Bài 111 (Thứ Tư 23/6/2004)



Chúc Tụng Thiên Chúa Toàn Năng
về những việc lạ lùng và đường lối công chính của Ngài

(Ca Vịnh Khải Huyền 15:3-4 – Kinh Tối Thứ Sáu, Tuần Thứ Nhất)


1.     Cùng với các bài Thánh Vịnh, phụng vụ giờ kinh chiều cũng có cả một loạt các bài ca vịnh được trích từ Tân Ước. Một số bài, như bài chúng ta vừa nghe, là đoạn Sách Khải Huyền, một cuốn sách kết thúc cho cả bộ Thánh Kinh, và thường được điểm bằng những bài ca và ca đoàn, bằng những đơn ca và thánh ca của hội đồng thành phần được tuyển lựa, bởi những tiếng kèn, tiếng thụ cầm và tiếng đa huyền cầm.

Bài ca vịnh của chúng ta đây rất ngắn, được lấy từ Đoạn 15 của cuốn sách này. Một cảnh trí uy nghi s8áp sửa xẩy ra: 7 vị thiên thần, những vị đã mang lại nhiều tai họa thần linh, giờ đây có thêm 7 tô cũng đầy hoạn nạn nữa, theo tiếng Hy Lạp là “pleghe”, một từ ngữ tự bản chất có ý nghĩa là một cú đấm mãnh liệt gây ra thương tích, đôi khi làm chết đi nữa. Ở đây rõ ràng là ám chỉ về những tai họa xẩy ra ở Ai Cập (x Ex 7:14-11:10).

“Tai họa cực hình” ở Sách Khải Huyền là biểu hiệu cho một thứ phán quyết về sự dữ, đàn áp và bạo lực của thế giới. Vì lý do đó nó cũng là dấu hiệu hy vọng cho thành phần công chính. Bảy tai họa, như đã rõ, theo Thánh Kinh, số bảy là biểu hiệu cho những gì vuông tròn, được diễn tả như là những hoạn nạn “cuối cùng” (x Rev 15:1) , đã hoàn trọn việc can thiệp thần linh trong vấn đề chấm dứt sự dữ.

2.     Bài thánh thi ca này được cất lên bởi thành phần được cứu độ, thành phần công chính trên trái đất, thành phần “đứng” theo cung cách của Con Chiên phục sinh (x câu 2). Như những người Do Thái trong cuộc Xuất Hành, sau khi vượt biển, đã hát lên bài ca Moisen (x Ex 15:1-18) thế nào, thì thành phần được tuyển chọn cũng dâng lên Chúa “bài ca Moisen, người tôi tớ Thiên Chúa, và bài ca Chiên Con” (Rev 15:3), sau khi đã chiến thắng được Con Mãnh Thú, kẻ thù của Thiên Chúa (x câu 2).

Bài thánh thi ca này phản ảnh phụng vụ của các nhà thờ Thánh Gioan và tổng hợp một tuyển tập các câu Cựu Ước, nhất là các Bài Thánh V ịnh. Ngay từ ban đầu, cộng đồng Kitô Giáo đã coi Thánh Kinh chẳng những là linh hồn của đức tin cũng như của đời sống cộng đồng, mà còn là lời nguyện cầu và phụng vụ của họ, đúng như những gì xẩy ra trong các giờ kinh ban chiều chúng ta đang bắt đầu đây.

Vấn đề cũng quan trọng là bài hát được phụ họa bởi các thứ nhạc cụ: Kẻ công chính cầm trong tay chiếc đa huyền cầm (ibid.), chứng cớ về một thứ phụng vụ được rộn ràng bởi thánh nhạc.

3.     Bằng những bài thánh thi ca của mình, ngoài việc vui mừng về sự kiên trì và hy sinh của mình, thành phần được cứu độ tuyên tụng “những kỳ công cao cả” của “Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng”, tức là những công việc cứu độ của Ngài khi quản trị thế giới và lịch sử. Thật vậy, lời nguyện cầu thực sự không phải chỉ là một lời cầu xin mà còn là một lời chúc tụng, tạ ơn, ca ngợi, cử hành và tuyên xưng đức tin vào Chúa là Đấng cứu độ.

