trần gian tỏ ra mãnh liệt phản chống lại dự án mầu nhiệm được Thiên Chúa vạch vẽ trong giòng lịch sử. Những gì loài người phác họa bằng các đường lối của họ mang lại bất chính, sự dữ và bạo tàn, đều chống lại với dự án công chính và cứu độ của Thiên Chúa. Và mặc dù mang lại những thành đạt ngắn ngủi trông thấy, chúng cũng chỉ là những mưu đồ sẽ bị tàn rụi và bại hoại. Cuốn Thánh Kinh Cách Ngôn đã tóm gọn như sau: “Dự án nơi tâm can con người thì nhiều, nhưng việc thực hiện lại là ý định của Thiên Chúa” (19:21). Cũng thế, tác giả Thánh Vịnh đã nhắc nhở chúng ta rằng, từ trời, tức từ nơi ở siêu việt của mình, Thiên Chúa theo dõi tất cả mọi sinh động của loài người, ngay cả của kẻ khờ khạo và kẻ dại dột, và Ngài thấy ngay tất cả mọi bí mật của lòng người. Thánh Basiliô đã dẫn giải thế này: “Bất cứ anh em ở đâu, bất cứ anh em làm gì, dù trong tăm tối hay giữa ánh sáng ban ngày, Thiên Chúa vẫn nhìn thấy anh em” (Bài Giảng về Thánh Vịnh 32, 8: PG 29, 343). Hạnh phúc thay cho người, nhờ chấp nhận mạc khải thần linh, tuân giữ nơi đời sống những chỉ dẫn của mạc khải này, bằng việc theo đường lối của mạc khải ấy trong giòng lịch sử. Cuối cùng chỉ còn lại có một điều, đó là: “Dự án của Chúa kiên vững muôn đời, các tâm tưởng của Ngài kéo dài qua muôn thế hệ” (Ps 32:11).


4.         Phần thứ ba cũng là phần cuối cùng của bài Thánh Vịnh (xem các câu 16-22) lập lại, theo một góc cạnh mới, đề tài về chủ quyền độc nhất của Thiên Chúa trên các việc làm của con người. Một đàng Ngài mời gọi kẻ nắm quyền bính đừng có ảo tưởng về lực lượng quân sự và kỵ binh của họ. Thế rồi Ngài mời gọi thành phần trung nghĩa, thường là thành phần bị đàn áp, đói khát và ngấp ngoái chết bởi lòng hy vọng nơi Chúa là Đấng sẽ không để cho họ bị rớt xuống vực thẳm diệt vong. Theo chiều hướng này thì vai trò “giáo lý” của bài Thánh Vịnh cũng được thể hiện. Chủ quyền độc nhất của Thiên Chúa trên các việc làm của con người được biến đổi thành lời mời gọi hãy tin vào một Vị Thiên Chúa, Đấng khác hẳn với bạo quyền và gần gũi với nỗi yếu hèn của con người, nâng con người lên và bảo trì con người nếu con người tin tưởng, nếu con người phó mình cho Ngài, nếu con người dâng lời nguyện cầu và chúc tụng lên Ngài. Thánh Basiliô giải thích thêm là: “Lòng khiêm hạ của những ai phụng sự Thiên Chúa cho thấy rằng họ hy vọng nơi tình thương của Ngài. Thật vậy, ai không tin tưởng nơi các dự định to tát của mình, hay không mong biện chứng bằng những việc mình làm đều tìm thấy được nơi tình thương của Thiên Chúa một niềm hy vọng cứu độ độc nhất của họ” (Bài Giảng về Thánh Vịnh 32, 10: PG 29, 347).


5.         Bài Thánh Vịnh được kết thúc bằng một đối ca làm nên một phần của bài Te Deum Tạ Ơn là: “Lạy Chúa, chớ gì lòng lành của Ngài luôn ở trên chúng con, vì chúng con hy vọng nơi Chúa” (câu 22). Ân sủng của Thiên Chúa và hy vọng của con người gặp nhau và gắn bó với nhau. Thật vậy, lòng Thiên Chúa yêu thương trung thành (theo ý nghĩa của từ ngữ gốc Do Thái được dùng ở đây là hésel) bao bọc, ấp ủ và bảo vệ chúng ta như một chiếc áo choàng, hiến cho nỗi bình an của chúng ta cũng như ban cho lòng tin tưởng và cậy trông của chúng ta một nền tảng vững chắc.

(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 22/8/2001)