Bài 114 (Thứ Tư 4/8/2004)
Một Chúa Kitô Tự Hủy để Con Người được Thần Hóa
(Ca Vịnh Philip [2:6-11] – Kinh Tối Thứ Bảy, Tuần Thứ Nhất)
1. Trong cuộc hành trình của chúng ta tiến qua các bài
Thánh Vịnh và Ca Vịnh là những gì làm nên Phụng Vụ Giờ Kinh, chúng ta tiến đến
với Ca Vịnh Philiphê (2:6-11), bài ca vịnh là đặc tính nơi Giờ Kinh Tối Áp của
tất cả 4 Chúa Nhật Phụng Vụ Giờ Kinh.
Chúng ta đang suy niệm về bài ca vịnh này lần thứ hai, dào sâu hơn nữa kho tàng
thần học của bài này. Những câu của bài này sáng tỏ trước đức tin Kitô giáo về
những ngọn nguồn được tập trung nơi hình ảnh Giêsu là vị được nhìn nhận và loan
báo là người anh em của chúng ta theo nhân tính những cũng là Chúa Tể của vũ trụ.
Bởi thế, nó là một thứ tuyên xưng thực sự đức tin Kitô Học phản chiếu rõ ràng tư
tưởng của Thánh Phaolô mà còn có thể âm vang cả giọng điệu của thứ cộng đồng Do
Thái Giáo và Kitô Giáo trước thời Tông Đồ.
2. Bài Ca Vịnh này bắt đầu từ thần tính của Chúa Giêsu
Kitô. Thật vậy, “bản tính” và thân phận thần linh, theo tiếng Hy Lạp, morphé,
tức là thực tại siêu việt thiết yếu của Thiên Chúa (x. câu 6). Tuy nhiên, Người
đã không coi cái căn tính tối thượng và hiển vinh này của Người nhu là một đặc
ân hãnh diện cần phải huyênh hoang cũng chẳng phải là một dấu hiệu chứng tỏ
quyền năng và một dấu hiệu chứng tỏ tính cách hoàn toàn siêu vượt.
Bài thánh thi ca của chúng ta đây rõ ràng là hướng hạ, tức là hướng đến nhân
loại. Chính trên con đường “hư không hóa” bản thân mình này, hay thực sự tước
lột bản thân khỏi vinh hiển ấy để mặc lấy cái morphé, nói cách khác, mặc lấy cái
thực tại và thân phận của một người tôi tớ, một thân phận mà Ngôi Lời mặc lấy để
đi vào chân trời lịch sử loài người. Thật vậy, Người đã mặc lấy “hình ảnh” con
người (x. câu 7), thậm chí còn chấp nhận cả dấu hiệu của cái giới hạn và hữu hạn
của sự chết nữa. Đó là một sự hạ mình đến tột cùng, vì Người thậm chí chấp nhận
ngay cả caiùi chết trên cây thập tự giá là những gì bị xã hội của thời Người bấy
giờ coi là một hình thức ô nhục nhất (câu 8).
3. Chúa Kitô đã muốn hạ mình xuống không còn hiển vinh
cho đến độ chết trên thập giá; đó là diễn tiến đầu tiên của bài Ca Vịnh này, một
diễn tiến cho thấy những sắc thái khác của nó là những gì chúng ta sẽ bàn đến
vào dịp khác.
Diễn tiến thứ hai theo một chiều hướng ngược hẳn lại: chiều hướng từ dưới lên
cao, từ hạ giáng tới thăng hoa. Chính Cha là Đấng tôn vinh Con, dứt Người cho
khỏi bàn tay của tử thần và tôn Người là Chúa của vũ trụ (x câu 9). Cả Thánh
Phêrô nữa, trong bài diễn từ vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, đã tuyên bố rằng “Thiên Chúa
đã làm cho Người thành Chúa và là Đức Kitô, Giêsu mà anh em đã đóng đanh” (Acts
2:36). Bởi thế, Phucỉc Sinh là một cuộc Hiển Linh trọng thể thần tính của Chúa
Kitô, một cuộc hiển linh ban đầu bị che dấu bởi thân phận của Người là một tôi
tớ và hữu tử.
