Bài giáo lý 121, Thứ Tư 13/10/2004
Ơn Cứu Chuộc Bởi Máu Chúa Kitô
(Ca Vịnh Êphêsô 1:3-10, Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Hai)
1. Chúng ta đang ở trước một bài thánh thi ca trịnh trọng chúc tụng mở đầu cho Bức Thư gửi giáo đoàn Êphêsô, một đoạn sâu xa về thần học và tu đức, một diễn đạt tuyệt vời về đức tin và có lẽ về cả phụng vụ của Giáo Hội trong thời các tông đồ.
Bài thánh thi ca này được sắp xếp bốn lần cho cả 4 tuần lễ Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều, nhờ đó tín hữu có thể chiêm ngưỡng và cảm nhận được hình ảnh cao cả của Chúa Kitô là tâm điểm của tu đức và phụng vụ Kitô Giáo, cũng như là nguyên lý của mối hiệp nhất và của ý nghĩa về vũ trụ cùng toàn thể lịch sử. Lời chúc tụng từ loài người dâng lên Chúa Cha là Đấng ở trên trời (x câu 3), được tác động bởi công cuộc cứu độ của Người Con.
2. Nó được mở đầu bằng dự án thần linh hằng hữu, một dự án Chúa Kitô được kêu gọi để hoàn tất. Dự án này, trước hết cho thấy sự kiện là chúng ta được tuyển chọn để trở thành “thánh hảo và tinh tuyền”, không phải ở mức độ về nghi thức, như những tĩnh từ này vốn được sử dụng trong Cựu Ước cho việc phụng vụ hy tế dường như cho thấy như vậy, mà là trong yêu thương (x câu 4). Bởi thế, đây là vấn đề của thánh đức và của luân lý, của sự hiện hữu, của tình trạng tinh tuyền nội tâm.
Tuy nhiên, đối với chúng ta, Chúa Cha đã có một dự án khác trong lòng của Ngài, đó là qua Chúa Kitô Ngài đã ấn định việc chúng ta lãnh nhận tặng ân làm con cái, trở thành những người con trong Người Con và trở nên an hem của Chúa Giêsu (x Rm 8:15,23; 9:4; Gal 4:5). Quà tặng ân sủng này được tuôn đổ qua “Người Con Yêu Dấu”, Người Con Duy Nhất đích thực (x câu 5-6).
3. Theo đường lối ấy Chúa Cha thực hiện một cuộc biến đổi sâu xa trong chúng ta, đó là một cuộc hoàn toàn giải phóng khỏi sự dữ, “một cuộc cứu chuộc bằng máu” của Chúa Kitô, “một cuộc thứ tha các thứ vấp phạm của chúng ta” nhờ “kho tàng phong phú ân sủng của Người (x câu 7). Việc hy sinh của Chúa Kitô trên thập tự giá, một tác động tuyệt đỉnh của lòng yêu thương và tình đoàn kết, đã chiếu giãi trên chúng ta muôn vàn tia sáng, muôn vào “khôn ngoan và minh thức” (x câu 8). Chúng ta là những tạo vật được biến đổi, ở chỗ, các tội lỗi của chúng ta được hủy đi, chúng ta trọn vẹn nhận biết Chúa. Theo ngôn ngữ thánh kinh, nếu việc nhận biết là biểu hiệu của yêu thương, thì yêu thương đưa chúng ta vào “mầu nhiệm” của ý muốn thần linh sâu xa hơn (x câu 9).
4. Một “mầu nhiệm”, tức là, một dự án siêu việt và toàn hảo, nhắm đến đối tượng của mình là một dưựán cứu độ tuyệt vời: đó là “hiệp nhất tất cả mọi sự nơi Người, những sự trên trời và những sự dưới thế” (câu 10). Bản văn Hy ngữ nói đến là Chúa Kitô đã trở thành “kefalaion”, tức là một trụ điểm, một trục chính mà toàn thể tạo sinh đang qui về và chiếm được ý nghĩa của mình. Cũng từ ngữ Hy lạp này liên quan đến một chữ khác đặc biệt được yêu chuộng trong các Bức Thư gửi giáo đoàn Êphêsô và Colosê, đó là chữ “kefale”, hay thủ lãnh, nói lên phận vụ được Chúa Kitô hoàn tất nơi thân thể Giáo Hội.
Đến đây cảnh trí trở nên bao rộng hơn và có tính cách vũ trụ, bao gồm cả khía cạnh đặc biệt hơn về giáo hội nơi công cuộc của Chúa Kitô. “Người đã hòa giải với mình tất cả mọi sự, dù dưới thế hay trên trời, giải hòa bằng máu thập giá của Người” (Col 1:20).
