Bài 120 (Thứ Tư 6/10/2004)
Hôn Nhân là Biểu Hiệu choTình Thiên Chúa Yêu Loài Người
(Thánh Vịnh 44 [45]: 11-18, Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Hai)
1. Hình ảnh nữ giới dịu dàng hiện lên trước mắt chúng ta là phần thứ hai của bức song họa làm thành bài Thánh Vịnh 44 (45), một bài ca phối ngẫu yên hàn và hoan lạc, được Phụng Vụ Kinh Chiều phác họa cho chúng ta nguyện cầu. Sauk hi chiêm ngắm vị vua đang cử hành hôn lễ của mình (câu 2-10), giờ đây ánh mắt của chúng ta hướng về hình ảnh của vị nữ hoàng hôn thê (câu 11-18). Quan điểm phu thê hôn nhân này cho phép chúng ta giành bài Thánh Vịnh này cho tất cả mọi cặp sống đời hôn nhân một cách thiết tha và mới mẻ về nội dung là dấu hiệu của một “mầu nhiệm cao cả”, như Thánh Phaolô nêu lên, mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha đối với nhân loại và của Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Người (x Eph 5:32). Tuy nhiên, bài Thánh Vịnh này còn mở ra một chân trời xa hơn nữa.Vị vua Do Thái xuất hiện nhập cuộc, là Đấng được truyền thống Do Thái sau đó cho là hình ảnh của Đấng Thiên Sai thuộc giòng dõi Đavít, và Kitô Giáo đã biến bài thánh thi ca này thành một bài tôn vinh Chúa Kitô.
2. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta chú trọng đến hình ảnh của vị nữ hoàng, vị được nhà thơ hoàng triều, tác giả của bài Thánh Vịnh (x câu 2) phác họa một cách hết sức tinh tế và cảm xúc.
Chi tiết nói đến thành Phoenicia ở Tyre (câu 13) khiến cho người ta nghĩ rằng bà là một vị nữ hoàng ngoại quốc. Bởi thế có thể hiểu là tiếng gọi quên đi dân tộc của bà cùng nhà cha của bà (câu 11) là nơi vị nữ hoàng này đã phải từ giã để ra đi lên đường.
Ơn gọi hôn nhân này là một biến cố chuyển thay đời sống, như được thấy trong Sách Khởi Nguyên: “Bởi thế, người nam từ bỏ cha mình và mẹ mình để gắn bó với vợ và cả hai trở nên một xác thịt” (Gen 2:24). Vị nữ hoàng hôn thê bấy giờ đang tiến lên, với người tháp tùng phối ngẫu của nàng, mang các lễ vật lên vua đang ngây ngất trước sắc đẹp của bà (câu 12-13).3. Vấn đề quan trọng ở đây đó là việc tác giả Thánh cứ tôn tụng người đàn bà này là Nàng “toàn mỹ” (câu 14), và cái vẻ rạng rỡ này được thể hiện nơi chiếc áo choàng thành hôn, những hạt trân châu và gấm vóc kim tuyến lụa là (x câu 14-15).
Thánh Kinh yêu thích vẻ đẹp như là một thứ phản ảnh ánh rạng ngời của chính Thiên Chúa; y phục cũng phản ảnh cái dấu hiệu của một thứ ánh sáng nội tâm rạng ngời, của cái vô tội của tâm hồn.
Tâm tưởng của chúng ta, một đàng, cũng theo chiều hướng của những đoạn Diễm Tình Ca tuyệt vời (see cc. 4 & 7), và một đàng thì theo những đoạn của Sách Khải Huyền phác tả “cuộc hôn nhân của Con Chiên”, tức là của Chúa Kitô với cộng đồng thành phần được cứu chuộc, một cuốn sách đề cao giá trị biểu hiệu của những chiếc áo choàng thành hôn: “Vì ngày cưới của Con Chiên đã tới, vị hôn thê của con chiên đã sửa soạn sẵn sàng. Nàng được trang phục bằng chiếc áo vải sạch sẽ sáng sủa” (Rev 19:7-8).
4. Cùng với vẻ đẹp, niềm vui cũng được đề cao là những gì được phản ảnh nơi đoàn “tỳ nữ được bà huấn luyện”, những đứa con gái trẻ trung đi theo vị hôn thê “hân hoan vui vẻ hoan hô” (câu 15-16). Niềm vinh dự này, còn sâu đặc hơn là niềm vui bình thường nhiều, là một biểu hiệu của yêu thương là những gì tham dự vào sự thiện của người được yêu một cách yên tâm.
