Bài 119 (Thứ Tư 29/9/2004)
Một Lễ Cưới Linh Đình ở Cung Điện Đức Vua(Thánh Vịnh 44 [45]: 2-10, Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Hai)
1. “Tôi hát bài chúc tụng đức vua”: Những lời mở đầu bài Thánh Vịnh 44 (45) này cống hiến cho độc giả một tư tưởng về tính chất chính yếu của bài thánh thi ca này. Vị luật sĩ của cung đình sáng tác bài chúc tụng này cho chúng ta thấy ngay rằng nó là một bài thơ tôn vinh chủ quyền của dân Do Thái. Ngoài ra, khi đọc hết các câu của bài này, hiển nhiên nó còn là một hôn phối ca, tức là một bài ca về hôn nhân.Các vị học giả đã cố gắng xác định những chi tiết phối hợp về lịch sử của bài Thánh Vịnh này, căn cứ vào một số đầu mối, chẳng hạn như việc liên hệ của bà Nữ Hoàng với thành Phoenician ở Tyrô (câu 13), thế nhưng vẫn không thể cho đó thực sự là một cặp vương giả. Chi tiết đề cập tới một Đức Vua Do Thái cũng cho phép truyền thống Do Thái có thể biến bài thánh vịnh này thành bài ca về Đức Vua Thiên Sai, và truyền thống Kitô Giáo có thể đọc lại bài thánh vịnh này theo chiều hướng Kitô học, và vì có sự hiện diện của Bà Nữ Hoàng, cũng theo cả quan điểm Thánh Mẫu học nữa.
2. Phụng Vụ Kinh Tối trình bày bài Thánh Vịnh này như là một kinh nguyện có hai phần. Chúng ta vừa nghe phần thứ nhất (câu 2-10), phần mà, theo lời dẫn nhập của vị tác giả luật sĩ gợi lên (câu 2), cho thấy một bức tranh lộng lẫy về một vị vương chủ sắp sửa cử hành tiệc cưới của mình.
Bởi thế, Do Thái giáo đã thấy nơi bài Thánh Vịnh 44 (45) này là một bài ca về hôn phối, một bài ca tôn tụng vẻ đẹp và nhấn mạnh đến tặng ân yêu thương giữa các đôi phối ngẫu. Đặc biệt là phụ nữ có thể lập lại theo Sách Diễm Tình Ca: “Tình nhân của tôi thuộc về tôi và tôi thuộc về người” (2:16). “Tôi thuộc về người yêu của tôi và người yêu của tôi thuộc về tôi” (6:3).
3. Lược sử về vị hôn phu vương giả được diễn tả một cách long trọng qua cảnh tượng của một cung đình. Chàng mang những huy hiệu quân binh (câu 4-6), với chiếc áo choàng lộng lẫy ngát hương, trong một bối cảnh sáng ngời các lâu đài, những sảnh đường nguy nga mầu ngà voi âm vang tiếng nhạc (câu 9-10). Trung tâm điểm là ngai vàng, và vương trượng cũng được đề cập tới, đó là hai dấu chỉ về quyền uy và việc phong vương (câu 7-8).
Đến đây chúng ta cần phải nhấn mạnh đến hai yếu tố. Trước hết là vẻ đẹp của vị hôn phu, dấu hiệu của sự rạng ngời nội tâm và phúc lành thần linh: “Ngài đẹp nhất trong con cái loài người” (câu 3).
Chính vì câu này mà truyền thống Kitô giáo đã miêu tả Chúa Kitô trong thân phận của một con người thành toàn và có sức thu hút. Trong một thế giới đầy những cái xấu xa ghê tởm và đê hèn này thì hình ảnh ấy là lời mời gọi hãy tái khám phá ra “via pulchritudinis” (con đường của vẻ đẹp) trong đức tin, theo thần học và nơi đời sống xã hội để tiến lên tới vẻ đẹp thần linh.
4. Tuy nhiên, vẻ đẹp không phải là cùng đích của nó. Tính chất thứ hai chúng ta muốn nêu lên thực sự liên quan tới việc hội ngộ giữa vẻ đẹp và công lý. Thật vậy, vị vương chủ cưỡi “trên chiến thắng. Nhân danh chân lý và công lý” (câu 4 và 5); người “yêu chuộng công lý và ghét gian tà” (câu 8) và “vương trượng công lý “ (câu 7) thuộc về người. Vẻ đẹp cần phải được hòa hợp với sự thiện hảo và thánh đức của đời sống thì dung nhan ngời sáng của vị Thiên Chúa thiện hảo, tuyệt vời và công chính mới chiếu rạng trên thế giới.
Theo các vị học giả thì ở câu 7, tên gọi “Thiên Chúa” được ngỏ cùng chính Đức Vua, vì vua được Chúa thánh hiến, do đó một cách nào đó thuộc về lãnh giới thần linh: “Ngai vàng thần linh của người tồn tại muôn đời”.