4. Trước hình ảnh cao cả của Chúa Kitô vinh quang và
hiển trị, mọi người hãy quì gối xuống mà tôn thờ. Việc mạnh mẽ tuyên xưng đức
tin được vang lên chẳng những từ toàn thể chân trời lịch sử nhân loại mà còn cả
từ trên trời cao và trong hỏa ngục nữa (câu 10): “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (câu
11). “Chúng ta thấy Chúa Giêsu là Đấng trong một thời gian bị hạ thấp hơn các
thiên thần, đã được tôn vinh và danh dự bởi việc chịu chết của Người, để nhờ ơn
Chúa, Người có thể chịu chết cho hết mọi người” (Heb 2:9).
Chúng ta hãy kết thúc bài phân tích ngắn ngủi của chúng ta về bài Ca Vịnh
Philiphê , bài ca vịnh chúng ta sẽ trở lại sau này một lần nữa, bằng việc lắng
nghe những lời của Thánh Âu Quốc Tinh, vị mà, trong bài Dẫn Giải Phúc Âm Thánh
Gioan (Commento al Vangelo di San Giovanni), đã nói đến bài thánh thi ca của
Thánh Phaolô ấy, để chúc tụng quyền năng ban sự sống của Chúa Kitô, Đấng mang
lại cho chúng ta sự phục sinh, giật chúng ta ra khỏi định mạng chết chóc của
chúng ta.
5. Đây là những lời của vị Đại Giáo Phụ của Hội Thánh:
“Chúa Kitô, ‘mặc dù mang bản tính thần linh, đã không cứ nghĩ minh ngang hàng
với Thiên Chúa’. Chúng ta ở chốn vực thẳm này, yếu hèn và dính liền với trái đất,
nên không thể tiến đến với Thiên Chúa được, sẽ trở nên những gì đây? Chẳng lẽ
chúng ta lại bị bỏ mặc cho chính mình hay sao? Chắc chắn là không phải như thế.
Người “đã tự hủy mình ra như không, mặc lấy thân phận tôi đòi’, nhưng Người vẫn
không loại trừ thân phận thần linh của Người. Bởi thế, Đấng vốn là Thiên Chúa đã
biến mình thành loài người, mặc lấy những gì không làm Người mất đi cái Người là;
Thiên Chúa đã làm người là như thế. Ở đây, một đàng anh em tìm được hỗ trợ nơi
nỗi yếu hèn của mình, đàng khác, anh em tìm thấy được cả những gì anh em cần để
đạt tới sự trọn lành. Chúa Kitô đã nâng anh em lên bằng nhân tính của Người,
Người hướng dẫn anh em bằng thần tính loài người của Người, và dẫn anh em đến
với thần tính của Người. Ôi anh em thân mến, tất cả mọi giáo huấn của Kitô giáo
cũng như công cuộc cứu độ được tập trung nơi Chúa Kitô được tóm lại nơi điều này,
không còn ở chỗ nào khác nữa, đó là, nơi việc phục sinh cuảa linh hồn và việc
phục sinh của thân xác. Cả hai đều đã bị chết: thân xác bị chết vì nỗi yếu đuối
của nó, linh hồn bị chết vì tình trạng yeếu hèn của nó; cả hai đều bị chết, và
cả hai, linh hồn và thân xác, đều đã được phục sinh. Nhờ ai linh hồn được sống
lại, nếu không phải bởi Đức Kitô là Thiên Chúa hay sao? Bởi ai mà thân xác sống
lại, nếu không phải bởi Đức Kitô là Con Người hay sao?... Linh hồn của anh em
sống lại từ nỗi yếu hèn của mình nhờ thần tính của Người, và thân xác của anh em
sống lại từ tình trạng hủy hoại nhờ nhân tính của Người” (Commento al Vangelo di
San Giovanni, 23, 6, Rome, 1968, p. 541).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
từ tài liệu của Tòa Thánh trong mục Triều Kiến Chung Hằng Tuần.