Giờ đây, theo những lời kết thúc đầy ước muốn tốt đẹp, một thực tại khác đã được phác họa hết sức gắn liền với đời sống hôn nhân, đó là việc sinh sôi nay nở. Thật vậy, nó đã nói đến “những người con trai” và “những giòng dõi” (câu 7-8). Tương lai, không phải chỉ của triều đại này mà của nhân loại, được xuất hiện chính vì đôi phối ngẫu này cống hiến những tạo vật mới cho thế giới.Đó là một đề tài quan trọng và hợp thời cho Tây Phương, nơi thường không có khả năng bảo đảm cho việc hiện hữu của mình trong tương lai qua giòng dõi của mình cũng như qua việc chăm sóc cho các tạo vật mới, thành phần tiếp tục nền văn minh của các dân tộc và hiện thực lịch sử ơn cứu độ.
5. Ai cũng biết rằng nhiều vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã thấy Mẹ Maria nơi hình ảnh nữ hoàng được mở đầu bằng lời kêu gọi ấy: “Hãy lắng nghe hỡi nữ tử của Ta và hãy thấu hiểu; hãy can thận lắng nghe Ta…” (câu 11). Quan niệm này được thấy chẳng hạn như trong Bài Giảng về Mẹ Thiên Chúa của giáo phụ Crispinian ở Giêrusalem, một người Cappadocian ở Palestine trong số những đan sĩ thành lập đan viện Thánh Euthymius, và khi trở thành linh mục đã làm bảo quản viên Thánh Giá ở Đền Thờ Anasthasis Giêrusalem.
Vị giáo phụ này hướng về Mẹ Maria bằng những lời lẽ sau đây: “Con xin dâng lên Mẹ lời lẽ của con đây, dâng lên Mẹ là người hôn thê của vị đại vương chủ; con xin dâng lên Mẹ lời lẽ của con đây, dâng lên Mẹ là người đã thụ thai Lời Chúa một cách chỉ có Ngài biết… ‘Hãy nghe, ôi nương tử, hãy coi; hãy lắng nghe’; thật vậy, biến cố cứu chuộc mừng vui của thế giới đã được chứng thực. Hãy lắng tai và những gì người nghe thấy sẽ nâng tâm can người lên… ‘Hãy quên dân tộc của người và nhà thân phụ ngươi’: đừng chú ý tới những liên hệ trần thế này, vì người sẽ được biến đổi thành một Nữ Hoàng thiên quốc”. Vị giáo phụ này viết tiếp: “Hãy nghe để biết được rằng Đấng là Tạo Hóa và là Chủ Tể tất cả mọi sự yêu thương người ra sao. ‘Thật thế’, Ngài phán, ‘Đức Vua ham mộ sắc đẹp của người’: chính Chúa Cha sẽ chọn người làm vị hôn thê của Ngài; Thần Linh sẽ sửa soạn mọi sự cần thiết cho cuộc thành hôn ấy. Đừng nghĩ rằng người sẽ hạ sinh một con trẻ nhân trần, ‘vì Ngài là Chúa của người mà người phải tôn thờ’. Đấng Tạo Dựng nên người đã trở thành con của người; người sẽ thụ thai Ngài, và cùng với những người khác, người sẽ tôn thờ Ngài là Chúa của mình” (Marian Texts of the First Millennium, I, Rome, 1988, pp. 605-606).
Anh Chị Em thân mến,Bài Thánh Vịnh tuyệt vời chúng ta vừa nghe là phần thứ hai của bài ca hôn phối êm đềm tươi vui, một bài ca được nguyện ca trong phụng vụ nguyện cầu ban tối. Bài thánh thi ca hôn lễ này cho chúng ta thấy hai hình ảnh: hình ảnh rạng rỡ của hôn phu cùng vị Nữ Hoàng và hình ảnh hân hoan của đoàn tháp tùng hầu cận của vị nữ hoàng này.
Bản chất hôn nhân của những câu cú ấy cho phép chúng ta giành bài Thánh Vịnh này cho tất cả mọi cặp vợ chồng hằng ngày cố gắng sống ơn gọi của mình một cách dứt khoát và hăng say. Hôn nhân là một biến cố đổi thay cuộc đời và là một dấu hiệu cho thấy “mầu nhiệm cao cả” của tình yêu Chúa Cha đối với nhân loại cũng như của tình yêu Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Người.
Khi chúng ta suy nghĩ về hình ảnh của Vị Nữ Hoàng Trinh Nguyên, chúng ta nghĩ đến Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, Vị đã lãnh nhận lời loan báo hiển vinh về công cuộc cứu chuộc thế giới. Nhờ lời chuyển cầu của Nữ Vương Thiên Đình, chúng ta hãy hướng về mầu nhiệm cao cả của tình yêu Chúa Cha khi chúng ta nỗ lực theo Chúa Giêsu Kitô của chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 6/10/2004.