Bài Thánh Vịnh này có thể là một lời kêu cầu cùng Đức Vua tối cao duy nhất là Vị Chúa Tể, Đấng cuí mình xuống trên Đức Vua Thiên Sai. Đó là lý do, khi áp dụng bài Thánh Vịnh này vào Chúa Kitô, Bức Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái không ngần ngại qui tất cả thần tính, chứ không phải chỉ thuần biểu hiệu, cho Người Con là vị đã tiến vào vinh quang của mình (x Heb 1:8-9).
5. Theo chiều hướng giải thích về Kitô học, chúng ta kết thúc bằng việc nhường lời cho các vị Giáo Phụ của Giáo Hội, những vị ghép các giá trị thiêng liêng vào mỗi một câu của bài thánh vịnh. Bởi thế, khi dẫn giải cụm từ của bài Thánh Vịnh nói rằng “Thiên Chúa muôn đời chúc phúc” Đức Vua Thiên Sai (câu 3), Thánh Gioan Kim Khẩu đã áp dụng cụm từ ấy vào Kitô học như sau: “Adong tiên khởi mang đầy mình một lời nguyền rủa rất trầm trọng, còn Adong thứ hai lại được một phúc lành bền bỉ. Adong tiên khởi nghe phán ‘Người phải bị khốn khổ làm lụng’ (Gen 3:17) và ‘Khốn cho kẻ nào làm việc của Chúa một cách uể oải’ (Jer 48:10), và ‘khốn cho kẻ nào không củng cố những lời của lề luật này bằng việc thi hành chúng’ (Deut 27:26), và ‘kẻ bị treo lên bị Thiên Chúa nguyền rủa’ (Deut 21:23). An hem thấy bao nhiều là điều nguyền rủa, khốn nạn hay chăng? Chúa Kitô đã cứu chuộc anh em khỏi tất cả những cái nguyền rủa khốn nạn ấy bằng việc trở thành điều nguyền rủa (x Gal 3:13), ở chỗ, tự hạ để nâng anh em lên và cheat đi để làm cho anh em trở thành bất tử, Người đã trở thành điều nguyền rủa để anh em được hưởng những phúc lành. Còn gì bằng phúc lành này nữa, một phúc lành nhờ điều bị nguyền rủa ban phúc lành cho anh em hay chăng? Người không cần phúc lành, nhưng ban nó cho anh em”. ("Expositio in Psalmum" [Exposition on the Psalm], XLIV, 4: PG, 55, 188-189).
Anh Chị Em thân mến,Vị tác giả Thánh Vịnh diển tả một lễ cưới linh đình ở cung điện Đức Vua. Theo truyền thống thì bài Thánh Vịnh này được giải thích liên quan đến Đức Vua Thiên Sai, nên bởi thế mới liên quan đến chính Chúa Kitô. Chúng ta được thu hút vào vẻ đẹp của vị hôn phu vương giả: “Người đẹp nhất trong con cái loài người”.
Việc chúng ta chiêm ngưỡng dung nhan xinh đẹp của Chúa Kitô phải giúp cho chúng ta loại trừ đi cái ghê tởm của tội lỗi và bắt đầu tiên lên sự trọn lành thần linh. Thế nhưng Đức Vua này cũng là một con người công chính. “Người yêu chuộng sự công chính và ghét sự dữ”. Khi vẻ đẹp được liên kết với sự thiện hảo và thánh đức của đời sống thì ánh quang thiên đình mới chiếu tỏa trên thế giới, và chúng ta mới thoáng nhìn thấy sự thiện hảo, sự lạ lùng và đức công chính của Thiên Chúa.
Cuối buổi triều kiến chung ở Công Trường Thánh Phêrô hôm nay, Lễ Kính 3 Tổng Lãnh Thần Minh-Kha, Ga-Biên và Ra-Phiên, cũng như sắp tới Lễ Thiên Thần Bản Mệnh 2/10 cuối tuần này, là dịp, như ĐTC nói “nghĩ đến sự chuyên chăm Thiên Chúa tỏ ra quan tâm đến mỗi một con người. Hãy nghiệm cảm được sự hiện diện của các thiên thần ở bên anh chị em và hãy để cho các vị hướng dẫn anh chị em”.Ngoài ra, ĐTC cũng lấy làm hết sức vui mừng về tin hai phụ nữ tình nguyện viên Ý là Simona Pari and Simona Torretta ở Iraq bị bắt cóc làm con tin hôm 7/9/2004 và bị hăm dọa ám sát chết nếu chính phủ Ý không rút hết quân ra khỏi Iraq, đã được thả ra. Hôm Thứ Ba 28/9/2004, vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là tiến sĩ Joaquín Navarro Valls đã cho biết: “Đức Giáo Hoàng hết sức vui mừng nhận được tin về việc giải phóng cho hai nữ tình nguyện viên Ý. Ngài cũng nghĩ đến các gia đình, và cùng với họ và với tất cả mọi người thiện chí, tạ ơn Thiên Chúa vì nghĩa cử nhân loại này”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 29/9/2004.