Trong bài ca vịnh này vấn đề quan trọng nữa là chiếu kích phổ quát, được thể hiện bằng những từ ngữ của bài Thánh Vịnh 85(86): “Tất cả mọi dân nước được Chúa tạo dựng sẽ đến cúi đầu trước Ngài là Chúa” (câu 9). Thế nên ánh mắt của chúng ta vươn đến toàn thể chân trời và người ta thấy có những con sông dân chúng qui tụ về Chúa trong việc nhìn nhận “những phán quyết công minh” của Ngài (Rev 15:4), tức là những gì Ngài can thiệp vào lịch sử để đánh bại sự dữ và ca ngợi sự thiện. Việc tìm kiếm công lý nơi tất cả mọi nền văn hóa, nhu cầu cần đến chân lý và yêu thương được chất chứa nơi tất cả mọi linh đạo, qui hướng về Chúa là Đấng duy nhất làm thỏa nguyện con người khi họ tìm gặp Ngài.

Thật là tuyệt vời khi nghĩ đến bầu không khí phổ quát tôn giáo tính và hy vọng này, một bầu không khí có tính cách tôn giáo phổ quát tính này đã được những lời của các tiên tri nói đến và dẫn giải: “Vì từ lúc mặt trời mọc lên, thậm chí cho đến khi nó lặn xuống, danh Ta là danh cao cả giữa các dân nước; đâu đâu cũngỉ hiến dâng cho danh Ta một của lễ tinh tuyền; Vì danh ta cao cả giữa các dân nước, Chúa các đạo binh phán” (Mal 1:11).

4.     Chúng ta đức kết bằng việc hợp tiếng với tiếng vũ hoàn. Chúng ta làm thế theo những lời lẽ trong bài ca của Thánh Grêgoriô Nazianzen, một vị đại Giáo Phụ của Giáo Hội ở thế kỷ thứ 4. “Vinh danh Chúa Cha và vinh danh Chúa Con là Vua vũ trụ, vinh danh Thánh Linh rất đáng ngợi khen. Một Thiên Chúa Duy Nhất là Chúa Ba Ngôi: Ngài đã tạo dựng và đã làm cho mọi sự được tràn đầy, trời cao đầy những tinh thể, trái đất đầy những địa thể. Biển cả, sông ngòi và suối nguồn Ngài đã cho tràn đầy những thủy thể, sống động bởi tất cả Thần Linh của Ngài, nhờ đó toàn thể thế giới thiên nhiên tạo vật chúc tụng Đấng Hóa Công khôn ngoan: sự sống và việc sinh tồn đều được bắt nguồn từ một mình Ngài. Chớ gì loài tạo vật hữu tri trước hết biết hát khen chúc tụng Ngài như là một Đức Vua uy quyền và là một Người Cha thiện hảo. Với linh hồn, miệng lưỡi và tâm tưởng của tôi, xin làm cho tôi biết tôn vinh Chúa trong tinh thần một cách vẹn tuyền, Ôi Chúa Cha” (Poems, 1, Collection of Patristic Texts 115, Rome, 1994, pp. 66-67).

Anh Chị Em thân mến,

Bài giáo lý hôm nay tập trung vào Đoạn 15 của Sách Khải Huyền, nhất là vào bài ca vịnh của nó ở câu 3 và 4. Nó là một bài thánh thi ca tôn thờ và chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng thực hiện những việc “quyền năng và lạ lùng”, Đấng có những đường lối “chân chính và chân thực”.

Bài thánh thi ca này được xướng hát bởi thành phần được cứu độ, thành phần công chính trên trái đất đứng trước Con Chiên phục sinh của Thiên Chúa. Rất giống như việc người Do Thái hát lên bài ca Moisen sau khi vượt qua biển cả thế nào thì thành phẩn được tuyển chọn cũng dâng lên Thiên Chúa “bài thánh thi ca Moisen và Chiên Con” như thế, sau khi chiến thắng Con Mãnh Thú là kẻ thù của Thiên Chúa.

Bài ca vịnh này có chiều kích đại đồng nữa: “tất cả mọi dân nước sẽ đến và thờ lạy” trước nhan Chúa. Chúng ta hãy kết luận bài suy niệm của chúng ta bằng việc hợp tiếng của chúng ta trong bài ca hoàn vũ, khi sử dụng những lời lẽ của vị đại Giáo Phụ của Thiên Chúa, vị đó là Thánh Gregory of Nazianzen, ““Vinh danh Chúa Cha và vinh danh Chúa Con là Vua vũ trụ, vinh danh Thánh Linh rất đáng ngợi khen. Một Thiên Chúa Duy Nhất là Chúa Ba Ngôi: Ngài đã tạo dựng và đã làm cho mọi sự được tràn đầy”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 23/6/2004
.