5. Chúng ta hãy kết thúc bài suy niệm của chúng ta bằng lời nguyện cầu chúc tụng và tạ ơn về việc Chúa Kitô cứu chuộc chúng ta. Chúng ta làm điều này bằng những lời lẽ của một bản văn được bảo tồn trong một cói giấy cổ ở thế kỷ thứ 4.
“Chúng con kêu cầu Ngài, lạy Chúa là Thiên Chúa. Chúa biết hết mọi sự, không gì thoát được Chúa là Vị Sư Phụ của chân lý. Chúa đã dựng nên vũ trụ và trông coi tất cả mọi hữu thể. Chúa hướng dẫn trên con đường chân thật những ai đã ở trong tối tăm và bóng tối sự chết. Chúa mong cứu tất cả mọi người và làm cho họ nhận biết sự thật. Cùng nhau chúng con dâng lên Chúa lời chúc tụng cùng những bài thánh thi ca tạ ơn”.
Lời cầu nguyện tiếp tục như sau: “Chúa đã cứu chuộc chúng con, bằng máu quí giá và tinh tuyền của Ngươiụ Con Chúa duy nhất khỏi mọi thứ hư hoại và tình trạng nô lệ. Chúa đã giải thoát chúng con khỏi ma quỉ và ban cho chúng con vinh hiển và tự do. Chúng con đã chết đi và Chúa đã làm cho chúng con tái sinh, cả hồn lẫn xác, trong Thần Linh. Chúng con đã bị ra ô uế và Chúa đã thanh tẩy chúng con. Bởi thế, chúng con cầu xin Cha giầu lòng xót thương và là vị Thiên Chúa của mọi nguồn ủi an là hãy làm cho chúng con vững vàng theo đuổi ơn gọi của mình, trong việc tôn thờ và trong sự tín trung.
Lời cầu nguyện kết thúc bằng lời cầu: “Xin hãy kiên cường chúng con, Ôi Chúa Nhân Ái, bằng sức mạnh của Chúa. Xin hãy soi chiếu linh hồn chúng con bằng ơn an ủi của Chúa…. Xin hãy cho chúng con được thấy, tìm kiếm và chiêm ngưỡng những sản vật trên trời chứ không phải những sản vật trần thế. Nhờ vậy, với sức mạnh ân sủng của Chúa, vinh quang được qui về cho Đấng toàn năng, chí thánh, quyền năng mãnh lực xứng đáng với tất cả mọi lời chúc tụng, trong Chúa Giêsu Kitô, người Con Yêu Dấu, với Thành Linh muôn đời vĩnh cửu. Amen” (A. Hamman, "Preghiere dei Primi Cristiani," [Early Christian Prayers], Milan, 1955, pp. 92-94).
Anh Chị Em thân mến,
Bài ca vịnh mở đầu cho Bức Thư gửi giáo đoàn Êphêsô được xướng lên mỗi tuần trong Phụng Vụ Giờ Kinh. Bài ca vịnh này là một diễn đạt tuyệt vời về đức tin và về tu đức của Giáo Hội ở vào thời tông đồ.
Bài ca vịnh này là một bài thánh thi ca tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha về các phúc lành đã ban xuống trên chúng ta qua Người Con yêu dấu của Ngài. Bởi máu của Chúa Kitô, chúng ta được hòa giải với Chúa Cha, được thánh hóa trước nhan Ngài, và được ban ân sủng để trở nên những người con trai, con gái thừa nhận của Ngài.
Nhờ mầu nhiệm thập giá, chúng ta đã được ơn khôn ngoan để hiểu biết dự án vĩnh cửu của Thiên Chúa trong việc hiệp nhất trong Chúa Kitô tất cả mọi sự trên trời dưới đất. Vị Chúa vinh hiển này nhờ đó chẳng những xuất hiện như đầu của Nhiệm Thể là Giáo Hội, mà còn là nguồn mạch và trung tâm của một thế giới đã được hòa giải và canh tân.
Khi kết thúc bài giáo lý về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, Ngài còn nhắc nhủ 16 ngàn người qui tụ lại Quảng Trường Thánh Phêrô về Năm Thánh Thể rằng: “Vào lúc mở đầu cho Năm Thánh Thể, hãy cố gắng hết sức để theo Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Hãy trở thành những kẻ thường xuyên tôn thờ Bí Tích Cực Thánh!”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 13/10/2004.