Thứ Tư 16/6/2004: Bài 110
Niềm Cậy Trông vào Thiên Chúa là Nơi Nương Náu và là Sức Mạnh
(Thánh Vịnh 45 [46] - Kinh Tối Thứ Sáu,
Tuần Thứ Nhất)
1. Chúng ta vừa nghe bài thứ nhất trong 6 bài thánh thi ca về Sion trong Sách Thánh Vịnh (x Ps 47,75,83,86,121). Bài Thánh Vịnh 45(46), cũng như các bài tương tự khác, ca mừng Thành Thánh Giêrusalem, “một thành đô của Thiên Chúa, một thánh cư của Đấng Tối Cao” (câu 5), thế nhưng bài Thánh Vịnh này trước hết bày tỏ một tấm lòng tin tưởng bất khả lay chuyển nơi Thiên Chúa, Đấng “là nơi trú ẩn và là sức mạnh của chúng ta, là sự hỗ trợ thường hằng trong cơn khốn khó” (câu 2, 8 và 12). Bài Thánh Vịnh này làm phát sinh những rung động hết sức trong việc tin tưởng vào sức mạnh can thiệp vinh thắng của Thiên Chúa, Đấng làm cho tất cả mọi sự được an toàn. Với sự hiện diện của Thiên Chúa, Giêrusalem “sẽ không bị lay chuyển; Thiên Chúa sẽ cứu giúp thành này lúc bình minh” (câu 6).
Chúng ta nhớ lại những lời của tiên tri Zephaniah nói với thành Giêrusalem rằng: “Hãy hân hoan hô lên, Hỡi nữ tử Sion! / hãy hoan hỉ hát lên, Hỡi Dân Yến Duyên! Hãy hết lòng mừng vui và hớn hở, Hỡi nữ tử Giêrusalem!... Chúa là Thiên Chúa của ngươi đang ở giữa ngươi, là đấng cứu tinh toàn năng; / Ngài sẽ mừng rỡ hỉ hoan vì ngươi, và canh tân ngươi trong tình yêu của Ngài, / vì ngươi, Ngài sẽ mừng hát như một người hát ca vào các cuộc hội lễ” (3:14,17-18).
2. Bài Thánh Vịnh 45(46) được chia ra làm 2 phần chính, bằng một đoạn đối ca vang lên ở câu 8 và 12: “Chúa các đạo binh ở cùng chúng ta; thành lũy của chúng ta là Vị Thiên Chúa của Giacóp”. Danh xưng “Chúa các đạo binh” là danh xưng thông dụng trong việc tôn thờ của dân Do Thái ở đền thờ Sion, và cho dù có tính cách võ nghệ, một tính cách liên hệ với hòm bia giao ước, danh xưng này cũng qui chiếu về vai trò chủ quyền của Thiên Chúa nơi toàn thể vũ trụ cũng như trong lịch sử.
Bởi thế, danh xưng này là nguồn mạch của lòng tin tưởng cậy trông, vì tất cả thế giới cùng với hết mọi hoạt động của nó đều thuộc về quyền điều khiển tối cao của Chúa. Do đó, Vị Chúa này là vị “ở với chúng ta”, như câu đối ca lập lại, với ngầm ý chỉ về Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x Is 7:14; Mt 1:23).
3. Phần thứ nhất của bài thánh thi ca này (câu 2-7) được tập trung vào biểu hiệu nước và có một ý nghĩa lưỡng trắc. Thật vậy, một đàng là những giòng nước giông tố thét gầm mà theo ngôn ngữ thánh kinh tiêu biểu cho việc tàn phá, biến động và sự dữ. Chúng làm cho các cơ cấu của con người cũng như của vũ trụ rung chuyển, những cơ cấu được tiêu biểu nơi những núi non, trước cảnh tuôn tràn của một thứ ngập lụt tàn phá (câu 3-4). Tuy nhiên, một đàng chúng ta lại thấy những giòng nước tươi mát của Sion, một thành đô được tọa lạc trên những núi non khô cằn, song lại có “một con sông tuôn chảy” làm cho thành đô này hoan lạc. Vị tác giả Thánh Vịnh, mặc dù nói xa xa tới những suối nước ở Giêrusalem như là những suối nước ở Shiloah (x Is 8:6-7), cũng thấy nơi chúng như là một dấu hiệu sự sống làm phong phú Thành Thánh, một dấu hiệu dồi dào sinh lực thiêng liêng của thành này, một dấu hiệu năng lực truyền sinh của thành.
Vì lý do này, bất chấp những chấn động của lịch sử khiến dân chúng kinh hoàng và các vương quốc bị lung lay (câu 7), con người tín nghĩa tìm thấy nơi Sion niềm hòa bình và yên hàn phát xuất từ mối hiệp thông với Thiên Chúa.
4. Phần thứ hai của bài Thánh Vịnh (câu 9-11) từ đó đã vẽ lên một thế giới được biến hình. Chính Chúa từ ngai tòa của mình ở Sion mãnh liệt ra tay can thiệp chống lại các thứ chiến tranh và thiết lập hòa bình là những gì mọi người hằng mong chờ. Câu 10 nơi bài thánh thi ca của chúng ta đây, “ai ngăn chặn chiến tranh xẩy ra cho tới tận cùng trái đất, ai là người bẻ gẫy cung tên, đập nát đao thương, và đốt lửa thiêu cháy khiên thuẫn” là câu nhắc chúng ta tự nhiên nhớ đến tiên tri Isaia.
Vị tiên tri này cũng hát mừng việc chấm dứt vấn đề thi đua võ trang và vấn đề biến các khí cụ chết chóc của chiến tranh thành phương tiện phát triển các dân tộc: “Họ sẽ rèn gươm kiếm thành lưỡi cày và đao thương thành liềm hái; / Nước này sẽ không vung gươm lên chống lại với nước kia, họ cũng sẽ không huấn luyện để đánh nhau nữa” (Is 2:4).
5. Với bài Thánh Vịnh này, truyền thống Kitô Giáo đã chúc tụng Chúa Kitô là “hòa bình của chúng ta” (x Eph 2:14) và là vị giải phóng chúng ta khỏi sự dữ bằng cái chết và phục sinh của Người. Tư tưởng này được phát xuất từ lời dẫn giải theo Kitô Học của Thánh Ambrôsiô về câu thứ 6 của bài Thánh Vịnh 45(46), một câu nói lên việc “hỗ trợ” Chúa giành cho thành ấy “ngay từ đầu”. Vị Giáo Phụ nổi tiếng này của Giáo Hội thấy nơi bài Thánh Vịnh này một ám chỉ báo trước Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô.
Thật vậy, thánh nhân cắt nghĩa, “việc phục sinh ban sáng mang lại cho chúng ta ơn trợ giúp bởi trời. Bị đẩy vào đêm đen, việc phục sinh này đã đưa chúng ta vào ban ngày, như Thánh Kinh viết: ‘Hãy bừng tỉnh và vùng lên, và hãy phát hiện từ trong kẻ chết! Và ánh sáng của Chúa Kitô sẽ soi chiếu cho anh em’. Hãy nhận định ý nghĩa mầu nhiệm của nó. Cuộc tử nạn của Chúa Kitô xẩy ra vào buổi chiều tối… Việc Người Phục Sinh vào lúc bình minh… Vào buổi tối của thế giới này, Người đã bị ám sát, khi ánh sáng bị tắt lịm, lúc thế giới này đang ở trong tăm tối và bị chìm ngập vào trong cái kinh hoàng của bóng tối tăm hơn nữa, thì Chúa Kitô là ánh sáng vinh hằng đã chẳng từ trời xuống, trả lại cho nhân loại một thời ngây thơ vô tội. Bởi thế Chúa Giêsu đã chịu khổ đau, và bằng Máu của mình Người đã xá giải tội lỗi của chúng ta, ánh sáng của một lương tâm tinh ròng hơn đã chiếu soi và ngày sống đã được ân sủng thiêng liêng rọi chiếu” ("Commento a Dodici Salmi" [Commentary on Twelve Psalms], Saemo, VIII, Milan-Rome, 1980, p. 213).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 45 chúc mừng Thành Giêrusalem, “nơi thánh cư Đấng Tối Cao ngự trị” và cho thấy niềm tin tưởng không hề lay chuyển vào Thiên Chúa là Đấng “đối với chúng ta là nơi nương náu và là sức mạnh, một thứ hỗ trợ ngay bên vào những lúc khốn khó”. Vị tác giả Thánh Vịnh hát lên rằng: “Các giòng nước của con sông mang lại hoan lạc cho thành đô của Thiên Chúa”. Những giòng nước ấy tiêu biểu cho nền an ninh và hòa bình con người tìm thấy nơi việc Hiệp Thông với Thiên Chúa, một mối hiệp thông lan tràn từ Giêrusalem và thiết lập vương quyền hòa bình hoàn vũ.
Truyền Thống Kitô Giáo áp dụng bài Thánh Vịnh này vào trường hợp Chúa Kitô, Đấng là hòa bình của chúng ta. Thật vậy, Thánh Ambrôsiô thấy nơi những gì được bày tỏ “vào rạng đông của ngày sống” là lời tiên tri về cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô nên thánh nhân đã khuyên dụ chúng ta như sau:
“Hãy bừng tỉnh, hãy chỗi dậy từ kẻ chết! Vá ánh sáng của Chúa Kitô sẽ chiếu soi trước mắt anh em”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 16/6/2004.
ĐTC Hướng Về Lễ Thánh Tâm Chúa 18/6/2004
Trong buổi triều kiến chung ở Công Trường Thánh Phêrô Thứ Tư 16/6/2004, sau khi hướng dẫn xong bài Giáo Lý về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, bài 110, về Thánh Vịnh 45 (46), ĐTC đã hướng con cái mình về Lễ Thánh tâm Chúa sẽ được Giáo Hội cử hành vào Ngày Thứ Sáu sau đó như sau:
“Lễ này nhắc nhở chúng ta về mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với con người ở mọi thời đại.
“Hỡi giới trẻ, Tôi mời gọi các bạn hãy sửa soạn, qua học đường của Trái Tim Chúa Kitô, tin tưởng chấp nhận thực hiện những cuộc dấn thân đang đợi chờ các bạn trong giòng đời.
“Hỡi bệnh nhân, Tôi cám ơn anh chị em về việc anh chị em đặc biệt giúp cho dân Kitô giáo, bằng cách chấp nhận làm trọn ý muốn của Chúa Giêsu tử giá trong sự hiệp nhất với hy tế cứu độ hiệu năng của Người.
“Chúng ta cũng hãy cầu nguyện xin Chúa cho có những vị linh mục thánh thiện, những vị linh mục được nên giống ‘như Thánh Tâm Chúa Kitô’”.
Mới đây ĐTC GPII đã ấn định là Giáo Hội sẽ cử hành Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Việc Thánh Hóa Linh Mục vào Ngày Lễ Thánh Tâm Chúa.